Nữ Vương Công Lý tiếp tục đăng tải các phần còn lại của bài viết về các vấn đề thường xảy ra đối với Giáo dân về Giáo luật đeẻ bạn đọc tham khảo và sử dụng khi cần thiết.
Mọi vấn đề thắc mắc, ý kiến hoặc các câu hỏi cho những trường hợp vướng mắc về Giáo Luật, Bạn đọc có thể gửi về cho chúng tôi theo hộp thư nuvuongcongly@gmail.com.
Câu hỏi 6: Tại sao Giáo Hội cần có Giáo Luật?
Thưa: Vì là một xã hội hữu hình, Giáo Hội cần những qui tắc cụ thể để phân biệt rõ rệt cơ cấu phẩm trật và cơ cấu tổ chức cũng như xếp đặt việc thi hành các nhiệm vụ Chúa trao: để đời sống Giáo Hội được an bình cần có những cơ cấu điều chỉnh các mối tương quan giữa các Kitô hữu với nhau. Thí dụ: giữa các tín hữu và các cấp lãnh đạo. Trong Giáo Hội có những tập đoàn khác nhau liên đới giữa ba chức vụ của Đức Kitô, là Tư tế, Tiên tri, Vương giả: Giáo Luật đề cao mối liên quan giữa nghĩa vụ và quyền lợi của các tín hữu. Giáo Luật cũng có mục tiêu củng cố và cổ vũ những sáng kiến chung nhằm tới một đời sống Kitô giáo ngày càng hoàn hảo. Như thế, Giáo Luật là một dụng cụ rất cần thiết và hữu hiệu. Nhờ đó, Giáo Hội thăng tiến tinh thần Vaticanô II để góp phần vào chương trình Cứu độ thế giới Ngày 25.01.1983, ĐGH Gioan Phao LôII long trọng tuyên bố: “chúng tôi kêu mời tất cả mọi tín hữu hãy tuân thủ những quy tắc đã được đề xuất trong Giáo Luật với một tinh thần chân thành và thiện chí”…
“Giờ đây, không ai được phép không biết luật: các Mục Tử có những quy luật chắc chắn để điều hành đúng đắn công việc mục vụ; từ nay, mỗi người- giáo dân cũng như tu sĩ ,giáo sĩ- có đủ cách thế để nhận biết quyền lợi và nhiệm vụ riêng của mình…Tất cả các việc tông đồ đã được thiết lập hay khởi sự, có được chỗ dựa chắc chắn để tiến triển và bành trướng, vì một trật tự pháp quy lành mạnh là tuyệt đối cần thiết để cộng đoàn Giáo Hội cường thịnh, thăng tiến và triển nở”.[1]
Câu hỏi 7: Chỗ đứng của Giáo dân trong Giáo Hội?
Thưa: a) Vì Giáo Hội là một xã hội có tổ chức, nên mọi Kitô hữu (nam, nữ, già, trẻ) là thành viên chính thức của Giáo Hội với tất cả nghĩa vụ và quyền lợi của công dân Nước Trời. Theo Giáo Luật: “mọi Kitô hữu đều thực sự bình đẳng với nhau về phẩm giá và hành động, nhờ đó họ cùng cộng tác vào việc xây dựng thân Mình Đức Kitô, tùy theo hoàn cảnh và nhiệm vụ riêng của mình” (GL 208).
b) “Tất cả mọi Kitô hữu, có bổn phận và có quyền hoạt động để cho sứ điệp Cứu Độ của Thiên Chúa càng ngày càng được truyền đạt tới toàn thể nhân loại trong mọi thời và mọi nơi” (GL 211). Ki-tô hữu không phải chỉ là người đón nhận Phúc Âm, nhưng còn có bổn phận chia sẻ Tin Mừng đến mọi người tùy theo khả năng và sự hăng say của mình.
c) Để đời sống Giáo Hội được linh hoạt, “các Kitô hữu có trọn quyền bày tỏ cho các vị chủ chăn biết những nhu cầu của họ, nhất là những nhu cầu thiêng liêng và những nguyện vọng của họ” (GL. 212,#2). Giáo hội là một Thân thể. Mối tương quan giữa Chủ chăn và con chiên phải rất mật thiết, chứ không “giữa bề trên và bề dưới, giữa chủ và đầy tớ’, nhưng là giữa cha và con, giữa anh và em…
d) Hơn thế, “Tùy theo kiến thức, thẩm quyền và uy tín bản thân, các Kitô hữu có quyền và đôi khi có cả bổn phận phải bày tỏ cho các vị chủ chăn có chức thánh biết ý kiến của họ liên quan đến lợi ích của Giáo Hội, họ cũng có quyền bộc lộ ý kiến của họ cho các Kitô hữu khác, miễn là bảo vệ được sự toàn vẹn của tín lý và luân lý, cũng như lòng kính trọng các vị chủ chăn và phải lưu ý đến công ích và phẩm giá của tha nhân.” (GL 212#3). Giáo dân như vậy không còn thụ động, đi lễ như đi xem tuồng, đi rước kiệu như đi biểu diễn. Trong Giáo Hội, phục vụ là bổn phận của các vị đương nhiệm: “Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em”(Mt.20,27). Sự xa cách đáng tiếc hiện nay giữa các vị có quyền và giáo dân là thành tích phong kiến cần được dần dần xóa bỏ.
Câu hỏi 8: Giáo luật nói gì về nhiệm vụ sống đạo của người tín hữu?
Thưa: a) Người tín hữu, hợp nhất với Đức Kitô qua Phép Rửa tội có bổn phận hiệp thông cùng với các Giám Mục và đồng đạo hoạt động để mọi Kitô hữu- Công giáo hay không Công giáo hiệp nhất với nhau trong cùng một niềm tin. Sự hiệp thông đó dựa trên cùng một Phép Rửa Tội (GL. 204), cùng một tuyên xưng Đức Tin (GL.205), cùng chia sẻ các Bí Tích như nhau (GL.205), và cùng công nhận quyền bính của Giáo Hội.
b) Là cha mẹ, các tín hữu phải lo liệu cho con cái được rửa tội.
c) Người sống trong bậc hôn nhân có bổn phận đặc biệt xây dựng dân Chúa bằng đời sống trong sạch, tôn trọng luật sinh sản dưới sự hướng dẫn của Huấn quyền, bảo vệ sự sống của con cái và nhất là giáo dục chúng trong đức tin.
d) Trừ khi bị án phạt theo Giáo Luật, người tín hữu có quyền đón nhận các Bí Tích, tham dự các nghi thức phụng tự, đạo đức, tham gia các hoạt động tập thể trong Giáo xứ, Giáo Hội.
e) Người tín hữu có quyền tự do chọn bậc sống của mình: 1. sống độc thân, 2. lập gia đình, 3. gia nhập các Tu hội tận hiến, 4. hiến thân trong hàng Giáo sĩ.
Câu hỏi 9: Trong Giáo Hội, Giáo dân có quyền tự do lập hội đoàn ?
Thưa: a) “Kitô hữu có trọn quyền thành lập và điều hành các hiệp hội nhằm mục đích từ thiện hoặc đạo đức, hoăc nhằm cổ võ tinh thần Kitô giáo giữa trần thế, họ cũng được trọn quyền tự do hội họp để cùng nhau theo đuổi các mục đích đó” (GL. 215). Giáo luật công nhận “trọn quyền” của giáo dân trưởng thành để cùng nhau sát cánh trong lãnh vực hoạt động xã hội trong tinh thần Phúc Âm. Giáo dân có thể tham khảo ý kiến, bàn hỏi các chủ chăn nhưng không bắt buộc phải “xin phép”. Hầu hết các tổ chức xã hội công giáo phát xuất từ sáng kiến giáo dân . Một người có thể ghi danh ra nhập nhiều hiệp hội (GL307#2)
Chiếu theo quy tắc của Luật và Quy chế, các hiệp hội sau khi được thiết lập có quyền ban hành những quy tắc riêng liên quan đến chính hiệp hội, tổ chức các buổi họp, chỉ định những người điều hành, những viên chức, những nhân viên và những người quản trị tài sản (xem GL.309).
b) “Các hiệp hội tư này dù được nhà chức trách ban khen hay giới thiệu, vẫn là hiệp hội tư” (GL. 299#2).
Tài sản của hiệp hội tư hoàn toàn thuộc quyền sở hữu “và quản trị của đoàn viên . Chỉ những hiệp hội nào được thành lập với sự chấp nhận của nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo Hội mới được mang danh là “hiệp hội công giáo” (GL. 300)
Nếu thấy hữu ích, nhà chức trách trong Giáo Hội có thể thành lập các hiệp hội Kitô hữu nhằm theo đuổi cách trực tiếp hay gián tiếp những mục tiêu thiêng liêng. Những hiệp hội này có thể được công nhận là “hiệp hội công” (GL. 301).
Câu hỏi 10: Giáo luật nóigì về việc tôn trọng quyền con người?
Thưa: Theo luật tự nhiên, bất cứ ai đều có quyền bảo vệ thanh danh của mình. Theo Giáo luật, điều 220: “không ai được làm tổn thương đến thanh danh của người khác một cách bất hợp pháp, và cũng không được xâm phạm đến quyền giữ bí mật riêng của họ”. Điều này dựa trên luật tự nhiên, vì thế vị chủ chăn sẽ phạm trọng tội đáng phạt, khi ngài vi phạm danh dự của người giáo dân, nhất là công khai trên tòa giảng trong thánh lễ. Vì như thế, ngài chẳng những phạm điều răn thứ 1 (vi phạm luật phụng tự vìdùng tòa giảng, trong thánh lễ để chửi đích danh môt hay một số Giáo hữu, vì tỏa giảng chỉ dược dùng để rao giảng lời Cha ) và thứ 5 “chớ giết người” (vì tội giết người không chỉ bằng vụ khí, dao găm hay sng ống, m có thế bằng lời nói, như người Do thái đ giết Chúa Giê- su khi la :”đóng danh nó di”) và còn có thể bị kiện ra tòa Giáo Hội vì lỗi Giáo Luật điều 220, và tòa đời. Một giáo dân phao tin một linh mục hay phạm tội kín, thí dụ xâm phạm tình dục khi linh mục này chưa bị xã hội hay Giáo hội công khai kết án, thì người đó cũng phạm tội “giết người’ và cũng lỗi Giáo luật cách nặng.
Chúng ta không nên quên rằng, Kitô hữu có quyền đòi hỏi những quyền lợi mà họ được hưởng trong Giáo Hội, và có quyền bênh vực những quyền lợi đó trước toà án Giáo Hội có thẩm quyền chiếu theo quy tắc của luật (GL.221#1).
Nếu bị nhà chức trách có thẩm quyền triệu ra toà, Kitô hữu có quyền được xử công minh theo những quy định của luật pháp (GL.221#2). Chúng ta không nên quên rằng Giáo Hội có quyền chế tài, nghĩa là có quyền phạt những vi phạm luật, d do một linh mục hay Giám mục. khi có nhu cầu thúc bách phải phòng ngừa hay sửa chữa các gương xấu (GL.1399).
Giáo Luật dành riêng quyển VI về Chế tài trong Giáo Hội (GL 1311-1399), và quyển VII vềTố tụng(GL 1400-1752).
Câu hỏi 11: Người giáo dân có quyền giảng dạy trong Giáo Hội ?
Thưa : Từ thủa sơ khai, nhiều triết gia hay khoa học gia giáo dân đã đóng góp chất xám trí tuệ cho Giáo Hội. Trong Giáo Luật hiện hành, giáo dân nam hay nữ được khuyến khích trao dồi kiến thức chẳng những trong lãnh vực trần thế như văn chương, khoa học thực nghiệm, luật học, mà còn có quyền học hỏi tôn giáo học và chuyên sâu các khoa dạy trong các Đại học công giáo và dĩ nhiên có các văn bằng thánh khoa. Các nhà chức trách trong Giáo Hội có thể ủy nhiệm cho những người này dạy các thánh khoa (như kinh thánh, thần học, triết học, giáo sử, giáo lý) trong các chủng viện hay Đại học công giáo (GL. 229#2,3).
[1] Bộ Giáo Luật 1983, lời tựa tr. 29
(Còn tiếp)
Nguồn: NVCL
Linh mục Vinh Sơn Trần Tam Tỉnh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét