Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

SN CHÚA NHẬT THỨ BỐN MÙA CHAY: Cảm Nghiệm Được Tha Thứ


CHÚA NHẬT THỨ BỐN MÙA CHAY 

GIO-SUÊ 5,9. 1O-12 ; 1CÔ-RIN-TÔ 5,17-12 ; LU-CA 15,1-3.11-32 

Cảm Nghiệm Được Tha Thứ 



Khởi đầu bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở cho chúng ta thấy Chúa Giê-su đã có một hành động khác người đối với dân Ngài. Một thái độ mà người Do Thái không thể thông cảm, và họ cho Chúa Giê-su đã tạo nên tai tiếng. Bởi Ngài thường tiếp nhận các người tội lỗi, cùng đến nhà họ ngồi chung bàn ăn uống. Hai cử chỉ này của Chúa Giê-su đối với những người bảo thủ nghiêm Luật Do Thái, không thể nào chấp nhận và cho phép như vậy. Thế nhưng Chúa Giê-su lại có thể tỏ ra thái độ khác lạ đó. Chúa nói với những người bảo thủ nghiêm ngặt Luật rằng : « Ta đến không để kêu gọi người công chính, nhưng là người tội lỗi để cho họ hoán cải » (Lc.5,32). 

Những việc Chúa Giê-su đã làm, thi Giáo Hội đã đón nhận sứ mạng đó, và nhân danh Ngài mà thực hiện. Để từ đó, Giáo Hội hiện hữu cùng hiện diện cho các tội nhân. Giáo Hội có bổn phận phải tiếp nhận họ, đến với họ, ngồi chung bàn ăn, săn sóc, quan tâm cùng lo lắng phục vụ các anh chị em đó. Một Giáo Hội không bận tâm hay lo lắng cho các tội nhân, thì không là Giáo Hội của Chúa Giê-su Ki-tô. Hoặc một Giáo Hội lơ là, bỏ mặc không tha thứ, không là Giáo Hội mà Chúa Giê-su Ki-tô muốn. Như thánh Phao-lô nói trong lá thư gửi giáo đoàn Cô-rin-tô « thật vậy, trong Chúa Ki-tô, Thiên Chúa đã hòa giải thế gian với Ngài ; Ngài đã xóa hết tội nhân loại, không còn chấp tội họ nữa » (2Cor. 5,19). Và thánh nhân qủa quyết với những người đã được hòa giải với Thiên Chúa rằng, thánh nhân đã nhận lãnh ơn đó và công bố cho họ biết hồng ân trọng đại đó. Rồi thánh Phao-lô khuyến khích họ « anh chị em hãy làm hòa với Thiên Chúa » (2Cor.5,21). Chúng ta lưu ý đến câu nói này : « anh chị em hãy làm hòa với Thiên Chúa ». Đây chính là Chúa Trời khởi xướng việc hòa giải này. Chính Ngài đi đến với các người tội lỗi cùng kéo họ về với Ngài. Để được hòa giải với Thiên Chúa, trên hết tội nhân hãy để cho Chúa Trời tác động nơi họ và trong họ. Nói tóm lại, họ hãy để cho Chúa Trời yêu mình. 

Qủa thực khi nói thì hay, nhưng khi sống như thế thật không dễ chút nào. Ôi biết bao người sợ hãi Thiên Chúa. Họ đã lơ là, quên đi lòng thương xót cùng tình yêu của Chúa Trời, để cho sự tha thứ của Ngài có thể đến với tâm hồn mình. Thêm biết bao nhiêu người không dám khẩn nài sự tha thứ của Thiên Chúa ban tặng nhưng không cho họ.Họ hằng do dự và mang mặc cảm tội mình không được Chúa Trời tha thứ đâu. Nếu như những anh chị em này biết được sự tha thứ của Thiên Chúa thì vô hạn, vô bờ, và con tim Ngài là yêu thương cùng quảng đại vô cùng, thì họ sẽ không ngần ngại chạy đến với Chúa, và ngồi vào lòng Ngài - Để Chúa Trời biến đổi con tim họ, biến đỏi đời họ thành những thụ tạo mới (2Cor.5,17), chắc chắn lúc đó những anh chị em này sẽ vui mừng biết bao, không còn nghi nan cùng do dự nữa. 

Theo Chúa Ki-tô cùng theo Giáo Hội khi nhân danh Ngài, thì sự tha thứ phải trở nên một cảm nghiệm được tái sinh. Vì nhờ hồng ân tha thứ mà tội nhân được tái sinh. Giống như bài Tin Mừng hôm nay qua dụ ngôn Người Cha tha thứ tội cho con trai mình. Để từ đó chúng ta hiểu rằng những điều Chúa nói là chân lý, và việc Chúa nói thì Chúa thực thi cho ta. 

Giờ đây mỗi người chúng ta đón nhận thông điệp Chúa Trời đây và cùng nhau suy gẫm qua trong dụ ngôn này, chúng ta thấy có ba nhân vật : 

Tiên khởi là Người Cha, Người Cha là biểu hiện lòng khoan hồng của Thiên Chúa. Lòng khoan hồng đó làm cho người con út ngạc nghiên. Vì sự tiếp nhận của Nguời Cha biểu thị trăm lần, vạn lần hơn sự yêu thương và tự nhiên, mà tất cả những gì người con út có thể tưởng tượng ra : anh chỉ nghĩ có được chén cơm, cái bánh để ăn, có được việc làm như kẻ tôi tớ trong nhà cha mình, là phúc phận cho anh lắm rối ! Người con út không dám mơ tưởng gì hơn nữa. Thế nhưng, những gì anh nghĩ điều trái ngược, vì Cha anh đã ban cho anh một bữa đại tiệc, có rượu ngon, bê béo, có người phục dịch, thế mà chưa đủ lòng Cha, Người Cha còn bảo những người giúp việc đưa ao mới cho cho anh măc, đưa nhẫn cho anh xỏ, đưa giày cho anh mang vào. Người Cha xem anh như một hoàng tử, dạ tiệc có đàn ca múa hát giúp vui như ở trong cung đình. 

Thế đó, người con hành động dại dột bỏ Cha để đi xa… Khi biết quay đầu về, Người Cha đã không một lời trách mắng, thì nay hoàn toàn được phục chức trong vị thế của người con. Chúng ta thấy người con út đã đoạn tuyệt, anh ta « đã chết », anh ta tự làm cho mình chết. Thế nhưng qua tình thương, qua sự âu yếm của Cha anh, đã làm cho anh được hồi sinh. 

Từ đó, mỗi người chúng ta cùng tất cả tội nhân, là tội trọng hay tội nhẹ, nên tin tưởng rằng Thiên Chúa hành động như Người Cha của dụ ngôn này. Phần chúng ta, dấu chỉ của Chúa Trời, là Ngài sẽ chạy đến bên ta « Chúa chạy nhanh đến ôm cổ ta » (Lc.15,20), rồi hôn lấy hôn để ; - Thiên Chúa không cần nói nhiều, không kể rõ những sai lầm va bất hạnh của ta. Chúa Trời không hạch sách tội chúng ta, không vạch tội từng ly từng tí. Do đó, chúng ta chỉ cần một cử chỉ, một cái nhìn, một vài lời ấp a ấp úng, một cách nói không ra lời của ta. Tuy nhiên, Thiên Chúa thấy cả, biết hết, hiểu hết. Những gi Chúa Trời thấy, Ngài hiểu, nhất là những gì Chúa Trời thích thú : đó chính là sự trở về của ta với Ngài. Qủa thực, sự trở về của chúng ta đã tạo niềm hân hoan cho Chúa Trời. Bởi vì niềm vui lớn lao hơn cả của Thiên Chúa và trong Nước Trời, đó là « chỉ cần một con người tội lỗi hoán cải, còn hơn là chín mươi chín người công chính không cần đến sự hoán cải » (Lc.15,7). 

Còn người con cả « anh Hai », thì từ chối không thèm tham dự dạ tiệc mừng của em mình, sau bao năm tháng dài bỏ nhà đi hoang, miệt mài ăn chơi cho thỏa thích, túng quẫn đường cùng, nên hội hận, ray rức quay đầu trờ về Nhà Cha để thú tội ngu dại của mình. Người anh Hai tự cho mình là trong sạch. Anh Hai tự hào mình là người trung thành với Cha trong việc hầu hạ cơm nước, săn sóc phụng dưỡng Cha già mọi lúc, mọi hoàn cảnh : như khi trời trở gió, khi nắng khi mưa, anh hắng ở bên cạnh Cha già. Nhất là anh không tiêu xài hoang phí của Cha. Việc trong nhà ra việc đồng áng, chăn nuôi, anh quản xuyến ngăn nắp đâu vào đó thật chu đáo. Người Cha không thể chê trách anh một điều nào trong sự hiếu thảo phụng dưỡng này. Nhưng khổ thay, anh Hai có một con tim quá cứng rắn khắc nghiệt, mà anh không biết. Một con tim không có khả năng tha thứ, cững không đủ khả năng yêu thương trọn nghĩa huynh đệ. Chúng ta thấy do sự khoan hồng độ lượng của tấm lòng tha thứ của Người Cha, đã lột trần những yếu đuối của người con cả này, mà Ông hằng tin là người con có tình thương huynh đệ chí tình. Qua hành động cuả người con cả, nó bộc lộ cái tội của những người tự cho lòng mình vô tội, trong sạch. 

Thế đó qua dụ ngôn tuyệt với này, qua người anh Hai và ngưởi em út, cho ta thấy được một trong những cái cảm nghiệm đẹp nhất của lòng người. Nhất là cái cảm nghiệm tình yêu cao thượng vô lượng của Cha anh, cái cảm nghiệm nhận ra được niềm vui sâu thẳm của sự giao hòa, và để cho Cha giao hòa với ta. 

Như trong một tấm gương soi, chúng ta có thể nhìn chính mình qua ba nhân vật này, hầu khám phá ta, là ai trong họ, và chúng ta sẽ trở nên như thế nào, có thể sẽ trở thành ra sao ? Có lẽ có những ngày chúng ta có được tâm tinh như Người Cha đây, trở nên hiền dịu, độ lượng, đón nhận người con lỗi lẫm, hoang đàng về với ta, đón nhận người con trong sự khoan hồng tha thứ cùng vui sống. Để rồi trong thời gian mùa chay này, thực tế có nhiều anh chị em chúng ta đang chờ đợi một cử chỉ hay một lời nói tha thứ của ta. Chúng ta có chạy đến với họ để tha thứ lỗi phạm của họ chăng ? 

Vả nữa, cũng có những ngày khác, chúng ta có thể là con người buồn sầu như người con út, bị gặm nhắm những sai trái, phạm tội của mình. Vào lúc đó, phải chăng chúng ta sẽ quay đầu trở về cùng Cha ta ? Hay phải chăng chúng ta đóng kín tâm hồn trong nỗi u sầu phiền muộn của mình ? Xin bảo đẳm rằng Chúa Trời là Cha của chúng ta, Ngài sẽ đón nhận ta! Tại Sao chúng ta còn ngần ngại gì, không chạy nhanh đến lao vào trong vòng tay êm ái của Ngài ? 

Là phàm nhân, nên cũng có những ngày chúng ta rất giống người con cả. Do thế, chúng ta cần một điều khấn xin Thiên Chúa là Người Cha khoan dung, nhân hậu thay đổi chính con tim ta : từ một con tim chai đá trở thành một con tim thịt, biết yêu thương cùng tha thứ như Chúa Trời. Amen ! 

Lm. Phêrô Lê Quang Dũng
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét