LTCGVN (30.01.2013)
Con đường hợp nhất đã rộng mở
Sàigòn
TUẦN LỄ HỢP NHẤT sắp trở về với chúng ta. Hơn bao giờ hết, anh em Kitô hữu khắp thế giới tin tưởng mãnh liệt vào sức duy nhất của Chúa Thánh Thần đang hoạt động qua Công đồng Vatican II. Trong khóa I, Đức Gioan XXIII đã ấn định công việc hợp nhất Kitô Giáo làm mục tiêu cuối cùng của Công đồng, và gần đây trong ngày khai mạc khóa II, Đức Phaolô VI đã đọc được một bài diễn văn quan trọng về vấn đề hợp nhất Kitô giáo. Ngài xác định một vài nguyên tắc căn bản hướng dẫn thái độ hợp nhất. Chúng ta thử phân tách tư tưởng hợp nhất của Đức Phaolô VI trong bài diễn văn khai mạc ấy.
Trước hết, chúng ta cảm động nhận thấy lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội, một vị Giáo hoàng đã công khai xin lỗi anh em cách biệt về những lầm lỗi trong quá khứ một phần nào gây ra hố chia rẽ giữa các Kitô hữu. Đức Phaolô VI nói: “Ở đây, chúng tôi muốn kính cẩn ngỏ lời cùng các vị đại diện được các cộng đoàn Kitô giáo ngoài với Giáo hội Công giáo phái tới với tư cách là quan sát viên tại Công đồng. Chúng tôi tận tình chào mừng quý vị; chúng tôi cảm ơn quí vị đã chiếu cố qua sự hiện diện của quí vị. Chúng tôi xin gửi bản thông điệp phụ tử và huynh đệ đến các cộng đoàn Kitô giáo mà quí vị là đại diện ở đây. Giọng nói của chúng tôi run run, tấm lòng của chúng tôi cảm xúc vì hôm nay nguyên được thấy quí vị hết sức gần gũi, đem lại cho chúng tôi niềm ai ủi vô tả, niềm tin tưởng hết sức êm đềm, cũng như mối chia rẽ đang còn kéo dài làm cho chúng tôi đau khổ sâu xa vậy. Nếu trong các nguyên nhân chia rẽ kia, có một lầm lỗi nào khả dĩ đổ trên chúng tôi, chúng tôi khiêm tốn xin lỗi Thiên Chúa, và chúng tôi cũng xin các anh em cảm thấy chúng tôi làm phật lòng, khoan hồng rộng lượng cho chúng tôi. Về phía chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng tha thứ những xúc phạm đến Giáo hội Công giáo, và bỏ quên những đau khổ Giáo hội đã gánh chịu suốt chuỗi thời gian dài dằng dặc những sự bất đồng và chia rẽ. Nguyện xin Cha trên trời đón nhận lời tuyên ngôn hôm nay của chúng tôi và đưa chúng ta tất cả đến sự bình an thật của tình huynh đệ”.
Lúc đề cập đến công cuộc hợp nhất, Đức Thánh Cha nhận thấy đó là một vấn đề cấp bách, để sớm chấm dứt “cái tấn bi kịch” tức là sự chia rẽ đau thương giữa người cùng tin vào Chúa Kitô, cùng lãnh một bí tích Thanh Tẩy, cùng là con cái của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta chưa được cái hạnh phúc sum họp với nhau “trong sự duy nhất hoàn bị của Chúa Kitô”. Đức Phaolô VI ước mong Công đồng thực hiện sự hiệp nhất toàn diện ấy: “Công đồng này kêu gọi, kiểm điểm và tập họp trong đàn chiên Chúa Kitô các con chiên có trong hàng ngũ và thuộc về ràn một cách chính đáng và đương nhiên, do đó, mở rộng cửa, lên tiếng, lo âu chờ đợi biết bao con chiên của Chúa Kitô hiện không ở trong ràn duy nhất”.
Nhưng Đức Giáo hoàng không lạc quan hão huyền. Trái lại, ngài nhận thấy còn nhiều khó khăn phải giải quyết, nhiều điều kiện phải thực hiện: “Chúng tôi biết rằng còn nhiều vấn đề khách quan, hệ trọng và phức tạp phải nghiên cứu, suy luận và giải quyết. Chúng tôi muốn đem thực hiện công việc đó liền, vì tình yêu Chúa Kitô thúc giục chúng ta. Song chúng tôi xác tín rằng, hoạch định và giải quyết các vấn đề như thế đòi hỏi rất nhiều điều kiện. Các điều kiện này hiện thời chưa đủ. Và chúng tôi không nao lòng, nếu phải kiên tâm chờ đợi ngày giờ diễm phúc được thấy sự hòa giải hoàn toàn”.
Để cho công cuộc hợp nhất này đạt những kết quả vững chắc, Đức Phaolô VI đã xác định một vài nguyên tắc hướng dẫn thái độ của Giáo hội.
Nguyên tắc thứ nhất là theo đường lối ôn hòa, chân thành, chính trực, xa lánh tranh luận: “Đường lối chúng tôi nói chuyện với họ, chúng tôi muốn một đường lối nhắm sự ôn hòa tuyệt đối chân thành và chính trực. Tuyệt nhiên không có những cạm bẫy ám muội, không có những quyền lợi hiện thế chen vào”.
Nguyên tắc thứ hai là tôn trọng những gia sản chính đáng của anh em cách biệt: “Chúng tôi lấy lòng cung kính nhìn nhận gia sản tôn giáo chúng ta có chung với nhau từ sơ thủy, gia sản bên phía anh em cách biệt được bảo tồn và hơn nữa được phát triển phần nào một cách chính đáng”. Đức Thánh Cha hy vọng rằng anh em cách biệt cũng yêu thích học hỏi cặn kẽ hơn giáo lý cũng như lịch sử và đời sống tôn giáo của Giáo hội Công giáo.
Nguyên tắc sau cùng là đặt tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa và cố gắng sống thánh thiện: “Chúng tôi tuyên bố rằng, luôn ý thức các khó khăn hiện đang ngăn trở sự sum họp như lòng chúng tôi ước ao, chúng tôi sẽ tiếp tục cầu nguyện. Chúng tôi sẽ cố gắng nêu cao sinh chứng về nỗ lực sống đời sống Kitô giáo chính tông của chúng tôi, thực hành đức bác ái huynh đệ, và trong trường hợp mà thực tại lịch sử đe dọa làm suy sụp niềm trông cậy của chúng tôi, chúng tôi sẽ nhắc nhở lại lời an ủi biết bao của Chúa Kitô: “Điều loài người không thể nào làm được, thì Thiên Chúa vẫn có thể làm được”.
Qua đoạn diễn văn trên đây của Đức Phaolô VI, chúng ta nhận thấy rằng con đường hợp nhất đã rộng mở. Dựa theo tinh thần và những nguyên tắc trên đây,các nghị phụ khóa II đã bàn đến vấn đề hợp nhất trong một bầu không khí khiêm tốn và cởi mở. Các đấng đã vạch một vài nét đại cương, để chọn đường cho một cuộc hợp nhất hữu hiệu hơn ở khóa III. Chúng ta hãy đi vào trí ý của Đức Giáo hoàng và các nghị phụ, trong cuộc đối thoại với anh em cách biệt, ngõ hầu đạt đến những hiệu quả vững chắc mà toàn thể Giáo hội mong muốn.
Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Số 176-1/1964
Nguồn: VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét