Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Đi tìm Mùa Xuân Dân Tộc



Pháo vang một tiếng đưa năm cũ,
Vẫn dáng đào xưa cợt gió đông. *

Lại một mùa xuân nữa trải dài trên quê hương. Trăm hoa đã kết, muôn loài thịnh đạt. Xuân đi xuân lại, nhưng sao chúng ta không cảm thấy xuân cằn cỗi già nua. Xuân về hoa vẫn nở bấy nhiêu (xuân lai hoàn phát cựu thời hoa),vẫn tiếng oanh dìu dặt trên cành rộn ràng bước chân người phiêu lãng (xuân phong ngữ lưu oanh). Xuân đến khi mà khí DƯƠNG đã giăng xuống đất người, khi mà khí ÂM đã vươn tới tận trời cao. Chữ ĐỒNG nào kết tình Đất với Trời, lòng ta với thiên nhiên trong mùa xuân, trong ngày tam nguyên trọng đại này: sáng đầu năm, sáng đầu tháng, sáng đầu ngày. Trong vài trang giấy ngắn gọn, chúng ta thử nhìn về huyền sử Lạc Việt, tìm hiểu nguyên do và ý nghĩa niềm mơ ước sống trong những mùa xuân ĐẾ ĐẠO của tiền nhân. 

ÂM DƯƠNG TƯƠNG XUNG TƯƠNG KHẮC. 

Lịch sử Lạc Việt khởi đầu bằng một mối tình thơ mộng giữa đôi trai tài gái sắc. Mối tình giăng kết trong mùa xuân khai sáng dân tộc, khi con người còn sống dưới sự êm đềm của trăng sao, sống trong vòng tay ôm của núi sông đồng ruộng. Chàng là Lạc Long (giòng giống Rồng, siêu vật, biểu tượng của yếu tố Dương), nàng là Âu Cơ (giòng giống Tiên, siêu nhân, biểu tượng của yếu tố Âm). Nguyên nhân nào đã nối kết hai đứa con của núi đồi và của biển xanh, chân phúc nào đã xe duyên họ trong mối tình đằm thắm đó? Nhưng chữ THỦY CHUNG không gắn liền với giòng đời của họ. Âu Cơ em hỡi! Em là giòng Tiên, ta là giống Rồng, từ bản chất vốn dĩ khác biệt vô ngần, làm sao chúng ta có thể gắn bó suốt đời cùng nhau? Vết thương tình yêu không thể nào hàn gắn: Chàng dẫn 50 con (Kinh) trở về biển xanh bao la. Nàng, khoé mắt đẫm lệ, đưa 50 con còn lại trở về cõi núi đồi bát ngát (Thượng). Xuân Thái Hòa cớ sao ghi đậm ngăn cách. Lạc Long quân chàng hỡi! Tình ta từ nay chỉ còn là ô vuông kỷ niệm. Âm Dương nghịch tiến không thể qui hội trên đỉnh bình an (1). 

Cũng một mùa xuân trong thời đại Hùng Vương. Mỵ Nương công chúa như một đóa vừa tầm tay với cho khách tao nhân. Kim Tinh, Thủy Tinh, hai vị thần cai quản hai vùng trời khác biệt, cùng đến xin cầu hôn. Nhưng Kim Tinh (yếu tố Dương) chiếm thượng phong, đã đưa giai nhân trở về núi cao, t ạ c chữ ĐỒNG đến trăm năm. Ôm hận tình yêu, Thủy Tinh (yếu tố Âm) đã mất bình tĩnh tới độ quên quảng đại sinh dân, đang an cư lạc nghiệp trong thời Đế đạo của Hùng Vương. Âm lực dâng tràn, tôm tép cũng quyết ăn thua đủ với binh lực của Dương thần Kim Tinh. Kết cục ‘Cá chép không thể vượt vũ môn để hóa rồng ‘ khi mà núi đồi cũng vươn cao dường như bất tận. Âm Dương đồng tiến song song, nhưng không bao giờ giao hội. Và Công chúa Mỵ Nương, má hồng đẫm nước mắt, khóc than cho tình mình gây cảnh tang thương: ‘Phụ Vương ơi!Phong Châu ‘(thơ Nguyễn nhược Pháp). 

ÂM DƯƠNG TƯƠNG SINH TƯƠNG HÔI. 

Hoàng tử Lang Liêu mồ côi cả cha lẫn mẹ đứng trước một thách đố khôn lường. Nhưng mất Mẹ, ta vẫn còn Đất Mẹ (Âm); lìa Cha, ta vẫn còn Trời Cha (Dương). Trời Cha Đất Mẹ nuôi dưỡng và triển sinh vạn loài. Lang Liêu! Ta cảm thông nỗi lòng của Hoàng tử, ngậm ngùi trước tương lai mù tối. Nhưng Hoàng tử hãy thâm tín rằng: Trời Cha Đất Mẹ không phụ chân hiếu tử. Hoàng tử hãy làm hai thứ bánh: bánh dày hình tròn, biểu tượng cho Dương, cho tình Cha, tình Cha diệu vợi (Trời),bánh chưng hình vuông, tượng trưng cho Âm, cho lòng Mẹ, lòng Mẹ muôn trùng (Đất). Và ngày tam nguyên, Hoàng tử hãy dâng hai thứ bánh biểu tượng cho sự giao hòa của Trời Cha Đất Mẹ này lên Phụ hoàng. Âm vuông Dương tròn của Đất Trời (chữ Hòa) giao kết với chữ HIẾU đặc thù của dòng Lạc Việt, thì không gì ý nghĩa cho bằng. Và rồi… Lang Liêu lên ngôi báu, tiếp tục thời Đế đạo của triều đại Hùng Vương. 

MINH TRIẾT QUI TÀNG DỊCH. 

Thời đại Hùng Vương nhan nhản những huyền sử như thế đó. Nhiều người trong chúng ta đã lạnh lùng lên án (?). Tuy nhiên, khi huyền sử trở thành một thứ LINH NGỮ để diễn đạt thực tại cao vời, thì khi đó xin đừng dừng lại nơi huyền sử để phê phán tiền nhân. Tiền sử ƠN CỨU ĐÔ (11 đoạn đầu của sách Sáng Thế) cũng đầy màu sắc huyền thoại: huyền thoại tạo dựng của người Babylone trong thi khúc Enouma Elish, huyền thoại Enki và Ninhoursag về địa đàng trong tôn giáo người Sumer, người anh hùng Gilgamesh đi tìm trái trường sinh bất tử, quyền lực sáng tạo do lời phán của các thần linh trong tôn giáo người Sumer, Anh hùng ca Atra –Hasis với lụt Hồng Thủy… và còn nhiều huyền sử na ná như vậy nữa. Tuy nhiên, Thánh ký không dừng bước nơi huyền thọai để diễn đạt tiền sử ƠN CỨU ĐÔ. Các vị chỉ mượn văn chương vùng Cận Đông để trình bày chân lý Độc Thần Giáo (Một Chúa) và màu nhiệm sự ác trong công trình tạo dựng mà thôi. Ngày nay, các ngành khoa học nhân văn cũng chú tâm đặc biệt tới huyền thoại và coi đó là một ngôn ngữ của tiềm thức, của toàn thể, khi mà lý trí và ngôn ngữ thông thường thúc thủ. 

Tổ tiên Lạc Việt ta, để diễn đạt tính cách cao vời của nên văn minh nông nghiệp, một nền văn minh mà trong đó yếu tố văn hóa được quan niệm như hồn dân tộc, phát triển mạnh hơn nền văn minh du mục và bá đạo của Tàu, hay nói văn vẻ hơn: nền văn minh của Đế đạo, trong đó con người đối xử với nhau bằng tín nghĩa – đã dùng những huyền thoại (như chúng tôi đã trình bày khái lược một vài huyền thoại tiêu biểu) - để diễn đạt nền văn minh QUI TÀNG DỊCH (mọi việc đều qui về đất, lấy quẻ KHÔN làm khởi điểm), vì khi đó tổ tiên ta đã sống định cư, biết trồng tỉa. Nét đặc thù của nền văn minh này là chữ TRUNG. Chữ TRUNG có tính cách linh động và uyển chuyển, tùy theo thực trạng biến đổi của KHÔNG và THỜI mà hành động, dùng thăng bằng của nội tâm để hướng dẫn sự thăng bằng của thế sự nhân tâm, và như thế nhiên hậu sẽ có an hòa. Chữ TRUNG này ẩn tàng trong chữ DỊCH. Dịch là biến đổi, trao đổi, hoán chuyển, nhờ hai yếu tố Âm Dương đối đãi và tiềm phục trong vạn vật. Hai yếu tố tương quan, tương đối, tương sinh tương khắc này chi phối mọi sinh hoạt của thiên nhiên và con người - trở thành cương lĩnh cho văn minh Á đông hàng ngàn năm nay. Một áp dụng nho nhỏ: Chẳng hạn nhờ hai yếu tố quan thiết này mà đất trời giao hòa trong tiết xuân, lòng người an thái nhìn cảnh trăm hoa đua nở - khi mà lũy tre xanh với tiếng chày giã gạo dưới đêm trăng tiết hạ, cây cối và đồng lúa chín vàng – khi mà đất trời thanh thoát trong cảnh thu êm dịu - khi mà muôn vật nằm xuống nghỉ ngơi, ôm ấp sinh lực trong lòng đất để chuyển thành động lực cho ngày mai. Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu thu, Đông tàn. Xuân Hạ dưỡng Dương, Thu Đông dưỡng Âm. Tiền nhân ta quả thật hữu lý để xác quyết như thế. Chu trình lịch sử cũng vậy: đó không phải là quan điểm lịch sử đường thẳng (linéaire) của Tây phương, nhưng là một đường tròn xoáy trôn ốc(cycli- que) – hoàn vô đoan – mà các điểm trên đó là nhân và quả cho nhau, do đó có thể giải thích được các cảnh thịnh suy, hưng vong. Sự xuống dốc của lịch sử chỉ là sự bắt đầu và đi lên tới Thái Dương. Nhưng trong Thái Dương (+++) cực thịnh - đã bao hàm Thiếu Âm (-) mầm suy đồi, và trong Thái Âm (---) cực suy, cũng đã có mầm Thiếu Dương (+) lấy đà đi lên. Chính trong viễn tượng này mà lịch sử Quê Hương ta, với những cảnh hưng phế, với những năm chinh chiến miên trường… mới có thể tìm thấy một Ý NGHĨA. 

ĐI TÌM MÙA XUÂN ĐẾ ĐẠO. 

Việt Nam chúng ta hiện đang sống trong thời đại giả tạo, áp bức, phân hóa cùng tột cuả BÁ trị. Ta có làm mất ý nghĩa chữ HÒA của tiền nhân, xa vời văn minh THÁI HÒA của Âm Dương, của Trung Dung, của Qui Tàng Dịch mà tổ tiên ta đã gửi gấm trong Huyền sử. Tuy nhiên, trong chiều sâu của nền minh triết này mà chúng ta tin rằng: lịch sử Quê Hương đang ngoi từ sa đọa và thiếu thốn, từ những đổ vỡ và điêu tàn của thời Bá trị kim thủy hiện đại, đang vượt khỏi phân ly và ngăn cách của những mối tình ‘LONG - CƠ ‘ ngày nay, để tiến tới khuôn thước của VƯƠNG trị, đạt tới tín nghĩa của ĐẾ đạo. Dưới sự trìu mến của Trời Cha, trong tình đậm đà của Đất Mẹ, trong chữ HIẾU độc sáng của những Lang Liêu mai sau.. 

Núi Tản Viên (2) vẫn còn đó, sừng sững như chí hùng của Quê Hương trước bày hổ sói Trung Hoa, nhưng cũng hiền dịu như vòng tay ôm của người Mẹ Việt thương đàn con vô bến hạn, như niềm ước mơ thái hòa của sinh dân. Trong ý hướng đó, Tản Viên là hình ảnh của mùa xuân Đế đạo trong lòng dân tộc. 

Chú thích: 
*nguyên tác hai câu thơ: 
-Pháo vang một tiếng đưa năm cũ / Bộc trúc nhất thanh trừ cựu lạp (không rõ tác giả?) 
-Vẫn dáng đào xưa cợt gió Đông/ Đào hoa y cựu tiếu Đông phong (thơ Thôi Hộ). Thi bá Nguyễn Du
dịch hay hơn: Hoa đào năm ngoái còn cười gió Đông. 
(1) Quốc mẫu Âu Cơ sinh một trăm trứng chỉ là một cách nói của triết Việt, cũng như khi chúng ta nói trăm bệnh. Lĩnh Nam hồi đó có tục đa thê. Con cái sinh ra đều gọi chính cung Hoàng hậu Âu Cơ là Mẹ. Chắc hẳn Quốc Tổ Lạc Long còn có nhiều phi tần, mỹ nữ, tuy nhiên Sử không nói rõ Quốc mẫu Âu Cơ có bao nhiêu con. Còn 100 con là chỉ 100 bộ tộc (tức Bách Việt), tất cả là con của Quốc tổ Lạc Long &Quốc mẫu Âu Cơ. 
(2) Tản là phân tán, tượng trưng cho Âm. Viên là kết hợp, tượng trưng cho Dương. Tản Viên hàm ngụ triết lý Thái Hòa.

Duy-Ân Đoàn Quốc Khánh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét