LTCGVN (24.08.2014)
“Nguyên tắc xét xử công khai là một trong những điều kiện đảm bảo cho hoạt động xét xử được công bằng, nghiêm minh. Tính công khai trong công tác xét xử có nghĩa là việc xét xử các vụ án hình sự được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền được tham dự và theo dõi diễn biến của phiên toà xét xử. Là điều kiện cho người dân thực hiện quyền giám sát cơ quan tiến hành tố tụng, giám sát hoạt động xét xử của Tòa án, buộc những người tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm hơn, nghiêm minh hơn… Như vậy, ngăn cản người dân dự phiên tòa công khai là vi phạm quyền con người, vi phạm quyền giám sát của người dân, vi phạm “khẩu hiệu” dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra…” Lm. Giuse Đinh Hữu Thoại, Chánh văn phòng Công Lý và Hòa Bình DCCT Sài Gòn, nhận định.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 69/2014/HSST-QĐ do thẩm phán Bùi Phước Lộc ký vào ngày 28.07.2014 , phiên tòa xét xử bà Bùi Hằng và những người bạn, vào lúc 7 giờ 30 ngày 26.08.2014, tại tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Tháp – là công khai. Nhưng suốt mấy ngày hôm nay, những người yêu mến bà Bùi Hằng và những người bạn, đã bị công an hạch sách và sách nhiễu đủ điều nhằm ngăn cản họ đến tham dự phiên tòa.
Để hiểu rõ hơn quyền và nghĩa vụ của công dân được tham dự phiên tòa xét xử công khai là như thế nào, sau đây xin mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn giữa Pv.VRNs với Lm. Giuse Đinh Hữu Thoại, Chánh văn phòng Công Lý và Hòa Bình DCCT Sài Gòn.
Huyền Trang, VRNs: Thưa cha, con được biết Tòa án Đồng Tháp đang chuẩn bị đưa các nhà đấu tranh dân chủ nổi tiếng là bà Bùi Hằng, ông Văn Minh và bà Thúy Quỳnh ra xét xử công khai vào ngày 26.8.2014, với tội danh truy tố là “Gây rối trật tự công cộng”. Thế nhưng, qua thông tin con được biết, ngay từ những ngày qua, công an đã tiến hành rất nhiều “biện pháp nghiệp vụ” nhằm ngăn cản người dân đến tham dự phiên tòa, và nhiều khả năng, phiên tòa xét xử sơ thẩm tại Đồng Tháp tới đây, giống như nhiều phiên Tòa xét xử những nhà đấu tranh dân chủ, bất đồng chính kiến khác như ông Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), bà Tạ Phong Tần, Luật sư Lê Quốc Quân, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, sinh viên Phương Uyên… phiên tòa tuyên bố “xét xử công khai” nhưng lại “cấm người dân tham dự”. Thưa cha, cha có ý kiến gì về điều này ạ?
Lm. Đinh Hữu Thoại: Tôi cũng có dự đoán như Huyền Trang. Không kể hành vi vi phạm của công an, theo qui định tại khoản 3 Điều 102 Hiến pháp 2013: “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân…”. Và Điều 1 Luật Tòa án qui định “… Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể; bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân. Bằng hoạt động của mình, Tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác”. Thế nhưng, Tòa án – bằng việc ngăn cản công khai không cho người dân tham dự các phiên Tòa xét xử công khai – đang là nơi vi phạm nghiêm trọng pháp luật, xâm phạm quyền con người, quyền công dân, quyền tự do, ngăn cản “ý thức đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm”.
Huyền Trang, VRNs: Vâng, thưa Cha, cụ thể vi phạm pháp luật như thế nào ạ?
Lm. Đinh Hữu Thoại: “Trước hết, khoản 3 Điều 103 Hiến pháp 2013 qui định: “Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín”. Tương tự, Điều 7 Luật Tòa án cũng qui định: “Tòa án xét xử công khai, trừ trường hợp cần xét xử kín để giữ gìn bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của các đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ”. Và một trong những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật TTHS là “xét xử công khai” được khẳng định rõ tại Điều 18: “Việc xét xử của Tòa án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, … Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, hoặc để giữ bí mật của đương sự, Tòa án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai”.
Nguyên tắc xét xử công khai là bảo đảm “quyền bình đẳng của con người”. Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền của Liên hợp quốc dành vị trí trang trọng nhất để tuyên bố quyền tự do và bình đẳng, không bị phân biệt đối xử, quyền bình đẳng trước pháp luật: “Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ như nhau mà không có bất kỳ sự phân biệt nào”. Việc xét xử không công khai – trái với qui định pháp luật – trong vụ án, chính là một hình thức phân biệt đối xử, vi phạm quyền con người, vi phạm quyền bình đẳng trước pháp luật của người bị đưa ra xét xử. Nguyên tắc xét xử công khai là một trong những điều kiện đảm bảo cho hoạt động xét xử được công bằng, nghiêm minh. Tính công khai trong công tác xét xử có nghĩa là việc xét xử các vụ án hình sự được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền được tham dự và theo dõi diễn biến của phiên toà xét xử. Là điều kiện cho người dân thực hiện quyền giám sát cơ quan tiến hành tố tụng, giám sát hoạt động xét xử của Tòa án, buộc những người tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm hơn, nghiêm minh hơn… Như vậy, ngăn cản người dân dự phiên tòa công khai là vi phạm quyền con người, vi phạm quyền giám sát của người dân, vi phạm “khẩu hiệu” dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra…
Người ta còn đề cập đến lợi ích của xét xử công khai là nhằm “góp phần giáo dục công dân tôn trọng và nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật”. Lẽ vậy, họ mới phải lấy tiền thuế của dân để tổ chức các phiên tòa lưu động công khai về các tội cướp, hiếp, giết… tại nơi xảy ra vụ án, nơi tập trung đông người dân… như vụ tòa án Sài Gòn vừa mở phiên tòa lưu động tại chung cư Nguyễn Kim ngày 22.8.2014 để xử tử hình bị cáo Nguyễn Quang Mạnh về tội giết người, cướp tài sản. Rồi, họ cũng lại dùng tiền thuế của dân để chi ra cho các lực lượng ngăn chặn từ xa người dân đến dự phiên tòa công khai xét xử những người yêu nước.
Huyền Trang, VRNs: Thưa Cha, vậy thì trường hợp nào thì tòa án được xử kín ạ?
Lm. Đinh Hữu Thoại: Theo qui định của pháp luật thì có 3 trường hợp được xử kín là: cần giữ bí mật nhà nước; thuần phong – mỹ tục và theo yêu cầu đương sự nhằm “giữ bí mật đời tư”.
Cụ thể, căn cứ Điều 1 Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước thì: “Bí mật Nhà nước là những tin về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác mà Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Như vậy, hầu như chỉ có tội “gián điệp” với hành vi qui định tại điểm c khoản 1 Điều 80 BLHS là : “cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật nhà nước cho nước ngoài…”, và tội “cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước” (Điều 263 BLHS) là có liên quan.
Về “thuần phong – mỹ tục” thì có vụ tòa án Hà Nội xử kín “phát tán video đen” của một diễn viên, ca sĩ nổi tiếng vào năm 2008. Còn “bảo vệ bí mật riêng tư” theo yêu cầu thì cũng có vụ xử kín nguyên phó chủ nhiệm ủy ban thể dục thể thao Lương quốc Dũng “hiếp dâm trẻ em” vào năm 2000… Cần nhắc lại, theo qui định thì dù xử kín, nhưng phải “tuyên án công khai”. Nghĩa là khi tuyên án, người dân vẫn phải được tham dự.
Huyền Trang, VRNs: Thưa Cha, như vậy, tội danh mà Tòa án Đồng Tháp đưa ra xét xử bà Bùi Hằng, ông Văn Minh và bà Thúy Quỳnh theo Điều 245 BLHS: “Tội gây rối trật tự công cộng” thì không thuộc trường hợp xử kín. Thậm chí, quyết định đưa vụ án ra xét xử số 69/2014/HSST-QĐ ngày 28.07.2014 của tòa án Đồng Tháp còn ghi rõ ở mục 1 là “Vụ án được xét xử công khai”. Vậy theo cha thì người dân có được tự do tham dự phiên tòa này?
Lm. Đinh Hữu Thoại: Qua các thông tin, công an sách nhiễu, “dùng biện pháp nghiệp vụ” ngăn chặn nhiều người có ý định đi Đồng Tháp tham dự phiên tòa, ngay từ những ngày qua, thì điều gần như chắc chắn, tòa án Đồng Tháp sẽ ngang nhiên vi phạm pháp luật, ngăn cản người dân đến tòa theo dõi phiên Tòa xét xử bà Bùi Hằng, mà có người đưa ra câu viết vui là “vụ án hai xe đi hàng ba”… Mục đích của tòa chắc chắn là không muốn người dân thấy những “chứng cứ” gian dối, thấy cách “xét xử” không nghiêm minh, không công bằng. Và nhất là không muốn cho những người bị xét xử hoặc dư luận thấy, những người bị gọi là “tội phạm” này sao lại được đông người ủng hộ như vậy…
Thế nhưng, tôi biết, và mọi người có thể kiểm chứng trên các thông tin đăng tải trên mạng, hoặc trực tiếp đến kiểm tra, hiện nay, hàng ngày, tòa án Hà Nội – số 43 Hai Bà Trưng – quận Hoàn Kiếm Hà Nội, hay Tòa phúc thẩm Tòa án tối cao tại Sài Gòn vẫn đang ngang nhiên vi phạm pháp luật, họ chặn người dân không cho tham dự phiên tòa, dù là vào dự xét xử người thân của họ. Mục đích không phải như tôi nêu trên đối với vụ án bà Bùi Hằng hay nhữngngười yêu nước khác… mà còn vì “tham nhũng”. Chỉ những ai có giấy mời hoặc có… tiền mới được đi qua cổng tòa. Báo Tuổi trẻ online phản ánh: “Việc không cho người dân vào tòa xem xét xử không những vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, mà còn làm nảy sinh tiêu cực. Theo phản ảnh của một số người dân, ai có tiền cho lực lượng bảo vệ ở cổng TAND TP Hà Nội sẽ được vào tòa”. Luật sư Ngô Ngọc Trai -thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Nam Định- đã gửi kiến nghị đến Chánh án Tòa án Tối cao nêu rõ: “Một khách hàng của tôi kể rằng, tháng 9/2012 để được bảo vệ cho vào tham dự phiên tòa xử con em họ tại TAND thành phố Hà Nội, họ đã phải lót tay cho bảo vệ tòa án 1,5 triệu đồng để cho 4 người gồm bố, mẹ, chị gái và anh rể được qua cổng tòa án, họ bị yêu cầu không được vào phòng xử mà chỉ đứng ngoài hành lang nghe và nhìn vào phiên tòa xét xử”. Một luật sư khác kể, rất ngạc nhiên khi các con ruột của bị cáo bị kết án tử hình trong vụ án ma túy, nhưng lại không được bảo vệ và công an gác cổng tòa Hà Nội cho vào dự tòa. Khi luật sư nhờ Thư ký Tòa can thiệp, thì chỉ được vào 2 người nhưng phải ngồi ngoài hành lang… nghe, vì phòng xử đóng cửa. Một luật sư ở Hà Nội đã nói nhỏ: “phải chi tiền”… và ngay buổi chiều, cả 7 người thân đều được qua cổng tòa án vào trong phòng xét xử… và được gặp bị cáo. Số tiền “phải chi ra” bao nhiêu, thân chủ không tiết lộ với luật sư. Còn ở Sài gòn, báo Tuổi trẻ kể: “Ở TAND TP.HCM, việc người dân vào tòa xem xét xử dễ dàng hơn khi cánh cổng vào tòa luôn mở rộng. Nhưng ở tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM trên tầng 2, mọi việc có vẻ khó khăn hơn. Người đến đây đều phải xuất trình giấy tờ cho bảo vệ. Một số sinh viên luật đến dự phiên tòa để học tập, có chứng minh nhân dân nhưng không có giấy giới thiệu của trường cũng bị bảo vệ không cho vào”. Rõ ràng, ngay ở nơi gọi là “bảo vệ công lý”, “thượng tôn pháp luật” họ vẫn ngang nhiên vi phạm pháp luật với nhiều mục đích khác nhau.
Nguồn: VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét