Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Dự thảo sửa đối Hiến pháp 1992, thực chất chỉ là xảo thuật chính trị


Texas, USA – Ngày 24.03.2013, tại thành phố Houston, Câu lạc bộ luật khoa Việt Nam đã ra bản Tuyên bố về việc sửa đổi Hiến Pháp đang diễn ra tại VN. Tuyên bố này ủng hộ ý kiến của các trí thức và các tổ chức tôn giáo trong và ngoài nước đã lên tiếng, đồng thời chỉ rõ: “Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp đã giữ lại Điều 4 Hiến Pháp, cũng như chỉ sửa chứ không đổi trong những điều khoản khác, đều nhằm tiếp tục củng cố sự độc tôn, độc quyền thống trí cho đảng Cộng sản Việt Nam, trong một chế độ độc tài toàn trị.Vì vậy, chỉ xét riêng Điều 4 Hiến Pháp cũng đã đủ cho thấy ý đồ của nhà cầm quyền hiện nay tại Việt Nam là phủ định tất cả những nguyên tắc điều hành chính quyền và sinh hoạt chính trị trong một chế độ dân chủ pháp trị, tước đoạt tất cả các quyền tự do dân chủ, nhân sinh và nhân quyền căn bản, vốn là những quyền tự nhiên, thiêng liêng, bất khả xâm phạm và càng không thể là ân huệ của nhà cầm quyền ban cho người dân”.
VRNs xin giới thiệu Tuyên bố này để quý độc giả được tường.

————

TUYÊN BỐ CỦA CÂU LẠC BỘ LUẬT KHOA VIỆT NAM

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP CỦA CHẾ ĐỘ ĐƯƠNG QUYỀN TẠI VIỆT NAM


Trước việc công bố và lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của chế độ đương quyền tại Việt Nam, Câu Lạc Bộ Luật Khoa Việt Nam, một hiệp hội của các cựu sinh viên luật khoa Việt Nam thấy cần tuyên bố những nhận thức và quan điểm sau đây:
1. Hiến Pháp là một văn kiện pháp lý căn bản làm nền tảng xây dựng chế độ chính trị theo đúng ý nguyện của nhân dân, phải được làm hay sửa đổi bởi Quốc Hội gồm các đại biểu do dân bầu trong một cuộc bầu cử tự do,công bằng.
Thế nhưng, bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 dựa trên những bản Hiến Pháp trước đó, đều từ một Quốc hội do đảng Cộng sản cử người ra cho dân bầu, hầu hết là đảng viên Cộng sản, trong các cuộc bầu cử không có tự do và dân chủ. Vì vậy, việc sửa đổi Hiến Pháp lần này vẫn không phải bởi một Quốc Hội do dân và vì dân, mà hoàn toàn do một Quốc Hội của đảng và vì đảng cộng sản Việt Nam, nên đã không đáp ứng đúng ý nguyện của toàn dân. Do đó cả hình thức lẫn nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp đều vô hiệu đối với nhân dân.
2. Trong một chế độ dân chủ pháp trị, chủ quyền quốc gia tối thượng thuộc về toàn dân, với các quyền lợi và nghĩa vụ công dân, tổ chức cơ cấu và nguyên tắc điều hành chính quyền đều được quy định đầy đủ trong Hiến Pháp. Nguyên tắc tam quyền phân lập và tính đa đảng đều được thể hiện trong Hiến Pháp như những phương cách bảo vệ hữu hiệu và thực thi đầy đủ các quyền dân chủ, dân sinh và nhân quyền căn bản cho mọi công dân. Nhân dân là chủ thể Đất nước. Chính quyền trong đó có quân đội là công cụ của nhân dân, làm việc và hưởng lương bổng của dân, chỉ có trách nhiệm phục vụ nhân dân và trung thành tuyệt đối với Tổ Quốc.
Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp đã giữ lại Điều 4 Hiến Pháp, cũng như chỉ sửa chứ không đổi trong những điều khoản khác, đều nhằm tiếp tục củng cố sự độc tôn, độc quyền thống trí cho đảng Cộng sản Việt Nam, trong một chế độ độc tài toàn trị.Vì vậy, chỉ xét riêng Điều 4 Hiến Pháp cũng đã đủ cho thấy ý đồ của nhà cầm quyền hiện nay tại Việt Nam là phủ định tất cả những nguyên tắc điều hành chính quyền và sinh hoạt chính trị trong một chế độ dân chủ pháp trị, tước đoạt tất cả các quyền tự do dân chủ, nhân sinh và nhân quyền căn bản, vốn là những quyền tự nhiên, thiêng liêng, bất khả xâm phạm và càng không thể là ân huệ của nhà cầm quyền ban cho người dân.
Việc quy định hiến tính cho một đảng duy nhất cầm quyền trong dự thảo sửa đổi Hiến Pháp là vi hiến. Vì rằng mọi chính đảng phải đứng ngoài Hiến Pháp, hoạt động trong khuôn khổ Hiến Pháp và luật pháp quốc gia, mọi chính đảng đều có cơ hội đồng đều để nắm quyền thông qua các cuộc tranh cử và bầu cử tự do.
3. Việc đưa dự thảo sửa đối Hiến pháp cho dân góp ý, thực chất cũng như thực tế chỉ là xảo thuật chính trị lừa mị quen thuộc trong chế độ độc tài toàn trị tại Việt Nam cũng như tại các quốc gia xưng danh là chế độ xã hội chủ nghĩa hay cộng sản chủ nghĩa.
Vì rằng Hiến pháp một khi được quốc hội sửa đổi, để có hiệu lực thi hành, phải được nhân dân chuẩn chấp bằng quyết định lựa chọn tự do, trực tiếp, kín trong một cuộc trưng cầu dân ý phổ thông đầu phiếu. Trong khi, việc lấy góp ý của dân ở đây chỉ có tính tham khảo chiếu lệ, hình thức, khác với trưng cầu dân ý về một bản Hiến pháp như trong các nước dân chủ có tính quyết định của người dân thông qua lá phiếu của họ.
4. Câu Lạc Bộ Luật Khoa Việt Nam hoàn toàn ủng hộ lập trường, quan điểm của các cá nhân và đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội, tôn giáo trong và ngoài nước, đã lên tiếng phê phán,chống đối, tẩy chay và vạch trần ý đồ đen tối, những xảo thuật chính trị lừa mị quen thuộc của đảng Cộng sản Việt Nam và các cơ quan công quyền công cụ của đảng, qua việc sửa Hiến Pháp 1992, mà vẫn không đổi chế độ chính trị từ độc tài, đảng trị qua dân chủ, pháp trị theo đúng ý nguyện của toàn dân, tạo tiền đề đưa đất nước thoát khỏi sự trì trệ kinh tế, suy thoái về đạo đức, văn hóa, giáo dục và thoát khỏi sự quy phục Trung Cộng đến có thể mất nước.
Tuyên Bố này được tuyên đọc hôm nay, trong ngày họp mặt truyền thống hàng năm “Hội Ngộ Mùa Xuân 2013 của cựu sinh viên Luật Khoa Việt Nam” tại Houston , Texas, Hoa Kỳ, để gửi đến toàn thể quốc dân Việt Nam trong và ngoài nước.Tuyên Bố này được viết bằng cả hai ngôn ngữ Việt và Anh để gửi đến Liên Hiệp Quốc, các chính quyền dân chủ và các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới, để biết và hổ trợ tích cực, có hiệu quả cho các cuộc đấu tranh vì dân chủ cho Việt Nam.
Làm tại Houston, ngày 24 tháng 3 năm 2013.
TM.CÂU LẠC BỘ LUẬT KHOA VIỆT NAM
Chủ tịch Hội Đồng Điều Hành   
Ls. Thiện Ý Nguyễn Văn Thắng  
Chủ tịch Hội Đồng Thường Vụ Đại Hội                 
Ls. Nguyễn Thế Linh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét