Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

NƯỚC TRỜI, THIÊN ĐÀNG LÀ MỘT HAY HAI ?


Câu hỏi thoạt nghe có vẻ …khơi khơi nhưng xét kỹ thì thấy đây là vấn nạn thần học rất lớn. Trả lời cho câu hỏi Nước Trời là gì ? Ở đâu ? Thần học có khi nói là Đức Ki Tô, có khi lại nói đó là Giáo Hội. Tuy hai lối giải thích có vẻ khác nhau nhưng tựu chung đều đưa đến một thứ Nước Trời Tục Hóa có nghĩa Đức Ki Tô đến không phải để rao giảng Tin Mừng nhưng là để xây dựng Nước Trời ở nơi cõi trần. Một khi Đức Ki Tô đến để xây dựng Nước Trời thì đương nhiên Nước Trời ấy không thể là Thiên Đàng “ Nước Trời là gì ? Ở đâu ? Thưa có thể nói ngay rằng Nước Trời chính là Giáo Hội của Chúa Ki Tô ngay tại trần gian này. Vì nếu nói Nước trời là Thiên Đàng thì không đúng. Vì sao ? Thưa vì nếu nói Nước Trời là Thiên Đàng thì không thể có ba Dụ Ngôn hôm nay, hay nói cách khác rằng nếu Nước Trời là Thiên Đàng thì Chúa Giesu không dùng Dụ Ngôn mà giảng dạy. Điều này được dẫn chứng ngay là = Nước Trời ví như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào lúa rồi đi mất. Rõ ràng nếu Nước Trời là Thiên Đàng thì quỷ không thể vào được mà gieo điều xấu. Vì rõ ràng như Chúa Giesu nói = Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt là con cái Nước Trời. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. vậy theo đó Nước Trời chính là Hội Thánh của Chúa Ki Tô ngay tại trần thế này, điều này không thể phủ nhận” ( Nguồn Legio Mariae ĐBĐM 17/7/2014 Phero Trần Đình Phan Tiến – Nước Trời ).

Trong cách hiểu có tính truyền thống của người Công Giáo Việt Nam thì Thiên Đàng luôn là một nơi chốn cụ thể và nơi chốn ấy là ở…trên trời. Được lên Thiên Đàng có nghĩa là được …lên trời. Mừng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời là mừng Đức Mẹ được Thiên Chúa ban thưởng Nước Thiên Đàng. Đồng hóa Thiên Đàng với cõi trời như thế chẳng những chẳng có gì…sai, trái lại còn khiến đức tin của người Công Giáo chúng ta có được đức tin kiên vững hầu có thể vượt qua biết bao nguy khó của đường đời. Thế nhưng xét trên phương diện thần học thì sự đồng hóa ấy lại không thể chấp nhận. Lý do bởi vì Thiên Đàng khi được đồng hóa với cõi trời như một nơi chốn như thế lại hoàn toàn trái với Nước Trời mà Đức Ki Tô rao giảng. Thật vậy Đức Ki Tô mỗi khi rao giảng về Nước Trời đều dùng Dụ Ngôn, hơn nữa Ngài chỉ dùng Dụ Ngôn hay còn gọi là Thí Dụ “ Chúa Giesu dùng Thí Dụ mà phán mọi điều ấy cùng quần chúng. Ngoài Thí Dụ Ngài chẳng phán gì cùng họ hầu được ứng nghiệm lời tiên tri nói rằng = Ta sẽ mở miệng mà nói Thí Dụ. Ta sẽ thốt ra những điều đã giấu kín từ buổi Sáng Thế” ( Mt 13, 34 -35).

Sở dĩ Chúa chỉ dùng Dụ Ngôn để nói về điều giấu kín từ buổi Sáng Thế bởi vì “ Điều Giấu Kín” ấy chính là Nước Trời mầu nhiệm nội tại. Nói đến Nước Trời, người ta ai cũng cho rằng đó là một thứ “ Nước” tương tự như một thứ…quốc gia ở trên trời. Thế nhưng với Chúa Giesu thì Nước Trời hoàn toàn khác, bởi đó là Thực Tại Tâm “ Người Pharisieu hỏi Chúa Giesu về Nước Thiên Chúa chừng nào đến thì Ngài đáp = Nước Thiên Chúa không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không nói được = Đây này hay đó kia. Vì này Nước Thiên Chúa ở trong các ngươi” ( Lc 17, 20 – 21). Đây này, đó kia ám chỉ không gian và thời gian. Nước Trời không thể nói đây này đó kia bởi vì nó siêu vượt cả không gian lẫn thời gian. Nước Trời siêu vượt không, thời gian ấy mầu nhiệm thay lại sẵn đủ ở nơi mỗi người chỉ cần quay về là gặp.

Chúa rao giảng Nước Trời nhưng đó lại không phải là một thứ lãnh thổ hay quốc gia nào đó. Đối với quần chúng điều ấy thật khó hiểu và cũng chính vì sự khó hiểu ấy nên sau mỗi lần rao giảng Tin Mừng, Chúa đều kết thúc bằng câu “ Ai có tai để nghe, hãy nghe”. Tai biết nghe ở đây là tai nghe vô phân biệt. Phải nghe bằng tâm vô phân biệt thì mới có thể nhận biết Nước Trời ở nơi chính mình, đồng thời cũng chỉ khi ấy mới thấy Nước Trời và Thiên Đàng tuy hai mà một tuy một mà hai. Nước Trời và Thiên Đàng là một bởi đó cùng là một Thực Tại Tâm. Còn là hai bởi vì Nước Trời cần phải đạt được ngay trong cõi sống này = Ở đây, lúc này ( Hic et Nunc ). Còn Thiên Đàng lại chỉ có thể đạt tới trong cuộc sống đời sau. Chính bởi Nước Trời cần đạt tới ngay trong cuộc sống thế nên Đức Ki Tô nói “ Luật pháp và tiên tri đến Gioan là hết. Rồi từ đó Tin Mừng Nước Thiên Chúa được rao giảng ra và ai nấy đều phải nỗ lực mà vào” ( Lc 16, 16 ).

Phải nỗ lực mà vào thì “ Vào” ở đây không thể có cách hiểu nào khác ngoài ra là …vào trong Tâm của chính mình. Chúa nói luật pháp và tiên tri đến Gioan là hết có nghĩa đã đến lúc cần kết thúc Đạo Cũ ( Cựu Ước ) để bước sang Đạo Mới ( Tân Ước ). Sự kết thúc đây không có nghĩa hủy bỏ nhưng để kiện toàn và sự kiện toàn ấy đã được báo trước bởi Thánh Gioan Tiền Hô về Đấng Cứu Thế “ Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian” ( Ga 1, 29 ). Cái tội mà Đấng Cứu Thế đến để xóa ấy là tội gì nếu không phải là Tội Nguyên Tổ ? Thực vậy chính vì Tội Nguyên Tổ ấy mà đã khiến cho cả loài người chịu án phải chết “ Cho nên như bởi một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết và như vậy sự chết đã lan khắp mọi người vì mọi người đều đã phạm tội” ( Rm 5, 12).

Cái chết do nguyên tổ đưa đến đó là tội gì ? Xin thưa tội ấy là tội phân biệt. Thiên Chúa Giehova phán “ Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn nhưng về cây biết phân biệt thiện ác thì chớ hề ăn đến. Vì một mai ngươi ăn chắc là phải chết” ( St 2, 16 ). Nguyên nhân sâu xa khiến Tội Nguyên Tổ đưa đến sự chết bởi đó là sự phân biệt Ta và Người. Nói cách khác Tội Nguyên Tổ khiến cho thấy có một Cái Ta độc lập tự tánh là nguồn cội của ba thứ độc dữ = Tham Sân Si. Một khi đã thấy có Ta ( Ngã chấp ) thì không thể nhận ra mình là Hình Ảnh Thiên Chúa là Con Thiên Chúa nữa ( St 1, 26 ).

Đức Ki Tô xuống thế rao giảng Tin Mừng Nước Trời tất cả cũng không ngoài mục đích để cho con người nhận biết và sống với Bản Tính Con Thiên Chúa ở nơi mình. Có nhận ra như thế mới hiểu được Tin Mừng của Đức Ki Tô là một cái Tin khiến cho kẻ nghe có được sự Vui Mừng lớn lao. Có cái tin nào khiến cho ta có thể vui mừng lớn cho bằng biết được Nước Trời là nước vinh quang đời đời lại vốn hằng hữu ở trong ta như thế ? Chúa rao giảng Tin Mừng và Ngài cũng truyền dạy cả phương pháp để cho ta có thể ..vào ( Ngộ Nhập ) được nơi đó “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi hễ ai chẳng nhận lấy Nước Thiên Chúa như một con trẻ thì hẳn chẳng được vào đó” ( Lc 18, 17 ).

Nhận lấy Nước Trời như một con trẻ tức phải bỏ đi cái tâm phân biệt Ta – Người. Con trẻ ở đây ám chỉ cho cái tâm vô phân biệt ( Xích Tử Chi Tâm ). Tâm phân biệt khiến ta không thể nhận biết Nước Trời ở nơi mình. Có tâm phân biệt khi nào thì Nước Trời bị che lấp khi đó. Ngược lại bỏ đi tâm phân biệt khi nào thì Nước Trời hiện thực khi ấy. Chính bởi cần bỏ đi tâm phân biệt để Nước Trời hiện thực nên Chúa mới truyền dạy “ Ta nói cùng các ngươi hãy yêu kẻ thù nghịch các ngươi và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi trên trời bởi vì Ngài khiến mặt trời soi trên kẻ ác cùng người thiện, mưa cho kẻ công chính cùng kẻ bất chính” ( Mt 5, 44 -45).

Với cái tâm hạn hẹp khi nghe nói Cha ở trên trời thì liền nghĩ hẳn Thiên Chúa phải ở …trên trời. Tuy nhiên nếu hiểu như thế thì không bao giờ có thể nhận ra ý chỉ sâu xa của Đức Ki Tô về Thiên Chúa vô phân biệt soi trên kẻ ác cùng người thiện, mưa cho kẻ công chính cùng kẻ bất chính. Chỉ với Đấng Thiên Chúa Vô Phân Biệt như thế mới có thể là Đấng Cha của muôn loài sinh linh vạn vật. Tôn giáo đích thật phải là con đường dẫn đưa nhân loại về với Đấng Cha qua trung gian duy nhất là Đức Giesu Ki Tô “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).

Chúa Giesu Ki Tô là trung gian duy nhất đến với Đấng Cha. Thế nhưng để đi trên con đường trung gian ấy cũng có nhiều phương thế khác nhau. Với những ai có căn cơ đặc biệt được mạc khải ( Giác Ngộ ) thì Chúa chỉ thẳng ( Trực Chỉ ) về Chúa Cha “ Những điều ấy Ta đã nói cùng các ngươi bằng Dụ Ngôn. Giờ đến Ta chẳng còn nói cùng các ngươi bằng Dụ Ngôn nữa nhưng sẽ nói tỏ tường về Cha cho các ngươi” ( Ga 16, 25 ). Chúa nói Dụ Ngôn khi rao giảng Nước Trời với quần chúng đám đông còn với các môn đệ thì nói trực tiếp về Đấng Cha của Ngài và cũng là Cha của mỗi một người trong chúng ta. Mặc dầu Chúa chỉ nói bằng Dụ Ngôn cho đám đông nhưng không vì thế mà không cứu vớt họ. Trái lại đây chính là đối tượng chủ yếu của Ơn Cứu Độ “ Ta muốn sự thương xót chứ không muốn hy tế. Vì Ta đến không phải để kêu gọi người công chính bèn là kẻ có tội” ( Mt 9, 13 ).

Kẻ có tội giống như người có bệnh cần được cứu chữa. Thế nhưng điều kiện trước hết để người bệnh được cứu là phải biết mình có bệnh, do đó tìm đến với thầy chữa bệnh. Ngược lại có bệnh lại không cho là mình bệnh thì chẳng làm sao có thể chữa được. Người có tội được cứu đầu tiên và có tính điển hình nhất chính là kẻ trộm lành “ Một trong hai phạm nhân đồng bị treo cũng nhạo báng Ngài rằng = Ngươi không phải là Đấng Ki Tô sao ? hãy tự cứu mình ngươi và cứu chúng ta với. Nhưng tên kia trách nó rằng = ngươi cũng đồng chịu như vầy thật là công bình lắm. Vì ta chịu báo ứng xứng với việc ta làm. Nhưng người này chẳng hề làm điều gì trái cả. Đoạn lại nói rằng = Giesu ôi ! Khi Ngài đến trong nước Ngài xin nhớ đến tôi cùng. Ngài đáp cùng người ấy rằng = Quả thật ta nói cùng ngươi, ngay hôm nay ngươi sẽ được ở cùng Ta trên Nước Thiên Đàng” ( Lc 23, 39 -43).

Cái việc tên trộm cướp mà chúng ta quen gọi là kẻ tr65m lành ấy xin được cứu hoàn toàn không giống như tên trộm dữ ở chỗ một đàng tỏ ý sỉ nhục, hãy tự cứu mình và cứu chúng ta với. một đàng nhận biết mình xứng với tội lỗi đã làm. Dẫu vậy nếu chỉ nhận mình có tội thì cũng chẳng thể được cứu. Vấn đề thiết yếu trong đời sống tâm linh là phải xin. Có tìm mới gặp, có xin mới được. Người trộm lành trong lúc khẩn trương nhất đã xin và điều mà y ta xin ấy không phải để được thoát khỏi cái chết kinh hoàng trong giờ khắc sắp đến nhưng là cho được về Nước của Chúa. Sở dĩ người này có được điều xin vô giá ấy vì y ta có một niềm tin chắc chắn rằng người bị đóng đinh cùng với mình đây đã làm biết bao điều tốt lành cho người khác thì hẳn nhiên phải có được kết quả tương xứng là làm vua trong cõi trời vinh hiển.

Tôn giáo không phải triết học nhưng cũng chẳng phải mê tín dị đoan. Lấy triết/ thần học để đem ra phê phán này nọ là chẳng hiểu biết gì về Đạo Chúa. Tại sao ? Bởi vì chủ trương rốt ráo của Đạo Chúa là tạo lập nhân lành tối thượng để hưởng quả lành tối thượng chứ không phải là để chứng minh Thiên Chúa thế này thế khác. Đức Ki Tô xuống thế rao giảng Tin Mừng Nước Trời và đòi buộc = Ai nấy phải nỗ lực mà vào thì cái sự “ Vào” ấy là vào ( Ngộ Nhập ) với Bản Tánh Vô Phân Biệt ở nơi chính mình. Quay về ( Vào ) với Bản Tánh Vô Phân Biệt và sống với Bản Tánh đó là nguyên lý cứu cánh của Đạo đồng thời đó cũng là mục đích tạo lập nhân lành cao cả nhất. Chính bởi cứu cánh của Đạo là sống với Tâm Vô Phân biệt thế nên Đức Ki Tô mới truyền dạy chúng ta cần thực hiện đạo lý ấy trong việc làm cũng như cầu nguyện “ Khi các ngươi bố thí thì đừng cho tay tả biết việc tay hữu làm….Khi các ngươi cầu nguyện hãy vào phòng kín đóng cửa lại rồi cầu nguyện Cha ngươi là Đấng ở nơi ẩn mật và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi” ( Mt 6, 2 -6) v.v…

Nhân nào quả đó, hành động với Tâm Vô Phân Biệt là nhân lành tối thượng tất sẽ được hưởng quả lành tối thượng là nước Thiên Đàng đời đời. Nước Thiên Đàng cũng là Sự Sống Đời Đời là Chốn Nghỉ Ngơi là cõi Lạc Viên mà Thánh Phao Lô đang khi còn sống với thân xác đã được đưa lên “ Tôi biết thể nào người đó hoặc trong thân xác hoặc ngoài thân xác tôi cũng chẳng biết. Có ĐCT biết đã được cất lên đến Lạc Viên, nghe những lời không thể nói mà người nào cũng không được phép nói ra” ( 2C 12, 3 -4).

Thiên Đàng rõ ràng là một nơi chốn chứ không phải chỉ là …tình trạng lúc có lúc không hoặc tệ hơn lại còn phủ nhận nó thì làm sao con người có thể tin được lời hứa của Đức Ki Tô với các tông đồ trước khi Ngài đi nộp mình chịu chết “ Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi Ta đi mà sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi thì Ta sẽ trở lại tiếp các ngươi về với Ta, hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó” ( Ga 14, 2 -3).

Chúa nói Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ thì một chỗ đó chính là Nước Thiên Đàng vĩnh cửu đời đời. Có lòng tin vững chắc vào Thiên Đàng thì mới thiết tha ước nguyện về đó. Ngược lại không tin thì không xin mà đã không xin thì không cách chi có thể về nơi chốn đó được. Trong thời Tục Hóa cao độ này lòng tin vào sự hiện hữu của Nước Thiên Đàng hầu như đã mất và cũng chính bởi thế mà con người tuy phải sống trong một thế giới chứa đầy đảo điên, điên đảo nào là chiến tranh khủng bố khốc liệt nào là dịch bệnh tràn lan không thuốc chữa, thiên tai đói kém triền miên nhưng không hề có nơi bám víu nương tựa bởi lẽ thời này là thời đức tin chân chính hầu như đã hoàn toàn biến mất.

Chúa Giesu nói với những kẻ không có lòng tin “ Các con không tin ở cuộc sống vĩnh cửu ư ? Vậy các con hãy nói cho Cha xem các con đã sống hoàn toàn hạnh phúc nơi trần thế rồi ư ? Các con chẳng cảm thấy cần một cái gì mà các con không thể tìm gặp nơi cõi tạm này à ? ( Josefa Menandez ( 1890 – 1923 ) Thông Điệp của Trái Tim Chúa Giesu gửi cho thế giới )./.

Phùng Văn Hóa

0 nhận xét:

Đăng nhận xét