Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Giáo dân và Giáo Luật – Phần 3


Giáo dân và Giáo Luật – Phần 3
Nữ Vương Công Lý tiếp tục đăng tải phần cuối bài viết về các vấn đề thường xảy ra đối với Giáo dân về Giáo luật để bạn đọc tham khảo và sử dụng khi cần thiết.

Mọi vấn đề thắc mắc, ý kiến hoặc các câu hỏi cho những trường hợp vướng mắc về Giáo Luật, Bạn đọc có thể gửi về cho chúng tôi theo hộp thư nuvuongcongly@gmail.com.
Câu hỏi 12: Kitô hữu có bổn phận gì đối với những sản nghiệp của Giáo Hội?
Thưa: Kitô hữu có nghĩa vụ trợ cấp cho những nhu cầuchính đáng của Giáo Hội, để Giáo Hội có những phương tiện cần thiết trong việc thờ phượng, trong những hoạt động tông đồ, bác ái và trong việc nuôi sống các thừa tác viên (GL. 122).
Câu hỏi 13: Trong lãnh vực hoàn toàn trần thế, người tín hữu có bổn phận phải vâng lời các nhà lãnh đạo Giáo Hội không?
Thưa: “Giáo dân có quyền được công nhận là mình có tự do trong lãnh vực trần thế như mọi công dân; nhưng khi sử dụng quyền tự do này họ phải liệu sao để mọi hành động của họ được thấm nhuần tinh thần Phúc Âm và phải lưu tâm đến đạo lý do Huấn Quyền Giáo Hội đề ra. Nhưng phải cẩn thận đừng coi ý kiến riêng của mình là Giáo Huấn của Giáo Hội”. (GL.227).

Câu hi 14: Giáo dân có quyền tham gia vào việc quản trị trong Giáo Hội hay không?
Thưa : Có, trong một  số trường hợp, khi được mời, hay được chỉ định.
Trong rất nhiều trường hợp, những Giáo dân có trình độ, kiến thức, khôn ngoan và hạnh kiểm tốt, có thể cộng tác với các cấp lãnh đạo như chuyên viên, cố vấn hoặc thành viên của các Hội Đồng Giáo Phận hay Giáo xứ (GL. 228).
1) Trong Giáo phận
1a) Thứ nhất trong mỗi giáo phận. phải thiết lập một hội đồng kinh tế mà chủ tịch là Giám mục; Hội đồng này gồm ít nhất là 3 Kitô hữu giáo dân thực sự thành thạo trong lãnh vực kinh tế, dân sự và thanh liêm, do Giám Mục bổ nhiệm (xem GL.492#1).[1]
1b) “Sau khi tham khảo ý kiến với ban Tư vấn và Hội Đồng kinh tế Giáo Phận, Giám mục phải chọn một quản lý thanh liêm và thông thạo trong lãnh vực kinh tế, nhiệm kỳ là 5 năm (GL. 494). Quản lý này có thể là giáo dân.  “Giáo dân hay giáo sĩ , một khi tham gia vào việc quản trị tài sản của Giáo Hội dưới danh nghĩa hợp pháp, phải chu toàn nhiệm vụ nhân danh Giáo hội”(GL.1282)
1c) Mỗi Giáo Phận phải có Hội Đồng mục vụ: Hội đồng này dưới quyền Giám Mục, nghiên cứu và thẩm định những gì liên quan đến hoạt động mục vụ trong Giáo Phận (GL. 511). Hội Đồng Mục Vụ gồm các Giáo sĩ, Tu sĩ, nhất là Giáo dân. Các Kitô hữu được đề cử vào Hội Đồng Mục Vụ phải thực sự đại diện cho toàn thể dân Chúa trong Giáo phận, xét theo hoàn cảnh xã hội và nghề nghiệp và phần đóng góp chung trong hoạt động tông đồ (GL. 512).
1d) Giáo dân cũng có quyền được tham dự Công nghị Giáo phận: “Công nghị hội họp các đại biểu Linh mục và Kitô hữu của Giáo Hội địa phương, nhằm mục đích góp phần vào việc mưu ích chung của Giáo Phận” (GL.460). Thành viên trong công nghị chỉ là tư vấn, nhưng nhiều khi rất quan trọng trong công cuộc phát triển giáo phận (xem GL.460-468).
2e) Trong Giáo xứ:
Giáo xứ là một cộng đoàn Kitô hữu được thiết lập một cách bền vững trong Giáo Hội địa phương, mà trách nhiệm mục vụ được uỷ thác cho cha xứ (cha sở)  dưới quyền Giám Mục Giáo Phận (GL.515).
2a) Khi thiếu linh mục, Giám mục giáo phận có thể ủy quyền cho một giáo dân đạo đức khôn ngoan, hay một nhóm giáo dân hoặc tu sĩ tham gia công tác mục vụ; tuy nhiên trong trường hợp này, Giám mục phải trao cho một Linh mục có khả năng của một cha sở để điều hành trách nhiệm mục vụ của giáo xứ đó (GL.517#2)
2b) Mỗi giáo xứ phải có một Hội Đồng mục vụ do cha sở đứng đầu; trong hội đồng này, giáo dân tham gia vào trách nhiệm mục vụ của giáo xứ, chiếu theo chức vụ của họ. Hội đồng mục vụ chỉ có quyền tư vấn (GL.536).
2c) Mỗi giáo xứ phải có một hội đồng kinh tế. (GL.537)Trong Hội đồng này, giáo dân giúp cha sở trong việc quản trị tài sản của giáo xứ chiếu theo quy tắc của Giáo Luật điều 1281-1288. Nhân viên quản trị kinh tế có thể được thay thế bằng hai tư vấn (Can.1282).
2d) Trong giáo xứ, giáo dân có thể lãnh thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ một cách cố định (GL230 #1);
2e) Giáo dân cũng có thể được công nhận là thừa tác viên  “chủ tọa các buổi cầu nguyện theo phụng vụ, ban phép Rửa Tội, cho rước lễ  (GL.230 #3). Dĩ nhiên trong các công tác này, thừa tác viên “có quyền được nhận một khoản thù lao xứng hợp với đia vị của  mình … được hưởng dự phòng, bảo hiểm xã hội và y tế, theo quy tắc của luật dân sự’ (GL 231).
Câu hỏi 15: Trong, có những Tòa Án  của Giáo hội, giáo dân có thể có những chức năng nào ?
Thưa : a) Mỗi giáo phận, có Tòa Án đệ nhất cấp. Với sự đồng ý của Tòa Thánh, nhiều Giáo Phận có thể cùng chung một Tòa án đệ nhất cấp, mà chánh án là tập thể các Giám Mục hay một Giám Mục do tập thể bầu lên (GL. 1423#1). Một giáo dân có bằng tiến sĩ hay cử nhân giáo luật có thể được Giám mục giáo phận đặt làm thẩm phán giáo phận khi có sự đồng ý của Hội Đồng Giám mục, hay nếu cần có thể được trao công tác thành lập thẩm phán đoàn.(GL 1421 #2). Thẩm phán tòa án đệ nhất cấp giáo phận, – giáo sĩ hay giáo dân- phải được bổ  nhiệm cho một thời gian nhất đinh, nghĩa là không thể bị giải nhiệm trừ khi có lý do hợp pháp và nghiêm trọng (GL.1422). Nóicách khác, thẩm phán giáo phận một mặt không vĩnh viễn, nhưng nhiều khi cần được tái khóa vì giầu kinh nghiệm hay tài ba; một mặt cần chuyên nghiệp trong những bối cảnh đặc biệt do thời thế hay biến chuyển xã hội gây ra.
b) Để thẩm cứu vụ án, vị thẩm phán hay chánh án tòa án hiệp đoàn (tòa án có nhiều thẩm phán) có thể chỉ định một dự thẩm. Dự thẩm là một “giáo sĩ hay giáo dân nổi bật về hạnh kiểm, về không ngoan và đạo lý”  (GL.1428 #1,2). Theo sự ủy nhiệm của thẩm phán, dự thâm có nhiệm vụ thu thập các bằng chứng và trao cho thẩm phám; Dự thâm có thể quyết định trong khi thẩm cứu phải thu thập những bằng chứng nào và bằng cách nào (xem GL.1428#3).
c/ Trong mỗi  giáo phận, phải có một công tố viên. Công tố viên là viên chức có nhiệm vụ bảo vệ công ích của Giáo Hội, tức là những vấn đề liên quan đến an ninh trong xã hội, đến công ích của Giáo phận hay của Giáo Hội, đến công lý, đến hòa bình, đến quyền lợi của trẻ em v. v… Đây là một giáo vụ quan trọng cho Giáo Hội  (GL.1430).
d/ Giáo dân cũng có thể được bổ nhiệm bảo hệ viên, giữ chức vụ lên quan đến trường hợp tòa xử về sự vô hiệu của chức thánh, hay về sự vô hiệu của hôn  nhân (GL.1432,  1435). Một người có thể vừa giữ chức vụ công tố viên, vừa giữ chức vụ bảo hệ viên miễn là không phải trong cùng một vụ án (GL.1436).
đ) Trong vụ án do thẩm phán duy nhất chủ trì, ngài có thể mời một hay hai giáo dân lương thiện, liêm khiết nam hay nữ làm hội thâm để tư vấn cho ngài (GL 1424) .
Trong các vụ trên đây, chúng ta thấy Giáo luật dành cho giáo dân nhiều chức vụ liên quan đến tố tụng cũng như đề cao vai trò cuả ki tô hữu không chức thánh, ngang hàng với giáo sĩ có chức thánh. Đây là những kết quả của Công Đồng Vaticanô II chủ chương xóa bỏ sự chênh lệch giữa Kitô hữu có chức Thánh và không có chức Thánh.
Câu hỏi 16: Mối tương quan của người giáo dân với các cơ chế Giáo Hội?
Thưa: Mỗi tín hữu dù sống giữa biển khơi hay trong sa mạc, đều là thành viên của Giáo Hội toàn cầu. Cụ thể, thường thường tín hữu cùng sống với người đồng đạo trong cùng địa giới, cùng văn hóa, dân tộc, nhóm này thường được họp thành giáo họ, chưa được coi là một  “ pháp nhân công” chính thức theo giáo Luật, nhưng cũng dưới quyền một linh mục cai quản giáo xứ. Giáo dân sống trong giáo họ thường có những mối quan hệ trong một cơ cấu giống như một giáo xứ nhỏ, cũng dưới quyền một vị quản xứ có  danh vị “cha sở hay cha  xứ”.
Câu hỏi 17: Hiện nay Giáo Hội Công Giáo phát động phong trào liên tôn, đại kết, người Kitô hữu tham gia thế nào?
Thưa: 1) Người Kitô hữu gồm mọi người đã được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Trong đó:
a) Có những người công giáo thuộc Giáo Hội Rôma: là những người tin Chúa Ba Ngôi, công nhận bảy phép Bí Tích và hợp nhất với Giáo Hoàng Rôma;
b) Những người thuộc Giáo Hội Chính Thống Giáo và Anh Giáo cũng tin ở Chúa Ba Ngôi, công nhận các Bí Tích nhưng không chấp nhận quyền Giáo Hoàng Rôma.
c) Những người thuộc các Giáo Hội Tin Lành không chấp nhận Giáo Hội Cơ Cấu, các Bí Tích và quyền quản trị của Giáo Hoàng, Giám Mục.
2) Người Kitô hữu công giáo chia sẻ Đức Tin của mình với các anh chị em Kitô giáo khác. Vì thế sau Công Đồng Vaticanô II, họ có bổn phận hợp nhất niềm tin của mình với các Kitô hữu khác trong lời cầu nguyện (như các Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Bênêdictô XVI thường tổ chức “cầu nguyện liên tôn” hàng năm tại Assisi nước Ý, hay ở chính Rôma thủ đô Giáo Hội Công Giáo), cũng như trong các hoạt động văn hóa, nhân văn. Mục đích những cuộc cầu  nguyện liên tôn này là nóilên niềm tin chung của các tín hữu nơi Chúa Giêsu Kitô và khẩn nguyện Chúa giúp cho các Giáo Hội cùng thông công với nhau trong niềm tin vào tình yêu.
Ngoài các Giáo Hội Kitô, có những tôn giáo khác như Phật Giáo, Ấn Độ Giáo, Đạo Tổ Tiên … cũng tin ở Thượng Đế và thế giới thần linh, nhưng không tin chương trình cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Trong chương trình đại kết, người Kitô hữu liên kết với tín đồ các tôn giáo đó để cùng xây dựng một thế giới hòa bình, yêu thương nhau và chống lại mọi bạo lực. Tuy không cùng tín ngưỡng, người giáo dân cũng có thể cùng cầu nguyện với các anh chị em ấy để họ nhận thấy Đấng Thượng Đế mà họ tin thờ cũng là Thiên Chúa của người kitô.
Câu hỏi 18: Tại sao hiện nay Giáo Hội Công Giáo chú trọng đặc biệt đến các chương trình Bác Ái- Xã Hội?
Thưa: Vì Giáo Hội muốn trung thành với tinh thần Phúc Âm ghi trong Matthêu 25,35-40: “vì xưa Thầy đói các con đã cho ăn, Thầy khát các con đã cho uống, Thầy là khách lạ các con đã tiếp rước, Thầy trần truồng các con đã cho mặc, Thầy đau yếu các con đã thăm viếng, Thầy ngồi tù các con đã hỏi han”. Trước sự ngỡ ngàng của thiên ha, Chúa giải thích thêm: “Thầy bảo thật các con, mỗi lần các con làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, là các con đã làm cho chính Thầy vậy”. Từ nguyên thủy Giáo Hội Công Giáo luôn thực hiện điều Chúa dạy trên đây qua nhiều hình thức khác nhau như: “cho kẻ đói ăn, cho người khát uống, cho người đói rét ăn  mặc, cho kẻ đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác  kẻ chết” hay “Hũ gạo tình thương,  lo cho những người phong cùi, nâng đỡ phụ nữ cô đơn, giúp đỡ người già cả bệnh tật”
Từ thế kỷ 19 đến nay, những xáo trộn kinh tế và xã hội, nhất là phong trào toàn cầu hóa. Giáo Hội phải tập trung tranh đấu cho công bình xã hội và nâng đỡ những thành phần bị xã hội bỏ rơi,  như Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đã nhấn mạnh gần đây trong thông điệp “Chúa là Bác Ái”(25.12.2005). Trong đó Ngài nhắc lại chỉ nam Apostolorum Sucácessores: “không được biến việc bác ái thành một lợi khí để lôi cuốn người ta theo đạo một cách bất lương”. Ngài nhấn mạnh một lần nữa: “Bác ái không được coi như một phương tiện để làm một cái mà người ta ngày nay gọi là lôi cuốn người ta theo đạo (proselytisme). Tình yêu thì cho không, vô vị lợi. Không được dùng tình yêu vào một mục đích nào khác. Điều đó, không nghĩa là công việc bác ái phải gạt Chúa và Đức Kitô ra ngoài (…). Người làm công tác bác ái nhân danh Giáo Hội không bao giờ được lợi dụng việc mình làm để áp đặt niềm tin của Giáo Hội.”
(Bài do tác giả gửi riêng cho Nữ Vương Công Lý)
Linh mục Vinh Sơn Trần Tam Tỉnh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét