Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Công dân “tự té” chết – công an thiếu chứng cứ xác thực

LTCGVN (25.08.2014)

Sài Gòn - Công dân tên là Bùi Tấn Hoàng thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh Tp.HCM đã tử vong sau khi rời khỏi trụ sở công an.
Vietnam.net kể lại, “ông Hoàng tự gọi điện thoại đề nghị cảnh sát 113 đến bắt ông ấy và đã chết sau khi làm việc với công an”.
140824002Theo Vietnam.net, “tổ công tác 113 xác nhận, ông Hoàng gọi điện báo tin, nhưng khi tới nơi không rõ là tin gì. Do ông Hoàng có biểu hiện không bình thường, lực lượng công an đã mời về trụ sở để làm rõ”.
Công an xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, không giải thích lý do vì sao ông Hoàng đề nghị lực lượng công an bắt ông về đồn.
Nhiều nhân chứng kể, khi lên xe của lực lượng cảnh sát 113, ông Hoàng hoàn toàn tự nguyện, có xuất trình CMND và lực lượng 113 không còng tay ông Hoàng”.
Tổ công tác 113 xã Tân Nhựt cho hay, ngay trong đêm lực lượng công an đã cho ông Hoàng về vì không khai thác được thông tin, ông Hoàng chưa gây ra hậu quả gì. Khi ra về, tình trạng sức khỏe của ông Hoàng bình thường.

Theo công an, sau khi làm việc xong với công an và rời khỏi đồn thì ông Hoàng đi cướp xe máy, bỏ chạy, tự té ngã và dẫn đến tử vong.
Các y bác sỹ tại bệnh viện Bình Chánh xác nhận, lực lượng công an đã đưa ông Hoàng đi cấp cứu và khai báo là vô danh. Bệnh viện không nói rõ lực lượng công an thuộc xã Tân Nhựt – nơi ông đã tử vong hay công an thuộc xã Tân Kiên – nơi ông cư trú đã đưa ông đến bệnh viện?
Đến 3 giờ rạng sáng ngày 18.08. gia đình bà Triệu Thị Xuyên – mẹ ông Hoàng nhận hung tin từ công an xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh cho biết, ông Hoàng đã tử vong và thi thể đang được lưu giữ tại bệnh viện huyện Bình Chánh.
Một thế giới nhận định, việc công an xã xem giấy tờ rồi mang Hoàng vào bệnh viện ghi  “vô danh” là rất mâu thuẫn.
Dẫn nguồn Một Thế Giới, mẹ nạn nhân là bà Triệu Thị Xuyên ấm ức nói: “trên người Hoàng có rất nhiều vết thương. Công an nói con tôi đi cướp giật. Tôi không thể nào tin được điều đó.”
Ông Hoàng là công nhân bao bì của Công ty bao bì Ngọc Yến và đang ở trọ gần cầu Kênh C, xã Tân Nhựt, Q.Bình Tân.
Ngoài những nghi vấn được đặt ra như ở trên, trong  sự việc này, Vp. CLHB có một số nhận định như sau :
Thứ nhất, nếu nguồn tin trên là đúng và cho là ông Hoàng chủ động gọi điện công an đến bắt ông, hoặc báo tin tố giác? Thì theo qui định Điều 102 và Điều 101 Bộ luật TTHS, khi mời về trụ sở công an, “cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập Biên bản”. Đây là thủ tục bắt buộc. 
Như vậy, công an cần trưng dẫn Biên bản làm việc có chữ ký ông Hoàng về sự việc ông Hoàng “tự thú” hay “tin báo …”.
Thứ hai, ai là người đã làm việc “khai thác” ông Hoàng? Có người chứng kiến hay không? Theo qui định tại khoản 4 Điều 9 Pháp lệnh công an xã, công an xã có nhiệm vụ, quyền hạn: “Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức và lực lượng khác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn xã hội theo quy định của pháp luật; bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ tính mạng, tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức trên địa bàn xã”. Trong vụ việc này, công an xã có làm nhiệm vụ “phối hợp” với lực lượng 113, có lập biên bản, có thực hiện nhiệm vụ “bảo vệ tính mạng của ông Hoàng tại trụ sở, trên địa bàn xã không hay không? Công an chứng kiến “vụ cướp xe” mà ông Hoàng gây ra từ khi nào? Nếu công an biết ngay từ đầu sao không ngăn chặn vụ việc này lại? Nếu sau đó công an mới phát hiện thì tại sao công an lại biết “ông Hoàng tự té”?  Công an có lập biên bản phạm tội quả tang, người bị hại là ai, người làm chứng là ai?…
Khi chưa trả lời – với chứng cứ xác thực – thì “nghi vấn người dân tự chết (?) tại trụ sở công an / hoặc sau khi rời khỏi trụ sở công an” vẫn là câu hỏi nhức nhối đối với người dân Việt Nam.  Danh sách những người “tự chết” này ngày càng dài hơn, mức độ, tính chất ngày càng công khai… bất chấp dư luận, pháp luật. Nó xuất phát từ quyền vô hạn dành cho công an – lá chắn bảo vệ chế độ – mà không có bất cứ cơ quan, cá nhân nào có thực quyền giám sát, phản biện. Cùng với mức án ngày càng giảm nhẹ, từ mức án 4 năm tù dành cho trung tá Nguyễn Văn Ninh, người đánh chết Ông Trịnh Xuân Tùng vào năm 2012, đến mức án “18 tháng tù” dành cho công an Trương Trung Hiếu và Y phiên, những người đánh chết ông Y Két cho thấy, ngay cả “giết người” cũng sẽ chỉ là “làm chết người trong khi thi hành công vụ” với mức án “hoàn toàn chấp nhận được”, số phận người dân, quyền bất khả xâm phạm về thân thể của Công dân sẽ chỉ là mỹ từ nằm trên văn bản qui định… Còn nếu may mắn, che dấu kỹ, có được kết luận “tự tử”, “tự té”… thì công an trắng án. Ngay cả bị kết án, nhiều công an trong trại giam, theo lời kể, vẫn sẽ trở thành “đại bàng” với quyền sinh, quyền sát được quản giáo từng là bạn, là đàn em, cấp dưới… trao ban.
Pv.VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét