Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

"Đả hổ diệt ruồi" hay "phục hổ- hàng long"?


LTCGVN (15.08.2014)

Mục đích chính trị hay tư pháp?

Hôm thứ ba 12 tháng 8, 2014, lại có tin một tướng lãnh cựu Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc,  Thượng tướng Quách Bá Hùng, bị câu lưu để điều tra như môt nghi can tham nhũng. Họ Quách cũng bị bắt về cùng một tội danh giống như cấp trên của ông là Thượng Tướng Từ Tài Hậu: "nhận hối lộ để cho hàng loạt sĩ quan quân đội thăng cấp".
Tin hôm qua mới là tin chính thức, nhưng báo Hoa ngữ hải ngoại Bác Tấn đã loan tin từ một tháng trước, nói là họ Quách có thể đã bị bắt. Tướng Bá-Hùng là người thân cận với Thượng tướng Từ Tài Hậu, và cũng có quan hệ thân thiết với nhân vật được gọi là trùm tham nhũng của Trung Quốc, cựu Ủy viên Thường trực Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang. Những nhân vật này còn là những người rất thân cận về chính trị với cựu Bí thư Trùng Khánh đã bị thanh trừng là Bạc Hy Lai, và tất cả đều phục tùng một nhân vật cao hơn nữa.
guo-boxiong-trong
Thương tướng Quách Bá Hùng với TBT Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội, 13 tháng tư, 2011
Cả ba vị quan lớn trong nhóm đảng viên cao cấp nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó có một Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị lãnh đạo ngành công an và tình báo, Chu Vĩnh Khang, hai cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, ngoài những điểm chung về tham nhũng và thân cận với ông Bạc Hy Lai đã đành, họ còn là những người thân tín của ông Giang Trạch Dân, do ông Giang đưa vào Quân Ủy trung ương dưới thời chủ tịch Hồ Cẩm Đào,  người lãnh đạo Đảng vào lúc đó. Ông Giang Trạch Dân làm như vậy để giữ ảnh hưởng quyền lực lâu dài về quân sự và chính trị.
Vì thế vụ thanh trừng cấp cao của đảng Cộng sản Trung Quốc không khỏi liên quan đến vấn đề chính trị trong Đảng. Rõ ràng ông Tập Cận-Bình vẫn tiếp tục thanh toán phe cánh của Bạc Hy Lai, cựu bí thư Trùng Khánh đã bị hạ bệ cùng với vợ là Cốc Khai Lai. Nhưng đối tượng sau cùng có thể là chính người bảo kê của những con hổ dữ này.
Một chiến dịch tư pháp chống tham nhũng phải do hệ thống tòa án và an ninh quyết định mục tiêu và hành động.  Ở đây việc quyết định bắt ai và chừa lại những ai chỉ do hai người, là Chủ tịch Tập Cận-Bình và người thân tín nhất của ông, Trưởng ban kỷ luật trung ương Đảng Vương Kỳ Sơn.

Ngoài những nhân vật cao cấp có ảnh hưởng chính trị và quyền bính, hay nói rõ hơn là trong cuộc đấu tranh quyền lực trong giới lãnh đạo tối cao ở Bắc Kinh, chiến dịch còn nhắm đến tất cả viên chức ở mọi cấp, chính trị cũng như cấp chuyên viên, dính líu vào tham nhũng từ trước đến nay. Vài khuôn mặt điển hình mới nhất trong giới này là Đào Ly-Minh, cựu giám đốc Ngân hàng tiết kiệm quốc doanh Bưu điện Trung Hoa, bị bắt hôm 13 tháng 8, hay Vương Tôn Nam, cựu tổng giám đốc công ty thực phẩm quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc ở Thượng Hải, bắt hôm 12 tháng 8. Thêm nữa, trong hai tháng nay còn có hằng chục viên chức, đảng viên cỡ lớn như thế đã bị câu lưu và điều tra, chưa kể trên 30 viên chức cấp thứ trưởng trở lên đã là mục tiêu của cuộc thanh trừng.
Điều này chứng tỏ hành động vá trời lấp biển của ông Tập Cận-Bình nhắm cả hai mục tiêu chính trị lẫn tư pháp, chống tham nhũng,

Sờ gáy "Thái Thượng Hoàng"?

Chỉ riêng vụ Chu Vĩnh Khang và Từ Tài Hậu bị thanh trừng đã được mô tả là trận động đất lớn trong tầng lớp lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, nay nếu tới lượt "Thái Thượng Hoàng của ĐCSTQ" Giang Trạch Dân bị sờ gáy thì đúng là trận đại hồng thủy của nền chính trị Trung Quốc do đảng Cộng sản lãnh đạo từ 65 năm nay..
Tuy nhiên trước Giang Trach Dân, nếu có thể kể tới ông này, người ta đã chú ý đến cựu Phó chủ tịch nước Tăng Khánh Hồng, có thể đang trong tầm ngắm của chủ tịch họ Tập và các đồng chí thân tín.
Được coi là nhân vật từng chống lưng cho Chu Vĩnh Khang,Tăng Khánh Hồng năm nay 75 tuổi, từng là Ủy viên Bộ chính trị cùng với Ôn gia bảo, Giả Khánh Lâm, Ngô Bang Quốc cùng 4 người khác và Hồ Cẩm Đào lãnh đạo nền chính trị quân sự Trung Quốc, sau thời Giang Trạch Dân và Chu Dung Cơ.
Tăng Khánh Hồng cũng giống như Chu Vĩnh Khang, từng công tác hơn 30 năm trong ngành dầu khí, và đều được cựu Bộ trưởng dầu khí–năng lượng Trương Đường Khắc đề bạt, sau đó thăng tiến nhanh chóng và trở thành nhân vật mà dư luận người Hoa trong và ngoài nước gọi là "chưởng môn nhân bang dầu khí”.  Tăng Khánh Hồng còn được xưng tụng là “đầu rồng” của “bang dầu khí” giàu có này.
Nhưng lúc con hổ Chu Vĩnh Khang sa lưới cũng là lúc bang hội dầu khí giàu có ngất trời này bắt đầu lâm nạn. "Đầu rồng" chắc không tránh khỏi tai họa. Tờ Minh Báo cho biết đã có hơn 120 quan chức từ cấp sở trở lên bị điều tra. Nhiều người trong số đó từng có quan hệ trên mức thân thiết với Tăng Khánh Hồng và Chu Vĩnh Khang.

Tướng lãnh bất tuân
jiang
Cựu TBT, chủ tịch nước Giang Trạch-Dân - Courtesy of english.sina.com

Về Giang Trạch-Dân, người ta phải mở lại hồ sơ Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Ôn Gia Bảo, Hồ Cẩm Đào.
Đầu tiên cần nhằc lại rằng Chu Vĩnh Khang là một trong đôi ba nhân vật có quyền lực cao nhất ở Bắc Kinh, được giới quan sát gọi là "Sa Hoàng" ngành an ninh tình báo của Trung Quốc, một cơ chế không lồ lâu đời quản lý chặt chẽ đời sống chính trị và an ninh của toàn đảng Cộng sản 
và hơn 1 tỷ 300 triệu người Trung Quốc, có ngân sách tương đương hay có thể còn lớn hơn ngân sách của quân đội.

Từ Tài Hậu là Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương vào thời Hồ Cẩm Đào là Tổng bí thư Đảng, Chủ tịch Nước và Chủ tịch Quân ủy trung ương. Tuy nhiên nhiều người cho rằng vị Chủ tịch Quân ủy Trung ương này chẳng khác gì bù nhìn, khi họ Từ và một Phó chủ tịch kia chỉ nghe lệnh Giang Trạch-Dân, khi đó đã về hưu và đã bàn giao chức vụ cho ông Hồ.
Giới quan sát biết là sau trận động đất ở Văn Xuyên, Tây tạng năm 2008, Thủ tướng Ôn Gia-bảo đến thị sát tại chỗ, nhưng quân đội bất tuân lệnh của ông khiến nhiều người đã mất cơ hội quý giá để được cứu sống.
Ôn Thủ tướng thúc đẩy công cuộc cứu cấp, ra lệnh khai thông ngay lập tức bằng mọi giá con đường tiếp cận Văn Xuyên. Nhưng các đơn vị quân đội tỏ ra cố tình trì hoãn thi hành, có đơn vị còn dám từ chối đưa quân tới giúp, với lý do "thời tiết chưa tốt"! Thủ tướng họ Ôn tức giận hét lên trong điện thoại với một tướng lãnh "Tôi không cần biết lý do. Nhân dân trả lương cho anh. Việc đó tùy anh" và dập mạnh chiếc điện thoại xuống.
Tướng Từ Tài Hậu điều khiển quân đội trong 10 năm, nhưng trong khoảng thời gian đó Giang Trạch-Dân vẫn nắm giử quyền lãnh đạo quân sự dù ông đã nghỉ hưu. Người ta chỉ thấy Chủ tịch đương nhiệm Hồ Cẩm Đào không có quyền hành gì với quân đội, vì các tướng chỉ huy cao cấp đều là người do họ Giang đề bạt, và họ chỉ nghe lệnh của Giang Trạch-Dân.
Tướng Trần Bính Đức, Tổng tham mưu trưởng quân đội thời đó, phổ biến một báo cáo cho biết sau khi động đất ở Văn Xuyên tới 72 giờ đồng hồ hai ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo vẫn không thể điều động được quân đội tới nơi, vì Giang Trạch-Dân giữ quyền quyết định và chuẩn y mọi hành động quân sự.
Nhà nghiên cứu, cựu Giám đốc xuất bản của Đại học Quốc phòng Trung Quốc Tân Tử Lăng nói với đài VOA rằng Hồ Cẩm Đào chỉ có quyền ban lệnh cho cấp Thiếu tướng trở xuống, từ trung tướng trở lên chỉ nhận lệnh của Giang Trạch-Dân. Họ Tân còn cho biết Hồ Cẩm Đào "không thể nói" được quân đội.
(Nhà nghiên cứu Tân Tử Lăng là tác giả quyền "Mao Trạch Đông, ngàn năm công, tội" (Thông tấn xã Việt Nam dịch và in năm 2009, bản điện tử do "Mõ Hà Nội" đưa lên mạng, http://www.viet-studies.info/kinhte/MaoTrachDong_NganNamCongToi.htm))
Hẳn nhiên ông Tập Cận-Bình không thể không rõ về những sự kiện đó.
Đầu tháng 7 vừa qua, bốn "con hổ lớn" được coi là "đệ tử" của Giang Trạch-Dân cùng bị trục xuất khỏi Đảng và đi tù cùng một lúc. Đó là: Từ Tài Hậu, Lý Đông Sanh, Tưởng Khiết Mẫn và Vương Vĩnh Xuân.
Trước đó nữa là vụ Bạc Hy Lai. Họ Bạc nhanh chóng thăng tiến ở Đại Liên, Liêu Ninh, Trùng Khánh cũng nhờ được Giang Trạch-Dân chiếu cố. Mối quan hệ khởi đầu từ năm 1999 khi Bạc Hy Lai đi Bắc Kinh mời họ Giang thăm Đại Liên trong lễ kỷ niệm 100 năm tuổi của thành phố. Ông Giang Trạch-Dân đã rất hài lòng khi thấy bức chân dung khổng lồ của mình được treo trên quảng trường trung tâm thành phố. Từ đó sự nghiệp của Bạc Hy Lai lên như diều gặp gió, tuy phải nói một phần cũng do tài năng lãnh đạo và quản lý của ông họ Bạc.
bo-xilai-xu-caihu
Bạc Hy-Lai và Từ Tài Hậu, tại Bắc Kinh 2012
Bạc Hy Lai và Từ Tài Hậu còn là những trợ thủ rất đắc lực của Giang Trạch-Dân khi họ Giang khởi sự chiến dịch tiêu diệt Pháp Luân Công từ 1999.

" Phục Hổ, Hàng Long"?

Không thể không thấy rõ "nhà săn bắn" Tập Cận-Bình đã đưa vào tầm ngắm và bắn hạ toàn những tay chân trong vòng thế lực của cựu TBT, Chủ tịch nước Giang Trạch-Dân.
Tăng Khánh Hồng cũng nằm trong phe nhóm đó. Vì thế rất đông trong giới phân tích về Trung Quốc đang nóng lòng chờ loạt đòn phản công của Giang Trạch-Dân phối hợp cùng những tay chân còn lại, hay là cảnh họ Giang lên xe "bảo hộ" để đi trả lời trước hệ thống kỷ luật của đảng Cộng sản và tòa án.
Chưa có tin chính thức về việc này, nhưng chỉ với việc cựu Phó chủ tịch Nước họ Tăng xuất hiện trong kính ngắm của nhà săn bắn "đả hổ diệt ruồi" Tập Cận-Bình, nhiều người đã chuẩn bị phong tặng ông họ Tập danh hiệu "hàng long phục hổ" nhờ thành tích nắm đuôi những "đầu rồng" họ Tăng, hay họ Giang.
Nói về phía quân đội, thời Giang Trạch-Dân và Chu Dung Cơ có lần Thủ tướng họ Chu đã phải công khai lên án tập đoàn Thiên Thành thuộc Tổng Cục chính trị, bộ Tổng tham mưu hoạt động buôn lậu, có sĩ quan cao cấp bảo kê và can thiệp, còn dám bắt giam cả phái viên của Thủ tướng đến điều tra. Chuyện tham nhũng và xa hoa trụy lạc động trời của nhiều sĩ quan cao cấp trong quân đội nhân dân Trung Hoa đã được lôi ra ánh sáng từ khi đó, nhưng mãi đến nay những con hổ lớn mới sa lưới vì cả hai lý do phe phái chính trị và hành vi tham nhũng, phạm pháp hình sự.
Liệu "nhà săn bắn cấp cao", "tráng sĩ hàng long phục hổ" có trở thành "liệt sĩ" về mặt sự nghiệp và thanh danh chăng?
Dư luận có mường tượng đến chuyện ấy, và người ta nhớ lại, vài ngày trước khi xảy ra vụ Chu Vĩnh Khang vào ngày 30 tháng 6, ông Tập Cận-Bình tuyên bố trong một buổi họp tối mật của Bộ chính trị, nguyên văn được chép lại, rằng :"Hai đạo quân tham nhũng và chống tham nhũng đang trong thế đối đầu bế tắc"
Một tờ báo nhà nước ở vùng đông bắc Trung hoa thuật lại tin này, cho biết thêm ông Tập còn nói :"Trong cuộc tranh đấu  chống tham nhũng, tôi không cần biết sống chết, cũng không lo thanh danh hủy hoại". Một số báo chí Nhà nước trích lại tin này nhưng sau đó đều bị kiểm duyệt gỡ xuống khỏi mạng. Và chỉ vài ngày sau 4 ông chúa sơn lâm dữ dằn nhất nước đã vào trong cũi.
Đến nay đã hai tháng qua, hai "ông ba mươi" cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương vẫn không gầm thét gì được nữa, chứng tỏ ông họ Tập hôm đó chỉ báo động tình hình như vậy để đòi hỏi sự ủng hộ, yểm trợ của bộ chính trị, và đã thành công.

Tráng sĩ Việt Nam?

Người Việt ta có mong Việt Nam sắp có một tráng sĩ  "Phục Hổ Hàng Long" như Tập Cận-Bình, dẫu chẳng thành công thì cũng thành nhân, hay chăng? Mong quý vị trả lời câu hỏi này trong mục "Ý kiến bạn đọc" ở cùng trang.
Câu trả lời của Mặc Lâm, RFA, là "Võ Tòng đả hổ có quốc tịch Trung hoa, không phải người Việt Nam!"
Tuy nhiên Mặc Lâm đã quên rằng nước Đại Việt cũng có dũng sĩ Lê Văn Khôi, con nuôi của Tả Quân Lê Văn Duyệt, biểu diễn tay không đấm chết hổ trong buổi Tả Quân khao tiệc sứ thần Xiêm La.
Sau khi Lê Tả Quân qua đời và bị vua Minh Mạng truy án, Khôi khởi binh chiếm thành Phiên An (Sài Gòn) và các thành lân cận, nhưng sau cùng bị vây trong thành và chết vì bệnh phù thủng.
Việt-Long, RFA

0 nhận xét:

Đăng nhận xét