Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Lm. Chân Tín: Luồng gió mới – Này là Người (24)



 Này là Người


Sàigòn 
NÀY LÀ NGƯỜI! Đó là tiếng kêu hốt hoảng mà một người ngoại đạo và bạo tàn như tổng trấn Philatô cũng phải kinh hoảng thốt lên, khi ông thấy khuôn mặt hốc hác đẫm máu của Chúa Giêsu vừa bị bọn lý hình tra tấn dã man. Không kinh khủng sao được, vì cách đây vài tiếng đồng hồ, ông đã được chiêm ngắm vẻ uy nghi và đẹp đẽ nơi diện mạo Chúa. Giáo truyền Do Thái đã nộp Chúa Giêsu cho Philatô và yêu cầu ông xử tử Người. Đối với Philatô, việc xử tử một người Do Thái không có gì là khó, vì trước kia ông đã hạ lệnh giết nhiều người Do thái không cần phải xét xử gì. Thế nhưng, Philatô lại rất thận trọng với Chúa Giêsu. Phải chăng một cái gì uy nghi và đẹp đẽ trên khuôn mặt Chúa đã chinh phục vị tổng trấn La Mã. Ông đưa Ngài vào tư dinh và hỏi Ngài: “Thế ông là vua sao?” Câu hỏi của Philatô có nghĩa là buộc cho Ngài tội phản loạn. Theo nghĩa đó, Chúa Giêsu không thể nào chấp nhận: “Nước tôi, không thuộc về thế gian này… tôi là vua, tôi sinh ra và đến trong trần gian chỉ để làm chứng cho sự thật. Ai yêu sự thật sẽ nghe lời tôi” (Ga,18,36). Chắc Philatô đã nhận thấy một cái gì siêu việt nơi nét mặt Chúa lúc Người phán những lời trên đây, vì thế mà ông phải kinh ngạc không còn nhận thấy khuôn mặt ấy sau khi lý hình tra tấn Người. Philatô sẽ kinh ngạc hơn nữa, nếu ông được thấy khuôn mặt sáng láng của Chúa Giêsu trên núi núi Thabor như ba tông đồ: “Lúc đó Chúa Giêsudẫn Phêrô, Giacôbê và em ông là Gioan lên núi cao thanh vắng là Người biến hình trước mặt các ông. Mặt Người sáng chói như mặt trời, áo Người trắng tinh như ánh sáng” (Mt,17,12). Philatô sẽ còn kinh ngạc biết bao, nếu ông biết Chúa Giêsu là ai và nghe tiếng Đức Chúa Cha phán từ đám mây: “Này là Con Chí Ái của Ta, kẻ Ta hết lòng sủng mộ, các ngươi hãy nghe Ngài” (Mt,17,5). Chúa Giêsulà Ngôi Lời, Con một Chúa Cha. Người là Thiên Chúa, mọi sự tốt đẹp mỹ miều trong trần gian này là do Người tạo dựng. Người là sự sống, là ánh sáng của mọi người soi chiếu trong đêm tối trần gian. Nhưng trần gian không đón nhận ánh sáng. Con Thiên Chúa làm người vì yêu thương nhân loại, mà nhân loại vô ân đã tra tấn và xử tử Người một cách dã man và độc ác, đúng như lời tiên tri Ysaia: “Chúng ta đã thấy Người… không còn chút sắc diện đáng yêu, vật nhờm gớm và cặn bã của loài người. Người đã bị đâm thâu vì tội chúng ta, bị nghiền nát vì trọng tội của chúng ta… vì tội chúng ta, Người đã bị đánh chết” (Is,53,2…)

NÀY LÀ NGƯỜI! Đây còn là tiếng kêu của tín hữu Chúa trước khuôn mặt đẫm máu và đầy vết thương của Giáo hội. Do bàn tay Thiên Chúa tác tạo nên để tiếp tục sứ mạng giải thoát và thánh hóa nhân loại, Giáo hội là Nhiệm Thể của Chúa Kitô không một tì ố, không một vết nhăn, nhưng hoàn toàn xinh đẹp và thánh thiện. Thế nhưng trong 20 thế kỷ nay, khuôn mặt của Giáo hội cũng hốc hác, đẫm máu và đầy vết thương như khuôn mặt Chúa Giêsu. Giáo hội đã phải chịu một cuộc Thương Khó đau đớn và nhục nhã như cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Người ta đã tra tấn Chúa Giêsu, khạc nhổ vào mặt Người. Giáo hội cũng phải chịu một số phận đó. Cuộc tử nạn của Chúa Cứu Thế vừa chấm dứt, thì cuộc tử nạn của Giáo hội lại kế tiếp. Các tông đồ là những người đầu tiên bị bắt bớ, giam cầm, tra tấn. Thánh Phaolô, vị tông đồ của dân ngoại, đã kể lại cho tín hữu Côrinthô những cơn bách hại ngài đã phải chịu: “Tôi đã gặp nhiều nỗi khở cực, tù tội, đánh đập. Cái chết thường ở bên tôi. Người Do Thái đã đénh tôi năm trận đòn, mỗi trận chiếu luật 39 trượng; ba lần đánh roi, một lần ném đá”. (2Cr,11,23-25). Rồi suốt ba thế kỷ đầu, các vị hoàng đế La Mã đã hạ lệnh tàn sát Giáo hội. Tháng 7 năm 64, nhân vụ một đám cháy lớn kéo dài suốt ngày thâu đêm, hoàng đế Neron đã vu khống cho người Kitô giáo đốt thành La Mã và hạ lệnh tống giam tín hữu. Không những bị họ hành hạ, trảm quyết hay đóng đinh vào thập tự giá, nhưng họ còn bị thả cho thú dữ ăn thịt hay bị làm thành những bó đuốc sống cháy ngùn ngụt, để Neron và triều đình giải trí. Cuộc bách hại ấy lan tràn khắp đế quốc La Mã. Và ròng rã 300 năm, Giáo hội phải sống chiu rút trong hang toại đạo và bị đày đọa dã man.
Riêng Giáo hội Việt Nam, dưới đời Minh Mạng và Tự Đức, cũng đã bị bách hại cách dã man không kém. Năm 1833, vua Minh Mạng khai mạc một kỷ nguyên mới trong công cuộc bắt đạo, một kỷ nguyên đẫm máu cho Giáo hội. nhà vua công bố sắc chỉ cấm đạo toàn quốc; Vua mạt sát tín hữu nặng lời, cho tín hữu là những phường mọi rợ không biết kính tổ tiên, vu cho các thừa sai khoét mắt người ốm và hạ lệnh giết hại tín hữu và phá bình địa các giáo đường. Khắp nước các quan thi nhau bắt đạo để lập công với nhà vua. Năm 1839, cuộc bắt đạo càng dữ dội hơn: hàng vạn tín hữu bị giam cầm, bị phát lưu hay chịu tử hình. Những ai trốn thoát thì đưa nhau vào sống trong các miền rừng núi xa xôi, giữa hùm beo thú dữ hoặc lánh xuống những chiếc ghe mành bình bồng trên mặt biển với bao nỗi thống khổ gian nan. Cuộc bắt đạo lại còn gay gắt hơn nữa dưới thời Tự Đức. Năm 1859, nhà vua ra bốn chiếu chỉ như bốn chương trình hành động liên tiếp vạch ra cho các quan thi hành. Chiếu chỉ thứ nhất truyền bắt các linh mục đem giam tại các tỉnh lỵ. Chiếu chỉ thứ hai cách chức và xử tử những quan theo Kitô giáo. Chiếu chỉ thứ ba chia tín hữu mỗi người một nơi và giao họ cho lương dân quản thúc. Chiếu chỉ thứ tư phân sáp các anh chị Dòng Mến Thánh Giá vào các làng làm nô lệ hay đày đi xa. Năm 1861, vua ban hành một chiếu chỉ khác ác liệt hơn. Chiếu chỉ đó gồm năm điều: điều thứ nhất, tất cả các tín đồ Kitô giáo bất luận nam nữ già trẻ đều phải phân sáp vào các làng ngoại đạo; điều thú hai, các làng ngoại đạo đều phải nhận việc coi giữ kẻ có đạo; cứ 5 người ngoại coi giữ một người có đạo; điều thứ ba, các làng toàn tòng phải phá bình địa, còn ruộng nương đem chia cho các làng phụ cận; điều thứ tư, các người có đạo phải cách biệt nhau ra, trẻ con thì phân chia cho các nhà ngoại đạo; điều thứ năm, bất luận là đàn ông, đàn bà, trẻ con đều phải thích tự vào má. Má tả thích hai chữ “Tả Đạo”, má hữa thích tên phủ huyện, như thế để không sao trốn tránh và tìm gặp lại gia đình. Với chiếu chỉ này, nhà vua tỏ rõ cái thực tâm dã man và ý muốn tiêu diệt Giáo hội. Chiếu chỉ vừa ra thì khắp nơi, các quan thi nhau bắt bớ Giáo hội. Trong khi các làng mạc nhà cửa người Công giáo phải bị thêu đốt cháy ngùn ngụt thì khắp nơi các quan truyền làm từng ngàn nhà tù. Hàng vạn tín hữu lũ lượt kéo nhau về miền hẻo lánh hay chui rúc xuống thuyền hoặc bị đày lên chốn rừng thiêng nước độc. Non 40 vạn tín hữu bị phân sáp, hơn 3 vạn rưỡi chết vì đạo, hàng trăm làng toàn tòng bị phá bình địa, hơn hai ngàn họ đạo phải tịch ký hết tài sản, vô số linh mục, thừa sai, tu sĩ đã bị xử tử.
Này là Người!
Này là khuôn mặt hốc hác của Chúa Kitô.
Này là khuôn mặt đẫm máu của Giáo hội.
Cùng một cuộc Thương Khó. Cùng một mầu nhiệm:
Mầu nhiệm Tội Lỗi; Mầu nhiệm Thánh Giá; Mầu nhiệm Tình Yêu.
Mùa Thương Khó đã về trong Phụng vụ cũng như trong đời sống, chúng ta hãy nhìn lên khuôn mặt hốc hác và đẫm máu của Chúa Kitô và Giáo hội, để tìm thấy một ý nghĩa và một sức mạnh trong những ngày thử thách.

                                                                        Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
                                                                                                            Số 178-3/1964
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét