LTCGVN (23.08.2014)
Vào ngày 29 tháng 6 năm nay, trùng với ngày đầu tiên của tháng ăn chay Ramadan, Quốc Gia Hồi Giáo Iraq và Syria (ISIS) đã tuyên bố phục hồi chế độ nhà nước Hồi Giáo Trị (caliphate). Abu Bakr al-Baghdadi, một nhân vật trong bóng tối, với giá 10 triệu đôla nếu ai bắt được, đã được tuyên bố là vị tân giáo trưởng cai trị quốc gia (caliph). Trong cố gắng làm sống lại chế độ giáo trưởng cai trị quốc gia này, ISIS muốn phục sinh hoàng kim thời đại bành trướng và thống trị của Hồi Giáo. Đối với phần đông người Tây Phương, quốc gia Hồi Giáo Trị là một điều lạ lẫm, ít nghe, giống như câu truyện Ngàn Lẻ Một Đêm… Tuy nhiên ISIS và cái quốc gia hồi giáo trị mới được công bố đã chiếm đóng nhiều khu vực lớn ở đông bắc Syria và ở Iraq, trong đó có Mosul, thành phố lớn thứ hai trong nước. Với hiệu năng và tàn ác, ISIS đã và đang khủng bố toàn dân Iraq, gây náo loạn cho quân đội và đang tiến về Baghdad nơi nó đe dọa sẽ thảm sát người Hồi Giáo Shi'ites hàng loạt.
Rõ ràng chế độ Hồi Giáo trị đang xuất hiện trở lại trên vũ đài quốc tế. Tin tức hiện thời về chế độ Hồi Giáo trị, qua trung gian truyền thông Tây Phương, là một pha trộn điều ISIS nghĩ về chế độ này và một vài phản ảnh lịch sử. Giống như nhiều tái dựng quá khứ do động lực ý thức hệ khác, quốc gia Hồi Giáo trị của ISIS dựa trên một quá khứ được lý tưởng hóa, một quá khứ, nếu có, cũng chỉ hiện hữu một thời gian không dài lắm. Dù công bằng mà nói, chế độ Hồi Giáo trị bắt đầu với cái chết của Tiên Tri Muhammad vào tháng Sáu năm 632 CN và tiếp diễn cho tới ngày bị Ataturk hủy bỏ năm 1924, hình thức, thẩm quyền và thành công của nó rất khác nhau tùy theo nơi và tùy theo thời.
Cuộc khủng hoảng kế thừa
Khởi thủy được tạo ra để duy trì sự thống nhất và lòng tín trung của cộng đồng Hồi Giáo, quốc gia Hồi Giáo trị đã là nguyên nhân gây chia rẽ ngay từ đầu. Khi Tiên Tri Muhammad chết, ngài không để lại bất cứ chỉ thị nào rõ ràng về người thừa nhiệm. Cũng không có chỉ thị nào về người thừa nhiệm trong kinh Kôrăng. Mọi người đều thấy rõ: không ai nối nhiệm ngài trong vai trò Sứ Giả của Thiên Chúa hết. Tuy nhiên, ngài cũng là nhà cai trị thế tục của Medina và của cộng đồng Hồi Giáo mỗi ngày mỗi lớn mạnh. Cả người Sunni lẫn người Shi’ite đều có truyền thống về việc lúc sinh thời, Tiên Tri đã có ý định ai sẽ là người nối nhiệm ngài trong chức năng cai trị. Tuy nhiên, các truyền thống này đôi lúc mâu thuẫn nhau và được các truyền thống sau này thêm thắt rất nhiều.
Ngay sau cái chết của Tiên Tri Muhammad, có cuộc họp trong đó Umar, một đồng chí nổi bật của Tiên Tri, tuyên bố rằng Abu Bakr, nhạc phụ của Tiên Tri và là một trong số những người ủng hộ Tiên Tri sớm sủa nhất, sẽ lãnh trọng trách cai trị cộng đồng. Đa số đồng ý và các người Hồi Giáo chủ chốt tại cuộc họp này tuyên lời thề bayʽa hay lời thề trung thành với Abu Bakr. Tuy nhiên, ngay trong thời này, có những người Hồi Giáo tại Medina tin rằng Ali ibn Abi Talib, em họ và là con rể của Tiên Tri, mới là nhà lãnh đạo của cộng đồng. Việc chia rẽ này sau đó phát triển thành một chia rẽ lớn trong Hồi Giáo: Sunni và Shi’ite.
Khởi đi từ Abu Bakr, có một loạt 4 nhà cai trị Hồi Giáo, dưới danh hiệu Rashidun hay “Người Được Hướng Dẫn Đúng”. Abu Bakr cai trị từ 632 tới 634. Ông cử Umar ibn al-Khattab làm người nối nhiệm. Sau cái chết của Abu Bakr, các nhà lãnh đạo Hồi Giáo thề trung thành với Umar. Dưới thời Umar, các đạo quân Hồi Giáo bắt đầu xâm chiếm Ai Cập và Bắc Phi, Lưỡng Hà, Ba Tư và Đông Địa Trung Hải, trong đó, có Giêrusalem. Ông bị ám sát năm 644 sau khi đã thiết lập một ủy ban gồm 6 người Hồi Giáo có nhiệm vụ chọn người kế nhiệm ông. Họ chọn Uthman ibn Affan, một lãnh tụ có óc chia rẽ; năm 656, ông này bị ám sát bởi những người Hồi Giáo thấy mình bị các chính sách của ông đối xử bất công.
Uthman được Ali ibn Abi Talib nối nghiệp, là người mà nhiều người nghĩ nên làm nhà cai trị ngay từ đầu. Nhưng ngay khi mới nhậm chức, Ali đã gặp chống đối. Gia đình Uthman tố cáo Ali âm mưu ám sát, một tố cáo bị Ali cực lực bác bỏ. Ali phải đấu tranh quân sự với Muʽawiyya, một thân nhân của Uthman. Dù có hiệp ước đình chiến giữa đôi bên, phe phái ủng hộ Ali không mấy hài lòng. Cuối cùng, một người trong số này, thuộc phái Khariiji, ám sát Ali vào tháng Giêng, năm 661.
Hệ luận là sau đó, sự việc cứ thế đi xuống hoài. Điều này lại càng gia trọng do sự kiện: hai tư tưởng gia vĩ đại nhất của Hồi Giáo là Ibn Khaldun và ibn Taymiyya chủ trương rằng chế độ Hồi Giáo trị chấm dứt với cái chết của Ali.
Một vài điều cần ghi nhận về chế độ Hồi Giáo trị của Người Được Hướng Dẫn Đúng. Thứ nhất, mỗi nhà cai trị được chọn một cách khác: bằng tung hô, bằng chỉ định, bằng ủy ban, bằng phiếu toàn dân. Thứ hai, lời thề trung thành xem ra là chủ yếu cho tính thành sự. Thứ ba, không nhà cai trị nào được sự ủng hộ hoàn toàn. Sau cùng, 3 trong 4 vị đều đã bị ám sát và ít nhất hai, nếu không là ba vị, chết thảm vì chính người Hồi Giáo khác. Dù rõ ràng nhà cai trị Hồi Giáo không phải là Sứ Giả của Thiên Chúa, vai trò, thẩm quyền và trách nhiệm của ông không được mô tả rõ ràng. Cũng không rõ con người của ông là thánh thiêng.
Thăng trầm của đế quốc Hồi Giáo
Sau cái chết của Ali, quốc gia Hồi Giáo trị vào tay Mu’awiyya thuộc gia đình Umayyad. Triều đại này đặt thủ đô tại Damascus và tiếp tục các cuộc xâm chiếm của Hồi Giáo. Dưới thời Nhà Umayyad, Đế Quốc Hồi Giáo trở thành đế quốc thứ năm lớn nhất thế giới xưa nay. Và cũng như từ trước, mỗi nhà cai trị của nó chứng tỏ một mức độ sùng đạo khác nhau. Trong khi có những ông vua đạo hạnh, biết quan tâm tới tôn giáo, thì nhiều ông vua khác sa đọa và bất cần để ý tới luật lệ sống của Hồi Giáo. Quốc gia Hồi Giáo trị từng bước trở thành một nền quân chủ tuyệt đối và các người đứng đầu càng ngày càng tự mặc cho mình những tước hiệu vênh vang như Cái Bóng Của Thiên Chúa, và thậm chí còn là Quyền Lực Của Thiên Chúa Ở Trên Đất nữa. Damascus dưới thời các ông vua của nhà Umayyad rất khác với Medina dưới quyền lãnh đạo của Muhammad.
Năm 750, có một cuộc nổi loạn đẫm máu của nhà Abbas chống lại nhà Umayyad. Nhà Abbas này có một vài lý lẽ khi cho rằng mình có nhiều liên hệ gần gũi hơn với Tiên Tri. Quốc Gia Hồi Giáo trị Abbasid kéo dài từ năm 750 tới khi bị người Mông Cổ tiêu diệt năm 1258. Cũng nên để ý một điều, vào lúc này còn có thêm hai quốc gia hồi giáo trị khác tranh đua nhau nữa: Quốc Gia Hồi Giáo Trị Umayyad tại al-Andalus (Andalusia ở Tây Ban Nha) và Quốc Gia Hồi Giáo Trị Fatimid (Shi’ite) tại Ai Cập. Hai thế kỷ đầu của nhà Abbasid là hoàng kim thời đại đối với học thuật, nghệ thuật và văn chương. Sự giầu có của Quốc Gia Hồi Giáo Trị trở thành huyền thoại và có rất nhiều ông vua xuất chúng.
Tuy nhiên qua thế kỷ thứ 9, chức vụ tể tướng (vizier) bắt đầu xuất hiện và các ông vua Hồi Giáo Trị càng ngày càng lui vào hậu trường cho tới giữa thế kỷ thứ 10, thì vua Hồi Giáo Trị không còn thi hành một chút thực quyền nào nữa. Trong các thế kỷ sau cùng của Quốc Gia Hồi Giáo Trị Abbasid, các tể tướng và các ông hoàng (sultan) thuộc nhiều gia đình và nhóm sắc tộc khác nhau như Buyids và Seljuk Turks mới là những người nắm thực quyền sau lưng ngôi báu. Cuối cùng, người Mông Cổ dưới quyền Húc Liệt Ngột (Hulagu) đã càn quét khắp vùng và bao vây Baghdad, có người cho rằng, họ đã sát hại 800,000 dân cư. Sợ trời trừng phạt vì đã đổ máu dòng dõi Tiên Tri, Hốt Liệt Ngột đã cho bó vua Hồi vào một tấm thảm để ngựa dẫm đá cho tới chết vào ngày 20 tháng Hai năm 1258, đem Quốc Gia Hồi Giáo Trị Abbasid đến hồi kết liễu.
Đế Quốc Ottoman bắt đầu thời Osman I (1258-1326) và kết thúc với việc tuyên bố thành lập Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29 tháng Mười năm 1923. Đế quốc này chiếm Constantinople năm 1453 và chiếm miền Balkan, nhiều phần của Trung Âu cũng như Trung Đông và Bắc Phi. Nên nhớ nhà cai trị của Đế Quốc Ottoman được gọi là Ông Hoàng (Sultan). Các tước hiệu cổ truyền như “caliph” hay “Đấng Chỉ Huy Tín Hữu” không còn xuất hiện trên các văn kiện chính thức, trên đồng tiền hay trên các văn bia của ĐQ Ottoman nữa. Có một lý do cho việc này. Các nhà Umayyads, Abbasids và Shiʽites luôn tranh cãi nhau về việc gia tộc nào gần gũi nhất với Tiên Tri. Huyết hệ đối với Tiên Tri dĩ nhiên là điều quan trọng và ngày nay vẫn còn quan trọng đối với người Hồi Giáo. Nhưng đàng khác, Dòng Ottomans là người Thổ Nhĩ Kỳ, không phải là người Ả Rập, nên dòng dõi của Tiên Tri không phải là điều họ dám nhận cho mình.
Ấy thế nhưng, trong mối liên hệ với thế giới không Hồi Giáo, Đế Quốc Ottoman vẫn muốn mô tả Ông Hoàng của họ như là một Vua Hồi Giáo Trị (caliph). Điều này thường thấy rõ nhất khi nhắc tới các người Hồi Giáo sống trong các lãnh thổ Kitô Giáo. “Caliph” trở hành một loại lãnh đạo tinh thần của người Hồi Giáo không sống dưới quyền hành chính trị của ông. Đây quả là một khai triển hoàn toàn mới, bắt đầu xuất hiện năm 1774, trong một hiệp ước giữa người Ottoman và người Nga. Khi Đế Quốc càng ngày càng suy tàn, Ông Hoàng Abdul Hamid II tự tuyên bố mình là “caliph” vào khoảng năm 1880.
Sau sự thất bại của Đế Quốc Ottoman trong Thế Chiến I, Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ đã được tuyên bố ngày 29 tháng Mười, 1923, và chế độ hồi giáo trị bị hiến pháp hủy bỏ ngày 3 tháng Ba, 1924. Việc hủy bỏ này khiến nhiều người Hồi Giáo vội tìm hiểu bản chất và sự cần thiết của định chế này. Tìm hiểu căn để nhất là của Aly Abd al-Raziq với cuốn Islam and the Foundations of Government (Hồi Giáo và Các Nền Tảng Cai Trị) (1925) trong đó, ông cho rằng Hồi Giáo không ủng hộ bất cứ hình thức cai trị đặc thù nào và chế độ hồi giáo trị không phải là thành phần trong thế giới quan của Kôrăng. Công trình của Al-Raziq bị nhiều người lên án, tuy nhiên, không bao giờ bị bác bỏ theo lối học thuật uyên bác cả.
Ngày trở lại của Hồi Giáo Trị?
Với việc nổi lên của phong trào thánh chiến Hồi Giáo (jihad) và các biến động do cái gọi là “Mùa Xuân Ả Rập” tạo ra, người ta càng ngày càng chú ý nhiều hơn tới chế độ Hồi Giáo trị. Những lời hô hào phục hồi chế độ này đã được nhiều nhóm khác nhau đưa ra, họ từ Syria và nay từ Iraq. Như với hầu hết các khẩu hiệu tuyên truyền, những lời hô hào này rất thiếu sự sâu sắc về lịch sử. Quốc gia Hồi Giáo trị không phải là một hạn từ đơn nghĩa. Quốc gia Hồi Giáo trị của Người Được Hướng Dẫn Đúng chẳng có gì là y hệt như các quốc gia Hồi Giáo trị của nhà Umayyad, Abbasid hay Ottoman, ấy là chưa nói tới quốc gia Hồi Giáo trị của nhà Shi’ite Fatimid. Quốc gia Hồi Giáo trị không phát triển theo một qũy đạo nào rõ ràng trong các thế kỷ qua và chưa bao giờ người ta được thấy rõ đâu là chức năng và thẩm quyền của đấng “caliph” cả. Dù có những thời kỳ thịnh vượng, học thuật và vinh quang lớn lao trong các triều đại lớn của Hồi Giáo trị, mỗi triều, cuối cùng, đều phải chứng kiến vị “caliph” của họ bị dồn vào thế gần như vô quyền, cả chính trị lẫn tôn giáo.
Ngày nay, hiện không ai rõ người Hồi Giáo có thứ ủng hộ nào đối với quốc gia Hồi Giáo trị. Hầu như từ đầu, chế độ Hồi Giáo trị vốn là một định chế của phái Sunni. Sau cái chết của Hussein ibn Ali vào năm 680, người Shi’ites đã bác bỏ tính hợp pháp của quốc gia Hồi Giáo trị. Do đó, người Shi’ites, hiện chiếm khoảng 15% Hồi Giáo thế giới, chống lại chế độ này, nhất là thứ do người thánh chiến Sunni đưa ra. Mà xét cho cùng, ngay cả nơi người Sunni, tình thế cũng phức tạp hơn người ta tưởng lúc ban đầu. Người ta có quyền cho rằng một số người Sunni sẽ công khai chống đối ý niệm về một quốc gia Hồi Giáo trị, và sẽ ủng hộ các xã hội hợp hiến và hợp dân chủ hơn.
Điều lý thú đáng lưu ý là sự biến hóa trong các tên và tước hiệu được Abu Bakr al-Baghdadi sử dụng từ trước đến nay trong việc “lên ngôi” thống lãnh tối cao của Hồi Giáo trị. Tên của hắn là Ibrahim Awwad Ibrahim Ali al-Badri al-Samarra’i. Abu Bakr al-Baghdadi là tên chiến đấu (nom de guerre), phỏng theo tên của Người Được Hướng Dẫn đầu tiên. Gần đây, hắn còn thêm vào tên chiến đấu này mấy chữ thành Abu Bakr al-Baghdadi al Husseini al-Qurayshi, trong cố gắng liên kết dòng dõi hắn với dòng dõi của Tiên Tri và chi tộc Quraysh của ngài. Gần đây nhất hắn còn sử dụng tước hiệu Đấng Thống Lãnh Tín Đồ Caliph Ibrahim, là tước hiệu truyền thống và xưa nhất của “caliph”.
Có lẽ ta cần phân biệt giữa ISIS và quốc gia Hồi Giáo trị vừa được phục hồi. ISIS vẫn là một lưc lượng tàn bạo và mạnh mẽ tại Đông Bắc Syria và Bắc Iraq. Việc nó liên kết với các bất bình của người Sunni Iraq, về một vài khía cạnh nào đó, có thể được biện minh. Và do đó, chắc chắn nó được một số người Iraq ủng hộ chỉ vì nó là lực lượng hữu hiệu nhất chống lại chính phủ Baghdad. Việc người ta sử dụng sự ủng hộ của người Sunnis Iraq đối với ISIS như là phe đối lập của Chính Phủ Baghdad để biện minh cho chế độ Hồi Giáo trị vừa được phục hồi hình như vào lúc này không thể được biện minh.
Theo Elias D. Mallon, S.A., phụ trách ngoại vụ của Hiệp Hội An Sinh Công Giáo Cận Đông.
Vũ Văn An
0 nhận xét:
Đăng nhận xét