Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

Vượt qua


Cuộc đời con người có nhiều chặng đường cần phải vượt qua. Vượt qua để tiến lên và trưởng thành. Vượt qua dù lớn hay nhỏ đều có lợi ích riêng của nó. Tuy nhiên rất nhiều vượt qua nhỏ bé ta không nhìn thấy lợi ích riêng vì lợi ích nhỏ thường bị lợi ích lớn, lấn át làm lu mờ. 


Xin đơn cử một thí dụ điển hình của chặng đường vượt qua gây chấn động dư luận thế giới đó là những chuyến đi vượt biên. Đây quả là một biến cố vượt qua lớn và quan trọng của một dân tộc và của cá nhân người vượt biên. Lớn và quan trọng cho dân tộc vì nó là sự chọn lựa giữa hai í thức hệ. Lớn và quan trọng cho cá nhân vì nó nằm giữa làn ranh tìm sự sống trong cõi chết. Mọi người vượt biên đều hoàn thành hành trình vượt qua nhưng kẻ đến bến bờ bình an, kẻ không may đi được đoạn đường dài ngắn khác nhau. Dù đến bến hay không tất cả đều có kinh nghiệm và hy vọng như nhau. Cái kinh nghiệm đó là khi ra đi sẽ bỏ lại tất cả, phải đương đầu với giữa sống và chết, giữa thành công và thất bại, giữa hội nhập với nếp sống mới và hoài bão nếp sống cũ. Không ai ra đi mà mang được toàn vẹn những gì muốn mang theo. Ngay cả những gì mang theo chưa chắc đã hữu dụng trong cuộc sống mới. Đó là những mất mát của cuộc vượt qua. Thời gian vượt qua có đau thương ngàn trùng, có sóng gió đón chờ, có hiểm nguy rình rập, có bắt bớ tù đầy, có nước mắt đau thương và cả tiếc thương, sinh tử. Vượt qua thành công vẫn còn phải phấn đấu với cuộc sống mới nhưng hoàn toàn khác với cuộc sống trước khi vượt qua.

Hành trình đức tin cũng vậy, cũng có những vượt qua, cũng trải qua đau khổ trước khi tiến đến vinh quang. Bằng chứng hùng hồn nhất, hiển nhiên nhất, rõ ràng nhất và quan trọng nhất trong lịch sử cứu độ là cuộc vượt qua của Đức Kitô mà chúng ta sắp sửa mừng kính. Cuộc vượt qua đó lấy ngày Chúa Nhật Lễ Lá làm điểm khởi hành.Một chút vinh quang trần thế do đám đông bên đường tung hô, đón chào. Ngay sau đó là đau khổ chập chùng. Nào là tiệc chia li, rồi đến phản bội, rồi chối bỏ, bắt bớ cáo tội, kết án, hành hình cho đến chết vẫn chưa tha, vẫn còn muốn treo trên thạp tự cho người phỉ báng. Vượt qua càng lớn, đau thương càng nhiều thì hào quang thành công càng sáng lạn. Sau biến cô đau thương có đoàn tụ, gặp gỡ, xum họp, hội ngộ và bình an.

Hành trình đức tin của người Kitô hữu cũng thế. Có nhiều chuyến vượt qua đau khổ để trưởng thành trong đức tin, vững mạnh trong đức mến và trải rộng lòng nhân ái. 

Người Kitô hữu nhận rõ lời hoan hô, chúc mừng tán dương trong ngày Lễ Lá xảy ra trong chốc lát rồi tiếng hoan hô chúc tụng kia được thay bằng tiếng đóng đanh nó vào thập giá. Cũng là tiếng người nhưng đã đổi thay. Giọng điệu hoàn toàn khác, thái độ hoàn toàn khác, cử chỉ hoàn toàn khác. Vì sao thế? Vì khung cảnh đã đổi thay. Vì chiều gió mới do nhóm lãnh đạo khởi xướng. Ai hùa theo chiều gió mới lợi hơn là đi ngược chiều. Cuốn theo chiều gió lợi trước mắt, đời thong dong, thanh thảnh một thời nhưng mấy ai tránh khỏi cơn bão lốc, xoá trôn ốc, bất thình lình xuất hiện, hất tung lên liệng xuống đến tan xác. Ngược chiều gió, vất vả cay đắng nhưng nếu ra khỏi luồng gió sẽ không bị gió lãnh đạo, cuốn đi, sẽ không nằm trong tầm hút của cơn lốc vì thế sẽ sống đời bình an, thanh thoả. Nếu muốn hưởng đời sống đó việc trước tiên là phải vượt qua đau khổ mới có thể đến được vinh quang.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org

0 nhận xét:

Đăng nhận xét