Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Xuân nào che nổi những tang thương


Xuân nào che nổi những tang thương
Trong bài giảng của Thánh lễ lúc 8 giờ tối ngày 30 tháng 12 năm 2012 tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài gòn, linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh đã chia sẻ nỗi trăn trở của ông về hiện trạng này là “Thế thì thử hỏi cái thế của dân tộc Việt Nam hôm nay có phải là cái thế của một dân tộc đang đối mặt với thù trong giặc ngoài hay không? Thử hỏi: mất nước mà không đau, mất nước mà không nhục, thì chúng ta có còn xứng đáng là người Việt Nam nữa hay không? Chuyện động trời đang xảy ra hôm nay là chúng ta đang mất nước. Nhưng sở dĩ xã hội cứ bình chân như vại, một phần vì thiếu thông tin, phần khác vì sợ hãi. Là vì mọi chế độ độc tài đều làm cho người dân ra hèn nhát và mê muội. Dân tộc muốn tự cứu mình, chỉ còn cách thoát ra khỏi sợ hãi mà thôi”.
Vào giữa lúc này đây, giữa cái thời điểm mà đúng ra lòng người phải hân hoan như lòng trời khi mùa xuân vừa đến, phải tràn trề những tin yêu và hy vọng thì lòng người Việt Nam lại chua xót và đầy đắng cay. Những tâm hồn Việt Nam nào còn biết đau, biết cảm thì nhìn đâu trên đất nước cũng chỉ thấy một mầu héo úa vì tất cả đồng bào mình đều đang bị lao đao trong một xã hội quá tang thương với đủ cả thù trong, giặc ngoài.
Thù trong thì ôi thôi nhan nhản đầy khắp. Biết bao là những điều trái oan mà có lẽ trên thế giới hiện nay chỉ còn có đất nước Việt Nam chúng ta mới hàng ngày xảy ra mà thôi. Từ cảnh những người dân lành bị cướp mất đất sống rồi đi kêu oan thì bị đưa ra toà tuyên xử với những tội danh kiểu “xuất nhập nhân tội” cho thành cớ. Chẳng hạn như trường hợp các dân oan Trần Thị Hài ở Bình dương, như Lê Thị Kim Thu ở Đồng Nai… đến những “blogger” của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do ở Sài Gòn; các thanh niên Công giáo và Tin lành tại Nghệ An và mới đây là luật sư Lê Quốc Quân mới bị bắt ở Hà Nội… Rồi những người đấu tranh cho công lý và hoà bình, những người yêu nước muốn biểu tỏ niềm đau thương và tủi nhục trước vận mạng quốc phá gia vong bằng ngòi bút, bằng các cuộc biểu tình chống Tàu… Tất cả đều trở thành đối tượng của công an nhà nước để hoặc nếu không bị theo dõi, bị đe doạ thì cũng bị khủng bố, bị cầm tù. Thử hỏi, với một nhà nước chẳng những đã đi ngược lại nguyện vọng của toàn dân như thế mà lại còn để một thế lực lân bang, từ lâu vốn đã là kẻ thù xâm lược đáng sợ của dân tộc, chỉ đạo và áp lực đi theo định hướng bạo lực để áp đảo dân mình thì đất nước sẽ đi về đâu, dân tộc sẽ ra sao nếu không là trở lại thời Bắc thuộc.
Tuy nhiên, việc đáng nói nhất lại không phải là hệ thống chính trị độc đảng của những người cộng sản độc tài. Bởi vì sau hơn nửa thế kỷ hoành hành trên cả ba miền đất nước thì ai cũng quá rõ bản chất của họ là vong thân, hung tàn thô bạo như vậy rồi. Điều cần phải suy nghĩ hơn hết là căn bệnh vô cảm càng ngày càng như một thứ dịch lây lan bất trị.
Trong bài giảng của Thánh lễ lúc 8 giờ tối ngày 30 tháng 12 năm 2012 tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài gòn, linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh đã chia sẻ nỗi trăn trở của ông về hiện trạng này là “Thế thì thử hỏi cái thế của dân tộc Việt Nam hôm nay có phải là cái thế của một dân tộc đang đối mặt với thù trong giặc ngoài hay không? Thử hỏi: mất nước mà không đau, mất nước mà không nhục, thì chúng ta có còn xứng đáng là người Việt Nam nữa hay không? Chuyện động trời đang xảy ra hôm nay là chúng ta đang mất nước. Nhưng sở dĩ xã hội cứ bình chân như vại, một phần vì thiếu thông tin, phần khác vì sợ hãi. Là vì mọi chế độ độc tài đều làm cho người dân ra hèn nhát và mê muội. Dân tộc muốn tự cứu mình, chỉ còn cách thoát ra khỏi sợ hãi mà thôi.
Lời giảng này nghe như một lời phẫn nộ. Một tiếng kêu thương đầy nghẹn ngào uất ức; song với tâm huyết này đã làm cho lòng người sáng lên niềm hy vọng là sẽ không thành tiếng kêu trong sa mạc. Phải hy vọng khi mà lịch sử chưa chứng tỏ nhiều nét son chống giặc phương Bắc bị phai mờ.
Nhớ lại một mùa xuân xưa năm Kỷ Dậu, vị anh hùng áo vải đất Tây Sơn đã hiển danh với chiến thắng Ngọc Hồi vào năm 1789. Theo sử sách thì nơi gọi là gò Đống Đa bây giờ gần Thái Hà chính là hậu quả thê thảm của hơn 50 vạn quân nhà Thanh đã bị phá tan trong cảnh máu chảy thành sông, xác chất thành núi. Người Việt Nam nào cũng tự hào và hãnh diện về di sản anh hùng bất khuất này. Sau khi có Hiệp định Genève thì cho dù người dân Miền Nam không có được cơ hội đi thăm gò Đống Đa vào ngày Mùng Năm Tết Âm lịch mỗi năm, cũng như nhiều người không được biết nơi chốn này ra sao, song mọi người nhất là học sinh, sinh viên vẫn được nhắc nhớ với một ngày lễ nghỉ đi theo sau ba ngày nghỉ Tết được ghi sẵn trên lịch là ngày ghi nhớ chiến tích này. Thế nhưng mai này, khi lịch sử nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam sang trang thành An Nam đô hộ phủ thì nơi này không chừng sẽ bị san bằng để xây công viên văn hoá; tượng vua Quang Trung sẽ được đem giam lại cùng với những người biểu tình chống Tầu cũng nên.
Như vậy, xuân này về có vui chăng?
Thù trong là thế, giặc ngoài còn cay đắng hơn. Mà điều cay đắng nhất là cái gương của Việt Khang, chính vì còn biết thế nào là cái liêm và sỉ của một con người Việt Nam chưa mất gốc nên đã thấy thấm thía nỗi nhục bị trị; đã chỉ thốt lên lời than bi thiết mà bị mang án tù đầy. Thực tế, đối với đồng bào, với tổ quốc thì lại khác, lại chưa biết người bị mang án với kẻ ngồi xét xử ai mới là tội đồ của dân tộc.
Giờ đây Việt Nam còn hay đã mất
mà giặc Tầu ngang tàng trên quê hương ta.
Hoàng Trường sa đã bao người dân vô tội,
chết ngậm nguì vì tay súng giặc tầu
Thời xưa, trong những giai đoạn hằng ngàn năm bị người Tàu đô hộ, đất nước vẫn còn may; người dân Việt vẫn còn may vì có những người lãnh đạo yêu nước thương dân để đồng lòng chống ngoại xâm. Còn có Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền xua quân Đông Hán, Nam Hán… Lý Thường Kiệt phá Tống; từ vua đến quan triều đình nhà Trần tiên phong chống Nguyên Mông; Lê Lợi bình định giặc Minh và Quang Trung đại phá quân Thanh. Còn bây giờ, những câu hỏi của Việt Khang là thực tại nỗi chết của chín mươi triệu người Việt hôm nay cũng như bản án tù của anh chính là thân phận oan khiên chung của dân tộc bị chính nhà cầm quyền nước mình ngăn bước người dân chống giặc Tầu ngoại xâm. Việc đảo hành nghịch thi như vậy đang xẩy ra thật tự nhiên trên Quê hương mình đấy. Mai này, câu hỏi của Việt Khang sẽ đi vào lịch sử.
Dân tộc anh ở đâu
sao đang tâm làm tay sai cho Tầu
để ngàn sau ghi dấu
bàn tay nào nhuộm đầy máu đồng bào?
Có điều, chúng ta không thể trách ai khi chính tâm tư từng người chưa thấy đau, chưa thấy xót, chưa thấy tủi vì hận vong quốc gần kề. Và đến như thế mà cũng như chưa thấy cần phải chống quân xâm lược thì tất cả không trách được Việt Khang khi anh đã điểm mặt để tách ra được một cái loại người gọi là loại nhu nhược bán nước hại dân.
Làm sao trả lời được câu hỏi của linh mục Nguyễn Ngọc Tỉnh… mất nước mà không đau, mất nước mà không nhục, thì chúng ta có còn xứng đáng là người Việt Nam nữa hay không?… khi mà ở đâu đâu cũng chỉ là những ánh mắt ngây nhìn mọi sự như nhìn cảnh “cháy nhà hàng xóm”.
Khúc hát “Hậu đình hoa” của Trần Hậu Chủ thời nào thì nay đã trở thành bản nhạc xuân chung cho rất nhiều người Việt Nam. Bình dân bá tánh cũng như trí thức và ngay cả người tu hành. Tại sao vậy? Câu trả lời của linh mục Nguyễn Ngọc Tỉnh… là vì mọi chế độ độc tài đều làm cho người dân ra hèn nhát và mê muội. Mê muội cố ý cũng có, mà mê muội vì chọn “mũ ni che tai” cũng có. Tại quê nhà thì mặc sức “vô tư” như chưa bao giờ được sống vô tư như vậy. Còn ở hải ngoại thì xem ra càng phức tạp hơn khi mỗi người còn mang thêm cái tên lộn ngược với Jack, Smith hay Linda, Margaret… Tết Tây rồi Tết ta vẫn vang rộn những lời chúc “Happy New Year – Tân Xuân hạnh phúc”… mà không biết hạnh phúc đang ở đâu. Mà không biết mình đang nói gì, đang lảm nhảm gì.
Có người đã cay đắng nói rằng đời bây giờ thiên hạ hết thương nhau rồi. Cho dù cái mảnh đất của khối người mệnh danh là con Lạc cháu Hồng này đang bị bán đứng cho chủ nghĩa quốc tế vô sản hay có bị cắt dần cắt mòn dâng cúng cho Tầu thì cá nhân mình nhỏ nhoi quá, làm gì được nên phải làm thinh. Vì vậy, ai ở tù mặc ai, ai đói khổ cũng mặc ai, mình cứ lạnh với mọi sự thì đời mới ấm được. Cho dù đó là cái ấm của một con rận hay con rệp nép mình trong chăn… Vậy nên, tại sao không nghĩ rằng nếu như bao thời trước, tổ tiên ta cũng chung một ý nghĩ ấy thì làm gì có hơn bốn ngàn năm lịch sử; làm gì có đất đứng để nuôi sống cho đám con cháu bạc tình tha hồ mà phá nước hại dân…
Trong tâm tình này, trong hiện trạng của Việt Nam tôi đây, hai tiếng Quê hương vang lên như bản đàn xuân buồn vời vợi. Nghe như lời kinh nguyện thiết tha giữa bao niềm hy vọng:
Việt Nam, Việt Nam
Một mối tình nước non mong một ngày đền trả
Trong thân phận lưu đầy, mang mang niềm thao thức: Việt Nam
Phạm Minh Tâm
Nguồn: NVCL

0 nhận xét:

Đăng nhận xét