LTCGVN (17.02.2013)
Sàigòn
Đức Gioan 23 đã có lần nói với một vị đại sứ: “Phải quét sạch lớp bụi vương đế đã đóng dày đặc trên Tòa Phêrô, từ Constantin…” (Trích theo Yves Congar). Lời quả quyết ấy không phải là một “mặc cảm tội lỗi”, nhưng là một phản ứng chân thành và lành mạnh của một con người mến yếu tha thiết Giáo hội, đã từng qua bao nhiêu năm làm đại diện cho Tòa Thánh tại các nước Âu Châu và Trung Đông trước khi lên ngôi Giáo hoàng. Nói lời ấy, Đức Gioan 23 không sợ ai tố cáo ngài, bôi nhọ Giáo hội hay tiếp tay cho những kẻ phá hoại Giáo hội. Với tất cả sự khiêm tốn, ngài đã nhận định những khuyết điểm, những yếu đuối, những kiểu sống vương đế, những cái nhìn trần tục, những thái độ háo thắng của những người sống trong một Giáo hội thánh thiện bắt nguồn từ một vị Thiên Chúa làm người, sinh nghèo nàn trong hang bò lừa và chết nhục nhã trên thập giá. Sống sát cánh với anh em phân cách của Giáo hội Chính thống ở Trung Đông, Đức Gioan 23 đã ý thức rằng chính sự tự tôn mặc cảm, chính những thái độ háo danh, háo lợi của một số tín hữu Công giáo, từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên, là lớp bụi dày đặc phủ lên mặt chí thánh của Giáo hội, làm cho anh em phân cách khó nhìn thấy vẻ diễm lệ của Giáo hội Chúa Kitô. Chính đức ông Montini, tức là Đức đương kim Giáo hoàng Phaolô VI, cũng đã nói vào năm 1946: “Hội Thánh cũng đọc kinh cáo mình…” và trong bài diễn văn ngày 30/09/1963, khai mạc Công đồng khóa II, chính ngài đã xin Thiên Chúa và anh em phân cách tha lỗi cho tín đồ La Mã, nếu không quá khứ tín đồ Công giáo đã góp phần vào việc ly khai, chia rẽ. Tiếp nối những tư tưởng đó, cha Congar, một nhà thần học trứ danh và chuyên viên của Công đồng Vatican II, đã nhận định rằng Giáo hội phải dần dần khử trừ những thái độ bám lấy thể diện và phô trương lực lượng, gạt bỏ những gì có tính cách đế quốc và vương giả, để cho thế giới và anh em phân cách có thể nhìn ra khuôn mặt của Đức Kitô nới Giáo hội.
Ngoài công việc “quết sạch lớp bụi” ấy, Giáo hội còn cần phải đi đến với kẻ khác, cởi mở và đối thoại, lấy chân lý làm nền tảng, cong bình làm mực nước, tình thương làm động lực và tự do làm khí thở. Nhưng cởi mở và đối thoại không thể chỉ là một thái độ trí thức, lồng vào trong các bài diễn từ, hoặc trong các suy niệm vô bờ bến. Trái lại cần phải thực hiện trong những cử chỉ, những tác động cụ thể và linh động, hết sức nhân loại và đồng thời hết sức siêu nhiên. Cởi mở và đối thoại như thế mới đi đến hợp nhất được.
Chính nhờ Đức Gioan 23 đã khởi đầu chiến dịch “quét lớp bụi vương đế” mà ngày nay anh em phân cách đã có thể một phần nào dễ dàng đi đến với Giáo hội. Và thái độ cởi mở đối thoại trong tự do và chân lý cũng thấy xuất hiện nơi các Giáo hội khác. Sự có mặt các quan sát viên của các Giáo hội phân cách gởi đến dự Công đồng, cũng như các cuộc thăm viếng của các giáo chủ, hoặc đại diện các giáo chủ tại Rôma, hay nơi khác phải được thẩm định không như những cử chỉ xã giao, nhưng là những nổ lực tìm hiểu nhau, quý mến nhau, đề cùng xây dựng sự hợp nhất của Giáo hội, đúng với ý nguyện của Chúa Kitô. Hơn nữa chúng ta phải nhìn nhận rằng những thái độ đó là những tác động của Chúa Thánh Thần đang hướng dẫn những con người cùng chung một lòng tin, cùng thờ một Cha, cùng được cứu rỗi bởi một Chúa Kitô và được thánh hóa bởi cũng một Chúa Thánh Thần.
Nói đến những tác động của Chúa Thánh Thần trên con đường hợp nhất Giáo hội, chúng ta không thể không nghĩ đến cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Phaolô VI và Đức giáo chủ Chánh thống Athe1nagoras, vào tháng giêng năm 1964 tại Giêrusalem. Mới đây cuộc thăm viếng chính thức của tiến sĩ Ramsey, giáo chủ Anh giáo, vào cuối tháng 3 vừa qua, tại Rôma, còn là một biến cố lịch sử khác, như Đức hồng y Bea đã quả quyết công khai. Hơn thế nữa, cuộc gặp gỡ này là một dấu chỉ thời đại, nghĩa là sau 400 năm phân cách và chống đối giữa Giáo hội Rôma và Giáo hội Anh quốc, cuộc gặp gỡ giữa hai vị giáo chủ tỏ hiện như một hồng ân của Thiên Chúa ban cho thời đại ta. Hai ngày trước khi Đức Giáo chủ Anh giáo đến thăm, Đức Phaolô VI đã nói với hàng ngàn dân chúng tụ tập tại công trường Thánh Phêrô: “Tuy chưa phải là một cuộc viếng thăm hợp nhất hoàn toàn, nhưng đã là một cuộc viếng thăm thân hữu và hướng về hợp nhất. Chính vì thế mà chúng tôi cảm động và sung sướng chờ đợi. Hãy cầu nguyện để Chúa ban cho Giáo hội ơn hợp nhất tất cả các kitô hữu…”. Dĩ nhiên, không một ai lại quá đơn sơ tin rằng cuộc viếng thăm này có thể giải quyết tất cả mọi vấn đề đã chồng chất qua bao nhiêu thế hệ giữa hai Giáo hội. Nhưng điều chính yếu cho ngày nay, là cuộc viếng thăm ấy đã tạo nên một bầu không khí thông cảm hơn, huynh đệ hơn cho bên này và bên kia. Thông cảm và huynh đệ chân thật, để có thể bước thêm một chặng dài trên con đường thực hiện hợp nhất các tín hữu Chúa Kitô. Cuộc viếng thăm của giáo chủ Ramsey mang nặng tính cách thông cảm và huynh đệ chân thật đó, thể hiện Tin Mừng của Đức Kitô trong thời đại chúng ta.
Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Số 204-5/1966
Nguồn: VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét