Facebook - Tối 27/3/2013, Cha Bề trên tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội Mátthêu Vũ Khởi Phụng đã có buổi nói chuyện với các giáo dân tại nhà thờ Thái Hà về bổn phận và vai trò của người giáo dân trong việc góp ý sửa đổi Hiến pháp.
Theo ngài, vì là những giáo dân công dân, nên mọi tín hữu Công giáo vừa có bổn phận và trách nhiệm đối với xã hội và đối với Giáo hội. Trong việc tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp, các giáo dân phải lấy tất cả lương tâm và trách nhiệm của mình, tìm hiểu cách kỹ lưỡng những gì cần góp ý và góp ý một cách thẳng thắn, không được đặt bút ký vội vã khi được các cơ quan nhà nước yêu cầu. Hội đồng Giám mục Việt Nam, đại diện cho tất cả mọi tín hữu Công giáo Việt Nam, đã chính thức lên tiếng góp ý trong bản “Nhận định và Góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992”. Vì thế, mọi góp ý của các giáo dân phải tham chiếu bản nhận định này của Hội đồng Giám mục Việt Nam để không đi ngược lại với tiếng nói chính thức của toàn thể Giáo hội.
Những ngày này, nhà cầm quyền Việt Nam đang ráo riết, bằng nhiều cách thức khác nhau như dùng hệ thống truyền thông tivi, báo, đài, cho người tới các khu phố, thôn, ấp, làng xã, tuyên truyền cho cái “trò hề” gọi là “nhân dân góp ý sửa đổi Hiến pháp” nhằm cố tình hợp pháp hóa “vai trò lãnh đạo của đảng”, phủ nhận những đóng góp đầy tâm huyết của các nhân sĩ trí thức, của các Giám mục đại diện Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Không chỉ có vậy, Đài Truyền hình Việt Nam trong chương trình thời sự tối 26/3/2013 đã bất chấp cả đạo lý và sự thánh thiêng của niềm tin Tôn giáo, dựng lên một “linh mục giả”, hòng làm giảm uy tín và tiếng nói trung thực của Giáo hội Công giáo Việt Nam mà đại diện tối cao là các Giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Chắc chắn, những việc làm bất chấp lương tâm và đạo lý của Đài truyền hình Việt Nam – kênh truyền hình phủ sóng toàn quốc, ít nhiều đã có những tác động tiêu cực đến quảng đại quần chúng, cách riêng đối với những tín hữu Công giáo, khiến mọi người, ngay cả một số tín hữu vì thiếu thông tin, có thể hiểu sai về Giáo hội Công giáo, cách riêng các vị lãnh đạo tối cao của Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Do đó, thiết nghĩ, sau những gì truyền thông nhà nước đang cố tình dùng mọi kỹ xảo để bóp méo tiếng nói trung thực, thẳng thắn, đầy tâm huyết và có tính xây dựng của các Đức Giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, mọi tín hữu Việt Nam đều có bổn phận và trách nhiệm phổ biến bản “nhận định và góp ý Hiến pháp của Hội đồng Giám mục” tới mọi người, đặc biệt mọi thành phần dân Chúa tại Việt Nam. Việc làm này thực sự cần thiết và không khó, chỉ cần mỗi người giáo dân nhận trách nhiệm phổ biến cho một người, thì không bao lâu mọi người đều biết được tiếng nói chính thức của Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Thư chung của Hội Đồng Giám mục Việt Nam năm 1980 gửi cộng đồng Dân Chúa Việt Nam đã nói rõ về sứ mạng của người tín hữu Chúa Kitô ở Việt Nam: “Là Hội Thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc, hoà mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước. Công đồng dạy rằng “Hội Thánh phải đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần gian với thế giới” (MV 40,2). Vậy chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa” (số 9).
Đức Thánh cha Benedict 16 cũng đã nhiều lần nhắc nhở các tín hữu Việt Nam “Công dân tốt là giáo dân tốt”.
Vì thế, trong thời khắc hết sức quan trọng này của tổ quốc và dân tộc, người công giáo tốt không thể bàng quan, ẩn mình trong những tháp ngà của sợ hãi, hèn nhát, vô cảm. Trái lại, họ phải chứng tỏ mình là người can đảm, lên tiếng tố cáo những bất công, ra sức bảo vệ Tổ quốc, Giáo hội và những quyền cơ bản của người dân, cách đặc biệt trong lần sửa đổi Hiến Pháp này.
29/3/2013
Nguồn: VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét