Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

[Video] Thế Giới Nhìn Từ Vatican 19/01 - 25/01/2013 - Phim ảnh Công Giáo trên mạng lưới điện toán toàn cầu




1. Buổi triều yết chung Thứ Tư 24 tháng Giêng


Làm thế nào để chúng ta sống đức tin của chúng ta? Để giải quyết câu hỏi này, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 giải thích rằng tin vào Thiên Chúa có nghĩa là để cho đức tin chúng ta "định hình suy nghĩ và hành động của chúng ta cho phù hợp với Lời cứu độ của Thiên Chúa."


Đức Thánh Cha đã trích dẫn Áp-ra-ham như là một ví dụ, vì ông để đức tin của mình vào Thiên Chúa dẫn dắt ông đến những nẻo đường bất định. Ông nói thêm rằng bằng cách mở ra với Thiên Chúa, con người cũng mở rộng lòng mình cho tha nhân.


Đức Thánh Cha nói:


"Anh chị em thân mến, tiếp tục loạt bài giáo lý của chúng ta về Năm Đức Tin, giờ đây chúng ta chuyển sang Kinh Tin Kính, là sự tuyên xưng long trọng đức tin của Kitô hữu. Ở đầu Kinh Tin Kính, chúng ta nói."Tôi tin kính một Thiên Chúa" Đức tin là lời đáp trả của chúng ta với Thiên Chúa là Đấng đã nói với chúng ta trước, đã mạc chính Người cho chúng ta và mời gọi chúng ta tiến vào sự hiệp thông với Ngài.


Chúng ta nghe Thiên Chúa nói với chúng ta trong Kinh Thánh, trong đó kể lại lịch sử mạc khải của Ngài, mà đỉnh cao là sự xuống thế của Con Ngài, Chúa Giêsu Kitô. Một nhân vật trung tâm trong lịch sử của mạc khải là Áp-ra-ham, là tổ phụ và là gương mẫu của tất cả các tín hữu (x. Rm 4:11-12). Nhờ ơn lành của Thiên Chúa và niềm tin tưởng vào những lời hứa của Ngài, Áp-ra-ham đã dám cất bước ra đi về một nơi chốn vô định.


Giống như Abraham, chúng ta cũng được mời gọi hãy để cho đức tin hình thành những suy nghĩ và hành động của chúng ta cho phù hợp với Lời cứu độ của Thiên Chúa, ngay cả khi điều đó trái ngược với tư duy và cách hành xử của thế gian này. Với con mắt đức tin, chúng ta nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa và lời hứa của Ngài về sự sống đời đời vượt quá thực tế của cuộc sống hiện tại. Khi mở lòng ra với ơn lành của Thiên Chúa, chúng ta đến lượt mình lại trở thành một ơn lành cho tha nhân.


Trong suốt tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo, tôi chào đón nồng nhiệt các giảng viên và sinh viên của Phân Khoa Nghiên Cứu Đại Kết của trường Đại Học Bossey, với những lời chúc chân thành cho các nghiên cứu của họ. Tôi cũng chào đón các vị tuyên úy quân đội của Vương quốc Anh vừa trở về từ Afghanistan. Với tất cả các du khách nói tiếng Anh hiện diện tại buổi triều yết ngày hôm nay, bao gồm những người hành hương và các nhóm sinh viên từ Hoa Kỳ, tôi cầu xin muôn ơn lành, niềm vui và bình an của Thiên Chúa."


2. Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 20 tháng Giêng


Trước các cuộc xung đột đang diễn ra ở Mali, Syria và Algeria, trong buổi đọc kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã đưa ra một lời mời gọi mới cho hòa bình. Cụ thể hơn, ngài yêu cầu một vòng đàm phán mới mở đường cho các hiệp ước hòa bình.


Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói:


"Một lần nữa, tôi xin anh chị em cầu nguyện cho hòa bình, để tất cả những xung đột có thể chấm dứt, và đặt một dấu chấm hết cho những bạo lực và những cái chết của thường dân vô tội. Cầu xin cho những nhà lãnh đạo có đủ can đảm để nói chuyện và đàm phán hòa bình. "


Về tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo diễn ra từ ngày 18 đến ngày 25 tháng 1, Đức Giáo Hoàng đã nói về sự cần thiết cầu nguyện cho ý định này. Ngài cũng nói về cộng đồng Taizé, một nhóm thanh niên đại kết, vừa họp gần đây tại Rôma.


Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nhắc lại:


"Buổi canh thức cách đây gần một tháng tại quảng trường này với hàng ngàn thanh niên của phong trào đại kết Taizé từ tất cả khắp nơi trên châu Âu tụ về đây rất có ý nghĩa với tôi. Đó là một thời điểm của ân sủng trong đó chúng tôi đã trải nghiệm vẻ đẹp của việc xây dựng một lực lượng duy nhất dưới trướng của Đức Kitô. "


3. Đức Thánh Cha làm phép những chiên con được nuôi để lấy lông làm dây Pallium


Những con chiên nhỏ mà Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 vuốt ve bên trong nhà nguyện Đức Giáo Hoàng Urbanô 8 của Vatican có một nhiệm vụ rất quan trọng. Len của chúng sẽ được dùng để làm các dây pallium ban cho các tổng giám mục vào ngày 29 tháng 6, nhân lễ kính hai Thánh Phêrô và Phaolô.


Tiếng La Tinh gọi chiên là agnus. Từ danh từ này chúng ta có một tên dành cho nữ giới rất thông dụng là Agnes. Chính vì thế trong ngày lễ kính thánh Agnes 21 Tháng 1, Đức Thánh Cha làm phép cho những con chiên nhỏ mà len của chúng sẽ được dùng để làm các dây pallium.


Những người có nhiệm vụ nuôi các con chiên này là những tu sĩ từ Abadia di Tre Fontane, trong khi những người có trách nhiệm để cắt và đan các dây pallium là các nữ tu Biển Đức của Thánh Cecilia.


4. Đức Thánh Cha lên tiếng mạnh mẽ phê bình nhân sinh quan và ý thức hệ vô thần đang được nhiều tổ chức từ thiện quốc tế theo đuổi.


Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến dành cho 50 tham dự viên khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum (Đồng Tâm), vừa kết thúc hôm 19 Giêng sau 3 ngày tiến hành tại Roma. Trong số các Hồng Y, Giám Mục và nhiều chuyên gia tại Hội nghị cũng có Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu, tân Giám Mục Phó Giáo phận Bùi Chu đại diện Ủy ban Giám Mục Việt Nam về bác ái xã hội.


Đức Hồng Y Robert Sarah chào đón Đức Giáo Hoàng và cám ơn ngài đến tham dự hội nghị với các thành viên của Hội đồng Giáo Hoàng Đồng Tâm.


"Thưa Đức Thánh Cha, thật là niềm vui lớn lao cho chúng con được chào đón Đức Thánh Cha đến thăm Hội đồng Giáo Hoàng Cor Unum của chúng con."


Hội Đồng Giáo Hoàng Cor Unum Vatican là cơ quan điều phối viện trợ của các tổ chức bác ái Công giáo.


Đức Thánh Cha đã khích lệ các tham dự viên hãy tiếp tục bảo vệ văn hóa Kitô giáo trong xã hội bị chi phối bởi vật chất và khuynh hướng duy khoái lạc.


Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói:


"Trong những thế kỷ gần đây, những trào lưu đề cao chủng tộc, hay giai cấp xã hội đã được chứng minh là thờ phượng ngẫu tượng. Cũng vậy, thứ tư bản không kiềm chế với tham vọng về lợi nhuận, đã dẫn đến những cuộc khủng hoảng, bất bình đẳng và nghèo đói. "


Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 yêu cầu các tham dự viên không thể quên khiá cạnh tinh thần của nhân loại. 


Đức Thánh Cha nói:


"Kitô hữu, đặc biệt là những người làm việc cho các tổ chức từ thiện, nên được hướng dẫn bởi các nguyên tắc của đức tin theo đó chúng ta có thể tuân thủ 'quan điểm của Thiên Chúa', và kế hoạch của Ngài dành cho chúng ta."


Đức Thánh Cha Benedict Bênêđíctô thứ 16 khuyến khích các tham dự viên phải thận trọng trong bất kỳ công việc hay những đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp trái ngược với giáo huấn Kitô giáo.


5. Hình ảnh các thánh thời cận đại được phát trên YouTube


Cách đây không lâu, cách duy nhất để tìm hiểu về hình dạng thể lý bề ngoài của các thánh là thông qua các bức tranh và tác phẩm điêu khắc. Những cuốn tiểu sử của các ngài, các tuồng kịch và thỉnh thoảng các bộ phim cũng mô tả cuộc đời của các ngài.


Nhưng theo dòng thời gian, chúng ta lại có thêm các cách khác để tìm hiểu về một số vị thánh. Chúng ta có thể nhìn thấy các ngài bằng xương bằng thịt, và nghe giọng nói của các ngài qua mạng Internet. Trong số hàng triệu video được tải lên YouTube, ta có thể tìm thấy một số ít mô tả trực tiếp các thánh của thế kỷ 20. Sau đây là một số ví dụ:


Người phụ nữ này là Thánh Gianna Beretta, người Ý, và là vị thánh bênh vực sự sống. Bà đã quyết định hoãn phẫu thuật để cứu mạng sống của con mình còn đang trong bụng mẹ. Bà qua đời vào năm 1962, nhưng trước đó, chồng bà đã ghi lại các hình ảnh của bà và hai đứa con.


Lòng sùng kính đối với Cha Piô mở rộng trên toàn thế giới. Thật tương đối dễ dàng để tìm hình ảnh các buổi cử hành phụng vụ của ngài, hoặc nghe bài giảng của ngài trên Youtube. Cha Piô qua đời vào năm 1968.


Thánh Alberto Hurtado là một linh mục Chile qua đời vào năm 1952. Ngài là một nhà văn và hoạt động hăng say cho người nghèo và người yếu thế trong xã hội. Có rất nhiều hình ảnh của ngài trên mạng Internet.


Một vị thánh mà bạn sẽ tìm thấy trên mạng là Thánh Josemaria Escriva. Ngài qua đời vào năm 1975, và trong các năm cuối đời ngài, việc dạy giáo lý của ngài tại Tây Ban Nha và châu Mỹ Latinh đã được quay thành video. Thánh Josemaría là một trong ít các thánh có chương mục YouTube riêng của mình trong đó bao gồm các đoạn video ngắn về việc ngài dạy giáo lý Kitô giáo. Các video này cũng cho thấy cá tính mạnh mẽ của ngài.


Còn dễ kiếm hơn nữa là hình ảnh các chân phước như Đức Thánh Cha Gioan 23, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Mẹ Têrêsa Calcutta.


Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II có lẽ là vị nổi tiếng nhất. Trên YouTube, ta có thể tìm thấy nhiều bài phát biểu của ngài hoặc những khoảnh khắc cảm động cho thấy ngài y như vẫn đang sống giữa chúng ta, chẳng hạn các hình ảnh của một anh hề đang làm cho ngài cười ngặt nghẽo.


Vị tử đạo đầu tiên có mặt trên YouTube là Chân phước Jerzy Popieluszko. Ngài đã bị giết chết ở Ba Lan dưới chế độ Cộng sản.


Trong số các Thánh và Chân Phước sắp được tôn phong, Đức Thánh Cha Piô 12, Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục, Đức Tổng Giám mục Fulton Shen người Mỹ, và Đức Giám Mục Alvaro del Portillo, người kế vị thánh Josemaria là những vị thu hút đông đảo người xem.


Như thế, các công nghệ thông tin mới đang đưa thêm một chiều kích mới cho sự sùng kính các thánh. Từ bất cứ nơi nào trên thế giới, người ta có thể nhìn thấy và tìm hiểu các ngài là ai. Đó là một công cụ mới để hỗ trợ Giáo Hội trong công cuộc Tân Phúc Âm Hóa.


6. Đức Hồng Y Ravasi sẽ giảng tĩnh tâm Mùa Chay cho Đức Thánh Cha và Giáo Triều


Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, sẽ giảng tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha và Giáo Triều Rôma trong tuần đầu tiên của Mùa Chay.


Theo hãng tin I. Media, Hồng Y Ravasi sẽ trở thành vị giám chức thứ tám, được Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 trao trách nhiệm giảng tĩnh tâm. Trong các năm trước, các giám mục khác đã giảng tĩnh tâm cho Giáo triều bao gồm Đức Hồng Y Laurent Monsengwo Pasinya người Congo, François Marie Lethel người Pháp dòng Cát Minh, và Đức Cha Enrico dal Covolo, Dòng Don Bosco,Viện trưởng Đại học Giáo hoàng Latêranô ở Rôma.


7. Cuộc đời của thánh Barbara lên màn ảnh


Tiểu sử của những người thánh thiện cần được chia sẻ để nêu gương cho những người khác. Theo ý hướng đó cuộc đời của thánh Barbara đã được đưa lên màn ảnh rộng. Nhà sản xuất phim nổi tiếng của Ý, Lux Vide, người có kinh nghiệm với các loại phim này, đang thực hiện bộ phim về thánh nữ.


Nhân vật chính của bộ phim, là thánh Barbara, sẽ do nữ diễn viên Vanessa Hessler diễn xuất. Vị thánh nổi tiếng này thuộc một gia đình quý tộc Rôma. Mẹ ngài qua đời khi thánh nữ còn là một thiếu nữ rất trẻ. Thánh nữ được cha mình, là một thống đốc của Đế quốc Rôma, nuôi dưỡng.


Mặc dù được giáo dục và nuôi dạy trong môi trường ngoại giáo, cuộc đời thánh nữ thay đổi khi ngài nhìn thấy các Kitô hữu bị đối xử tàn tệ biết mấy. Tuy nhiên, thời điểm quan trọng kích động việc hoán cải của ngài xảy ra, khi người bạn thân nhất của ngài là Giuliana bị sát hại. Giuliana là một nô lệ và trước khi bị giết, Giuliana đã nói về lý do tại sao cô trở lại đạo Công giáo. 


Rồi ngài cũng phát hiện rằng thân mẫu của mình đã trở lại Công giáo trước khi qua đời.


Vì vậy, Barbara quyết định gia nhập Công Giáo. Nhưng chính việc trở lại đạo Công giáo của ngài đã làm cho ngài phải chết.


Bộ phim được thực hiện với phần đối thoại bằng tiếng Ý, nhưng dự kiến bộ phim sẽ được phát hành bằng nhiều ngôn ngữ khác nữa.


8. Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 ra mắt chương mục Twitter của ngài bằng tiếng Latinh


Sau khi đi vào thế giới kỹ thuật số qua việc mở chương mục @Pontifex trên Twitter vào cuối tháng 12 năm 2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 đã bổ sung thêm một chương mục trên trang mạng xã hội này, nhưng lần này bằng tiếng Latinh.


Đây là chương mục thứ chín của Đức Thánh Cha trên mạng Twitter. Tuy nhiên, chương mục mới nhất vẫn chưa được sử dụng. Có thể Đức Thánh Cha sẽ gửi tín nhắn đầu tiên trên mạng Twitter bằng tiếng Latinh, trong lần xuất hiện sắp tới. Theo dự kiến, ngài sẽ nhắn tin bằng tiếng Latinh, để chào mừng các người “gia nhập” trong chương mục mới nhất:


Tuus adventus in paginam publicam Summi Pontificis Benedicti 16 breviloquentis optatissimus est (tạm dịch là “Chúng tôi cám ơn quý vị gia nhập trang Twitter chính thức của Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16”)


Cho đến nay, Đức Thánh Cha đã nhắn tin trên mạng xã hội Twitter sau mỗi buổi tiếp kiến chung vào ngày thứ Tư hàng tuần, và sau khi đọc kinh Truyền Tin ngày Chúa Nhật.


Hơn một tháng kể từ khi nhắn tin nhắn đầu tiên qua mạng xã hội, Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 đã có hơn 2,5 triệu độc giả trên mạng Twitter.


9. Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho sự hợp nhất Kitô giáo trong buổi tiếp kiến chung


Hàng ngàn người bất chấp thời tiết mưa bão ở Rôma đã tham dự buổi tiếp kiến chung hàng tuần với Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16.


Trong bài huấn từ, Đức Giáo Hoàng đã đề cập đến chủ đề hiệp nhất Kitô giáo là chủ đề chính của hội nghị thanh niên đại kết Taizé tại Rôma hai tuần trước đây và đồng thời, ngày thứ Sáu 25 tháng Giêng đánh dấu sự bắt đầu của tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo. 


Đức Thánh Cha nói:


"Tôi mời gọi mọi người cầu nguyện, kiên trì xin Chúa ban cho hồng ân tuyệt vời là sự hiệp nhất giữa tất cả các môn đệ của Chúa Kitô. Chúa Thánh Thần không ngừng khuyến khích chúng ta cam kết chân thành trong việc tìm kiếm sự hiệp nhất. Bởi vì tất cả chúng ta có thể tuyên xưng với nhau rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. "


10. Đức Thánh Cha tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sau cuộc tiếp kiến chung


Trong chuyến công du kéo dài một tuần đến các thủ đô châu Âu, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã dừng lại tại Vatican, và gặp Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16.


Ông Panetta ngồi ở hàng ghế đầu tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục trong suốt buổi tiếp kiến chung hàng tuần. Sau đó, ông được đưa đến khán đài để gặp Đức Thánh Cha.


Trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, Đức Thánh Cha đã tặng ông Panetta một hộp nhỏ màu trắng, có lẽ trong đó có một huy hiệu Giám mục của Đức Thánh Cha.


11. Vatican nhắc lại các đòi hỏi tự do tôn giáo và quyền tự chủ, sau phán quyết của tòa án nhân quyền châu Âu


Ngoại trưởng Tòa Thánh, Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, bênh vực tự do lương tâm, và chống lại “chủ nghĩa độc tài” của thuyết duy tương đối về luân lý.


Đức Tổng Giám Mục Mamberti bày tỏ lập trường trên đây trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, hôm 16 tháng Giêng, sau khi Tòa Án nhân quyền ở Strasbourg đưa ra phán quyết về 4 vụ kiện từ Anh quốc: hai vụ liên quan đến vấn đề có được đeo thánh giá nhỏ ở cổ tại nơi làm việc hay không, và 2 vụ khác về quyền phản kháng lương tâm, không cử hành hôn phối dân sự cho 1 cặp đồng phái, và chữa trị quan hệ phái tính cho một cặp đồng phái khác.


Trong cuộc phỏng vấn, Đức Tổng Giám Mục Mamberti nhận định rằng “Các vụ kiện đó chứng tỏ những vấn đề liên quan đến tự do lương tâm và tôn giáo là điều phức tạp, đặc biệt nơi xã hội Âu Châu trong đó ngày càng có sự khác biệt về tôn giáo và sự gia tăng của trào lưu duy đời. Có một nguy cơ thực sự là chủ thuyết duy tương đối về luân lý đang được áp đặt như một qui luật mới của xã hội, nó làm thương tổn những nền tảng của tự do lương tâm và tự do tôn giáo của mỗi người.”


Đức Tổng Giám Mục Mamberti đã trích dẫn lời Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 trước ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh hôm 7 tháng Giêng vừa qua, theo đó “cấm sự phản kháng lương tâm của cá nhân và của tổ chức, nhân danh tự do và đa nguyên, thì sẽ mở đường cho sự bất bao dung và một sự cưỡng bách mọi người phải đồng đều như nhau.” 


12. Đức Thượng phụ Công giáo cáo buộc Mỹ và các nước châu Âu ủng hộ bạo lực hủy diệt ở Syria


Đức Thượng Phụ Công Giáo Syria Ignatius III Younan ở Antioch đã cáo buộc rằng nhiều quốc gia đã đẩy Syria đến chỗ hủy diệt, bằng cách ủng hộ các phiến quân và kích động bạo lực.


Đức Thượng Phụ nói: “Mỹ, Liên minh châu Âu và các quốc gia vùng Vịnh có một trách nhiệm lớn lao trong cuộc chiến này, vốn bắt đầu như là một cuộc cách mạng Ả Rập ôn hòa". 


Ngài nói rằng các quốc gia này hỗ trợ phiến quân Syria, và khuyến khích các nỗ lực quân sự của họ, mặc dù các phiến quân không thống nhất với nhau và không thể tạo nên một sự thay thế hiệu quả cho chế độ của tổng thống Assad.


Ngài nói tiếp, sau nhiều tháng chiến đấu, Syria đã bị phá hủy bởi bạo lực và hận thù. Theo ngài, “Cuộc xung đột dữ dội trên qui mô lớn ngày hôm nay về thực chất là một cuộc xung đột giáo phái giữa phe thiểu số Alawi và phe đa số Sunni".


Đức Thượng Phụ Ignatius nói rằng ngài mạnh mẽ khuyến khích các Kitô hữu ở lại tại Syria, bất chấp bạo lực, bởi vì họ cung cấp niềm hy vọng tốt nhất cho hòa bình trong tương lai ở Syria. 


Ngài nói: “Vì các giáo phái Hồi giáo đấu tranh vì quyền lực, các thành viên của nhóm thiểu số Kitô giáo ở Syria là những người duy nhất có thể làm chứng tá, thông qua đời sống và giá trị của khả năng hòa giải, mặc dầu các điều này dường như đã bị loại trừ bởi chế độ và cả quân nổi dậy".


13. Tân Thượng Phụ cho người Công giáo Coptic của Ai Cập


Đức Hồng Y Antonios Naguib đã từ chức Thượng phụ Alexandria và cả chức vụ lãnh đạo Giáo hội Công giáo Coptic, ở tuổi 77. Thượng Hội Đồng Coptic, với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha Bênêđictô16, đã chọn Thượng Phụ Ibrahim Isaac Sidrak để thay thế ngài.


Sinh tại Ai Cập năm 1955, và được truyền chức linh mục vào năm 1980, Tân Thượng Phụ lấy bằng tiến sĩ thần học ở Đại học Gregorian ở Rôma, và dạy học tại chủng viện Công giáo Coptic tại Maadi, trước khi trở thành Giám Mục Minya năm 2002.


Có khoảng 150,000 người Công giáo Coptic sống ở Ai Cập ngày nay. Con số này đã giảm đáng kể từ mức cao nhất là khoảng 250,000 người vào năm 2005, phản ánh sự di cư của Kitô hữu khỏi khu vực Trung Đông. Hầu hết các thành viên của nhóm thiểu số Kitô giáo của Ai Cập thuộc Giáo Hội Chính Thống Coptic.


14. Trả lại đất bị tịch thu cho chủng viện Chính Thống giáo Đông phương ở Thổ Nhĩ Kỳ


Hội đồng nhà đất thuộc Tổng cục nhà đất của Thổ Nhĩ Kỳ đã trả lại 188 hecta đất cho chủng viện Halki, nơi đã đào tạo gần 1,000 linh mục cho Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople từ năm 1844 đến năm 1971.


Năm 1971, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh đóng cửa chủng viện theo một điều khoản của hiến pháp quốc gia năm 1961 theo đó “chỉ có các lực lượng vũ trang và cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ mới được phép mở các học viện". 


Do đó, mặc dầu đất đai được trả lại, nhưng chủng viện vẫn tiếp tục bị đóng cửa.


15. Pakistan: Giáo Hội yêu cầu quan chức chính phủ xin lỗi


Chủ tịch Ủy ban Công Lý và Hòa Bình của Hội đồng Giám mục Pakistan đã yêu cầu ông Rehman Malik, Bộ trưởng nội vụ Pakistan đưa ra một lời xin lỗi sau khi ông so sánh Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 với Mohammad Tahir ul-Qadri, một giáo sĩ Hồi giáo là người đã gây ra bao nhiêu tranh cãi.


Vị giáo sĩ này đã có những phát biểu chống khủng bố rất mạnh mẽ và gần đây đã dẫn dầu một cuộc biểu tình lớn chống tham nhũng trong chính phủ.


Linh mục Emmanuel Yousaf Mani nói: "Không thể so sánh và chẳng có sự tương quan giữa hai nhân vật này. Trong khi Đức Thánh Cha là một nhà lãnh đạo không thể tranh cãi của Giáo Hội Công Giáo, là tôn giáo lớn nhất thế giới, các phát biểu của tiến sĩ Qadri chỉ mang tính chất nội bộ của riêng Pakistan và người Hồi giáo nước này. Mặt khác, Đức Thánh Cha không có một vai trò hay tham vọng chính trị nào tại các quốc gia thuộc thế kỷ 21 này".


Linh mục Yousaf Mani nói thêm: “Cộng đồng Kitô giáo của Pakistan cảm thấy vô cùng giận dữ vì lời tuyên bố bôi nhọ chức vụ và vị trí của Đức Giáo Hoàng. Chúng tôi yêu cầu một lời xin lỗi từ Rehman Malik, người đã được dân chúng giao một trọng trách, và yêu cầu bộ trưởng tránh có các lời nhận xét tương tự trong tương lai. Chúng tôi cũng kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo khác, hãy kềm chế các điểm bất đồng và các trò đấu đá chính trị trong một giới hạn phù hợp, bởi vì các nhận xét nguy hiểm không phản ánh phần tích cực của nền văn hóa dân chủ".


16. Bổ nhiệm Tổng Giám mục phó cho Tổng giáo phận Armagh


Ngày 18 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Bênêđíctô16 đã bổ nhiệm Giám mục Eamon Martin, giám quản giáo phận Derry, làm Tổng Giám mục phó của Tổng Giáo phận Armagh.


Như thế trong tương lai ngài sẽ kế vị Đức Hồng Y Sean Brady, Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Armagh, sau khi Đức Hồng y xin nghỉ hưu. Hiện nay Đức Cha Martin 51 tuổi, và Đức Hồng y Brady 73 tuổi.


Tân Tổng Giám mục phó Eamon Martin, sinh năm 1961 ở Derry trong một gia đình có 12 người con, trong đó sáu trai và sáu gái.


Ngài được truyền chức linh mục vào tháng Sáu năm 1987 và được bầu làm giám quản giáo phận Derry hồi tháng 11 năm 2011.


Đức Cha Martin là một cộng tác viên thường xuyên của đài BBC với mục “Thought for the Day; Prayer for the Day” (Tư tưởng trong ngày, Lời cầu nguyện trong ngày), cử hành Thánh lễ và giảng lễ trong mục “Sunday Morning Worship”, các chương trình khác trên RTE, BBC Radio Ulster, BBC Radio 4, và BBC World Service.


Ngài có một quan tâm lớn đến âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc hợp xướng, âm nhạc cổ điển, và âm nhạc phụng vụ nói chung. Ngài quan tâm đặc biệt đến Thánh nhạc, đặc biệt là nhạc Bình ca (Gregorian). Ngài cũng thích đi bộ và làm vườn.


17. Thay đổi trong hệ thống truyền thông tại Vatican


Đang có những thay đổi sâu rộng trong hệ thống truyền thông tại Vatican. Linh mục người Ý, Dario Edoardo Viganò, sẽ thay thế Cha Federico Lombardi, trong chức vụ tân giám đốc của Đài Truyền Hình Trung Ương Vatican. Cha Viganò là một chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh, đồng thời cũng là một giáo sư tại Đại học Giáo hoàng Latêranô.


Hiện nay cha Lombardi vẫn là giám đốc Đài phát thanh Vatican và vẫn đảm nhận chức vụ giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, nhưng có thể có những thay đổi.


Cha Angelo Scelzo, cho đến nay vẫn là thư ký của Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội. Với chức vụ mới, ngài sẽ trở thành Phó giám đốc Văn phòng báo chí đồng chức vụ với Cha Ciro Benedettini người đã giữ chức vụ đó trong nhiều năm.


Cha Scelzo sẽ chịu trách nhiệm trong việc công nhận các nhà báo, là chức trách cho đến bây giờ vẫn do Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội đảm nhiệm.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét