Chuyến công du của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Châu Á kết thúc vào hôm nay. Do đó, báo giới Pháp dành nhiều trang bình luận về sự kiện này. Nhật báo Công giáo La Croix nhận định trên trang nhất : « Tại Châu Á, Đức Giáo Hoàng là vị chủ chăn và là nhà ngoại giao » kèm với ảnh Đức Giáo Hoàng với nụ cười rạng rỡ giữa một biển người, đa phần là thanh niên tranh nhau để được chạm vào Ngài và chụp ảnh với Ngài.
Theo La Croix, chuyến công du của Đức Giáo Hoàng khá thành công. Ngài được giới trẻ Châu Á yêu mến. Tuy nhiên, chướng ngại vật lớn đối với Đức Giáo Hoàng là sự im lặng của Bắc Triều Tiên. Đó là nội dung bài viết trên tờ Le Figaro đề tựa : « Đức Giáo Hoàng Phanxicô vấp phải bức tường Bắc Triều Tiên ».
Le Figaro nhắc lại, cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II từng làm rung chuyển bức tường Berlin và ngày nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mơ ước bứng rễ những tàn tích của chiến tranh lạnh. Hôm nay, Ngài dâng lễ cầu nguyện cho « hòa bình và hòa giải hai miền Triều Tiên ». Đây là bước cuối cùng đầy tham vọng trong chuyến công du đầu tiên tại Châu Á của Ngài, trong khi hai miền Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh từ năm 1950 và tiếp tục thóa mạ lẫn nhau, thậm chí còn đấu pháo với nhau như hồi năm 2010, mặc dù xung khắc Đông-Tây đã kết thúc.
Trong lần công du này, Đức Giáo Hoàng từng bước khơi lại ngọn lửa thống nhất đất nước cứ chập chờn qua bao thế hệ. Ngài nói : « Chúng ta không được nản lòng và phải theo đuổi mục đích này. Nó không chỉ tốt cho bán đảo Triều Tiên mà cho cả thế giới ». Đồng thời, Ngài không quên nhắc nhở giới trẻ Hàn Quốc tề tựu tại Daejon rằng, họ thuộc cùng một gia đình với những « huynh đệ Bắc Triều Tiên ». Hôm qua, Đức Giáo Hoàng cũng kêu gọi đối thoại với các quốc gia Châu Á hiện chưa được Tòa thánh công nhận.
Tuy nhiên, theo Le Figaro, việc thúc đẩy hòa bình của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vấp phải bức tường thinh lặng của chế độ khép kín nhất hành tinh. Bình Nhưỡng đã cấm tín đồ Thiên Chúa Giáo Bắc Triều Tiên sang Hàn Quốc dự lễ của Đức Giáo Hoàng với cái cớ là Mỹ-Hàn đang tập trận và xem đây là một mưu toan « xâm lược của chủ nghĩa đế quốc ». Bình Nhưỡng cũng thẳng thừng từ chối lời mời của Hàn Quốc về việc cho phép khoảng chục nhà chức trách Công giáo Bắc Triều Tiên sang Hàn Quốc dự lễ.
Vài phút trước khi Đức Giáo Hoàng đáp máy bay xuống Séoul, Bình Nhưỡng còn bắn rốc kết ra biển, như thể hiện sự ngờ vực. Chế độ độc tài Bắc Triều Tiên tự bào chữa và thậm chí còn đả kích Đức Giáo Hoàng đã lựa ngày đáp máy bay trùng với ngày Bình Nhưỡng thử nghiệm pháo. Theo kênh truyền thông chính thức Bắc Triều Tiên KCNA : « Đây không phải là lỗi của Giáo Hoàng mà là lỗi của những thế lực bù nhìn Hàn Quốc đã kéo Ngài vào xung đột này ».
Trong tư thế phòng bị, chế độ Cộng sản này hẳng còn nhớ như in cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã góp phần như thế nào vào việc làm sụp đổ hệ thống Xô Viết. Tuy nhiên, thách thức với Đức Giáo Hoàng Phanxicô vô cùng to lớn, trước một chế độ truy bức tận cùng các tôn giáo và khép kín đất nước. Người Bắc Triều Tiên không được liên lạc, trao đổi thư từ với gia đình ở Hàn Quốc, trái ngược với người Đông Đức dưới thời bức tường Berlin. Hơn nữa, lịch sử Thiên Chúa Giáo tại Bắc Triều Tiên cũng không lâu đời bằng cả ngàn năm như người Chính thống giáo dưới thời Liên Xô cũ. Hôm qua, Đức Giáo Hoàng đã kêu gọi Giáo Hội Châu Á phải « sáng tạo ». Cần phải hành động nhiều hơn nữa mới lay chuyển được Bắc Triều Tiên.
Giáo Hoàng Phanxicô chìa tay với Trung Quốc và các láng giềng
La Croix nhận định về chiến lược ngoại giao của Đức Giáo Hoàng Phanxicô qua bài viết : « Đức Giáo Hoàng chìa tay với Trung Quốc và các láng giềng ». Ngài mong muốn các quốc gia vẫn chưa có quan hệ chính thức với Vatican đừng ngần ngại đối thoại với Ngài trên tinh thần đôi bên cùng có lợi.
Theo La Croix, thực sự Ngài không chỉ đích danh quốc gia nào nhưng ai cũng hiểu, Ngài muốn ám chỉ Trung Quốc và đặc biệt là Việt Nam. Quả thật, Thiên Chúa Giáo chỉ chiếm thiểu số ở cả hai quốc gia này, nơi mà số tín hữu Thiên Chúa Giáo không ngừng gia tăng nhưng họ lại bị gạt ra ngoài lề xã hội và trong một số trường hợp còn bị đàn áp. Trong chuyến công du này, Đức Giáo Hoàng không ngừng nêu lên ví dụ của các vị tử đạo.
Hành động trên của Đức Giáo Hoàng được giới trẻ đón nhận nhân sự kiện Đại hội Thanh niên Công giáo Á Châu. Một số thanh niên Trung Quốc lẽ ra đã được tham dự Đại hội nhưng do chính quyền Bắc Kinh đã kịch liệt can ngăn trước khi họ lên máy bay sang Hàn Quốc. Bắc Kinh hứa sẽ hoàn tiền vé máy bay cho các thanh niên này. Tuy nhiên, phát ngôn viên Vatican cũng xác định các quốc gia chưa có quan hệ với Tòa Thánh mà Đức Giáo Hoàng cũng muốn kêu gọi là Bắc Triều Tiên, Miến Điện, Lào và Bhutan.
Với phong cách riêng của mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mở ra một con đường mới. Đó không phải là đối thoại « chính trị » mà là đối thoại « huynh đệ ». Ngài khuyến khích các nước này không nên sợ người Thiên Chúa Giáo. Họ đến không với tư cách là « kẻ xâm lăng », họ không đến để « lấy mất bản sắc của các nước này », mà họ « mang bản sắc của họ đến và muốn cùng đồng hành với nhau ». Cha Federico Lombardi, phát ngôn viên Vatican bổ sung : « Chính quyền các nước này không nên sợ Tòa Thánh và xem đó như một sức mạnh đến áp đặt quyền lực bên ngoài lên lãnh thổ của họ nhưng đó là một uy quyền tôn giáo ».
Quan hệ Nga-Ukraina vẫn nóng bỏng
Nhật báo Les Echos quan tâm đến khủng hoảng tại Ukraina và cuộc thương thuyết bốn bên giữa Kiev-Mátxcơva-Berlin và Paris qua bài viết : « Nga và Ukraina liên tục nảy sinh sự cố và cáo buộc lẫn nhau ». Theo tờ báo, cuộc đọ sức giữa Ukraina và Nga vẫn tiếp diễn vào hôm qua, trong khi 4 Ngoại trưởng Châu Âu họp tại Berlin để bàn về lệnh hưu chiến cho cuộc xung đột tại miền đông Ukraina đã làm thiệt mạng 2000 người trong vòng 4 tháng.
Cuộc họp cũng nhằm tìm cách cho phép đoàn xe cứu trợ nhân đạo của Nga vào những thành phố đông Ukraina, nơi mà người dân không có điện, nước và nhu yếu phẩm để sống. Đại diện Hồng Thập Tự cũng được triển khai đến gần nơi đỗ đoàn xe cứu trợ Nga. Theo Kiev và phương Tây, đoàn xe này ngoài việc cứu trợ có thể chứa vũ khí để cung cấp cho phe ly khai thân Nga. Phóng viên tại chỗ cũng nhận thấy điều lạ lùng là nhiều chiếc xe tải trống rỗng. Tài xế giải thích do được lệnh điều đi gấp. Hôm qua, Kiev cho biết một chiếc máy bay Mig29 của Ukraina bị quân ly khai bắn hạ bằng một vũ khí có thể do Mátxcơva cung cấp. Đặc biệt, Kiev lên án Nga cấp ba giàn phóng tên lửa Grad cho phe ly khai.
Thứ sáu vừa rồi, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin chấm dứt mọi hành động viện trợ vũ khí cho phe ly khai. Hôm thứ 5 vừa qua, khi đang thăm bán đảo Crimée, Tổng thống Nga tuyên bố ủng hộ chấm dứt xung đột tại đông Ukraina. Đây là một tuyên bố không mấy bình thường nên đã không được truyền hình Nga tường thuật lại, bởi vì, hành động của ông Putin có thể gây bất hòa trong nội bộ điện Kremlin về chính sách của Nga trên hồ sơ Ukraina.
Irak : Thảm kịch của người tỵ nạn
Nhật báo L’Humanité quan tâm đến số phận của 200 000 người tỵ nạn Irak. Họ buộc phải di tản do các cuộc giao tranh. Trang nhất nhật báo chạy tựa : « Irak, cuộc di tản không có hồi kết của những người sốt sót », kèm bức ảnh một bà lão đang ăn chiếc bánh quy cho qua bữa, ánh mắt hoảng hốt, gương mặt buồn bã không có chút niềm tin. Có lẽ bà là một người tỵ nạn Thiên Chúa Giáo Irak.
Thông tín viên báo L’Humanité đến một trong những trại tỵ nạn ở miền Nam Kurdistan Irak. Đó là một nhà dòng, nơi lánh nạn của nhiều gia đình Thiên Chúa Giáo đã bỏ Qaraqosh ra đi, một trong những thành phố mới rơi vào tay lực lượng djihad thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Những người này đã đi bộ hàng trăm cây số không nghỉ để đến được nhà dòng này. Những bước chân kiệt sức cho thấy « một chuỗi bi kịch » của người di tản theo lời mô tả của phóng viên báo L’Humanité. Một số phụ nữ mang thai đã bị sẩy thai trên đường tỵ nạn.
Tại những thành phố tiếp nhận làn sóng tỵ nạn này, một số người còn lợi dụng để kinh doanh. Họ cho thuê một ngôi nhà với giá cắt cổ 6000 đô la trong vòng 3 tháng. Chỗ ở vô cùng đắt đỏ trên đường lánh nạn, nệm cũng khan hiếm trên thị trường. Ảnh minh họa của nhật báo cho thấy, những tấm nệm mỏng tanh, không tiện nghi cho lắm lại trở thành một thứ cực kỳ xa xỉ đối với những người cơ nhỡ này. Người di tản hài lòng khi thoát nạn nhưng dọc đường, tiền bạc cũng cạn dần và họ nhận thấy một tương lai mờ đục trước mắt.
Ăn mặn làm 1,6 triệu người chết hàng năm ?
Trong lĩnh vực khoa học, nhật báo Le Figaro cảnh báo, ăn mặn có thể gây tử vong cho 1,6 triệu người hàng năm. Ăn nhiều muối sẽ làm tăng huyết áp. Tuy nhiên, những rủi ro thực tế khó mà đo lường hết bởi vì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
Theo tờ báo, từ lâu, muối vẫn thường bị cáo buộc là thủ phạm giết người trên bàn ăn của chúng ta. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo hàng ngày chỉ nên dùng 5 gam muốn ăn. Ngoài ra, phô mát, bánh mì, thịt nguội, thức ăn nhanh và các món ăn công nghiệp cũng chứa đầy muối.
Qua các kết quả nghiên cứu, các chuyên gia kết luận : giảm ăn muối sẽ giúp 1,65 triệu người tránh bị tử vong do bệnh tim mạch, trong đó hơn 40% dưới 70 tuổi. Tuy nhiên, hậu quả của việc ăn muối nhiều đối với huyết áp và đối với sự tử vong không giống nhau vì nó còn tùy thuộc vào giới tính, tuổi tác, màu da (Người da đen thường nhạy cảm hơn do nguyên nhân hóc môn).
Một yếu tố khác cũng được các chuyên gia nêu ra là lượng tiêu thụ chất kali hằng ngày. Mặc dù ăn nhiều muối, một người ăn nhiều rau quả, chứa nhiều chất kali thì huyết áp sẽ ít bị tổn hại hơn một người không ăn tí hoa quả nào.
Việc ăn muối nhiều hay ít cũng gây tranh cãi. Một số nhà nghiên cứu cũng nhận thấy, những người ăn muối cực kỳ ít thì rủi ro về tim mạch cũng tăng. Tuy nhiên, ăn muối nhanh chóng trở thành thói quen. Do đó, đối với trẻ em, không nên tập cho trẻ ăn muối quá sớm, thậm chí khi trẻ trên 3 tuổi, thận đã hoàn chỉnh.
Lê Vy RFI
0 nhận xét:
Đăng nhận xét