Gia đình ĐGH Phanxico
Truyền thông tiếp tục cho ta nhiều câu truyện lý thú về Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô. Nhưng không gì cảm kích bằng những câu truyện liên quan đến gia đình ngài.
Cô em gái gần gũi
Maria Elena Bergoglio là em gái út và là người anh chị em duy nhất còn sống sót của Đức Phanxicô. Năm nay 65 tuổi và dù rất gần gũi anh trai, nhưng ngày 19 tháng 3 vừa qua, bà và gia đình vẫn đã ở lại Ituzaingo, gần Buenos Aires, để theo dõi Lễ Khởi Đầu Thừa Tác Vụ Phêrô của anh mình. Bà làm thế để tôn trọng lời ngài yêu cầu dân chúng Argentina thay vì tới Rôma dự lễ hãy dùng tiền đó cho người nghèo. Bà cho rằng, người nghèo đối với ngài bao giờ cũng đứng hàng đầu trong các ưu tư lo lắng của Ngài. Lúc còn là bề trên tỉnh Dòng Tên và sau này làm tổng giám mục Buenos Aires, dù tình gia đình rất gần gũi, nhưng ngài sẵn sàng bỏ các bữa “asado” (thịt nướng) của anh chị em để phục vụ các khu ổ chuột trong thành phố. “Jorge dạy tôi phải luôn luôn hiện diện với người nghèo, luôn luôn chào đón họ, dù có vì thế mà phải hy sinh”.
Maria cho rằng sự gần gũi gắn bó giữa bà và anh trai là do cha mẹ họ hay nhấn mạnh tới “giá trị của yêu thương. Chúng tôi luôn có mối liên hệ hết sức gần gũi, dù cách nhau 12 tuổi. Tôi bé nhất trong nhà, còn Jorge thì luôn nuông chiều và che chở tôi. Mỗi lần có vấn đề, tôi đều chạy tới anh và anh luôn ở đó”. Dù thừa tác vụ bề trên tỉnh Dòng Tên và sau đó tổng giám mục Buenos Aires khiến anh trai bận bịu, không thể lui tới viếng thăm, nhưng hai anh em bao giờ cũng nói với nhau trên điện thoại hàng tuần.
Maria cho hay bà đặt tên cho đứa con trai đầu lòng của mình là Jorge, “để tỏ lòng tôn kính người anh đặc biệt của tôi”. Ngài rất cảm động được làm cha đỡ đầu của thằng nhỏ. ‘Thằng nhỏ’ Jorge này, nay đã 37 tuổi, nói với báo chí rằng ông bác của anh là “người rất cởi mở, chúng tôi trò truyện với nhau về mọi điều và nói rất lâu”.
Maria nhân dịp này cũng tiết lộ rằng báo chí thường nói đến lòng say mê tango, kịch nghệ và túc cầu của anh trai mình, nhưng thực ra rất ít người biết tài nấu nướng tuyệt vời của ngài. Món mà ngài sở trường là mực nhồi tuyệt diệu.
Dịp anh trai chính thức khởi đầu thừa tác vụ Phêrô, Maria và chồng cho sơn cổng nhà với mầu trắng vàng, mầu của Vatican. Ngày 14 tháng 3, một ngày sau khi được bầu làm giáo hoàng, hai anh em có dịp nói truyện với nhau trên điện thoại. “Tôi chẳng nói được gì và anh tôi cũng chẳng nói được gì. Anh chỉ nhắc đi nhắc lại: em đừng lo, anh không sao, hãy cầu nguyện cho anh”.
Người bà ‘thần học gia’
Đó là bà nội Đức Phanxicô, Rosa Margherita, người bà được ngài nhắc đến trong bài giảng Lễ Lá ở Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô trước đám đông 250,000 tín hữu. Vừa đọc đến chỗ “các vết thương giáng xuống nhân loại” và “lòng tham tiền bạc”, ngài rời mắt khỏi bản văn soạn sẵn để dí dỏm nói: “bà chúng tôi quen nói: khăn liệm đâu có túi”. Dù tích góp bao nhiêu của cải đi chăng nữa, nào có mang theo được chút gì trên đoạn hành trình cuối đời. Ngay trong thánh lễ đại trào của giáo hoàng tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, người bà của Đức Phanxicô cũng đã được nhắc tới.
Rosa Margherita Vasallo là thân mẫu của cha ngài. Bà sinh năm 1881 tại Val Bormida, miền bắc Nước Ý, và kết hôn với Ông Giovanni Bergoglio ở Turin. Năm 1908, bà sinh hạ thân phụ Đức Phanxicô là Mario. Tháng Giêng năm 1929, gia đình Bergoglio rời Portacomaro và xuống thuyền qua Buenos Aires để đoàn tụ với các thân nhân đã tới đó từ trước. Bất chấp khí hậu nóng bức và ẩm thấp (tháng Giêng Nam Bán Cầu đang là mùa hè), Bà Rosa vẫn cứ mặc cái áo khoác với cổ lông cáo, không thích hợp chút nào với thứ thời tiết ấy.
Cậu nhỏ Jorge sinh tháng Mười Hai năm 1936. Cậu lớn lên bên cạnh ông bà; các ngài dạy cậu vốn liếng thổ ngữ vùng Piedmont và quan trọng hơn nữa là đức tin Kitô. Trong một buổi phỏng vấn truyền thanh hồi tháng Mười Một năm ngoái trên đài giáo xứ của khu ổ chuột Villa 21 tại Barracas, vị giáo hoàng tương lai tâm sự như sau: “chính bà nội tôi dạy tôi cầu nguyện. Bà để lại trong tôi dấu ấn thiêng liêng rất sâu xa và thường kể cho tôi nghe nhiều truyện các thánh”.
Khoảng một năm trước, trong một buổi phỏng vấn truyền hình của EWTN (có thể xem lại trên trang mạng cantualeantonianum.com), Đức Hồng Y Bergoglio thuật lại: “có một lần, lúc tôi còn ở chủng viện, bà tôi bảo tôi: con đừng quên rằng con sắp trở thành linh mục và việc cử hành Thánh Lễ là điều quan trọng nhất đối với một vị linh mục”. Bà kể cho tôi nghe lời một bà mẹ khác nói với con trai, một linh mục thánh thiện, rằng “Con hãy cử hành Thánh Lễ, mọi Thánh Lễ, như thể là Thánh Lễ đầu tiên và cuối cùng của đời con”.
Trong một cuộc phỏng vấn in thành sách tựa là “El Jesuita”, Đức Hồng Y Bergoglio cho hay ngài giữ một tờ giấy gấp ghi lại lời của bà ngài trong cuốn sách nguyện, cuốn sách mà ngài luôn mang theo mình dù là lúc đi du hành. Tờ giấy này ghi lại chúc thư ngắn bà gửi cho các cháu với những lời như sau: “Ước chi các cháu của tôi, những đứa cháu mà tôi đã trọn lòng yêu thương, có được cuộc sống lâu dài và hạnh phúc, nhưng nếu đau khổ, bệnh hoạn hay mất người thân đem đến đau buồn cho chúng, thì mong chúng nhớ rằng một hơi thở hít vào từ Nhà Tạm, nơi có Đấng Tử Đạo vĩ đại nhất và uy nghi nhất hiện diện, và một thoáng nhìn lên Đức Maria dưới chân Thánh Giá sẽ là thuốc thoa có sức chữa lành các vết thương sâu xa nhất và đau đớn nhất”.
Lúc đó, ngài quên không khoác danh hiệu thần học gia cho người bà thân thương của mình. Nhưng Chúa Nhật, ngày 17 tháng Ba vừa qua, trong buổi đọc kinh Truyền Tin, ngài đã không quên truyện đó với một bà già khác, tuy không phải là bà ruột của ngài, nhưng ngài vẫn gọi là bà theo tập quán Argentina. Đó là một bà lão đến xưng tội với giám mục Bergoglio. Bà nói với vị giám mục: “nếu Chúa không tha thứ cho mọi người, thì thế giới này đâu còn hiện hữu”. Thuật lại câu nói “thời danh” ấy, Đức Phanxicô cho hay ngài rất muốn hỏi bà lão: “Hãy cho tôi biết có phải bà đã từng học ở Đại Học Grêgoriana phải không?”.
Thế giới sẽ còn phải làm quen với lối nói tự phát đầy thú vị của Đức Phanxicô, lối nói pha nhiều câu trích dẫn rất gần với niềm tin của những người tầm thường. Chúng hết sức hữu hiệu và ai ai cũng có thể hiểu được. Chúng cũng cho thấy Đức Phanxicô mãi mãi là chính ngài, bất chấp vai trò giáo hoàng có đòi hỏi ra sao nơi ngài.
Quá ư tốt bụng
Trở về với cái nét đơn thành của những người tầm thường mà thật “cao siêu”, Đức Phanxicô cho thấy một hướng đi khác. Nhưng có người lại không tán thành. Người đó là Magdi Cristiano Allam, một tín đồ Hồi Giáo gốc Ai Cập, trở lại Công Giáo và được Đức Bênêđíctô XVI đích thân rửa tội năm 2008 tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô.
Trên tờ báo hữu khuynh Il Giornale ở Milan, hôm thứ Hai vừa qua, Magdi cho hay ông quyết định rời bỏ Giáo Hội Công Giáo, sau 5 năm gia nhập, vì Giáo Hội này nay đã đi theo một hướng quá mềm đối với Hồi Giáo: “Việc tôi trở lại Công Giáo, diễn ra dưới bàn tay của Đức Bênêđíctô XVI vào đêm Vọng Phục Sinh 22 tháng Ba, 2008, nay được tôi coi là kết thúc cùng với sự kết thúc triều giáo hoàng của ngài”.
Ký giả 61 tuổi và là một chính khách hữu khuynh này từ lâu đã trở thành công dân Ý. Ông cho hay: ông vốn cân nhắc việc rời bỏ Giáo Hội Công Giáo từ lâu, tuy nhiên “cọng rơm cuối cùng” chính là việc bầu Đức Phanxicô, vì điều này chứng tỏ Giáo Hội "troppo buonista", quá ư tốt bụng. Ông cho hay “việc ‘ngẫu tượng hóa giáo hoàng’ (papolatry) để thổi phồng sự phấn khởi dành cho Đức Phanxicô và mau chóng cho Đức Bênêđíctô XVI vào văn khố là cộng rơm cuối cùng trong cái khung toàn diện cho thấy nhiều điều không chắc chắn và đáng nghi ngại về Giáo Hội. Điều khiến tôi càng ngày càng rời xa Giáo Hội, hơn bất cứ nhân tố nào khác, chính là chủ nghĩa duy tương đối tôn giáo, nhất là việc hợp pháp hóa Hồi Giáo thành một tôn giáo đích thực”. Theo ông, Hồi Giáo là một “ý thức hệ bạo động ngay từ bên trong” mà người ta cần phải mạnh mẽ chống lại, coi nó như “bất tương xứng với nền văn minh của ta và với các nhân quyền căn bản. Tôi xác tín hơn bao giờ hết rằng Âu Châu cuối cùng sẽ bị Hồi Giáo khuất phục giống như điều đã xẩy ra vào đầu thế kỷ thứ bẩy ở phía bên kia Địa Trung Hải”.
Chỉ với thời gian, người ta mới thấy “chiến thuật” của ai hữu hiệu hơn, tình thương hay hận thù, đối thoại hay đối kháng. Trong khi đó, thì việc đi sâu vào lòng người tầm thường bên trong hay bên ngoài Giáo Hội Công Giáo chỉ có thể làm ấm lòng người, bất luận họ ở đâu.
Vũ Văn An
0 nhận xét:
Đăng nhận xét