Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

Vể mối quan hệ đức tin, luân lý


Vai trò của tôn giáo tâm linh ngày càng mờ nhạt đến nỗi có thể nói nó không còn chỗ đứng trong thế giới hôm nay. Đức Thánh cha Benedict XVI trong buổi tiếp kiến ngày 19/01/2013 vừa qua dành cho khóa họp toàn thể của HĐ Tòa Thánh Cor Unum ( Đồng Tâm ) sau khi nhắc đến chủ đề của khóa họp “ Bác ái, luân lý và đạo đức mới trên thế giới và nhân loại học Kito Giáo” Ngài nhấn mạnh đến mối liên hệ đức tin với hoạt động bác ái của các tín hữu và các tổ chức từ thiện Kito giáo đồng thời tố giác những “ bóng đen” đang làm lu mờ dự án của Thiên Chúa, nhất là một quan niệm thu hẹp về con người: quan niệm này liên kết nhân sinh quan duy vật với sự phát triển lớn về kỹ thuật. Đó là một thứ nhân loại học vô thần giả thiết rằng con người bị thu hẹp vào những chức năng tự lập, trí tuệ bị thu hẹp vào não bộ. Lịch sử con người bị thu hẹp thành một vận mạng tự thể hiện mình. Tất cả những điều đó tách rời khỏi Thiên Chúa, khỏi chiều kích tinh thần và chân trời vượt lên trên lãnh vực trần thế này” ( Nguồn Lamhong. org 20/01/2013. G.Trần Đức Anh O.P )

Quan niệm thu hẹp được đức Thánh cha đề cập ở đây, nói cách dễ hiểu đó là người ta chỉ coi con người như là một xác thể không có linh hồn. Với sự thu hẹp ấy đương nhiên đức tin chẳng còn nghĩa lý gì nữa. Tại sao ? Bởi vì tôn giáo luôn bao hàm trong nó đức tin như là niềm hy vọng cho một thực tại vượt ngoài phạm vi hiện tượng sinh diệt để bước vào thế giới bản thể bất sinh bất diệt “ Vì chúng ta được cứu trong sự hy vọng, nhưng sự hy vọng đã thấy được thì chẳng phải là sự hy vọng. Vì có ai lại hy vọng điều mình đã thấy rồi ư ? Song nếu chúng ta hy vọng điều mình chưa thấy thì chúng ta mới nhẫn nại mà đợi trông” ( Rm 8, 24 -25)

Người ta chỉ hy vọng vào điều chưa thấy chứ một khi đã thấy, đã đạt rồi thì còn hy vọng nỗi gì ? Sống tôn giáo là sống trong niềm hy vọng và sở dĩ như vậy là vì điều hy vọng ấy vượt khỏi sự nhận biết của giác quan cũng như lý trí suy luận. Cuộc khủng hoảng sâu sắc hiện nay như đang thấy là do người ta đã không nhận ra được tính chất siêu vượt đó để rồi bước vào con đường tục hóa như một tất yếu. Đối với tục hóa chẳng những đức tin không còn mà ngay cả đến luân lý cũng bị loại trừ “ Tại một buổi hội thảo, Herb Ginto, nhà khoa học người Mỹ về cách xử sự và là người đã phân biệt quan niệm về lòng vị tha đã nói về cách văn hóa và luân lý là sản phẩm của sự tiến triển về gien và cách tiến hóa của chúng ta là sản phẩm của sự tiến bộ văn hóa. Ông nói = quá trình này xảy ra hàng trăm ngàn năm” ( Nguồn Lamhong.org 05/01/2013) – Đức tin và luân lý).

Luân lý là sản phẩm của …tiến hóa và sự tiến hóa ấy cũng có thể thấy ở loài dơi quỷ “ Michael Reiss khoa học gia thuộc đại học London và là linh mục Anh Giáo đã biến hóa sự tưởng tượng đầy màu sắc bằng cách dùng những con dơi quỷ ( vampire bats ) để minh họa lý do con người có lòng vị tha. Ông nói rằng những con dơi này hình thành các mối quan hệ hỗ tương. Nếu con dơi nào không tìm được thức ăn ban đêm, con dơi khác sẽ thổ máu ra để thỏa mãn cơn đói của con dơi bạn. Được coi là lòng vị tha hỗ tương, hiện tượng này thấy có ở nhiều loài kể cả loài người” ( Nguồn Lamhong.org đã dẫn ).

Những con vật được xếp vào loại phi cầm phi thú như dơi quỷ mà cũng có lòng…vị tha dám thổ máu ra để thỏa mãn cơn đói của dơi bạn, đó phải chăng là một thứ …hành vi cao cả vượt trội hơn cả luân lý vì đã biết …hy sinh quên mình ? Thực sự thì không thể đem những con dơi ấy ra để so sánh với hành vi luân lý ở nơi con người. Không chỉ loài dơi quỷ, chúng ta còn thấy sự…hy sinh ấy ở nhiều loài vật khác = loài chồn nơi hoang mạc tuy nhỏ bé nhưng dám chống trả với đại bàng hung dữ dù phải chết để bảo vệ đàn con. Chim bồ nông khi không kiếm được thức ăn, dám móc thịt ở thân mình ra để nuôi con v.v…Loài vật có thể làm những việc mà ngay loài người cũng khó thể làm. Tuy nhiên đó thuần túy chỉ là sự thúc đẩy của bản năng, hoàn toàn không dính dáng gì tới luân lý là hành vi có ý thức ở nơi con người.

Luân lý nói cách chung đó là những cách ứng xử của con người với nhau. Dù vậy cách ứng xử ấy còn tùy ở nơi quan niệm mà người ta có về luân lý. Quan niệm của xưa với nay, của xã hội này, xã hội khác đều có sự khác biệt. Chẳng hạn trong xã hội Nho giáo phong kiến thời xưa lấy tam cương ngũ thường làm tiêu chuẩn thì ngày nay chẳng còn ai theo nữa. Hoặc như Hồi giáo thì luân lý của họ là luật Saria hà khắc, còn với Âu Mỹ dân chủ đó lại là luật nhân quyền v.v..Tóm lại luân lý chỉ là cái cách mà con người quy định với nhau cho những mục đích khác biệt và tất nhiên những mục đích ấy chỉ nhắm đến cuộc sống ở nơi cõi đời này. Nhận định như thế để thấy rằng luân lý hoàn toàn không phải do…tiến hóa nhưng cũng không như bản năng loài vật. Luân lý là hoạt động có ý thức ở nơi con người và tất nhiên nó chỉ có thể dừng lại trong phạm vi ý thức. Trái lại đức tin thì siêu vượt ý thức phân biệt để bước vào lãnh vực bản thể vô phân biệt.

I/- Đức tin siêu vượt luân lý

Người đời thường lẫn lộn luân lý với đạo đức, nhưng theo minh triết Đông Phương thì chỉ khi Đạo đã mất mới cần phải có luân lý “ Đạo đạo phế hữu nhân nghĩa. Tuệ trí xuất hữu đại ngụy. Lục thân bất hòa hữu hiếu từ. Quốc gia hỗn loạn hữu trung thần” ( Đạo lớn mất mới có nhân nghĩa. Tuệ trí sanh mới có dối trá. Lục thân chẳng hòa mới có hiếu từ. Đất nước loạn lạc mới có tôi ngay. Lão Tử ĐĐK chương 18 ). Đạo lớn tức cái đạo không thể nói không thể gọi tên, nhưng nó chính là bản tâm vô phân biệt ở nơi mỗi người. Tâm vô phân biệt là cái tâm không còn thấy có ta, có người, hay nói cách khác ta là người và người là ta. Một khi đã sống được với cái tâm ấy thì đâu cần phải nại tới luân lý. Sở dĩ cần phải có luân lý là bởi con người không sống được mối tương hòa vua tôi cha mẹ con cái vợ chồng bằng hữu. Bởi các gia đình không sống trong sự yêu thương thật sự thế nên thiên hạ mới đề cao sự hiếu thảo, bởi quốc gia loạn lạc nên mới cần phải có những tôi trung là vậy.

Xã hội ngày nay luôn nói đến pháp luật, đến đạo đức, học tập noi gương này nọ. Thế nhưng không có thời nào mà con người lại chà đạp pháp luật và sống gian dối bất nhân bất nghĩa như bây giờ. Tất cả nguyên nhân chỉ vì con người đã đánh mất Đạo và ngay cả trong tôn giáo cũng chẳng còn Đạo khi mà người ta đã …quên mất Chúa như lời đức Benedicto XVI đã nói “ Chính sự lãng quên Thiên Chúa đã dìm sâu xã hội con người hôm nay vào trong một hình thức duy tương đối vốn sản sinh ra bạo hành. Khi chối bỏ cơ may tìm về nguồn chân lý khách quan thì sự đối thoại trở thành bất khả và bạo hành cho dù công nhiên hay kín đáo sẽ trở thành quy luật trong mối tương giao nhân loại. Không mở ngỏ cho Đấng Siêu Việt vốn là điều duy nhất cho phép ta trả lời cho các vấn nạn liên quan đến ý nghĩa cuộc đời và cách sống, đạo đức loài người sẽ bất lực trong việc giải quyết các vấn đề theo lẽ công bình và làm việc với nhau trong hòa bình. Khi mối tương giao giữa con người với Thiên Chúa bị gãy đổ kéo theo nó một sự mất thăng bằng trong mối tương giao giữa con người với nhau thì sự hòa giải với Thiên Chúa vốn là hoa trái của thập giá Chúa Kito “ niềm bình an chúng ta ( Eph 2, 14) chính là nguồn mạch của sự hợp nhất và tinh huynh đệ” ( Nguồn Vietcatholic News 15/12/2010 – Một thế giới buồn thảm mong chờ Chúa giáng sinh).

Cần phải “ mở ngỏ cho Đấng Siêu Việt” thì Đấng Siêu Việt ấy chẳng phải bất kỳ Đấng nào khác ngoài ra là Đấng nội tại ở trong ta. Hiểu như thế thì sự “ Mở ngỏ” ấy chính là quay về với Bản Tâm Vô Phân Biệt ở nơi chính mình. Để có thể có được sự “ mở ngỏ” ấy thì duy chỉ có con đường đức tin thôi bởi lẽ đức tin là lối vào của Đạo. Khi Lão Tử nói “ Đại đạo phế hữu nhân nghĩa” thì không có nghĩa phải bỏ đi nhân nnghĩa ( luân lý) nhưng chỉ có ý nói nó chưa đủ để thực hiện cái Đạo ở nơi lòng mình, bởi lẽ còn vụ vào luân lý là còn phân biệt thấy có ta có người. Còn phân biệt có ta có người thì không thể “ mở ngỏ” lối vào với Đạo. Chính bởi còn thấy “có ta”( ngã chấp) không thể vào được Đạo thế nên Đức Kito truyền dạy phải bỏ mình đi “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo” ( Mt 16, 24). Bỏ mình chẳng qua chỉ là bỏ đi hai cái chấp = một là chấp xác thân này là mình và hai là chấp tâm tưởng này là mình. Bởi chấp cho xác thân là mình thế nên ai cũng lo lắng tìm hết cách cho nó được ăn ngon mặc đẹp, nhà cao cửa rộng v.v... Bởi chấp tâm tưởng là mình nên ai cũng chỉ theo ý riêng mình, theo cái cao ngạo của mình v.v..

Luân lý không thể mở ra cho lối vào Đạo vì chưng nó không thể không vướng vào hai cái chấp đó mà duy chỉ có đức tin thôi. Con mắt giác quan cho ta thấy người nghèo hèn nhưng đức tin lại cho ta thấy đó là chính Chúa Giesu “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một trong những anh em Ta dầu là những kẻ nhỏ mọn nhất tức là làm cho chính Ta vậy” ( Mt 25, 40). Tai nghe những lời sỉ nhục, bị gông cùm đe dọa nhưng đức tin nhắc cho ta biết rằng đó là một mối phúc vô cùng lớn lao “ Phúc cho các ngươi khi người ta lăng nhục bắt bớ và vu khống mọi điều gian ác vì cớ Ta” ( Mt 5,11). Lưỡi cho ta thấy chỉ có một chút bánh không men nhưng đức tin lại cho biết đó là Mình Máu Thánh Chúa “ Ta là Bánh hằng Sống từ trời xuống. Nếu ai ăn bánh ấy thì có sự sống đời đời. Còn bánh mà Ta sẽ ban cho vì sự sống của thế gian ấy là thịt và máu Ta” ( Ga 6, 51). Giác quan lo lắng về ngày mai, ăn gì mặc gì nhưng đức tin bảo cho ta biết đừng có lo chi, chỉ cần hết lòng tìm kiếm Nước Chúa “ Thế thì chớ lo lắng rằng chúng ta ăn gì uống gì mặc gì. Vì mọi điều đó các dân ngoại vẫn lo. Song Thiên Phụ các ngươi biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi. Nhưng trước hết hãy lo tìm kiếm Nước ĐCT thì mọi điều ấy sẽ được thêm cho các ngươi” ( Mt 6, 31 -33).

Tìm kiếm Nước Chúa, nhưng mầu nhiệm thay nước cần tìm ấy chẳng ở đâu xa ngoài mình, bởi đó cần phải lấy đức tin mà tìm.

II/- Tìm kiếm trong đức tin

Sống đời tôn giáo là sống trong một cuộc tìm, thực vậy Đức Kito xuống thế mục đích là để rao giảng Tin Mừng Nước Trời và Ngài đòi hỏi mỗi người cần phải hết lòng tìm kiếm. Ai có tìm mới gặp, chẳng ai có thể tìm thay cho ai được. Tuy nhiên trong thời tục hóa này thì việc tìm kiếm ấy trở thành vô nghĩa bởi lẽ Nước Trời mầu nhiệm đã bị biến thành nước….thế tục “ Vậy Nước TC mà Đức Kito rao giảng không phải là một thực tại ở trên trời nhưng là một tình trạng tương lai ở thế gian khi người nghèo hết nghèo, người áp bức không còn bị áp bức. Nó được biểu thị bằng một ngôi nhà có tường thành bao quanh” ( Albert Nolan – Đức Giesu trước khi có Kito giáo). Một khi xác định Nước Trời chỉ là tình trạng ở tương lai khi người nghèo không còn nghèo, người áp bức không còn bị áp bức thì đâu cần gì đến việc tìm kiếm ? Không tìm không kiếm như thế tôn giáo chẳng những đã đánh mất tôn chỉ mà còn không thể bảo vệ mình trước những đánh giá sai lệch của các thế lực phần đời về nhân quyền.

Vấn đề nổi cộm trong thế kỷ vừa qua cũng như hiện nay còn tiếp diễn đó là về nhân quyền. Với cái được gọi là nhân quyền này thì mỗi quốc gia có những cách giải thích khác nhau, nhiều khi trái ngược nhưng hiểu một cách chân thực, đó là quyền được sống đúng với phẩm giá con người. Mặc dầu vậy vấn đề đặt ra ở đây là người ta hiểu thế nào là phẩm giá ? Đối với chủ nghĩa duy vật vô thần thì con người chẳng hề có một chút phẩm giá nào cả, nếu có thì cũng chỉ được ban cho cái …quyền công dân nhưng sẽ bị tước khỏi bất cứ lúc nào !!!. Còn tại những nước mệnh danh dân chủ thì nhân quyền là quyền của con người trong hết mọi việc miễn là đừng xâm phạm đến tự do hay quyền lợi kẻ khác. Những quyền được công nhận tại những quốc gia đó ta thấy ngoài quyền có công ăn việc làm, được pháp luật bảo vệ còn có những quyền như phá thai, ly dị, kết hôn đồng tính và tự nguyện chết ( an tử ) v.v…

Căn cứ vào những thứ quyền này mà các nước Âu Mỹ phản đối cho là Giáo Hội Công Giáo vi phạm nhân quyền can thiệp vào những luật lệ của quốc gia…đến nỗi HĐGM Mỹ đã phải lên tiếng cách quyết liệt chống lại đạo luật Bảo Hiểm Y Tế của tổng thống Obama v.v… Giáo Hội phản đối nhưng thật ra không thể có sức thuyết phục lý do bởi đã để mất tôn chỉ của mình khi bước vào con đường tục hóa là đường chẳng hề dính dáng chi đến đức tin cho việc tìm kiếm. Tìm kiếm trong tôn giáo là tìm cho biết phẩm giá đích thực của chính mình = Tôi từ đâu sinh ra, sống trên đời này để làm gì, chết rồi đi đâu ?

Đức Kito đã nói “ vì hễ ai xin thì được, ai tìm sẽ gặp, ai gõ sẽ được mở cho” ( Lc 11. 10) thế nhưng cuộc tìm này hoàn toàn không dễ chút nào bởi lẽ việc tìm ấy là tìm điều siêu vượt cõi sống thế gian cả về giác quan cũng như suy luận. Giác quan luôn tìm kiếm thỏa mãn không chán cho nó bằng con đường ăn uống và sắc dục. Còn suy luận thì chỉ biết theo ý riêng mình. Hai con đưởng này là một trở lực không thể vượt qua cho những kẻ tìm kiếm nó, bởi vậy Chúa nói “ Hãy vào cửa hẹp, vì đường lớn và cửa rộng dẫn đến sự hư mất. Kẻ vào đó thì nhiều, song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ tìm được thì ít. ( Mt 7, 13 -14).

Đường hẹp dẫn đến sự sống và sự sống ấy chính là nhận biết phẩm giá Con Thiên Chúa ở nơi mình và nơi người. Phẩm giá Con Thiên Chúa ở nơi mỗi người đó là sự thật mà Đức Kito muốn đem lại cho con người. Thế nhưng sự thật ấy chỉ có thể có được khi ta hết lòng tin yêu Chúa Giesu Đấng Cứu Độ mình “ Hễ ai tin Chúa Giesu là Đấng Kito thì sanh bởi Đức Chúa Trời. Hễ ai thương yêu kẻ đã sanh thì cũng thương yêu kẻ đã sanh bởi Ngài. Khi chúng ta thương yêu ĐCT và giữ các giới răn của Ngài thì nhờ đó chúng ta biết rằng mình thương yêu con cái của ĐCT nữa” ( 1Ga 5, 1 -2)

Phùng Văn Hóa
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét