Tin có Đấng Tạo Hóa là một niềm tin mang tính phổ quát cho cả người có tôn giáo cũng như không tôn giáo. Tuy nhiên xét trên phương diện triết/ thần học, niềm tin ấy không thể đứng vững khi phải đối mặt với Thuyết Tiến Hóa của Darwin ( 1809 – 1882 ). Theo thuyết này thì muôn loài vạn vật là do tiến hóa chứ chẳng có đấng nào tạo nên cả. Luận điểm quan trọng nhất mà những người theo Thuyết Tiến Hóa phản bác niềm tin Đấng Tạo Hóa là vì nó…phản khoa học. Đối với người theo Kito giáo ( Công giáo, Tin Lành, Anh giáo, Chính Thống giáo v.v…thì toàn bộ kinh Thánh là do Thiên Chúa mạc khải, bởi đó tất cả những gì được ghi chép trong đó đều là chân lý và chân lý ấy dạy rằng có một đấng dựng nên trời đất muôn vật gọi là Tạo Hóa hay cũng còn gọi là Thiên Chúa là Thượng Đế v.v…
Dù việc tạo dựng ấy được giải nghĩa cách nào thì nó cũng không đúng với khoa học. Theo Kinh Thánh ( Sách Sáng Thế ) thì vũ trụ được tạo nên trong sáu ngày và ngày thứ sáu là ngày tạo nên hai con người đầu tiên là Adam và Eva. Đang khi đó khoa học bằng phương pháp đồng vị phóng xạ cho biết vũ trụ này đã được hình thành cách nay mười lăm tỷ năm sau vụ nổ lớn ( big bang ). Còn trái đất cũng đã có cách đây khoảng năm tỷ năm. Trong quá trình hình thành ấy, con người nói riêng và sự sống ( thực vật, động vật ) nói chung không thể có mặt ngay từ ban đầu. Chính bởi đó thuyết về nguyên tổ tức hai…con người gọi là Adam, Eva là hoàn toàn phi lý. Việc tạo nên con người đầu tiên có tính hoàn chỉnh như Adam, Eva một khi đã phi lý thì đương nhiên sẽ kéo theo nó sự sụp đổ về quan niệm Đấng Tạo Hóa cũng như công cuộc cứu độ của Đức Kito “ Giám mục John Shelby Spong trong cuốn Why Christianity Must Change or Die đã viết = Thuyết Tiến Hóa làm cho Adam và Eva trở nên may nhất là những nhân vật theo truyền thuyết. Thuyết Tiến Hóa không dễ gì cho tổ chức tôn giáo chấp nhận và ngày nay vẫn còn những tiếng nói cất lên từ những miền hẻo lánh của thế giới để chống đối thuyết này. Những tiếng nói này sẽ không bao giờ thành công. Nhân loại rõ ràng là tiến hóa theo theo một quá trình trải dài từ 4 tỷ rưỡi năm đến 5 tỷ năm. Không làm gì có hai cha mẹ đầu tiên Adam, Eva và do đó các hành động bất tuân lúc đầu của hai bậc cha mẹ đầu tiên không thể nào có ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại. Do đó cái huyền thoại về tội tổ tông đã bị một đòn khai tử và cái câu chuyện vững chắc về sự cứu rỗi do những người bảo vệ Kito giáo dựng nên qua nhiều thời đại đã bắt đầu chao đảo” ( Nguồn Trần Chung Ngọc – Sachhiem.net ngày 11/2/2009).
Ở đây ta thấy có sự liên hệ mật thiết giữa quan niệm Đấng Tạo Hóa và sự cứu rỗi. Nếu quả thực có Đấng Tạo Hóa thì không thể có Adam Eva hiểu như hai con người đầu tiên ( nguyên tổ ). Mà đã không có nguyên tổ thì đương nhiên cũng chẳng làm gì có cái gọi là tội nguyên tổ. Đang khi đó tội nguyên tổ lại là tiền đề của ơn cứu rỗi “Vì như bởi sự không vâng lời của một người mà mọi người đều trở nên tội nhân thế nào thì bởi sự không vâng lời của một người mà mọi người đều đã trở nên công chính cũng thể ấy” ( Rm 5, 19 ). Người không vâng phục ám chỉ cho Adam, còn người vâng phục là Đức Kito. Bởi không vâng phục nên nguyên tổ mới bị đuổi khỏi Vườn Địa Đàng. Thế nhưng cũng chính vì sự không vâng phục đó mà Đức Kito xuống thế làm người để cứu nhân loại. Còn nếu giả thử như nguyên tổ biết vâng phục thì tất nhiên vẫn ở lại mãi nơi Địa Đàng và như thế Đức Kito đâu cần xuống thế làm gì ?
Tội nguyên tổ là tiền đề ơn cứu chuộc, đây là điểm mấu chốt trong việc giải nghĩa Kinh Thánh nói chung và Sách Sáng Thế nói riêng. Ngược lại bao lâu chưa giải được điểm mấu chốt ấy thì thần học vẫn cứ còn lúng túng mãi trong việc chống lại Thuyết Tiến Hóa mệnh danh như một thứ khoa học.
I/- Thần học với việc phản bác Thuyết Tiến Hóa.
Kể từ khi học thuyết Tiến Hóa Darwin ra đời, nó đã là một đòn đánh có tính quyết định làm sụp đổ niềm tin Đấng Tạo Hóa. Mặt khác cũng phải nhìn nhận một thực tế đó là học thuyết này đã được sử dụng để làm cơ sở cho việc giảng dạy cũng như truyền bá thuyết duy vật vô thần. Trước cái nguy cơ bị lấn lướt như thế dĩ nhiên thần học không thể không phản ứng và một trong các phản ứng đó là lấy dẫn chứng từ những nhà khoa học “ Von Braun khoa học gia về hỏa tiễn, cha đẻ của hỏa tiễn V2 kỹ sư không gian, kiến trúc sư không gian lừng danh thế giới, người mà trí não lúc nào cũng đầy những phương trình và các con số đã nói = khoa học và tôn giáo không phải đối nghịch nhau. Ngược lại chúng là chị em với nhau. Trong khi khoa học cố học hỏi nhiều hơn về Sự Sáng Tạo ( creation) tôn giáo cố gắng hiểu nhiều hơn về Đấng Sáng Thế. Trong khi khoa học gia cố gắng thắng bớt những lực của thiên nhiên chung quanh ông ta thì qua tôn giáo ông ta lại cố gắng thắng bớt lực thiên nhiên trong chính ông ta. Ông còn khẳng định một cách rõ ràng những kinh nghiệm với khoa học của tôi đã dẫn tôi tới Chúa. Chúng thách đố khoa học chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nhưng liệu chúng ta có phải thực sự đốt lên một ngọn nến để ngắm nhìn mặt trời không ? Ý tưởng này của Von Braun cũng tương tự như ý tưởng của Pascal, nhà thiên tài toán học, triết gia, nhà vật lý, người phát minh ra chiếc máy tính đầu tiên của nhân loại vào thế kỷ 17 đã nói = Khoa học nông cạn làm cho người ta xa Thiên Chúa, khoa học cao siêu làm cho người ta gần Thiên Chúa” ( Nguồn LTCGVN – Thuyết Sáng Tạo và Thuyết Tiến Hóa – Ngày 20/2/2013 ).
Khoa học dù có…cao siêu đến đâu thì nó cũng không thể khiến người ta…gần được Thiên Chúa. Nói cách khác giả như khoa học có …gần được Thiên Chúa thì TC ấy cũng chỉ là Thiên Chúa của khoa học, có nghĩa của một quan niệm “ Trong thế kỷ 21 cùng lúc với các khám phá, phát minh có thể nói là “ phép lạ” của các nhà khoa học thuộc nhiều ngành khác nhau như Sinh Vật Học, Vật Lý, Toán Học, Khoa Học Hữu Cơ, Khoa Học Thực Nghiệm, Y Khoa …người ta càng thấy rõ có một sự thiết kế cực kỳ thông minh trong tất cả mọi vấn đề. Các nhà khoa học đã không thể chấp nhận Thuyết Tiến Hóa là chủ trương mọi sinh vật, mọi loài trong vũ trụ đều xuất phát từ một tế bào đơn độc một cách ngẫu nhiên. Người ta hoàn toàn bác bỏ lý thuyết cho rằng một đơn bào có thể tự biên tự diễn biến thành một khoa học gia, triết gia các kỹ sư bác sĩ giáo sư kiến trúc sư với những công trình khổng lồ phức tạp hàng tỷ tỷ lần sự chuyển động của một chiếc đồng hồ tối tân. Tiến sĩ Jonathan Sarfari chế nhạo = làm sao mà một tế bào đơn giản mà ngẫu nhiên lại trở thành một tiến sĩ được ? ( Nguồn LTCGVN đã dẫn ).
Quả thật trong thiên nhiên kể cả giới vô cơ lẫn hữu cơ, không có bất cứ cái gì là ngẫu nhiên hoặc tình cờ, tất cả đều tồn tại do nơi định luật bất biến gọi là duyên sinh = do cái này có mặt cái kia có mặt. Do cái này không có mặt cái kia không có mặt. Do cái này sanh cái kia sanh, do cái này diệt cái kia diệt. Điều khiến học thuyết Darwin mệnh danh khoa học mà chẳng có chút chi khoa học ấy là vì nó chấp nhận sự ngãu nhiên trong tiến hóa. Trong thiên nhiên vũ trụ không thể có bất cứ một sự ngẫu nhiên nào, tất cả đều bị chi phối bởi luật duyên sinh mà Isaac Newton gọi là vạn vật hấp dẫn đó. Dẫu vậy không phải vì thiên nhiên bị chi phối bởi định luật như thế mà có thể nói cần có đấng làm ra luật như quan niệm của Thần học “ Điều quan trọng cuối cùng là ngay trong quan niệm về Tiến Hóa và luật chọn lọc tự nhiên để sinh tồn đã khẳng định rằng có Thượng Đế, có Thiên Chúa. Khi nói rằng muôn loài đều tiến hóa, có nghĩa là con cá ở Bắc Cực, con chim cánh cụt ở Nam cực, con chuột ở châu Á hay con đại bàng ở Mỹ Châu cũng đều phải theo cái quy trình ấy. vậy thì khi đã có một quy trình chung cho muôn loài thì tất nhiên phải hiểu là có một “ luật” ràng buộc muôn loài ở trên khắp mặt địa cầu phải tiến hóa cùng một cường độ, tốc độ và cùng một tần số và nếu đã là luật thì phải có một sức mạnh ) power) một đối tượng ( object ) tạo ra cái luật và cai quản cái luật ấy. Sức mạnh hay đối tượng ấy là Ai ? Dĩ nhiên để có thể điều khiển muôn loài theo quy trình tiến hóa, sức mạnh ấy phải ở trên cao và bao trùm muôn vật và phải là Toàn năng ( Omnipotence) và Toàn Trí ( omniscience) thì mới có thể điều khiển muôn loài tiến hóa chung với nhau không để chỉ mình con khỉ tiến lên nhưng lại để con voi đi lùi v.v.. ( Nguồn LTCGVN đã dẫn ).
Vì không chấp nhận chủ trương của Thuyết Tiến Hóa cho rằng mọi sinh vật mọi loài trong vũ trụ đều xuất phát từ tế bào đơn độc cách ngẫu nhiên. Bởi đó thần học đã đưa ra quan niệm nhất định là phải có một sức mạnh và sức mạnh đó chính là Đấng Tạo Hóa Toàn năng Toàn Trí để điều khiển muôn loài tiến hóa chung với nhau. Chấp nhận tiến hóa cùng với quan niệm Đấng Tạo Hóa như là sức mạnh siêu đẳng vượt trên và điều khiển cuộc tiến hóa, rút cục thần học chỉ có được cái gọi là Bóng Dáng của Thiên Chúa chứ không phải Thiên Chúa.” Để tìm hiểu về Thuyết Sáng Tạo, những người thực tâm muốn biết nguyên lý của các sinh hoạt vũ trụ, chỉ cần cầm lấy một chiếc lá nhỏ bé trong tay với một tâm hồn cầu tiến thật trong sáng vô vụ lợi, không dục vọng, không ham danh ham lợi mà suy nghĩ về sự hình thành của chiếc lá từ khi còn là một nụ non rồi lắng nghe nhịp chảy của dòng nhựa trong chiếc lá, suy nghĩ về sự phân phối khí oxy đến từng tế bào trong lá thì sẽ thấy ngay Bóng Dáng của một Đấng Toàn Năng Đấng đã sáng tạo ra chiếc lá nhỏ bé đó cũng như cả vũ trụ mênh mông này” ( Nguồn LTCGVN đã dẫn ).
Chẳng phải ai cũng có được những…nghĩ suy đầy tính bác học như vậy, nhưng nếu có thì cái được cũng chỉ là …Bóng Dáng của Đấng Toàn năng chứ chẳng phải là chính Đấng Toàn năng. Tôn giáo không phải triết học, cái mà triết học đưa ra chỉ có thể là những quan niệm này nọ, nó hoàn toàn chẳng có liên hệ gì tới cuộc sống hạnh phúc hay khổ đau của con người. Đức Kito xuống thế mục đích là để đem lại sự thật và chính sự thật ấy sẽ giải thoát cho con người khỏi mọi khổ đau “ Sự thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 32 ). Sự thật Đức Kito nói đây chính là phẩm giá Con Thiên Chúa ở nơi mỗi người. nhận biết mình là Con Thiên Chúa, được sinh ra bởi Thiên Chúa thì sẽ thoát khỏi gánh nặng tội lỗi để trở về với địa vị con cái Thiên Chúa và là anh em cùng cha với Chúa Giesu.
Hết thảy đều được sinh ra là Con Thiên Chúa là Hình Ảnh của Ngài ( St 1, 26) Thế nhưng do bởi muội mê nên ngoài Đức Kito là Đấng mạc khải Cha còn phàm nhân chúng ta không một ai hay ai biết “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và người nào Con muốn bày tỏ thì cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22). Về cái sự “ Biết” mà Chúa nói đây là cái biết về thực tại, nó hoàn toàn không giống như tri thức của loài người. Nhận biết mình thực là con, bởi Thiên Chúa mà sinh đó là cái biết của thực tại vô phân biệt đồng thời cũng là cái biết muôn sự muôn vật đều bởi Tâm sinh. Thần học sở dĩ cứ mãi lúng túng không thể đáp trả được với sự phê phán của Thuyết Tiến Hóa chính là bởi trong bấy lâu nay vẫn cứ loay hoay giải nghĩa cuộc sáng tạo theo nghĩa mặt chữ ( sens litteral ) tức có một Đấng Thần Linh Tạo Hóa tạo dựng thế giới vật chất hữu hình. Đang khi đó cuộc sáng tạo cần hiểu theo nghĩa biểu tượng tức tất cả đều bởi Tâm sinh.
II/- Bởi Tâm sinh
Ngay từ khi Thuyết Tiến Hóa ra đời, nó đã bị thần học chống đối gay gắt “ Hồng y Manning lên tiếng tuyên bố = căm thù quan điểm mới về thiên nhiên và mô tả quan điểm này là một triết lý thô bạo nghĩa là không làm gì có Thiên Chúa và con khỉ là Adam của chúng ta” ( Nguồn T.C. Ngọc đã dẫn )Thuyết tiến Hóa sở dĩ bị cho là thô bạo vì nó phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Một khi Thiên Chúa đã không có thì cố nhiên loài người chỉ có thể được sinh ra bởi …khỉ ? Đây là điều không thể chấp nhận được với những ai có tâm trí bình thường. Thế nhưng với Darwin và những người chấp nhận thuyết này thì đó lại là điều đương nhiên bởi lẽ họ đã chối bỏ nguồn gốc thần tính của chính mình.
Vấn đề quan trọng bậc nhất của triết học mọi thời vẫn là tìm cho biết về nguồn gốc phát sinh của con người, nó sinh bởi đâu, sống trên đời này để làm gì và rồi chết sẽ đi đâu. Nguồn gốc đó cũng chính là bản tính, tìm biết nguồn gốc tức là tìm để cho biết về bản tính con người. Thần học chịu ảnh hưởng nặng nề của cả hai thứ triết, một là Duy Lý và hai là Hiện Sinh. Triết Duy Lý lấy câu định nghĩa của Aristote làm nền tảng “ Người là con vật biết suy lý” ( l’homme est un animal raisonnnable ). Còn triết Hiện Sinh thì J.P. Sartre lại hoàn toàn phủ nhận con người không có bản tính hay nói cách khác bản tính là cái chưa định, nó chỉ đến sau cuộc hiện sinh. Do ảnh hưởng của duy lý thế nên Thiên Chúa của thần học chẳng qua chỉ là một thứ quan niệm không hơn không kém. Trái lại với hiện sinh thì Thiên Chúa bị khai tử vì chưng triết này không bao giờ chấp nhận quan niệm bởi cho nó đã làm vong thân con người. Dẫu vậy với việc bác bỏ bản tính ( khai tử TC ) mà đã khiến cho nhân loại rơi vào cuộc khủng hoảng toàn diện chưa từng có như hiện nay đang thấy. Bởi nguyên nhân nào mà đã khiến cho thần học cứ hết chạy theo Duy Lý rồi lại Hiện Sinh như thế ? Xin thưa tất cả như đã nói chỉ vì đã giải nghĩa cuộc sáng tạo theo nghĩa mặt chữ. Nếu cứ theo nghĩa này thì không thể có cái gọi là Tội Nguyên Tổ mà đã không có Tội Nguyên Tổ thì cũng chẳng hề có công cuộc cứu độ của Đức Kito v.v…
Với cách giải theo …nghĩa đen như thế thì Thiên Chúa là đấng thần linh siêu việt bên ngoài cuộc sáng tạo. Đang khi đó Sách Sáng Thế nói chung và tội nguyên tổ nói riêng cho thấy Thiên Chúa là Đấng Ẩn Giấu ( Deus Abconsditus ) cần phải hết lòng tìm mới gặp. Thiên Chúa là Đấng giấu ẩn chẳng ai từng thấy biết bao giờ ( Ga 1, 18 ) nhưng sự ẩn giáu ấy lại chẳng …giấu ở bất cứ nơi đâu ngoài bản tâm mỗi người. Thiên Chúa giấu ẩn ở nơi tâm hồn, đó là một bí nhiệm khôn dò, nhưng chính bởi bí nhiệm đó nên mới đòi hỏi chúng ta cần hết lòng tìm. Phải tìm mới gặp nhưng diệu kỳ thay Đấng cần tìm ấy lại không ở ngoài ta “ Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức là Đạo Đức Tin mà chúng tôi rao giảng đây. Vậy nếu miệng ngươi nhận Giesu là Chúa và lòng ngươi tin ĐCT đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu. Vì bởi lấy lòng tin mà được nên công chính và bởi miệng thừa nhận mà được cứu rỗi” ( Rm 10, 8 – 9).
Chữ “ Đạo” trong trích đoạn này là theo bản Việt dịch của Hội KT Guideon ( Phan Khôi dịch). Còn bản của Nhóm các giờ kinh phụng vụ thì dịch là Lời Thiên Chúa. Có sự khác biệt sâu xa giữa hai cách dịch này. Chữ “ Đạo” là theo nghĩa minh triết Đông Phương “ Đạo khả Đạo phi thường Đạo, Danh khả Danh phi thường Danh” ( Đạo mà có thể nói đó không phải Đạo thường, Danh mà có thể gọi tên thì đó không phải Danh thường – Lão Tử ĐĐK chương một ). Còn Lời Chúa ( Logos ) thật ra chỉ là một quan niệm của thần học Duy Lý. Đạo ở gần ngươi, ở trong lòng ám chỉ cho thực tại bất sinh bất diệt đồng thời cũng là Bản Tâm Vô Phân Biệt hiện hữu ở nơi mỗi người, bậc Thánh không tăng, người phàm không giảm. Để có thể hiểu lý do tại sao bản tâm vốn dĩ vô phân biệt lại đã thành ra phân biệt thì cần lý giải Tội Nguyên Tổ theo nghĩa biểu tượng.
Trong Vườn Địa Đàng có hai thứ cây, một là cây sự sống và hai là cây biết điều thiện điều ác. Nguyên tổ được phép ăn mọi thứ hoa quả trong vườn ngoại trừ cây biết phân biệt “ Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn nhưng về cây biết điều thiện điều ác thì chớ hề ăn đến vì một mai ngươi ăn chắc là phải chết” ( St 2, 16 -17). Vườn Địa Đàng là Tâm, cây sự sống là tâm vô phân biệt, còn cây biết điều thiện điều ác là tâm phân biệt. Nguyên tổ vì không vâng lời Thiên Chúa cố tình nghe theo sự cám dỗ của rắn Satan cứ…ăn cây phân biệt nên đã bị đuổi khỏi Địa Đàng đánh mất sự sống siêu nhiên. Lẽ ra nguyên tổ sẽ bị đuổi vĩnh viễn nhưng vì lòng nhân hậu vô biên Thiên Chúa đã có lời hứa ban Đấng Cứu Thế hầu cho con người có thể trở về. Ngài phán với rắn Satan “ Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ, dòng dõi mày cùng dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày, còn mày thì sẽ rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15 ).
Qua lời hứa chúng ta không thấy nói gì đến Chúa Cứu Thế, vậy tại sao lại nói là lời hứa ban Đấng ấy ? Lý do là bởi Chúa Cứu Thế chỉ có thể được sinh ra thông qua cuộc chiến vô cùng cam go giữa Người Nữ tức Đức Nữ Trinh Maria và rắn Satan, đứa lừa dối cả và thiên hạ ( Kh 12, 9 ). Đức Maria đã cưu mang và sinh hạ Chúa Cứu Thế bằng hai tiếng Xin Vâng ( Lc 1, 38). Chúa Cứu Thế được sinh ra qua tiếng Xin Vâng của Đức Mẹ để rồi chính Ngài cũng chỉ sống và chết với tiếng Xin vâng ấy. Bên bờ giếng Giacop, sau khi vào thành tìm kiếm thức ăn, các tông đồ mời Chúa thì Ngài đáp “ Đồ ăn của Ta tức là làm theo Thánh Ý Đấng đã sai Ta và làm trọn công việc của Ngài” ( Ga 4, 31 -34). Còn khi đang ở trong Vườn Cây Dầu trước giờ chịu nạn Chúa Giesu than thở “ Lạy Cha nếu có thể được xin cất chén đắng này cho con. Dầu vậy xin đừng theo ý con nhưng là theo Ý Cha” ( Mt 26, 39).
Đức Maria đã biết Xin Vâng mà Chúa Cứu Thế đã được sinh ra. Thế nhưng sự sinh ra ấy không phải chỉ để dành riêng cho Đức Mẹ nhưng là cho tất cả chúng ta những người tin nhận Chúa Giesu Đấng Cứu Độ. Những ai tin thật trong lòng sẽ được nên công chính nhưng lòng tin ấy cần phải thể hiện ra bên ngoài bằng việc yêu thương giúp đỡ người, chuyên cần cầu nguyện, làm phúc bố thí v.v… Tuy nói những việc bên ngoài nhưng nhất thiết nó cần phải xuất phát từ ở nơi Tâm và tâm này là tâm vô phân biệt. Yêu người thì cần yêu thương cả kẻ thù nghịch cùng mình ( Mt 5, 43 -44) Bố thí thì đừng cho tay tả biết việc tay hữu làm ( Mt 6, 3) Cầu nguyện thì phải quay vào nơi tâm mà cầu bởi Cha là Đấng ẩn mật và là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ” ( Mt 6, 6).
Tất cả mọi việc đều phải được làm với Tâm Vô Phân Biệt như thế mới có kết quả, điều ấy chứng tỏ gì nếu chẳng phải hết thảy đều do Tâm, tâm làm lành thì hưởng quả lành, tâm làm ác thì chịu quả ác, mọi việc đều do Tâm./.
Trà Cổ - Mùa Chay Thánh 2013
Phùng Văn Hóa
0 nhận xét:
Đăng nhận xét