Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Chung quanh chuyện ông Nguyễn Phú Trọng thăm Đức Giáo Hoàng



LTS: Việc TBT Nguyễn Phú Trọng gặp ĐTC Bênêđictô XVI không làm cho VietCatholic ngạc nhiên vì vào ngày 12/12/2012 tức là hơn một tháng trước đây chúng tôi cũng đã được biết tin về sự kiện này. Nhưng điều mà giới quan sát thắc mắc là cuộc hội kiến ở cấp bậc cao nhất này sẽ mang lại ảnh hưởng gì cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cũng như cho chính quyền Cộng Sản Việt Nam? Để trả lời câu hỏi trên,VietCatholic cho đăng bài dưới đây của tác giả Alf. Hoàng Gia Bảo với mục đích rộng đường dư luận.Tuy nhiên, nội dung bài báo không nhất thiết phản ảnh quan điểm của VietCatholic.

Chung quanh chuyện ông Nguyễn Phú Trọng thăm Đức Giáo Hoàng

Cuộc gặp giữa lãnh đạo đảng CSVN ông Nguyễn Phú Trọng và Đức Thánh Cha Bênedictô XVI hôm 22/1 khiến không ít người ngạc nhiên nhất là với công giáo VN, bởi đã không hề có bất cứ thông tin nào, thậm chí là đồn đoán về khả năng này xuất hiện trước đó.


Tuy nhiên xem lại hai lần ĐGH tiếp các lãnh đạo VN gần đây thì lại thấy cũng không có gì đáng bất ngờ cho lắm, tất cả cũng đều nhân dịphọ công cán đến Châu Âu. Với ông thủ tướng Dũng là đi dự Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới 2007 tại Davos Thụy Sĩ, còn với ông Chủ tịch Triết là đi thăm một số nước Châu Âu 2009 trong đó có Italia như ông Trọng lần này. Ngoài ra còn thêm chi tiết đáng chú ý nữa, đó là khi ông Trọng đến Italia trong số những người ra đón ông ta cùng phái đoàn VN ở phi trường quân sự Ciampino – Rome không chỉ có quan chức Chính phủ Italia thôi mà còn có cả đại diện tòa thánh Vatican. Là một quốc gia biệt lập vì sao Giáo Hoàng lại cử đại diện tòa thánh ra phi trường đón ông Trọng nếu không vì cuộc gặp sẽ diễn ra ngày mai? 

Như vậy xem chừng cuộc đón tiếp ông Trọng còn được đôi bên chuẩn bị âm thầm và chu đáo hơn cả 2 lần đón tiếp trước đó. Nhưng diều đáng bàn hơn cả với chúng ta là mục đích và ý nghĩa của cuộc hội kiến này là gì và ảnh hưởng đến hơn 8 triệu giáo dân VN ra sao?

‘Thượng đỉnh’ nhưng… không chính thức!

Trước hết nhìn vào cách đưa tin của Báo Điện Tử Đảng CSVN rõ ràng đây chỉ là một cuộc thăm viếng mang tính xã giao không chính thức. Khác xa với các lần ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Nguyễn Minh Triết thăm Vatican đã được toàn thể hệ thống báo đài trong nước đưa tin rất đầy đủ. Còn lần này thì tất cả chẳng hề ‘đả động’ gì đến, mặc dù họ thừa biết sự xuất hiện của ông Trọng tại Vatican đang gây sửng sốt cho dư luận. Việc thời điểm cuộc gặp diễn ra vào ngày Thứ Ba, là ngày mà theo các báo đưa tin là nhằm vào ngày nghỉ của ĐGH mà không phải là ngày làm việc, càng chứng tỏ đây chẳng phải là chuyến thăm chính thức. 

Mặc dù vậy, như bao chuyến công du của lãnh đạo các nước khác trên thế giới mọi điểm dừng chân của họ cho dù không chính thức vẫn luôn được cân nhắc kỹ lưỡng không thể là làm chuyện ‘thừa thãi’ và cuộc hội kiến với ĐGH của ông Trọng hôm 22/1 vừa qua cũng không là ngoại lệ.

Thật vậy, nhìn lại những nỗ lực hàn gắn quan hệ giữa đôi bên từ năm 1990 sau khi VN ‘đổi mới’ với một quốc gia còn chịu sự chi phối ngầm từ phía đảng nhiều như VN hiện nay, sự xuất hiện của ông TBT Trọng bên cạnh ĐGH tại Vatican đây mới chính là cuộc gặp thượng đỉnh, các chuyến thăm trước đó của ông Dũng và Triết chỉ là ‘dọn đường’ và từ nay về sau sẽ không có thêm cuộc thăm viếng cấp cao nào khác. Tiến bộ giữa đôi bên (nếu có) sẽ chỉ còn là chuyện mời ĐGH Benêdictô XVI thăm VN vào thời điểm thích hợp, hoặc nhanh hơn thì hai bên sẽ chính thức thiết lập bang giao nốt trong nay mai nữa mà thôi.

Chung quanh khả năng này từng có lập luận rằng Hà Nội sẽ không bao giờ dám ‘qua mặt’ Bắc Kinh thì nay tình thế đã hoàn toàn thay đổi. Sự căng thẳng leo thang do chính TQ gây ra tại biển Đông đang buộc Hà Nội phải xoay sở tìm liên minh với càng nhiều nước càng tốt, để làm đối trọng lại ‘đồng chí’ khổng lồ xấu bụng phương Bắc không chỉ về quân sự mà còn cả về kinh tế, ngoại giao… Trong bối cảnh ấy để có được một tiếng nói ‘nặng ký’ trên trường quốc tế bênh vực VN khi cần trong tranh chấp hải đảo với TQ thử hỏi còn ai hơn Đức Giáo Hoàng?

Và chuyến thăm cũng chẳng ‘ngoại lệ’

Về điều mà nhiều người cho rằng việc ĐGH tiếp ông Trọng là trường hợp ‘ngoại lệ’ do chỉ là đứng đầu một chính đảng mà không phải tầm lãnh đạo quốc gia thật ra cũng chưa xác đáng lắm. 

Bởi dưới thời ĐGH Gioan Phalo II tòa thánh Vatican cũng đã từng rộng cửa đón tiếp ông Mikhail Gorbachev lãnh tụ đảng CS Liên Xô vào ngày 1/12/1989. Chính nhờ cuộc gặp lịch sử này, đầu tiên Giáo hoàng tiếp một nhà lãnh đạo điện Kremlin ‘ông trùm’ của thế giới vô thần, đã góp phần quan trọng làm thay đổi cục diện quan hệ Vatican – LX khi chưa đầy nửa năm sau vào ngày 18/11/1990 hai bên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mà còn tác động làm thay đổi thể chế chính trị nước này thế giới cộng sản ngay sau đó. 

Theo tài liệu Inside the John Paul II-Gorbachev meeting gần đây vừa được nước Nga công bố thì vào cuối buổi tiếp kiến hôm ấy, ĐGH Gioan Phalô II đã nói với lãnh tụ M.Gorbachev “…xin cảm ơn ông nhiều về sự xác nhận của ông trong việc trao đổi đại diện giữa giới lãnh đạo Xô Viết và Tòa Thánh. Tôi hy vọng rằng điều này sẽ hỗ trợ trong việc giải quyết các vấn đề nội bộ tôn giáo. Chúng ta nên làm điều này một cách bình tĩnh, thậm chí rất bình tĩnh, không để cho những vấn đề này bị chính trị hóa” (Finally, I thank you very much for your confirmation in relation to exchanging representatives between the Soviet leadership and the Holy See. I hope that this will aid in resolving issues in religious affairs. We should do this calmly, even very calmly, by no means allowing these issues to become politicized.) 

Nhắc lại sự kiện này không để chúng ta hy vọng những điều tốt đẹp từng xảy ra với LX cũng sẽ ‘rập khuôn’ với VN nay mai sau cuộc gặp giữa TBT đảng CSVN và ĐGH. Khả năng này xem ra không đơn giản, vì khi đến Vatican gặp ĐGH Jean Paul II ông M.Gorbachev đã được thế giới biết đến là ‘cha đẻ’ của khởi xướng Perestroika Glasnost – Cải tổ và Cởi mở - bắt đầu diễn ra tại LX, trong khi ông Trọng của VN hiện là người còn bảo thủ, giáo điều. Hơn nữa vị thế và quyền hạn của ông M.Gorbachev trong hàng ngũ lãnh đạo Xô Viết lúc bấy giờ cũng khác xa so với sự ‘thất thế’ của ông Trọng hiện nay. 

---

Dẫu sao thì sự có mặt của ông TBT Nguyễn Phú Trọng tại Vatican cũng chứng tỏ cuối cùng thì “chuyện gì phải đến cũng đã đến”. Cho dù có hơi muộn màng với một quốc gia có đến 10% dân số theo công giáo đông thứ 2 Châu Á, và đang còn tồn tại nhiều bế tắc nhất là ‘món nợ’ tài sản giáo hội bị nhà nước chiếm đoạt trong lúc làn sóng biểu tình đòi hỏi công bằng xã hội về đất đai trong nước đang ngày một dâng cao, càng nguy hiểm hơn nếu để xảy ra các vụ bất ổn ‘có tổ chức’ như Tòa khâm sứ, Thái Hà v.v… 

Tóm lại, thoạt nhìn thì chuyện ông Trọng gặp ĐGH có vẻ như chỉ là chuyện tình cờ vì thế gây bất ngờ cho dư luận, nhưng thật ra đây là ‘nước cờ’ hết sức khôn ngoan của giới lãnh đạo đảng CSVN trong tình thế đầy bất trắc với họ hiện nay. ‘Một công đôi chuyện’ vừa có thể giúp khai thông nốt các vướng mắc trở ngại còn tồn đọng do lịch sử để lại với đạo công giáo đồng thời còn giúp nâng cao uy tín của họ tại chính nơi chủ nghĩa cộng sản đang bị lên án bởi Nghị viện Châu Âu với nghị quyết 1481 hồi năm 2006.

Sàigòn, 24/1/2013
Alf. Hoàng Gia Bảo
VietCatholic

0 nhận xét:

Đăng nhận xét