Bạn của tôi ở Florida có lần trên xe buýt chật cứng, may mắn ngồi kế bên một cô gái tóc thoáng ngả mầu tuyết sương, quan sát một lúc khá lâu anh ngập ngừng hỏi:
-Xin phép cho tôi hỏi, có lẽ chị trước đây ở trong nhà dòng?
Cô gái ngạc nhiên:
Bạn tôi môi mỏng lá lúa, hơi sứt hút thuốc nhả khói hình trái tim, kém tế nhị, hỏi dồn:
-Hình như lúc này cô đã ra ngoài đời?
-Sao ông biết?
-Vì thấy vẻ mặt cô có vẻ khờ khạo.
Cô gái đỏ mặt tức giận, bặm bờ môi:
-Có ông khờ thì đúng hơn.
Anh bạn tôi vô tư nhả lời kiểu “Xuân tóc Đỏ”:
-Đúng quá đi thôi. Tôi cũng tu xuất, tệ hơn cô họ bảo tôi có khuôn mặt đần đần.
Viết đến chỗ này có lẽ ai đó đọc sẽ tức giận vì bị cho là ngu dốt, quả là tôi cũng khá đần độn na ná như thế. Trong sở tôi làm việc thấy cổ đeo tràng hạt, vài đồng nghiệp chỉ vào bảo tôi điên, tôi trả lời:
-Anh nói chưa đúng lắm, phải nói là tôi rất điên. Cái khác người điên thông thường ở chỗ tôi biết mình đang và rất khùng.
Mình đi đạo đã lâu, nghe giảng dậy nhiều từ thời ấu thơ thành ra dễ chấp nhận mọi điều Giáo Hội dậy, nhưng với người chưa có niềm tin hoặc lớp trẻ thời hiện sinh thực dụng đó là những điều nghịch lý của bộ não leng-keng, chập dây cao thế 500KV, không chấp nhận được: đã sinh con sao còn đồng trinh? Thượng Đế đầy quyền năng sao mặc “bikini” chết đứng thập hình (tấm ảnh lịch sử đúng thật phải lõa lồ tênh hênh)?... Con đường Giáo Hội đi còn lắm nhiêu khê, gập gềnh: phá thai, đồng tính, an tử, phôi sinh…Chả thế mà thế gian giận ghét, kẻ nào gia nhập phải túm lấy, cúp ngay sổ gạo, phiếu vải, thẻ Đại Học, quyền làm người….
Sau năm 75 trước đây, khi có dịp Giáo Lý cho các em, tôi thường hăm hở lúc đầu nhập đề nhẹ nhàng “đã thấy cái bàn tất phải có ông thợ mộc…” dần dần tăng tốc vác ngay luận lý “Nguyên Nhân và Hậu Quả” của Thánh Thomas d’Aquino để minh chúng sự hiện hữu của Thiên Chúa, khá (bị) khó hiểu: “Đã có thế giới, thì tất nhiên nó phải được hình thành vào một lúc nào đó; nó không thể từ không mà có được. Phải có một nguyên nhân đầu tiên nào đó hình thành nên mọi sự hoặc đã tạo cho mọi sự chuyển động”. Đôi khi quá hứng, tôi vượt cả Thánh Thomas rủ các em dí tay vào ổ điện để khẳng định có những thứ dù mắt ta không thấy nhưng vẫn phải tin (dĩ nhiên sau khi đã ra dấu cho một em khác âm thầm ngắt cầu dao, sợ có đứa “lãng tai không sợ súng” táy máy dí tay vào điện thật). Bây giờ nghĩ lại thời trai trẻ tôi thấy buồn cười, lý luận của Thánh Thomas, (đánh rơi mắt xích, từ vật thể hữu hình nhẩy một phát lên sự hiện hữu của Đấng Chí Tôn vượt mọi tầm tưởng tượng của con người) hoặc trò trẻ con dí điện có lẽ chỉ dành cho thiếu nhi mơ cổ tích, những người dễ tin, có tâm thiết tha tìm kiếm sự thật, đã có sẵn (hoặc sắp đón nhận) đức tin, thời trung cổ… chứ bây giờ gặp đám trẻ ngơ ngơ, vô thần thứ thiệt hay vô cảm truyền kiếp …minh chứng như vậy chỉ như tự mình đập đầu vách đá. Thiên Chúa vô hình chỉ có thể thông truyền minh chứng bằng thứ tiếng lạ, ngôn ngữ của từ chức rút lui vào bóng tối cầu nguyện, ngôn ngữ của im lặng, vô hình vô tướng, nghĩa là lặng lẽ âm thầm hiến thân phục vụ như Thầy Chí Thánh khi xưa. “Chúa Giêsu là Ngôi Lời, nhưng để thực hiện việc tông đồ theo ý Đức Chúa Cha, trong 33 năm, Ngài thinh lặng 30 năm và nhất là trong giờ tử nạn, Ngài đã thinh lặng” (Đường Hy Vọng, 523).
Tôi rất sung sướng khi đón nhận lời “Sứ Thần” loan báo: “Habemus Papam” (Chúng ta đã có Đức Giáo Hoàng), một Giáo Hoàng mới, một Giáo Hoàng với “đôi tai vểnh”. Ngày xưa tôi cứ tưởng thị giác mới là khả năng quan trọng nhất nơi con người, sau này khi luống tuổi tôi không nghĩ như thế. Khoa học đã minh chứng được rằng thính giác là cảm quan cuối cùng còn làm việc trước khi linh hồn lìa xác. Mắt thường bị ảo ảnh đánh lừa: nhìn bốc lửa kiêu kỳ dễ yêu, nhưng khi “kiệu” về mới biết độn toàn đồ nhựa mười phương tám hướng. Khi nhìn, thị giác cần độ quay, ánh sáng, khoảng cách… để cảm thụ, nhưng thính giác thì không. Nếu lắng nghe, đôi tai có thể nghe trong bóng đêm những âm thanh chuyên chở cảm xúc sâu lắng, tiếng guốc mẹ hiền gánh chợ về khuya, tiếng con tim thở dài, tiếng u uẩn tâm hồn quằn quại, tiếng thiên nhiên, tiếng tình yêu, tiếng cô đơn, tiếng đau khổ, tiếng khóc trẻ thơ, tiếng cầu cứu, tiếng sương đêm, tiếng lá vàng rơi rụng mùa thu, tiếng lương tâm cõi lòng, tiếng dòng sông kể chuyện, tiếng Thượng Đế thầm thì…..
Trong xã hội quay cuồng náo nhiệt vắng bóng niềm tin, tôi đã nhìn thấy anh Francis quỳ xuống rửa chân người bệnh tật, ngồi xuống với người nghèo khó, đã thấy anh rửa tội cho những bé không cha, thăm người tù tội, bênh vực kẻ thấp cổ bé miệng, từ bỏ đời sống vật chất xa hoa lễ hội, chen chúc trong những chuyến xe buýt nồng nặc mồ hôi…. để “nhập thể” cùng kiếp người…. Bằng vào đôi tai “vểnh” của người mục từ nhân hậu, anh đã nghe được tiếng của trái tim, lời mời gọi của Thượng Đế. Tôi nghĩ gọi Đức Giáo Hoàng bằng “anh”, chắc Ngài không nỡ trách, vì tôi thấy nơi Ngài một tâm hồn tràn đầy sinh lực và triển vọng có khả năng vực Giáo Hội hồi sinh.
Đi trong bóng đêm, người nhát sợ thường dậm mạnh chân, tay khua tiếng động để tự trấn an mình không hề sợ hãi. Tuổi trẻ thời nay khi nói chuyện thường phải thề thốt vì niềm tin vào con người đã không còn, phải văng tục thô lỗ để tự khẳng định mình vẫn hiện hữu, chưa đi vào lãng quên. Cũng vậy, chúng ta không lạ gì khi Giáo Hội hôm nay phải luôn có cái gì đó thật hoành tráng bên ngoài, âm thanh luôn chát chúa náo động, vũ điệu quay cuồng là bởi vì trong tâm đã vắng bóng hình Thượng Đế, nên phải tạo ra cái gì đó để lấp đầy khoảng trông trong tâm.
Thật ra, cái phong phú của đời sống tâm linh không nằm ở những ồn ào, nhịp đập dồn dập mà chính là ở những khiêm hạ, âm thầm phục vụ tha nhân.
Chỉ mới vài ngày đầu mà tôi đã thấy “nghiện” Đức Giáo Hoàng Francis. Những vất vả và đau khổ sẽ luôn rình rập Ngài ở các nẻo đường, dù trong phong ba bão táp, nguyện chúc Ngài luôn hồn an xác mạnh hướng dẫn con thuyền Giáo Hội, vươn cánh tay dài đến tha nhân.
Người Tôi Tớ Vô Dụng
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét