Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

3 Yếu tố an toàn cho hoạt động xã hội dân sự trong nước độc tài

LTCGVN (17.08.2014)


Sài Gòn - Các nguyên tắc căn bản về hoạt động xã hội dân sự áp dụng cho mọi môi trường. Tuy nhiên, khi chế độ độc tài đang khống chế cả xã hội thì các nguyên tắc này chưa đủ. Các bài học từ những xã hội mở không giúp chúng ta cách đối phó với những khó khăn và nguy hiểm thuộc vùng “cấm địa”. Bởi vậy, hoạt động xã hội dân sự trong “cấm địa” đòi hỏi thêm 3 yếu tố: hành lang an toàn, vòng đai an toàn, và hậu cứ an toàn.
 14081700
Hành lang an toàn
Hành lang này được tạo nên bởi sự quan tâm và can thiệp của quốc tế trong một lãnh vực nhân quyền nhất định, như quyền lao động, quyền tự do tôn giáo, quyền văn hoá, quyền không bị tra tấn, quyền không bị nô lệ, quyền của người khuyết tật… Khi chế độ độc tài, dưới áp lực quốc tế, cam kết tôn trọng một lãnh vực nhân quyền thì đó là khởi điểm để xây dựng một hành lang an toàn.

Một ví dụ gần nhất là chuyến thị sát của Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng đang nâng sự quan tâm quốc tế về tình hình đàn áp tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam. Qua các công tác quốc tế vận hiệu quả, sự quan tâm này có thể mỗi ngày được nâng cao và đắp dày thêm để trở thành bức tường che chắn. Đằng sau bức tường ấy là hành lang an toàn cho những người hoạt động tôn giáo. Dĩ nhiên sự an toàn ấy chỉ tương đối và tuỳ thuộc vào mức độ quan tâm và can thiệp của quốc tế.
Có nhiều cách để tăng mức an toàn, như là ở ngoài thì dùng quốc tế vận để áp lực chế độ phải tôn trọng quyền sinh hoạt tôn giáo của mọi người dân mà không phải đăng ký, và ở trong thì các cộng đồng tôn giáo nhanh chóng đào tạo số chuyên viên về báo cáo vi phạm tự do tôn giáo với LHQ và các quốc gia có ảnh hưởng lên chính quyền Việt Nam.
Trong phạm vi hẹp của hành lang an toàn, người hoạt động xã hội dân sự có thể thực thi từng bước các quyền của mình, như quyền tự do ngôn luận, quyền hội họp ôn hoà, quyền lập hội. Cũng dùng ví dụ trên, nếu đã gọi là tự do tôn giáo thì tín hữu phải có quyền truyền thông với nhau qua các bản tin và các trang blog hay facebook; phải có quyền tụ tập để cầu nguyện, dậy giáo lý và thực hiện các sinh hoạt tôn giáo khác; phải có quyền lập ra các nhóm từ thiện và bác ái để trước hết tương trợ cho nhau và rồi phục vụ xã hội theo đúng tín lý của tôn giáo mình.
Một người hay một nhóm người có thể hoạt động trong hai hay nhiều hành lang an toàn và như vậy nới rộng không gian hoạt động. Chẳng hạn, một cộng đồng tôn giáo đang hoạt động về tự do tôn giáo cũng có thể hoạt động trong các hành lang an toàn khác đã được thiết lập như phòng chống buôn người hay chống tra tấn.
“Hành lang an toàn” khai dụng sự liên đới giữa tất cả các nhân quyền: Nếu vi phạm một quyền thì tất cả các quyền khác cũng đều bị vi phạm. Ngược lại, chọn một nhân quyền làm mũi nhọn để khai dụng thì qua đó các quyền khác cũng lần lượt được triển khai quanh mũi nhọn ấy. Nhìn cách khác, khi hành lang an toàn được thiết lập từ một mũi nhọn nhân quyền, nó cung ứng môi trường để thực thi những quyền khác với điều kiện phải giữ mình ở trong phạm vi tương đối an toàn của hành lang. Bước ra bên ngoài bức tường che chắn thì chẳng khác gì tự banh áo giáp và phơi ngực trước tầm nhắm của chế độ.
Nguy hiểm hơn, khi một tổ chức thuộc khu vực xã hội dân sự bị xâm nhập bởi đảng phái chính trị hay hợp tác với tổ chức trá hình do đảng phái chính trị tạo dựng thì đồng nghĩa với mở lỗ hổng nơi bức tường che chắn, gây nguy hiểm cho mình và liên luỵ đến tất cả những ai giao du, hoạt động với mình.

Vòng đai an toàn
Dù giữ mình trong phạm vi của hành lang an toàn, những người tiên phong và chủ chốt luôn luôn đối mặt với sự đe doạ nhiều hơn là những người khác, cho nên cần thêm “vòng đai an toàn” bao quanh từng cá nhân. Đó là sự chú ý đặc biệt và sẵn sàng can thiệp của quốc tế nếu có bất kỳ dấu hiệu nguy hiểm nào cho những cá nhân này.
Chẳng hạn, trước khi đẩy mũi nhọn tự do tôn giáo để rồi mở hành lang an toàn, chúng tôi tạo cơ hội cho một số chức sắc tôn giáo điều trần tại Quốc Hội Hoa Kỳ, tiếp xúc với các phái đoàn Quốc Hội Hoa Kỳ, gặp gỡ giới chức của nhiều toà đại sứ Tây Phương, và liên lạc trực tiếp với LHQ. Bao quanh họ là một vòng đai an toàn ngày càng dày đặc. Khi công an sách nhiễu một chức sắc Cao Đài, lập tức Chủ Tịch Hội Đồng Nhân Quyền Tom Lantos của Hạ Viện Hoa Kỳ lên tiếng và toà đại sứ Hoa Kỳ đã gọi điện thoại để theo dõi tình hình và báo cáo cho Quốc Hội; mới đây phái đoàn của Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ cùng với Đại Sứ Hoa Kỳ và một số nhân viên toà đại sứ đã họp với chức sắc ấy và hai đồng sự ở Hà Nội.  Trước đó, Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng cũng đã đến thăm chức sắc này và đồng sự tại nơi cư trú ở Vĩnh Long.
Vòng đai an toàn phải được tạo lập trước khi một cá nhân tham gia những công việc dễ thu hút sự sách nhiễu hay đàn áp. Điều này đòi hỏi có sự chuẩn bị từ rất sớm về kế hoạch và nhân sự chuyên môn cho quốc tế vận, và một cơ chế để can thiệp cấp thời khi hữu sự.
Khi một người hoạt động trong nhiều hành lang an toàn thì vòng đai an toàn cho cá nhân cũng sẽ rộng ra vì cùng lúc nhận được sự chú ý và can thiệp của các giới chức quốc tế thuộc các lãnh vực nhân quyền khác nhau. Tuy nhiên, trải mình ra quá rộng thì không thể củng cố về chiều sâu và tầm chuyên môn của hoạt động.

Hậu cứ an toàn
Dù giữ mình trong hành lang an toàn và dù có vòng đai an toàn bảo bọc, một cá nhân vẫn có thể gặp hiểm nguy vì sự an toàn chỉ là tương đối. Chế độ sẽ không bó tay và ngồi yên. Cho nên phải có sẵn một “hậu cứ an toàn” để rút về mà công việc vẫn liên tục. Muốn vậy thì phải có một tổ chức với những thành viên có khả năng để sẵn sàng đổi chỗ cho nhau: người cần rút về “hậu cứ” hoán chuyển vai trò và công tác với người bước ra tiền phương. Đây là một vai trò đặc biệt của tổ chức hoạt động xã hội dân sự trong môi trường không an toàn. Các người hoạt động riêng rẽ không hề có hậu cứ an toàn.
Trong 15 năm qua, BPSOS dùng quốc tế vận để lần lượt mở ra nhiều hành lang an toàn quanh các mũi nhọn nhân quyền như tự do tôn giáo, chống buôn người, chống cưỡng chiếm đất đai, chống tra tấn, tự do cho tù nhân lương tâm, quyền lao động… Trong những năm gần đây, Liên Minh Cho Một Việt Nam Tự Do Và Dân Chủ và tiền thân của nó đã thiết lập vòng đai an toàn cho ngày càng đông những người hoạt động tiên phong. BPSOS còn có chương trình bảo vệ đồng bào đi lánh nạn ở Thái Lan và Mã Lai hoặc đến tị nạn trực tiếp ở Hoa Kỳ, nhưng đây không phải là “hậu cứ an toàn” theo nghĩa trên. Hậu cứ an toàn phải do chính người trong nước thực hiện qua việc hình thành và củng cố các tổ chức hoạt động xã hội dân sự đúng nghĩa.
Cưu mang cho xã hội dân sự thoát thai từ thể chế độc tài là vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Chúng ta có thể giảm bớt những khó khăn và nguy hiểm ấy nếu làm đúng việc, đúng cách và đúng lúc.
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Nguồn:VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét