Sống ở đời không ai là không có những mối lo, trẻ có cái lo của trẻ, già có cái lo của già. Người nghèo có nỗi lo của người nghèo mà người giàu cũng có nỗi lo của người giàu. Họa chăng chỉ có hai hạng người không lo đó là hạng trẻ con ăn chưa no lo chưa tới và hai là hạng cuồng điên vô trí. Thế nhưng với trẻ con thì bởi vì nó lo chưa tới chứ không phải không lo. Riêng với hạng vô trí thì bề ngoài xem ra như vậy nhưng thật ra đó là những con người khốn khổ nhất = bệnh mà không biết mình bệnh, đấy mới thật là khổ. Khổ vì bị giam cầm ngược đãi, khổ vì đói khát triền miên, nợ nần chồng chất v.v..Thật ra đó chưa thật sự là khổ nếu so với cái khổ vì ngu si không biết đường. vì không biết nên cứ mãi lạc lối trong các nẻo tăm tối bị dục vọng sai khiến. Tham lam tiền bạc của cải đưa đến cướp của giết người. Tham dâm đưa đến lạm dụng tình dục, ngoại tình hiếp dâm. Tham quyền tất đưa đến lạm quyền áp bức bất công v.v…
Đi vào con đường tội thì có quả báo của tội, đó là điều không ai có thể tránh thoát. Tuy nhiên nếu biết bỏ đường ác quay về đường lành thì lại hết khổ. Bể khổ mênh mông quay đầu là bến. “ Tội các ngươi dù có đỏ như son cũng sẽ ra trắng như tuyết …” ( Is 1, 18 ). Tất cả vấn đề ở chỗ là có biết đường mà quay về hay không, bởi lẽ việc quay về này quả thật không dễ chút nào. Lý do bởi quay về ở đây chỉ có thể là về với Bản tâm tức cũng là lương tri bản tính mình.
Quay về Bản Tâm, đó là vấn đề quan yếu bậc nhất của triết học Đông Tây mọi thời. Lão Tử của phương đông đề ra triết lý Phản Phục “ Phản giả Đạo chi động, nhược giả Đạo chi dụng” ( Trở lại là cái động của Đạo. Yếu mềm là cái dụng của Đạo - Lão Tử ĐĐK chương 40 ). Còn Socrate của Hy Lạp cổ thời nêu cao phương châm “ Hãy tìm cho biết về chính mình mày” ( Connais toi – toi même ). Triết thì sâu xa rất mực như vậy nhưng đi vào hành động lại tỏ ra trái ngược. Thuyết Vô Vi của Lão Tử chẳng có ai theo, để rồi đã hóa nên cái trò bói toán, cầu cơ lên đồng nhảm nhí, còn bản thân ông biến thành đức Thái Thượng Lão Quân mặc tình cho thiên hạ thờ cúng khói nhang. Phương châm “ Biết Mình” của minh triết Hy Lạp thì bị F. Nietzsche ( 1844 – 1900) mỉa mai cách chua cay “ Con người dần dần trở nên hão huyền muốn hiện tồn, nó còn phải chịu thêm một điều kiện nặng hơn các vật khác = nó bị bó buộc phải biết tại sao mình có ở đời và cái giống nó không phồn thịnh lâu được nếu không lâu lâu phải đặt tín nhiệm vào sự sống” ( Xem Kim Định – Nhân Bản ).
Trở về với bản tâm bản tính để biết mình, điều ấy triết dù có là minh triết đi nữa cũng không thể mà duy chỉ trong tôn giáo tâm linh mới có thể. Lý do bởi vì trở về là mệnh lệnh của Thiên Chúa “ Hãy trở lại cùng Ta thì Ta sẽ trở lại cùng ngươi” ( Ml 3, 7). Mệnh lệnh trở về đã được lập đi lập lại trong suốt cuộc hành trình Dân Chúa cả trong thời Cựu lẫn thời Tân Ước. Dẫu vậy để thực thi mệnh lệnh này cho có kết quả thì nhất thiết cần phải có sự tìm kiếm và sự tìm kiếm ấy là tìm cho biết về Bản Tính mình. Đức Kito rao giảng Tin Mừng Nước Trời chính là để cho mỗi người chúng ta trở về với bản tính chân thực ở nơi mình “ Trước hết hãy tìm kiếm Nước ĐCT và sự công chính của Ngài còn mọi điều ấy sẽ được thêm cho các ngươi” ( Mt 6, 33).
Sở dĩ nói tìm kiếm là trở về với Bản Tính vì chưng Nước Trời mà Đức Kito rao giảng là nước nội tại …(trong lòng các ngươi. Lc 17, 20 -21). Chúa nói “ Trước hết”, điều ấy có nghĩa trong cuộc sống có nhiều nhu cầu phải lo như cơm áo gạo tiền, lao động học hành v.v..nhưng ta cần phải đặt ưu tiên cho việc tìm kiếm Nước Trời bởi đây chính là cứu cánh mà tất cả các nền minh triết đạo học muốn tìm nhưng không thể. Đức Khổng Phu Tử có lần đã thốt lên “ Triêu văn Đạo, tịch tử khả hỹ” ( Buổi sáng nghe được Đạo, buổi tối chết cũng thỏa lòng – Luận Ngữ ). Trong việc tìm kiếm chân lý quả đúng như người ta nói = sai một ly, đi một dặm. Khởi đoan một khi đã sai thì không cách chi có thể cứu vãn. Đức Kito truyền dạy hãy lo tìm kiếm Nước Trời nhưng đồng thời Ngài cũng tận tình nhắc nhở “ Không có Thầy các con không thể làm gì được” ( Ga 15, 5). Có Chúa tức có con đường của Chúa và con đường ấy là đường bỏ mình “ Ai muốn theo Ta thì phải bỏ mình vác thập giá mình hàng ngày mà theo” ( Mt 16, 24 ). Theo Chúa phải bỏ mình tức bỏ “ Cái Tôi” đi. Có bỏ được “ Cái Tôi” thì mới tìm và gặp được Nước Trời ở nơi mình. Trái lại bao lâu còn khư khư ôm giữ “ Cái Tôi” thì tất cả cái mà nó có được theo như triết học Kant nói, đó chỉ là những“ Cái Tôi Tưởng” ( Que je pense )
Toàn bộ triết học dù là duy vật, duy tâm, duy lý…suy cho cùng đều chỉ là những “ Cái Tôi Tưởng” và một trong số “ cái tôi tưởng”đem lại nhiều tai họa nhất cho nhân loại chính là Chủ Nghĩa Cộng Sản, nó tưởng có thể thiết lập thế giới đại đồng trên trái đất này dựa trên nền tảng hận thù đấu tranh giai cấp. Ngoài những tội ác vô số mà chủ nghĩa này gây ra có một tội ác gớm ghê khác đó là triệt phá con đường tâm linh nơi các tôn giáo.
Đường tâm linh là đường trở về, triệt phá đường tâm linh là triệt mất con đường về. Điều bi đát nhất của con người hôm nay không phải là biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, chiến tranh nguyên tử hay khủng hoảng tài chính ngân hàng, đó chỉ là hậu quả tất nhiên đưa đến do bởi đã tự đánh mất Con Đường Về. Chính vì không còn con đường VỀ mà nhân loại hôm nay đã và đang đi vào ngõ cụt của sự bế tắc. Kinh tế bế tắc, chính trị bế tắc và ngay cả tôn giáo cũng bế tắc. Tất cả chỉ là bế tắc và sự bế tắc ấy sẽ không bao giờ có thể giải quyết một khi vẫn còn bám chặt lấy “ Cái Tôi Tưởng”. Đảng CSVN tưởng rằng có thể phá vỡ thế bế tắc về mọi mặt ấy bằng cách cho phát động góp ý sửa đổi Hiến Pháp 1992. Thế nhưng khi người dân chân thành góp ý thì ông Nguyễn Phú Trọng TBT đảng lại gằn giọng răn đe = ai có tư tưởng muốn bỏ điều 4 Hiến Pháp, muốn đa nguyên đa đảng, phi chính trị hóa quân đội …là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức…!!!
Bản thân có đạo đức đâu để mà …suy với thoái, làm sao có thể nói đến đạo đức một khi vẫn khư khư ôm chặt lấy cái chủ nghĩa Mác Lênin mà chính nơi sản sinh ra nó đã…vứt vào sọt rác từ lâu ? Đối với chủ nghĩa CS và vài ba chế độ còn sót lại đến giờ không thể nói gì đến đạo đức. Dẫu vậy kể cả trong quá khứ cũng như lúc này đây vẫn còn có không ít người vẫn mơ hồ về nó, một sự mơ hồ hết sức tệ hại. Trong số những con người thuộc loại này, giáo sư Bằng Phong Đặng Văn Âu kể ra những cái tên như Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Khắc Viện, Đặng văn Ngữ, Trần Đại Nghĩa v.v…của miền Bắc trước 75 và bọn trí thức khuynh tả ở miền Nam đại loại như Tôn Thất Dương Kỵ, Tôn Thất Dương Tiềm Nguyễn Đóa hay có thể còn kể thêm vài cái tên khác như Lý Chánh Trung, Lý Quý Chung, Lm Nguyễn Ngọc Lan, Trương Bá Cần v.v…Sự mơ hồ về đạo đức CS chẳng những chỉ có ở những…trí thức ( thức hay ngủ ? ) như vừa kể mà còn cả ở nơi thần học ví như Thần Học Giải Phóng của nhóm Gustavo Gutierrez tại Mỹ Châu Latin nơi người nghèo vẫn còn tràn ngập. Thần học Giải Phóng chủ trương xây dựng một thứ Nước Trời trần gian bằng cách đưa ra một thứ …Tin Mừng mới thế này “ Tin Mừng về Nước Trời đã là sự thông báo về một trạng thái mới của sự vật trên mặt đất. Một trật tự xã hội mới trong đó người nghèo sẽ không còn nghèo. Những người đói sẽ được no và những người bị áp bức sẽ được giải phóng” ( Lm Vương Đình Bích – Đức Giesu trước khi có Kito giáo ).
