Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

Lm. Chân Tín: Luồng gió mới: Đức Phaolô VI (19)




Đức Phaolô VI,Giáo hoàng của thời đại

 

Sàigòn
Khi được tin Đức Gioan XXIII băng hà, toàn thể thế giới và người Công giáo nói riêng, ngoài sự luyến tiếc, còn một phần nào băn khoăn tự hỏi: Ai sẽ là người lên ngôi thánh Phêrô để tiếp tục công trình vĩ đại của các Giáo hoàng trước, dịu dàng nhưng mạnh tay lái con thuyền Giáo hội giữa sống ba đào của thế giới ngày nay? Ai sẽ là Giáo hoàng của thời đại vừa nhân từ cởi mở, vừa sáng suốt cương nghị?

Những nỗi lo âu băn khoăn đó đã chóng biến tan trong làn khói trắng báo tin đức Hồng Y Montini đắc cử Giáo hoàng với danh hiệu PhaolôVI. Thế giới hoan hỷ và chúc tụng tân Giáo hoàng như vị kế nghiệp xứng đáng của thánh Phêrô, để tiếp tục công trình vĩ đại của các giáo hoàng tiên nhiệm, cách riêng của Đức Gioan XXIII, và điều khiển Giáo hội trong thời buổi khó khăn này. Hơn 20.000 điện văn chúc mừng gửi đến Tân Giáo hoàng cũng như những lời tuyên bố của các giới tôn giáo, chính trị, báo chí khắp các quốc gia đều nói lên niềm hân hoan thành thật của mọi người bất phân tôn giáo. Trong lòng tin, kitô hữu còn có thể nhận thấy Đức PhaolôVI là người tôi trung Chúa Thánh Thần đã chọn để tiếp tục công việc của Chúa Cứu Thế ở thời đại ta, đúng như lời của mục sư Stuber, quan sát viên tin Lành tại Công đồng: “Tôi tin rằng Chúa Thánh Linh quả đã hướng dẫn việc lựa chọn Đức Giáo hoàng Phaolô VI”.
Thật thế, xét qua quá trình hoạt động của ngài trong mọi địa hạt đời sống của Giáo hội, xét qua nền học vấn uyên thâm cũng như đức độ của ngài , tất cả mọi người đều tin tưởng rằng Ngài sẽ đem lại cho Giáo hộivà nhân loại một mùa xuân mới. tin tưởng này càng thêm mãnh liệt, khi chính Đức Tân Giáo hoàng, trong thông điệp đầu tiên gửi toàn thế giới, đã vạch rõ đường lối và chương trình hoạt độngcủa triều đại ngài.
Ngài long trọng tuyên bố tiếp tục Công đồng Vatican II để cải tân Giáo hội, nỗ lực cùng với anh em cách biệt tìm về hợp nhất, tiếp tục đàm thoại với thế giới ngày nay, để mưu tìm hòa bình trường cửu.
Trước hết, Ngài cương quyết tiếp tục Công đồng Vatican II, để cải tân Giáo hội “Công việc chính của triều đại chúng tôi sẽ là tiếp tục Công đồng. Tất cả sức lực Chúa ban cho chúng tôi sẽ dồn hết vào công việc trọng đại ấy, để làm cho Giáo hội Công giáo chiếu rạng trên thế giới như ngọn cờ đưa cao trên các nước xa xôi ngõ hầu thu hút tất cả mọi người, nhờ tổ chức uy nghiêm, nhờ tinh thần trẻ trung, nhờ cơ cấu được cải thiện, nhờ sức lực dồi dào do tất cả các dân tộc thuộc đủ mọi ngôn ngữ và tất cả mọi quốc gia”.
Ngài cũng sẽ nổ lực thực hiện hợp nhất Kitô giáo: “Chúng tôi mở rộng cánh tay đón tiếp những người lấy làm vinh dự mang tên Chúa Kitô, chúng tôi xin dùng danh từ dịu dàng là “anh em” để nói đến họ. Ước gì anh em biết rằng: anh em sẽ tìm thấy nơi chúng tôi sự thông cảm và ưu ái. Anh em sẽ tìm thấy nơi nhà cha chung ở La Mã những kho tàng lịch sử, di sản văn hóa, di sản tinh thần của anh em sẽ được đề cao và khai thác mạnh mẽ”.
Sau cùng, Ngài sẽ cố gắng duy trì hòa bình thế giới: “Chúng tôi sẽ hết sức duy trì hòa bình giữa các dân tộc… Trong lúc đoàn thể nhân loại quay nhìn ngai tòa chân lý và nhìn con người đã được lựa chọn đại diện Chúa Cứu Thế trên trần gian, chúng tôi thấy còn phải lặp lại lời kêu gọi đoàn kết chân thành và đầy thiện chí, một thứ đoàn kết có thể liên kết tất cả mọi người trong sự tôn trọng lẫn nhau và chân thành. Chúng tôi kêu mới tất cả mọi người hãy chung sức với nhau để cứu vãn nhân loại , giúp phát triển trong hòa bình các quyền lợi mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại, ngõ hầu thực hiện đời sống tinh thần và tôn giáo và để mọi người biết thờ Đấng Tạo Hóa của mình một cách sống động hơn”.
Ba điểm trên đây của chương trình hoạt động mà Đức Phaolô VI đã long trọng tuyên bố với thế giới cũng chính là ba nỗi lo âu của Giáo hội và nhân loại. Nhưng để kiện toàn ba điểm đó, Giáo hội cần có một vị Giáo hoàng như Đức Phaolô VI nghĩa là một vị Giáo hoàng vừa sáng suốt, vừa nhân từ, vừa cương quyết. Nơi ngài, chiếu sáng cả ba đức tin đó: Trí Ngài minh mẫn sáng suốt biết phân biệt các khuynh hướng tư tưởng và hiểu rõ mọi tình thế khuất mắc, như một Piô XXII; Lòng Gioan XXIII; Chí ngài cương quyết, khẳng khái, bất khuất trước mọi khó khăn như một Piô XI.
Với toàn thể nhân loại và Giáo hội, chúng ta hoan hỉ, vì Chúa Thánh Thần đã ban cho chúng ta Đức Phaolô VI, Giáo hoàng của thời đại.

                                                                        Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
                                                                                                            Số 171-8/1963
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét