Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Vụ nhà thờ Ngọc Lâm – Suy nghĩ nhỏ sau tai nạn lớn


Vụ nhà thờ Ngọc Lâm – Suy nghĩ nhỏ sau tai nạn lớn

Cùng quý vị độc giả
Vụ sập mái nhà thờ Ngọc Lâm đã xảy ra được gần một tuần nay, những mất mát, đau thương của những giáo dân đã hi sinh bản thân mình cho công việc của Giáo hội còn đó. Nhiều phản ứng trên các mạng xã hội, trên các phương tiện truyền thông của các cá nhân cũng như nhà nước đã phản ánh kịp thời đau thương này của giáo dân Ngọc Lâm, của Giáo phận Bắc Ninh và cộng đồng tôn giáo nơi đây để kêu gọi sự hiệp thông của tất cả mọi người.
Do vào một giai đoạn nhiều sự kiện liên tiếp cần theo dõi, chúng tôi chưa có đủ thời gian để đánh giá lại các phản ứng từ trong và ngoài Giáo hội về vấn đề này.
Nữ Vương Công Lý xin đăng bài viết của tác giả Alf. Hoàng Gia Bảo, như một lời nhắc nhở của một tín hữu thao thức nhiều với các vấn đề của Giáo hội, đặc biệt là tinh thần Hiệp Thông, Yêu thương mà Giáo hội luôn đề cao và thường xuyên được nhắc nhở trong các Thư Chung, các bài giảng, Văn kiện của Hội Đồng Giám mục Việt Nam.

Vụ sập mái nhà thờ Ngọc Lâm trong lúc giáo dân nơi này đang đổ bê tông sáng 17/1/2013 tuần vừa qua là tai nạn ‘nghiêm trọng’ vì chỉ trong tích tắc nó đã cướp đi 3 sinh mạng đồng thời còn khiến 48 người khác bị thương và theo nhiều báo trong nước đưa tin tỉnh Thái Nguyên đã phải huy động hơn 200 y bác sĩ tập trung cứu chữa.
Mức độ thiệt hại về người như vậy không hề thua kém các vụ thiên tai lụt lội thường xảy ra tại nước ta. Về phía giáo hội đây có lẽ là vụ tai nạn tập thể lớn nhất trước nay nhưng không chỉ có thế, qua theo dõi vụ việc người có đạo chúng ta có thể còn nhận ra một ‘tai họa’ khác cũng nghiêm trọng chẳng kém. Đó là trong khi gần như tất cả báo đài trong và cả ngoài nước nhanh chóng đưa tin về vụ tai nạn này với hàng trăm bản tin kèm hình ảnh hiện trường mô tả khá đầy đủ thảm kịch thì về phía giáo hội vốn là anh em ‘đồng đạo’ với những giáo dân bất hạnh Ngọc Lâm kia thì lại dường như còn quá ‘hờ hững’, ít nhất là cách chúng ta thể hiện nó một cách khá ‘nghèo nàn’ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đáng nói hơn cả nơi thể hiện rõ nhất thiếu sót này chẳng may lại chính là trangwww.hdgmvietnam.org của Hội Đồng Giám mục Việt Nam, nơi được xem là ‘tiếng nói’ chính thức của giáo hội.
‘Chuyện nhỏ’?
Sau khi sự cố xảy ra và cả cho đến hôm nay sau một tuần khi vào mục “Tin Tức Giáo Hội Việt Nam” (và kể cả ‘lục tung’ hết trang web này lên) chúng ta cũng chẳng thấy gì hơn ngoài việc đăng lại nguyên văn bức Thư hiệp thông với Ngọc Lâm của Đức giám mục giáo phận Bắc Ninh Cosma Hoàng Văn Đạt một cách khá ‘máy móc’ mà nếu chỉ đọc mình văn bản này thôi thật khó biết hết đầu đuôi vụ việc và mức độ thiệt hại trầm trọng của nó ra sao? Bởi đây là bức thư Đức cha Đạt gởi cho giáo dân giáo phận Bắc Ninh của Ngài, những người đang ở sát bên giáo xứ Ngọc Lâm đã biết rõ tường tận vụ việc.
Vậy phải chăng HĐGM-VN cho tai nạn này chỉ là ‘chuyện nhỏ’ nên chẳng cần quan tâm đưa tin?
Người viết chỉ dám nghĩ có thể do các Ngài vì quá ‘bận’ nên đã không biết khi gõ cụm từ  ‘sập mái nhà thờ Ngọc Lâm’ ngay trong ngày 17/1 Google search đã cho ra tới những 140.000 kết quả, chứng tỏ vụ việc đã được dư luận rất quan tâm. Còn về phía đạo, nếu là ‘chuyện nhỏ’ thì một số website cấp thấp hơn như www.chuacuuthe.com thậm chí ở mãi tận hải ngoại như VietcatholicNuvuongcongly… chắc đã chẳng biết để mà đưa tin ‘sốt dẻo’ mấy ngày vừa qua.
Hay có thể do tiêu chí thông tin của website HĐGM-VN chủ yếu là để tuyền tải những tin tức thuộc hàng ‘vĩ mô’ liên quan đến tòa thánh và với các nước v.v… còn chuyện sập mái nhà thờ Ngọc Lâm là chuyện ‘vi mô’ đã có giáo phận Bắc Ninh cùng những giáo dân tích cực cỡ như anh J.B Nguyễn Hữu Vinh lo rồi chăng? Mà nếu như thế thì lập ra mục “Tin Tức Giáo Hội Việt Nam” để làm gì, kể ra cũng hơi ‘khó hiểu’?
‘Thiếu sót’ vì đâu?
Nêu ‘vấn nạn’ thông tin này lên người viết hoàn toàn chẳng hề dám ‘đả kích’ các Hồng y, Giám mục đáng kính của giáo hội cũng như trang www.hdgmvietnam.org, mà vì nhận thấy những năm gần đây giáo dân được mời gọi đóng góp tiền của giúp các xứ nghèo xa xôi xây nhà thờ, cơ sở vật chất ngày một nhiều. Do vậy, khi hay tin vụ sập mái nhà thờ Ngọc Lâm nghiêm trọng vậy, mặc dù ở tận ngoài Bắc nhưng giáo hội ở đâu cũng chỉ là một, những tưởng trong thánh lễ Chúa Nhật hôm qua (20/1) thế nào cũng được nghe Cha xứ, vốn là người trong các bài giảng rất hay dẫn các tin tức từ báo đài, sẽ thông tin để cộng đoàn cùng biết. Thế nhưng chờ ‘dài cổ’ vẫn chẳng nghe Ngài nhắc gì đến vụ tai nạn thương tâm này, và có lẽ chỉ trừ giáo phận Bắc Ninh ra mọi nhà thờ khác trên cả nước cũng đều thế cả.
Mặc dù giáo dân chúng ta rất hiểu và thông cảm cho sự thiếu sót sẻ chia này bởi việc phổ biến thông tin giữa các giáo phận mỗi khi xảy ra các biến cố xưa nay là chuyện chưa từng có. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa vẫn còn đó ‘nghịch lý’: trong khi giáo hội luôn mời gọi mọi người ‘rộng tay’ cùng các vị đứng đầu giáo phận lo công cuộc truyền đạo qua việc giúp đỡ các họ đạo khó khăn có được nơi thờ phượng. Giáo dân luôn thấy chứ ký của các Hồng y, Giám mục trên các thư giới thiệu các cha ‘nhà nghèo’ đi quyên góp tiền xây nhà thờ, thậm chí còn quyên góp ở tận hải ngoại… vậy mà khi tai nạn thương tâm trên xảy ra cho giáo dân Ngọc Lâm những người trực tiếp thi hành lời mời gọi ấy, thì gần như tất cả giáo hôi đều im lặng, vì sao?
Với xu hướng phát triển của thế giới dựa vào sức mạnh công nghê thông tin nhiều như hiện nay đang diễn ra ở mọi quốc gia can dự vào mọi lĩnh vực, kể cả tôn giáo. Để việc rao giảng lời Chúa cũng như để giáo hội được phát triển, thiết nghĩ ‘khiếm khuyết’ về thông tin trong nội bộ giáo hội nêu trên có lẽ đã đến lúc cần được nhanh chóng ‘lấp đầy’.
Bởi như chúng ta đã biết, bản thân Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI mặc dù đã già nua tới 84 tuổi nhưng Ngài vẫn luôn quan tâm đến việc ứng dụng các tính năng ưu việt của kỹ thuật truyền thông hiện đại vào công cuộc truyền đạo, đồng thời cổ vũ mọi người cùng hưởng ứng vì tính hiệu quả cao, tiện lợi dễ dàng thực hiện nhưng ít tốn kém của nó (xin xem thêm Vietcatholic). Nhìn lại giáo hội ‘non trẻ’ VN chúng ta, không chỉ riêng với vụ sập mái nhà thờ Ngọc Lâm lần này, mà qua các biến cố lớn nhiều năm trước đây như Tòa Khâm Sứ, Thái Hà, Đồng Chiêm, Tam Tòa v.v… mặc dù đã có nhiều ý kiến phê bình sự chậm chạm trong việc lên tiếng, thậm chí im lặng kéo dài của các vị có trách nhiệm đứng đầu giáo hội khiến giáo dân khắp nơi (và kể cả tu sĩ) không tài nào biết được đâu là quan điểm chính thức của giáo hội để hướng mình theo, và thế là mọi chuyện vẫn lại như cũ, trong khi sự ‘mù đường’ lại luôn rất sẵn sàng dẫn dắt mọi người đến với những điều tệ hại.
Với hoàn cảnh ấy có lẽ không gì hơn xin mượn lời thống chế danh tiếng nước PhápFerdinand Foch (1851-1929) để kết thúc bài viết, giáo hội “đừng khinh việc nhỏ – lỗ nhỏ đắm tàu” ./.
Sàigòn, 21/1/2013
Alf. Hoàng Gia Bảo
Nguồn: NVCL

0 nhận xét:

Đăng nhận xét