Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

TIN VÀ SỐNG ĐIỀU MÌNH TIN







Chủ nghĩa Cộng Sản đã bị thế giới kết án và đồng nhất nó với tội ác chống nhân loại ( Nghị Quyết 1481 ngày 25/01/2006 của HĐ Châu Âu). Sự kết án ấy là cần thiết bởi vì đó là phản ảnh của lương tâm con người. Tuy nhiên cũng chính vì thế người ta không khỏi nêu thắc mắc về việc Công Đồng Vatican II đã bỏ qua việc kết án chủ nghĩa CS cũng như tìm cách lý giải nguyên nhân của nó “ Đang khi GH cử hành biến cố kỷ niệm 50 năm khai mạc Công Đồng Vatican II có một điều ít được biết đến nhưng được xem là một khía cạnh bất ổn của Công Đồng = đó là sự thiếu vắng hoàn toàn của bất cứ mọi tài liệu liên quan đến hay lên án chủ nghĩa CS trong các bản văn của Công Đồng, cho dù trong thực tế tại thời điểm đó Liên Bang Xô Viết đang nắm giữ những quyền lực cao nhất. Trong nhiều năm qua người ta đã suy đoán về những nguyên nhân đem đến sự thiếu vắng đó, trong khi những người khác lại quan tâm về những hậu quả do nó đem đến cho GH Công Giáo ngày nay cũng như toàn thế giới” ( Nguồn Lamhong.org ngày 01/2/2013 Tại sao CĐ Vatican II bỏ qua việc lên án chủ nghĩa Cộng Sản ? )

Công Đồng Vatican II không hề có một lời dù gián tiếp để kết án CNCS. Thế nhưng đây hoàn toàn không phải chủ trương của Giáo Hội mà có thể nói nó còn trái ngược “ Trong những năm gần đây bức màn bí ẩn về sự kiện gạt bỏ này đã dần dần được vén mở khi các nhà sử học phát hiện những bằng chứng không thể chối cãi được nhằm giải thích sự thiếu vắng hoàn toàn của bất cứ mọi tài liệu tham khảo về chủ nghĩa CS trong các bản văn của Công Đồng. Sự thiếu vắng xảy đến như là một điều ngạc nhiên vào thời điểm đó bởi vì ngay cho đến khi khai mạc Công Đồng, Giáo Hội đã nhiều lần lên tiếng chống lại chủ nghĩa CS trong giáo lý của mình. Những lời lên án của Giáo Hội thật là rõ ràng và không thể nhầm lẫn được, phù hợp với các Tông Huấn của đức giáo hoàng Pio XII, người đã không bao giờ do dự trong việc tố cáo chủ nghĩa CS cho đến khi ngài qua đời vào năm 1958” ( Nguồn Lamhong.org đã dẫn ).

Phải chăng Giáo Hội là Công Đồng và ngược lại Công Đồng cũng tức là Giáo Hội ? Nếu nhìn nhận điều này là đúng thì chúng ta không thể hiểu tại sao trước thì chống, sau lại không ? Thật sự thì trong tính chất Nhiệm Thể, Giáo Hội không bao giờ thay đổi, bởi lẽ “ Đức Kito hôm qua hôm nay và cho đến muôn đời vẫn duy nhất là một” ( Dt 13, 8 ). Giáo Hội là Thân Mầu Nhiệm Đức Kito không thay đổi mà chỉ có các quan niệm thay đổi. Sở dĩ CĐ Vatican II thay đổi như vậy vì quan niệm đã đổi thay “ Các nhà sử học đã luận bàn về một số yếu tố dẫn đến việc chủ nghĩa CS đã không được mảy may đề cập tới trong toàn bộ Công Đồng. Yếu tố đầu tiên là thời điểm của Công Đồng = đó là những năm trong thập niên sáu mươi và một tinh thần lạc quan mới đang bao trùm trên toàn thế giới như nhà giáo sử Roberto de Mattei tác giả cuốn Vatican II – An Untold Story giải thích = chính trong thời điểm đó những trào lưu phản đạo đức đang hình thành và tiếp diễn” ( Nguồn Lamhong.org đã dẫn ).

Tinh thần lạc quan mới ở đây chẳng phải điều chi khác mà đó chính là sự thắng thế của não trạng duy lý. Với duy lý Giáo Hội thông qua Công Đồng đã thực sự xoay chiều = Thay cho kết án là đại kết, thay cho loại trừ là đối thoại “ Thời Trung cổ những Tòa Án Dị Giáo được thành lập để xét xử những nhà khoa học, các nhà tư tưởng có quan điểm trái với Kinh Thánh. Nhà bác học Galilei ( 1596 – 1650 ) đề cao giá trị của duy lý đều bị Giáo Hội kết án nặng nề. Đặc biệt có những nhà khoa học bị kết án đưa lên giàn hỏa thiêu như Jordano Bruno, Jean Hus …Đến CĐ Vatican II thai độ của GH đã thay đổi hẳn = Có hai hành vi tri thức khác nhau, lãnh vực đức tin và lý trí. Giáo Hội không cấm các kỹ thuật và các bộ môn văn hóa nhân loại dùng những nguyên lý và phương pháp riêng trong phạm vi của mình. Do đó GH nhìn nhận sự tự trị hợp pháp của văn hóa nhất là khoa học” ( Nguồn Lamhong.org – 14/10/2012 – Công Đồng Vatican II – Nửa thế kỷ nhìn lại ).

Nhìn nhận sự tự trị hợp pháp của văn hóa, điều ấy có nghĩa kể từ đây Giáo Hội không còn xác quyết tính chân lý ở nơi mình. Đang khi ấy trong lãnh vực tâm linh khẳng định chân lý mà mình theo đuổi là việc vô cùng thiết yếu cho việc tìm kiếm. Tại sao ? Bởi chân lý cần tìm ấy chính là Đấng Cha nội tại duy chỉ Đức Kito mới biết “ Ngoài Cha không ai biết Con cũng như ngoài Con và người nào Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22). Bởi chỉ có Đức Kito biết còn phàm nhân thì không nên chúng ta mới cần phải hết lòng tìm và việc tìm kiếm ấy hoàn toàn khác với thế gian. Tất cả việc tìm kiếm của người đời đều không ngoài sự thỏa mãn cho “ Cái Tôi”. Trái lại để tìm và gặp được Đấng chưa ai từng thấy biết ( Ga 1, 18) ấy thì phải bỏ mình tức bỏ “ Cái Tôi” đi. Cần phân biện cách rạch ròi như thế để thấy rằng việc xác quyết của Giáo Hội cho việc tìm kiếm chân lý là điều hết sức cần. Trái lại một khi Giáo Hôi đã không quả quyết về chân lý mà mình rao giảng vậy thử hỏi ai còn dám theo ? Cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng và sâu sác như hiện nay đang thấy là do đã không ai còn tìm kiếm Đấng đáng cần tìm “ Trong sứ điệp gửi giới trí thức do hồng y P. Leger đọc hôm bế mạc Công Đồng ( 8/12/1965) còn khẳng định rõ ràng hơn = Giáo Hội không chống đối, không loại trừ mà còn hợp tác: Con đường quý vị cũng là con đường của chúng tôi. Chúng tôi là những người bạn đồng hành cũng được kêu gọi để tìm kiếm như quý vị. Cùng chia sẻ mệt nhọc với quý vị cùng chung tiếng thán phục những thành quả của quý vị và nếu cần có thể khích lệ khi quý vị nản chí và thất bại” ( Nguồn Lamhong.org Ngày 14/10/2012).

Xác nhận mình là bạn đồng hành cùng với thế gian trong việc tìm kiếm, điều ấy khiến Giáo Hội tự đánh mất ơn gọi làm Con Chúa “ Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được kêu gọi đến một hy vọng, một Chúa một đức tin một phép rửa, một ĐCT là Cha của mọi người, Ngài vượt trên mọi người suốt qua mọi người và ở trong mọi người” ( Eph 4, 4 -6). Chỉ có một thân thể là Thân Mầu Nhiệm tức cũng là Giáo Hội Tông Truyền do Đức Kito thiết lập. Chúa thiết lập Giáo Hội đồng thời kêu gọi chúng ta phải ở lại trong ngài hầu sinh hoa kết quả “ Ta là cây nho, các ngươi là cành. Ai cứ ở trong Ta và ta ở trong họ thì nấy kết quả nhiều. Vì ngoài Ta các ngươi không thể làm chi được” ( Ga 15, 5). Chúa nói không ai có thể làm chi được có nghĩa nếu không có sự chỉ lối dẫn đường của Ngài thì chúng ta không thể nhận biết Thiên Chúa như là Đấng Cha của mình. Nhận biết Thiên Chúa là Cha, đó hoàn toàn không phải là việc của tri thức nhưng trước hết là của đức tin. 

Cho rằng có thể nhận biết Thiên Chúa bằng tri thức ( lý trí ) như vậy vô hình chung đã gạt bỏ vai trò cứu độ của Đức Kito. Thần học từ bấy lâu nay vẫn theo đuổi con đường tri thức, bởi đó cho nên Thiên Chúa của họ trước sau vẫn chỉ là một thứ quan niệm chứ không phải thực tại. Giữa quan niệm và thực tại có sự khác biệt triệt để thế này. Một đàng là ý niệm người ta có về sự vật, một đàng là chính sự vật như nó là. Có ý niệm về cái nhà là một nhẽ, còn có cái nhà trong thực tại lại là chuyện khác. Người ta chỉ có thể “ Ở” ( cư ngụ ) trong một cái nhà ( thực tại) chứ không thể “Ở” trong ý niệm dù ý niệm đó có thể là một tòa lâu đài nguy nga tráng lệ v.v…

Thiên Chúa là Thực Tại Vĩnh hằng và đây là cái khát vọng muôn thuở mà nhân loại dù Đông hay Tây, dù kim hay cổ cũng đều luôn hướng về. Đức Kito từ trời xuống thế, mục đích là để chỉ ( mạc khải ) cho con người Thực Tại bất sinh bất diệt ấy bằng nhiều hình ảnh khác nhau. Khi này là Nước Trời, khi khác lại là Đấng Cha nhân lành v.v..Dù dưới bất cứ hình ảnh nào thì Đức Kito cũng đòi hỏi con người cần phải tìm kiếm trong đức tin, vì chưng đối tượng cần tìm kiếm ấy chẳng ở đâu xa ngoài bản tâm mỗi người “ Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức là Đạo Đức Tin mà chúng tôi rao giảng đây. Vậy nếu miệng ngươi nhận Giesu là Chúa và lòng ngươi tin ĐCT đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu” ( Rm 10, 8 – 9 ).

Toàn bộ việc sống đạo của Kito hữu chúng ta từ thuở sơ khai Giáo Hội đến nay đều nhắm đến một mục đích đó là làm sao để nhận biết Chúa Giesu là đấng Cứu Độ. Các Tông Đồ đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần dù bị bách hại, sỉ nhục cấm đoán nhưng vẫn nỗ lực rao giảng chân lý “ Vậy các sứ đồ ra khỏi công hội đều lấy làm vui mừng vì mình được kể là xứng đáng chịu nhục vì Danh Giesu. Mỗi ngày tại đền thờ hoặc ở nhà ( tư gia ) họ không ngớt dạy và giảng Chúa Giesu là Đấng Kito” ( Cv 5, 41 -42).

Giảng dạy và làm chứng cho Chúa Giesu Đấng Cứu Độ là việc hết sức cần thiết nhưng cũng rất mực khó khăn. Bởi chưng việc ấy chẳng những đã đụng chạm đến lòng tin cố hữu của con người mà còn với cả những thế lực của nhà cầm quyền, lo sợ ảnh hưởng của Kito giáo có thể tranh đoạt quyền bính với họ. Với người Do Thái người ta khăng khăng cố chấp vào Đấng Messia theo quan niệm của cha ông. Còn với người Hy Lạp thì vụ vào lẽ khôn ngoan triết học để khi nghe Thánh Phaolo giảng về sự sống lại thì buông lời chế diễu “ Khi chúng nghe đến sự sống lại của kẻ chết, người thì nhạo cười, kẻ thì nói rằng thôi để lúc khác chúng ta sẽ nghe ngươi nói về việc ấy” ( Cv 17, 32).

Dù là Do Thái, Hy Lạp xưa kia hay tại bất cứ quốc gia xứ sở nào hiện nay thì việc chống đối cản trở niềm tin Chúa Giesu Đấng Cứu Độ vẫn cứ như vậy có nghĩa vẫn là do sự mù quáng cố chấp thúc đẩy. Sự cố chấp ấy dưới bất cứ hình thức nào, dù là ý hệ vô thần CS hay tự do dân chủ kiểu Mỹ Âu cũng đều là do bị khống chế bởi một “ Cái Tôi” nghiệt ngã “ Trong diễn văn khai mạc Cơ Mật Viện hôm 18 tháng Tư 2005, đức hồng y Joseph Ratzinger đã tổng kết cách sâu sắc tình hình của một thế giới đang bị thống trị bởi một chế độ độc tài của Chủ Nghĩa Tương Đối với những lời như sau = Biết bao nhiêu làn gió chủ thuyết mà chúng ta đã biết đến trong những thập niên cuối cùng ... Con thuyền nhỏ tư duy của nhiều Kito hữu thường bị đánh bởi những đợt sóng này, trôi dạt từ thái cực này sang thái cực khác, từ Mác Xit tới chủ nghĩa tự do tới mức chủ nghĩa tự do phóng túng. Từ chủ nghĩa tập thể đến chủ nghĩa cá nhân. Từ chủ nghĩa vô thần tới chủ nghĩa duy huyền bí tôn giáo mơ hồ. Từ chủ nghĩa vô tín đến chủ nghĩa hỗn tạp và vân vân. Nhiều giáo phái mới được đẻ ra mỗi ngày và xảy ra điều mà Thánh Phaolo đã nói về sự lường gạt con người và sự tinh quái nhắm lôi kéo con người đến chỗ lầm lạc ( X Eph 4, 14). Có một đức tin rõ ràng theo Kinh Tin Kính của Giáo Hội lại bị gán cho nhãn hiệu cuồng tín. Trong khi chủ nghĩa tương đối nghĩa là để chính mình bị sóng đánh trôi dạt theo mọi chiều gió đạo lý dường như lại là cách thức hành xử duy nhất thức thời. Người ta đang thành lập một chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối, nó không nhìn nhận điều gì là chung kết và để cho cái tôi và ý muốn của mình là mẫu mực duy nhất” ( Nguồn Vietcatholic – J.B Đặng Minh An 11/2/2013)/

Theo nhận định của đức Thánh cha thì nhiều Kito hữu hiện nay sống không có định hướng và như thế ắt không khỏi bị trôi dạt vào hết chủ thuyết này tới chủ thuyết khác, bỏ Đạo Thật để đi theo các loại giáo phái khác v.v…Định hướng của chúng ta chỉ có thể là đức Giesu Kito, Ngài là Đấng trung gian duy nhất dẫn đưa ta đến với Thiên Chúa là Cha của mỗi người “ Trong Ngài chúng ta nhân đức tin đến Ngài được vững lòng dạn dĩ mà vào cùng Đức Chúa Trời” ( Eph 3, 12). Tin vào Đức Kito Đấng dẫn Đường, đó là điều kiện tiên quyết để được cứu rỗi. Thế nhưng để có được lòng tin ấy thì không thể không sống Lời Ngài “ Vậy hễ ai nghe lời Ta đây mà làm theo thì ví như người khôn ngoan cất nhà mình trên đá tảng. Có mưa tuôn nước đổ, gió dập vào nhà ấy song cũng không sập vì đã xây trên đá” ( Mt 7, 24 -25).

Làm theo lời Chúa dạy, tất cả cũng không ngoài việc bỏ mình ( Mt 16, 24) tức bỏ đi ý riêng mình. Bỏ ý riêng, việc ấy tuy khó mà dễ, dễ mà khó. Nó khó bởi đây là bỏ đi “ Cái Tôi” một việc mà cả thế gian không ai làm được. Còn dẽ là bởi chỉ cần hết lòng tín thác vào Chúa “ Không có Thầy các con không thể làm chi được” ( Ga 15, 5).


Phùng Văn Hóa
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN




0 nhận xét:

Đăng nhận xét