Tin Mừng lại chỉ là sự thông báo về một trật tự xã hội mới vu vơ nào đó khi người nghèo hết nghèo, kẻ đói được no…sao, vậy thử hỏi ai có thể …mừng vì cái thông báo ấy ? Đức Kito rao giảng Tin Mừng Nước Trời cốt là để cho những ai nghe và tin vào chân lý ấy thì sẽ phát khởi được nỗi mừng vui lớn. Chính bởi vì việc nghe và tin vào Tin Mừng đem lại niềm vui nên Chúa nói đó là một mối phúc “ Phúc cho mắt các ngươi vì thấy được, cho tai các ngươi vì nghe được. Quả thật Ta nói cùng các ngươi, có nhiều tiên tri và người công chính đã ước ao thấy mà chẳng được. ước ao nghe điều các ngươi nghe mà chẳng được nghe” ( Mt 13, 17 ). Nghe và tin vào Tin Mừng của Đức Kito có nghĩa là tin rằng Nước Trời vốn có ở nơi mình nhưng chỉ vì mê nên không biết. Vì mê nên hết thảy phàm nhân chúng ta đều là những đứa con bỏ nhà cha mình đi hoang.
Trong dụ ngôn đứa con hoang đàng Đức Kito cho ta thấy trở về là một quá trình cần thực hiện. Có ra đi mới có trở về và trở về đây là về cái nơi mà từ đó mình đã ra đi. Mặt khác có nhận thức được sự ra đi ấy chỉ đưa đến cho mình vô vàn khổ cực thì mới có ước vọng trở về. Đứa con hoang đàng ấy sau khi sài hoang phí hết gia tài đã được chia cho, lại xảy ra nạn đói lớn trong xứ nên phải đi làm mướn cho một trại heo, đói quá “ Nó rất mong lấy vỏ đậu của heo ăn mà thồn cho đầy bụng nhưng chẳng ai cho” ( Lc 15, 16 ). Ra đi, cứ tưởng sẽ được sung sướng thỏa mãn nhưng kết cục chỉ là khốn khổ khốn nạn. Thế nhưng cũng chính vì nỗi khổ ấy mà đã khiến cho người con tỉnh ngộ và tỉnh ngộ ở đây tức là nhận biết mình còn có một người cha giàu có vô lượng “ Khi nó tỉnh ngộ bèn nói rằng = Biết bao người làm thuê cho cha ta còn được bánh ăn dư dật còn ta đây lại phải chết đói” ( Lc 15, 17 ).
Khổ để rồi tỉnh ngộ, đó là một hồng phúc bởi vì nó là bước khởi đầu cho sự trở về. Người con hoang đàng ấy khi tỉnh ngộ đã nêu một quyết tâm lớn “ Ta sẽ đứng dậy trở về cùng cha mà thưa rằng = cha ôi tôi đã lỗi phạm với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin đãi con như đứa làm thuê của cha vậy” ( Lc 15, 18 -19). Khổ và nhận thức được khổ, điều ấy sẽ khiến con người tỉnh ngộ. mặc dầu vậy, đây mới chỉ là bước khởi đầu của cuộc tìm kiếm trên đường trở về. Cuộc tìm ấy chắc chắn sẽ còn không ít gian nguy hiểm trở, có thể bị cả thế gian ghét bỏ nhưng đã có lời hứa của Chúa Giesu cho các Tông Đồ và cũng là cho tất cả chúng ta những người vững tâm tin vào Ngài “ Này giờ sắp đến và thật đã đến rồi, các ngươi sẽ tan tác ai đi đường nấy bỏ Ta lại một mình. Nhưng Ta không ở một mình đâu vì Cha hằng ở cùng Ta. Những điều đó Ta đã nói cho các người hầu cho các ngươi được bình an trong Ta. Các ngươi sẽ có hoạn nạn trong thế gian nhưng hãy vững lòng Ta đã thắng thế gian rồi” ( Ga 16, 32 -33) ./.
Phùng Văn Hóa
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét