LTCGVN (22.01.2013)
Lễ áo đen
Sàigòn
Lễ Phục Sinh đã trở về với chúng ta. Toàn thể Giáo hội hân hoan mừng Chúa Kitô sống lại vinh hiển. Phục Sinh là trung tâm đời sống Công giáo đúng như lời thánh Phaolô: “Nếu Chúa Kitô không sống lại, thì đức tin ta không ích gì”. Đạo Công giáo đã được xây trên sự sống lại của Chúa Giêsu. Vì thế, đặc điểm của đạo Công giáo là sự hoan lạc, hoan lạc của Phục Sinh, hoan lạc của ngày Giải Phóng. Tất cả Phụng vụ Công giáo là một lễ Phục Sinh kéo dài và mỗi thánh lễ là một buổi họp hân hoan của toàn thể gia đình con cái Chúa quanh bàn thờ, để cảm tạ Chúa Cha bằng lễ vật Chúa Kitô đã sống lại, khởi thắng sự chết. cảm tạ Chúa Cha trong niềm hân hoan, vì nhờ cuộc Phục Sinh khải hoàn đó, tất cả chúng ta cũng được băng qua sự chết của tội lỗi để bước vào nước hằng sống của Tình Thương vô biên. Vì thế, mỗi thánh lễ phải là một buổi tiệc thánh đầy hân hoan của toàn thể gia đình con cái Chúa: Đạo Công giáo là đạo của hoan lạc chứ không phải của tang tóc, của sự sống chứ không phải của sự chết.
Thế nhưng trong Giáo hội ngày nay cách riêng ở Việt Nam, có một thực hành trong Phụng vụ hình như đi ngược lại chiều hân hoan và sống lại của đạo Chúa. Vào các nhà thờ của chúng ta, bất cứ ở thôn quê hay thành thị, có khi thành thị còn nhều hơn nữa, ai cũng phải nhận xét điều này: lễ phục áo đen cứ trở lui trở tới hoài, các bàn mồ cứ tiếp tục án ngữ trước cung thánh và các lễ hát chiếm tỷ số cao nhất trong tuần là lễ mồ. Tự nhiên trước màu đen, một màu đen trên đó còn đặm thêm những giọt nước mắt trắng to tướng, một màu đen có khi trùm kính cả cug thánh, rồi cả nhà thờ, ai mà chả nghĩ đến tang tóc. Thế là một cảm tưởng tang tóc đè nặng chình chịch lên bầu không khí thánh đường từ ngày này sang ngày khác. Và tín hữu đi dự thánh lễ cứ phải sống hoài trong bầu không khí ấy, đang khi thánh lễ, như chúng ta vừa thấy ở trên là một bàn tiệc hân hoan, một cuộc họp mặt vui mừng quanh Chiên Thánh phục sinh, một hương vị nếm trước Nước Trời. thánh lễ là sự chiến thắng của Chúa Kitô trên chính sự chết.
Xin lễ cho những kẻ đã qua đời, để rút ngắn thời gian tẩy luyện và giúp họ chóng hưởng hạnh phúc toàn vẹn của tình yêu Chúa, là một việc đẹp lòng Chúa, được Giáo hội khuyến khích và hợp với đạo hiếu của người Việt. Nhưng ta nên nhớ điều này: giá trị một thánh lễ áp dụng cho người chết, không nhất thiết hệ tại ở việc phải làm một lễ áo đen. Làm lễ theo niên lịch Giáo Hội có ý cầu cho kẻ qua đời cũng có giá trị như một lễ áo đen.
Nếu quanh năm, lễ áo đen cứ trở đi trở lại hoài không những gieo tang tóc ảm đạm suốt ngày này qua ngày khác nhưng còn ngăn trở tín hữu sống phụng vụ theo niên lịch Giáo hội trong tinh thần Phục Sinh. Năm Phụng vụ là một chu kỳ tuần tự diễn tiến, có mục đích theo tứ thời bát tiết giáo huấn và tác thánh chúng ta, đưa chúng ta lần hồi đi sâu vào mầu nhiệm Chúa Kitô và Nhiệm Thể của Người. đời sống nội tâm của chúng ta phải được mật thiết ăn khớp với năm Phụng vụ. Nhờ cuộc suy ngắm tuần tự đó, chúng ta hành trình bước theo các giai đoạn đời sống Chúa Kitô và Giáo hội ngõ hầu tiếp nhận ơn thánh qua Phụng vụ và xây dựng Nhiệm Thể của Chúa Kitô.
Tất cả những cái đó bị sụp đổ hết, chỉ vì không hiểu giá trị của thánh lễ bất cứ màu áo nào, nên đã muốn xin cho được lễ áo đen để bố thí cho người chết, còn mặc kệ cả cộng đoàn tín hữu đang sống ngoài Phụng vụ không được giáo huấn và tác thánh theo tinh thần hân hoan của Phục Sinh. Đó là chưa nói đến một lễ nghi thiếu thực chất: xông hương và rảy nước thánh trên bàn mồ không xác.
Nhiều giáo hữu kêu ca phàn nàn, khi một vài nơi các linh mục hiểu biết nhu cầu thiêng liêng của người còn sống muốn làm lễ cho kẻ qua đời theo niên lịch Phụng vụ.
Họ đòi cho được lễ áo đen và lễ nghi xông hương bàn mồ cho ra vẻ long trọng!
Trong tinh thần cải tân đời sống Công giáo của Công đồng Vatican, chúng tôi mong tín hữu ý thức hơn tính cách hân hoan của Đạo Chúa, đừng còn muốn biến tiệc thánh hoan lạc ra nghĩa địa buồn thảm. Và chúng tôi cũng tha thiết xin hàng giáo phẩm xét lại vấn đề lễ áo đen, đúng với tinh thần Phụng vụ. Một cách thực tế, chúng tôi xin đề nghị chỉ dùng áo đen trong thánh lễ đám tang và chỉ xông hương rảy nước thánh cho xác tín hữu. Ngoài ra như lễ giáp năm, giáp tháng… phải làm lễ theo niên lịch Phụng vụ và bỏ hẳng nghi lễ xông hương và rảy nước thánh cho bàn mồ không ác người chết. Như thế, những linh hồn qua đời không phải thiệt thòi, mà kẻ còn sống cũng được giáo huấn và tác thánh qua tất cả giai đoạn đời sống Chúa Kitô và Giáo hội của Người.
Mong rằng rồi đây hàng giáo phẩm sẽ mạnh dạn cải tân Phụng vụ và trả lại cho thánh lễ bầu không khí hân hoan của Chúa Kitô Phục Sinh đã chiến thắng sự chết: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta dù có chết cũng sẽ sống và hễ ai sống và tin Ta thì sẽ không phải chết đời đời”.
Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Số 167-4/1963
Nguồn: VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét