LTCGVN (27.01.2013)
Khi hiệp định Paris được ký kết, trước đây 40 năm, nhiều người vui mừng, vì ít nhất dân Việt Nam sẽ không chết vì chiến tranh nữa. Nhiều người còn hy vọng đó là một bước rẽ, mở con đường mới cho miền Nam Việt Nam.
Sau cùng, ai cũng biết, đó chỉ là một thủ thuật, dùng trong một giai đoạn, của đảng Cộng Sản Việt Nam trong chương trình chiếm quyền cai trị trên cả nước Việt Nam, với mục đích “đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội”.
Nhưng ngay cả nỗi vui mừng vì cảnh chết chóc chấm dứt cũng biến mất. Người Việt Nam trong vài năm tiếp theo không chết vì chiến tranh thường xuyên nữa, nhưng nhiều người vẫn chết vì sau đó cuộc chiến lại tiếp tục. Số quân nhân hai bên bị tử thương trong cuộc tổng tấn công của Cộng Sản năm 1975 cũng lớn gấp nhiều lần so với khi chiến tranh còn tiếp diễn. Số người chết trên đường vượt biển còn lớn hơn số thường dân chết trong một năm chiến tranh. Chưa kể nỗi đau thương của bao nhiêu gia đình bị đẩy đi vùng kinh tế mới hoặc có người bị đi tù cải tạo. Và chiến tranh lại tiếp diễn ở Campuchia với 50 ngàn thanh niên Việt Nam bỏ xác, và ở biên giới Hoa-Việt, mà con số thương vong không bao giờ được công bố.
Số phận của những người dân miền Nam Việt Nam đã được quyết định trước đó nhiều năm. Năm 1968, trong khi đang tranh cử tổng thống Mỹ, ông Richard Nixon đã cho cố vấn là Henri Kissinger đến gặp đại sứ Nga ở Washington đề nghị giới lãnh đạo Nga Xô đừng làm trò gì ảnh hưởng đến cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc. Kissinger trình bày trước lập trường của ông chủ mình về bang giao Nga-Mỹ; trong đó ông ta đặc biệt nhấn mạnh: Nếu đắc cử, ông Nixon sẽ rút quân khỏi Việt Nam; sau đó chế độ chính trị ở miền Nam ra sao không quan trọng, dù có một chính quyền Cộng Sản. Ðiều này, ông Kissinger còn lập lại khi đến thăm Ðại Sứ Anatoly Dobrynin sau khi ông Nixon thắng và chưa tuyên thệ nhậm chức.
Hiệp định Paris cũng chỉ là một văn kiện để giúp Tổng Thống Richard Nixon rút quân ra khỏi Việt Nam một cách chính thức, nghĩa là vẫn giữ được thể diện. Năm 1972 nước Mỹ bầu tổng thống, và ông Richard Nixon cần tái đắc cử, nhờ thành tích chấm dứt cuộc chiến tranh quá dài mà dân Mỹ bắt đầu thấy chán. Nixon sai Kissinger thu xếp để tiến tới hiệp định Paris trước khi dân Mỹ bỏ phiếu.
Trong cuộc thu xếp này, Nixon được Mao Trạch Ðông hỗ trợ. Trước năm 1970, Mao rất căm hận Nixon vì ông tổng thống Mỹ chỉ chú ý nói chuyện với Moskva mà không quan tâm đến Bắc Kinh; coi Mao chỉ là một lãnh tụ Cộng Sản hạng nhì. Trong một cuộc chuyện trò với Phạm Văn Ðồng, Mao hỏi: “Tại sao bọn Mỹ không làm rùm beng lên về chuyện có 100,000 quân đội Trung Quốc đang xây dựng đường xe lửa, đường bộ, và phi trường ở Việt Nam, mặc dù chúng biết sự kiện này?” Phạm Văn Ðồng nói vuốt đuôi: “Vì chúng nó sợ!” Nhưng chúng ta cũng biết rằng ngay từ khi chiến tranh bắt đầu, các chính quyền Mỹ đã cam kết với Trung Quốc là họ sẽ không bao giờ gửi quân đội Mỹ và cũng không để cho quân đội miền Nam tiến ra Bắc Việt. Chính quyền Mỹ lờ đi như không biết có quân đội Trung Cộng ở ngoài Bắc, vì nói ra sẽ làm cho bài toán rắc rối hơn, ngay trong khung cảnh chính trị nội bộ của Mỹ. Mao Trạch Ðông còn tỏ ý bất bình, nói với Phạm Văn Ðồng rằng “Tại sao bọn Mỹ chúng nó lại ước tính số binh sĩ Trung Quốc ở Việt Nam ít hơn sự thật như vậy?”
Tháng 11 năm 1970 Chu Ân Lai được lệnh bắn tin qua các nhà ngoại giao Rumania là nếu Nixon muốn thăm Trung Quốc thì sẽ được mời. Nixon bảo Kissinger đừng tỏ ý muốn đi vội vàng quá, cuối tháng 2 Kissinger mới bắn tiếng lại, tỏ ý thân thiện nhưng không nói gì đến việc Nixon có thể sang Tàu. Tháng 3 năm 1971, các cầu thủ bóng bàn Trung Quốc gặp các cầu thủ Mỹ ở Nhật Bản, và khi đi chung một chuyến xe buýt, tay vợt Mỹ Glenn Cowan đã bắt tay nhà vô địch Trung Quốc Trang Tắc Ðống (Zhuang Zédòng), nói muốn sang thăm Trung Quốc. Mao Trạch Ðông đã bắt lấy ý đó, ra lệnh mời các cầu thủ Mỹ qua Tàu! Sau đó, Kissinger đi đêm để chuẩn bị chuyến Nixon sang Tàu năm đầu 1972.
Trong chuyến thăm bí mật năm 1971, Kissinger đã hứa hẹn với Chu Ân Lai rằng Mỹ sẽ cung cấp cho Trung Quốc các tin tức tình báo về hoạt động của quân Nga ở vùng biên giới Nga-Hoa. Ông cũng cam kết Mỹ sẽ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, mà ông phác họa một thời biểu là trong vòng 12 tháng. Lúc đó là tháng 7 năm 1971, sáu tháng trước khi Mỹ ký hiệp định Paris, mà chính Kissinger cũng không biết chắc là sẽ có một hiệp định hay không. Vì vậy, Kissinger đã nói thẳng với Chu Ân Lai là dù không có thỏa hiệp nào thì chính phủ Nixon cũng đơn phương rút quân, và không bao giờ trở lại Việt Nam nữa, bỏ rơi luôn chính quyền miền Nam Việt Nam. Kissinger nói rõ ràng: “Sau khi hòa bình rồi, người Mỹ chúng tôi sẽ ở xa Việt Nam cả vạn dặm, còn Hà Nội thì vẫn ở đó.” Những chi tiết này được kể lại trong một sách của William Burr, năm 2002 (The Bejing – Washington Back Channel); kể chuyện các chuyến đi bí mật của Kissinger năm 1970, 71; sách này nằm trong tài liệu điện tử của cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ NSA; được thuật lại trong sách MAO, của Jung Chang và Jon Halliday, 2005.
Nixon đã toại nguyện, vì Mao sẵn sàng giúp ông tái đắc cử. Dưới sức ép của Mao, Bắc Việt chịu ký tên vào bản hiệp định Paris. Quân Mỹ rút về “trong danh dự”. Nhưng số phận Nixon lại bị quyết định do một xì căng đan chính ông ta gây ra; khiến ông phải từ chức khi Quốc Hội Mỹ chuẩn bị đàn hạch và truất phế, vào năm 1974. Người thương tiếc Nixon nhất lại là Mao Trạch Ðông. Mao nhắn tin qua bà Imelda Marcos mời Nixon qua chơi. Năm 1975, Mao sai mời con gái Nixon là Julie và chồng qua Tàu, Mao lại nói với cô con bảo nói với bố rằng “Tôi nhớ ông ấy lắm.” Tháng 2 năm 1976, Mao đưa một chiếc máy bay Boeing 707 sang tận Los Angeles đón Nixon qua uống trà; bảy tháng sau thì Mao chết.
Bản hiệp định Paris cuối cùng là kết quả của cuộc gặp gỡ giữa Nixon và Mao. Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không thể làm gì được, khi nước đồng minh lớn nhất đã bỏ rơi. Cộng Sản miền Bắc đã được Moskva và Bắc Kinh báo cho biết trước Mỹ sẽ rút quân, trong khi vũ khí của Nga vẫn đổ sang ngày càng nhiều, họ nắm chắc phần thắng. Nhưng họ vẫn phải đặt bút ký vì Mao Trạch Ðông muốn tặng Nixon một món quà. Cộng Sản miền Bắc cũng cần một thời gian chuẩn bị để đánh một trận chót, cho nên hiệp định Paris cũng là một bước nghỉ chân.
Những người lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa chắc không ai biết gì về những lời Kissinger đã hứa với Dobrynin hay với Chu Ân Lai. Người dân miền Nam lại càng không biết gì cả. Bao nhiêu chiến sĩ đã bỏ mình trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Bao nhiêu đồng bào tử nạn trên đường vượt biển. Nhắc lại 40 năm hiệp định Paris, chúng ta hãy thắp nhang tưởng nhớ họ, đó là cách kỷ niệm có ý nghĩa nhất. Bài học của một dân tộc nhược tiểu là đừng bao giờ vì các lý thuyết, tư tưởng trừu tượng, ngoại lai mà để đồng bào tàn sát lẫn nhau. Trong cuộc chiến tranh nào, người dân cũng đau khổ
Ngô Nhân Dụng
Nguồn: NGƯỜI VIỆT
0 nhận xét:
Đăng nhận xét