Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Nghi thức và thủ tục của Mật nghị bầu tân Giáo hoàng



Trong khi chờ đợi tin tức chính thức từ Vatican, về diễn biến của việc bầu cử tân Giáo hoàng, mời xem tin tức về nghi thức và thủ tục của Mật nghị bầu tân Giáo hoàng năm 2005, để chúng ta có chút ý niệm trước khi theo dõi những gì xảy ra trong cuộc bầu rất quan trọng năm nay.

Nghi thức và thủ tục của Mật nghị bầu tân Giáo hoàng năm 2005  


Nguyện đường Sistine - nơi Mật tuyển viện họp bầu tân Giáo hoàng  

Sáng Thứ Bảy 16-4-2005, vị giám đốc văn phòng báo chí Toà Thánh đã phổ biến sau đây những gì liên quan đến cuộc tuyển bầu vị tân giáo hoàng của Giáo hội Công giáo Rôma vào Thứ Hai 18-4, ngay sau khi kết thúc Tuần Cửu Nhật cầu cho cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II. 

“Thứ Hai, 18-4, 115 vị hồng ý thuộc 52 quốc gia đại diện cho 5 châu lục sẽ bắt đầu mật nghị đầu tiên cho thiên kỷ thứ ba của mình để tuyển bầu người kế vị Thánh Phêrô thứ 264, tức là vị Giáo hoàng thứ 265 trong lịch sử Giáo hội Công giáo. 

“Các vị hồng y sẽ đến Trú viện ‘Domus Sanctae Marthae’ chiều Chúa Nhật 17-4. Tất cả các vị sẽ gặp nhau ở bữa ăn tối. 

“Như đã được đề cập đến trước đây, Thánh lễ ‘cầu cho việc tuyển bầu Giáo hoàng’ sẽ được cử hành ở Đền thờ Vatican vào lúc 10 giờ sáng Thứ Hai.

“Vào lúc 4 giờ 30 chiều Thứ Hai, các vị hồng y tuyển bầu diễn hành từ Sảnh đường Chư Phúc đến Nguyện đường Sistine. Nghi thức này sẽ được thu truyền hình tại chỗ. 

“Vào trong Nguyện đường Sistine rồi, tất cả mọi vị hồng y tuyển bầu sẽ tuyên thệ. Vị trưởng đoàn hồng y sẽ đọc mẫu tuyên thệ, sau đó mỗi vị hồng y, nói lên tên của mình và đặt tay trên sách Phúc Âm, tuyên bố những lời: ‘Tôi xin hứa quyết, bảo đảm và thề nguyền’. 

“Trong những ngày ấy sẽ thường nói đến vấn đề buộc phải giữ mật về vấn đề tuyển bầu Giáo hoàng. Tuy nhiên, tôi xin lặp lại rằng đây chỉ là một phần của lời tuyên thệ mà thôi. Trước hết, có lời tuyên thệ về việc tuân giữ các quy định của Tông hiến Mục tử toàn thể đoàn chiên Chúa ‘Universi Dominici gregis’; rồi còn có cả lời tuyên thệ khác nữa, tôi xin trích, đó là ‘bất cứ ai trong chúng tôi, theo quan phòng thần linh, được tuyển chọn làm Giáo hoàng sẽ dấn thân trung thành thi hành vai trò là người kế vị Thánh Phêrô làm mục tử của Giáo Hội hoàn vũ’. 

“Sau khi đã tuyên thệ xong, vị trưởng ban lễ nghi giáo hoàng sẽ tuyên bố ‘extra omnes’, thì tất cả những ai không tham dự mật nghị này sẽ rời Nguyện đường Sistine. Chỉ có vị trưởng ban lễ nghi giáo hoàng và ĐHY Tomas Spidlik còn ở lại tham dự việc suy niệm, sau đó, hai vị cũng phải ra khỏi Nguyện đường Sistine nữa. 

“Trong cuộc mật nghị này, các vị hồng y sẽ theo lịch trình sau đây: 

“Vào lúc 7 giờ 30 sáng, cử hành hay đồng tế Thánh lễ ở Trú viện Domus Sanctae Marthae. Vào lúc 9 giờ sáng các vị sẽ ở tại Nguyện Đường Sistine. Ở đây, các vị sẽ nguyện Kinh Phụng Vụ Ban Mai, và liền sau đó, việc bỏ phiếu sẽ diễn tiến theo nghi thức được quy định (2 lần vào buổi sáng và 2 lần vào buổi chiều). Vào buổi chiều, việc bỏ phiếu sẽ được bắt đầu vào lúc 4 giờ. Sau lần bỏ phiếu lần hai là Nguyện Giờ Kinh Phụng Vụ Tối.

“Sau 2 lần bỏ phiếu sáng và 2 lần bỏ phiếu chiều riêng biệt, các lá phiếu và bất cứ ghi chú nào của các vị hồng y đều được đốt đi ở một cái lò đặt trong Nguyện đường Sistine. Những dấu khói có thể xuất hiện vào khoảng 12 giờ trưa và 7 giờ tối để báo hiệu cho biết (trừ phi vị tân Giáo hoàng được tuyển chọn hoặc vào lần bỏ phiếu đầu tiên ban sáng hay lần bỏ phiếu đầu tiên ban chiều thì dấu khói sẽ được thông báo sớm hơn giờ ấn định). Dầu sao thì vấn đề được ấn định là, cùng với khói trắng bốc lên, chuông Đền thờ Thánh Phêrô cũng sẽ vang lên báo hiệu việc tuyển chọn đã hoàn tất.  


 

Ống khói trên Nguyện đường họp Mật tuyển viện

Những quy định của Tông hiến Mục tử toàn thể đoàn chiên Chúa ‘Universi Dominici gregis’ liên quan tới diễn tiến của việc bỏ phiếu:

Đầu tiên số phiếu hiệu thành được qui định để vị Giáo hoàng được tuyển chọn là 2/3. Sau 3 ngày bỏ phiếu không xong, sẽ có một ngày hoàn toàn dành cho việc suy tư và cầu nguyện, không bỏ phiếu gì. 

Sau đó, cuộc bỏ phiếu lại tái diễn với 7 lần bỏ phiếu nữa, rồi ngừng lại để suy nghĩ, đoạn tới 7 lần bỏ phiếu khác, rồi lại suy nghĩ và bỏ phiếu thêm 7 lần nữa. Sau đó, đa số tuyệt đối sẽ quyết định phải tiến hành ra sao, tức là, hoặc bỏ phiếu theo tuyệt đối đa số hay bỏ phiếu chọn 2 ứng viên. Điều này chỉ xảy ra sau khi các vị hồng y đã bỏ phiếu đến lần thứ 33 hay 34 mà không có kết quả gì. 

“Liên quan tới lần bỏ phiếu đầu tiên vào Thứ Hai, các vị hồng y sẽ quyết định các vị có bỏ phiếu hay chăng sau khi các vị vào mật nghị buổi chiều Thứ Hai hôm đó, 18-4. 

Địa điểm cho cuộc mật nghị này là Trú viện Domus Sanctae Marthae và Nguyện đường Sistine. 

Các vị hồng y có thể đi bộ theo lối dọc con đường ở đằng sau Đền thờ Vatican, hay nếu muốn các vị có thể đi xe buýt. Bình thường thì lối đi này không có dân chúng. Lối vào vườn San Damaso sẽ bị niêm phong không cho ai ra vào. 

Khách hành hương thăm viếng trong những ngày này sẽ không được tới tháp Đền thờ Thánh Phêrô hay các Khu Vườn Vatican. 

Tuy nhiên, khách hành hương vẫn có thể đến viếng mộ của Đức Gioan Phaolô II vào những giờ Hầm Mộ Vatican mở cửa.

Các cuộc Tổng nghị Hồng y đã được kết thúc hôm nay. Ở vào cuối những cuộc họp này, tôi xin tường trình thêm 2 điều sau đây. Bầu khí của các cuộc tổng nghị này diễn ra rất thân tình. Điều này có thể cho thấy tất cả mọi vị hồng y đều cảm thấy trách nhiệm lớn lao vào lúc này. Sự kiện này đã giúp cho các vị có thể có được những đồng lòng thật sự về những đề tài tổng quát khi bàn luận với nhau.

Tôi cũng xin xác nhận là không có một tên tuổi nào đã được đề cập tới trong các lần gặp gỡ này”.  


Hình trên đây là bộ phận nhỏ bằng cái hộp quẹt 
được những tay thám tử sử dụng để theo dõi đối phương.

Người ta đang nghĩ rằng cuộc Mật nghị Hồng y bầu tân Giáo hoàng có thể bị đám truyền thông theo dõi bằng bộ phận thám thính này.

Ngoài ra, cuộc mật nghị này cũng có thể bị theo dõi bởi hệ thông vệ tinh nữa, như hình chụp ở đây cho thấy. Theo tin tức cho biết hiện nay đã có khoảng 6.000 thành phần phóng viên ký giả chực sẵn cho cuộc Mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng này. 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh (dịch theo điện thư của VIS)

***
Lịch sử bầu Giáo hoàng và Mật tuyển viện 

Sáng 18-4-2005, Hồng y đoàn sẽ bắt đầu cuộc họp cơ mật để bầu một người kế vị Thánh Phêrô - vị Giáo hoàng thứ 265 của Giáo hội Công giáo.


Hồng y đoàn vào Nguyện đường Sistine

Nghi lễ sẽ chính thức khởi đầu bằng việc dâng Thánh lễ trước cuộc bầu cử. Các vị Hồng y dưới 80 tuổi sẽ bắt đầu các cuộc họp Mật tuyển viện để bầu cử Giáo hoàng (Mật tuyển viện bầu cử Giáo hoàng - Conclave) bằng cuộc rước trọng thể vào Nhà nguyện Sistina.

Mật nghị sẽ bắt đầu với một bài thuyết giảng của Đức Hồng y Thomas Spidlik và nghi thức thề giữ bí mật tuyệt đối về những gì diễn ra trong Mật nghị. Trong lịch sử, chưa bao giờ nghi thức tuyên thệ giữ bí mật tuyệt đối của các hồng y bị phá vỡ vì bất kỳ lý do nào.

Nguồn gốc ra đời Mật tuyển viện bầu Giáo hoàng 

Trong những thế kỷ đầu, các Đức Giáo hoàng (ĐGH) được chọn đến từ nhiều quốc gia khác nhau, nhưng nhìn chung, các Giáo hoàng người Ý đã chiếm đa số.

Cách thức bầu Giáo hoàng cũng thay đổi qua các thời đại. Năm 1179, Hồng y đoàn (College of Cardinals) là cơ cấu cao nhất trong Giáo Hội được thành lập để bầu Giáo hoàng. Lúc đầu số hồng y trong Hồng y đoàn được giới hạn là 24 vị. ĐGH Phaolô IV (1555-1559) nâng lên 70 vị, tượng trưng cho 70 trưởng lão dân Do Thái ngày xưa. Đến năm 1958, ĐGH Gioan XXIII tăng số hồng y lên 75 vị, và năm 1973, ĐGH Phaolô VI nâng lên 120 vị. Qua Tông huấn Universi Dominici Gregis, ĐGH Gioan Phaolô II đã đưa tổng số hồng y có thể lên tới 180 vị.

Chỉ các hồng y dưới 80 tuổi mới được dự Mật viện (Conclave) để bầu Giáo hoàng, nhưng số hồng y này sẽ không quá 120 vị. 

Tổng số các hồng y hiện nay là 183 vị thuộc 66 quốc gia trên thế giới, nhưng chỉ có 117 vị dưới 80 tuổi là được tham dự Mật Viện để bầu Giáo hoàng, chia ra như sau: 58 vị ở Âu châu, 21 vị ở châu Mỹ Latinh, 14 vị ở Bắc Mỹ, 11 vị ở Phi châu, 11 ở Á Châu, và 2 vị ở châu Úc. 

Thể thức bầu Giáo hoàng hiện nay được ấn định do Sắc lệnh “Romano Pontifici Eligendo” (Sắc lệnh về bầu cử Giáo hoàng Roma) do Đức Giáo hoàng Phaolô VI ban hành năm 1975 được tu chỉnh và bổ túc bằng Tông huấn “Universi Dominici Gregis” (Mục tử toàn thể đoàn chiên Chúa) do ĐGH Gioan Phaolô II ký ban hành ngày 22-2-1996. Tông hiến này quy định chỉ có một cách bầu duy nhất là bỏ phiếu kín sau khi đã cân nhắc kỹ càng. Các vị hồng y sẽ viết tên người mình muốn bầu vào trong một lá phiếu có in hàng chữ Latinh “Eligo in summo Pontifice” (Tôi xin bầu lên chức vị Giáo hoàng), gấp lá phiếu lại làm bốn, giơ cao lên và từng vị đặt trên Chén Thánh lớn trên bàn thờ.

Trong lịch sử của Giáo Hội trong 9 thế kỷ gần đây, có 3 cách bỏ phiếu đã từng được áp dụng.

Thể thức bỏ phiếu thứ nhất là “acclamation” (tung hô) trong đó các vị bộc phát xướng tên của vị mà mình muốn bầu Giáo hoàng. Thể thức thứ hai là “commission” (uỷ quyền) trong đó các vị hồng y uỷ quyền cho một uỷ ban tối thiểu là 9 vị hồng y và tối đa là 15 vị hồng y và hứa tuân phục kết quả do uỷ ban này chọn ra. Trong thực tế, từ cuối thế kỷ thứ 14 đến nay, cả hai cách này đều không còn được áp dụng.

Cuộc họp của các hồng y bầu Giáo hoàng vào tháng 11-1268 tại thành Viterbo (phía bắc thành phố Roma) kéo dài trong mấy tháng trời mà không có kết quả. Dân chúng thấy các vị hồng y nhóm họp bầu mãi mà không chọn được Giáo hoàng, họ đã lấy chìa khoá và khoá chặt dinh thự nơi các vị hồng y họp. Nhưng cũng không có kết quả, nên họ giảm phần ăn, chỉ cung cấp nước lã và bánh mì cho các vị mà thôi. Cuối cùng, mất gần 3 năm, vào tháng 9-1271 mới bầu được Giáo hoàng, đó là Đức Giáo hoàng Gregory X. 

Rút kinh nghiệm, Đức Gregory X khi lên ngôi đã thiết lập Mật tuyển viện - conclave, nguyên ngữ Latinh là cum-clave (với chìa khoá) vào năm 1274, nhấn mạnh đến việc giữ kín về tất cả mọi sự việc diễn ra kể từ lúc các hồng y được thông báo về cái chết của Đức Giáo hoàng cho tới khi bầu cử được vị Giáo hoàng mới. Ngài còn ra chỉ thị từ ngày đó trở đi các cuộc bầu Giáo hoàng phải được tổ chức tại một nơi đóng kín nghiêm ngặt, và các vị hồng y phải sống trong điều kiện ăn ở tương đối vừa phải. 

Khói trắng sẽ bốc lên ở đây báo hiệu đã bầu được Giáo hoàng mới. 

Cuộc bầu Giáo hoàng thứ nhất theo chỉ thị này vào năm 1303, bầu ra Đức Giáo hoàng Bênêđictô XI. Sau cuộc bầu cử 1303, có thêm vị Giáo hoàng khác tại thành Avignon ở Pháp. Cuộc bầu Giáo hoàng kế tiếp tại Roma vào năm 1378 khi chọn ra Đức Giáo hoàng Urbanô VI. Sau đó có khoảng trống một thời gian lâu mới có cuộc bầu Giáo hoàng tại Roma vào năm 1455 để bầu cử Đức Giáo hoàng Calllistus III. Năm 1800, Đức Giáo hoàng Piô VII được bầu tại thành Venice chứ không phải tại Roma. 4 cuộc bầu Giáo hoàng sau đó được đưa về Roma, nhưng tại Điện Quirinal Palace, nay là Dinh của Tổng thống Italia. 

Năm 1870, Điện Quirinal Palace trở thành Dinh cư trú của Vua Italia, vì sau khi thống nhất các tiểu vương quốc của Italia thì Roma được chọn làm thủ đô của nước một quốc gia Italia thống nhất.

Vào năm 1878, cuộc bầu Đức Giáo hoàng Lêô XIII diễn ra trong thành Vatican. Và cuộc bầu Giáo hoàng vào ngày 18-4-2005 là cuộc bầu Giáo hoàng lần thứ 54 xảy ra tại Điện Sistine bên trong thành Vatican. 

Trong quá khứ có những cuộc bầu Giáo hoàng rất lâu và khó khăn. Đôi khi có những yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến việc chọn lựa và bầu Giáo hoàng. Đó là các vua chúa các nước ở châu Âu muốn ảnh hưởng, làm áp lực và có khi còn muốn khống chế để bầu ra người mà các vua đó ưa thích. 

Một yếu tố khác nữa là khi đó không có phương tiện thông tin hữu hiệu, sau khi bầu xong Giáo hoàng thì nhiều vị hồng y sống ở xa mới được tin về vị Giáo hoàng đã chết, nên không thể tham dự cuộc bầu Giáo hoàng được.

Thế kỷ 20 có 8 cuộc bầu Giáo hoàng, điểm qua các cuộc bầu cử này, phần nào thấy được những yếu tố lịch sử của Mật tuyển viện. 

1. Tháng 8-1903, 62 vị hồng y họp để bầu ra người kế vị Đức Lêô XIII. Đây là cuộc bầu Giáo hoàng cuối cùng có thế quyền ảnh hưởng vào. Khi đó, các Vua nước Áo, Vua nước Pháp và Vua nước Tây Ban Nha còn đang có quyền "veto" (quyền phủ quyết) các ứng cử viên Giáo hoàng. Chính vì thế, Vua nước Áo đã dùng quyền này loại trừ một ứng cử viên rất vượt trội là Hồng y Mariano Rampolla. Sau này người ta không biết rõ ràng Hồng y Rampolla có phải là người mà các vị hồng y khác chọn làm Giáo hoàng hay không. Thế nhưng trong cuộc bầu này, Hồng y Giuseppe Sarto đã trở thành Giáo hoàng Pius X. Thời gian Mật tuyển viện họp bầu là 4 ngày. Sau khi lên ngôi Giáo hoàng, việc đầu tiên vị Giáo hoàng này làm là viết một sắc lệnh huỷ bỏ đặc quyền "veto" của các vua. Về sau Đức Piô X đã được phong Thánh. 

2. Năm 1914, những ngày đầu của Chiến tranh Thế giới I, Đức Giáo hoàng Piô X băng hà, có 57 vị hồng y họp bầu Hồng y Giacomo Della Chiesa lên ngôi Giáo hoàng sau 3 ngày, qua 10 lần bỏ phiếu, tước vị là Giáo hoàng Bênêđictô XV. Đức Hồng y Chiesa khi đó không phải là ứng cử viên sáng giá và trong danh sách "papabili", nhưng khi đó ngài là Tổng Giám mục thành Bologna, được coi là nhà ngoại giao khéo léo, một khả năng hữu dụng để ngài dẫn dắt Giáo Hội trải qua cơn khủng hoảng Âu châu đang phân hoá và khó khăn vì cuộc đại chiến.

3. Cuộc bầu Giáo hoàng năm 1922 được coi là cuộc tranh cử giữa hai nhân vật nổi bật trong Giáo triều Vatican: một bên là Hồng y "bảo thủ" Merry del Val, bên kia là Hồng y "cấp tiến" Gasparri. Cuộc bầu cử vì thế kéo dài 5 ngày. Sau đợt bỏ phiếu lần thứ 14 (lần bầu lâu nhất thế kỉ 20) mới chọn được Đức Hồng y Achille Ratti của thành Milan và ngài lên làm Giáo hoàng Piô XI. Trong lần bầu cử này, các vị hồng y Hoa Kỳ không tham dự được vì họ đã không tới Roma trước 10 ngày khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu diễn ra. 

4. Cuộc bầu Giáo hoàng năm 1939, châu Âu sắp bước vào cuộc Thế chiến II. Lần bầu cử này, một nhân vật rất được tín nhiệm và tin tưởng với các hồng y: Hồng y Eugenio Pacelli lúc đó là Bộ trưởng Ngoại giao Toà Thánh và trước đây từng là Sứ thần Toà Thánh tại Đức. Tuy có câu nói "Đi vào là Giáo hoàng mà ra khỏi phòng họp vẫn là Hồng y", nhưng luật trừ này đã dành cho Đức Hồng y Pacelli. Chỉ sau 2 ngày, qua 2 lần bỏ phiếu, 63 vị hồng y đã chọn ngài làm Giáo hoàng Piô XII. Thực ra, Đức Piô XII đã được 2/3 số phiếu trong vòng bỏ phiếu thứ 2 nhưng ngài yêu cầu bỏ phiếu lại để xác nhận. Đức Giáo hoàng Piô XII là vị nổi bật trong kỳ bầu Giáo hoàng lần đó nên chỉ không đầy 26 giờ đồng hồ Mật nghị đã có kết quả. Đây là Mật nghị ngắn nhất trong lịch sử các cuộc Mật nghị bầu Giáo noàng. 

5. Trước cuộc bầu Giáo hoàng vào năm 1958, ai cũng để ý tới tên tuổi của vị Tổng Giám mục Giovanni Battista Montini thuộc thành Milan, dù lúc đó ngài vẫn chưa phải là một hồng y. Ngài là nhân vật lừng lẫy và tài danh. Ai cũng đoán là ngài sẽ là Giáo hoàng. Thế nhưng khi 51 vị hồng y vào phòng họp bầu, sau 4 ngày, các ngài đã chọn Hồng y Thượng phụ Giáo chủ thành Venice là Angelo Roncalli. Sau cuộc bầu các nhà phân tích nhận định rằng: các hồng y đã chọn một nhân vật tuổi có vẻ cao (77 tuổi) vì hy vọng một triều đại Giáo hoàng ngắn ngủi chuyển tiếp mà thôi. Thế nhưng các nhà phân tích cũng sai. Triều đại của Đức Gioan XXIII đã xảy ra một biến cố rất lớn và có tầm ảnh hưởng quan trọng trong lịch sử Giáo Hội, đó là ngài triệu tập Công đồng Vatican II đưa Giáo Hội nhập cuộc vào thế giới tân tiến của thời đại ngày nay. 

6. Năm 1963, cuộc bầu Giáo hoàng diễn ra giữa lúc Công đồng Vatican II còn nhóm họp. Lần này, người ta lại hướng về Tổng Giám mục Montini thành Milan. Đức Montini được quan niệm là nhà lãnh đạo lý tưởng để hướng dẫn Giáo Hội qua những thay đổi nội bộ. Lần họp bầu này số hồng y đã tăng thêm nhiều, tất cả gồm 80 vị và các vị đại diện cho nhiều quốc gia, số hồng y người Ý đã giảm xuống trông thấy. Tuy nhiên, người ta cũng đoán trúng, sau 3 ngày Mật tuyển viện họp bầu, Đức Hồng y Montini đã được chọn làm Giáo hoàng với danh hiệu là Phaolô VI. 

7. Khi Giáo hoàng Phaolô VI qua đời, Hồng y đoàn đã tăng thêm và càng có tính cách quốc tế hơn. Đức Phaolô VI cũng đặt ra luật lệ là các hồng y trên 80 tuổi sẽ không được tham gia Mật tuyển viện bầu Giáo hoàng, tuy vậy số hồng y dưới 80 tuổi tất cả là 111 vị đã họp bầu tân Giáo hoàng vào tháng 8 năm 1978. Đây là cuộc bầu Giáo hoàng quan trọng ngay sau Công đồng Vatican II, trong thời đại mà phương tiện du lịch quốc tế mau chóng đưa con người gần lại với nhau hơn, các phương tiện truyền thông cũng đang trên đà phát triển mạnh, cuộc bầu Giáo hoàng lần này kéo sự chú ý của toàn thế giới. Thế giới của các vị hồng y lan rộng tới các lục địa. Các hồng y qua Công đồng Vatican II đã có dịp làm quen và biết nhau nhiều hơn, hiểu thêm về các vấn đề của thế giới thứ ba và sự tiến triển ngày càng bột phát của kinh tế và thương mại. Chủ nghĩa thực dân đã chấm dứt, nhưng các nước giàu và nghèo lại có thêm khoảng cách sâu rộng thêm. Các Giáo hội địa phương qua các Thượng Hội đồng muốn chia sẻ với thế giới hoàn vũ. Trong bầu khí đó việc tìm chọn ra một Giáo hoàng tương lai với những đức tính và tài năng đáp ứng cho thới đại mới càng trở nên quyết liệt hơn, thao thức hơn... Tên vị Hồng y được nhắc tới nhiều nhất trong giai đoạn này là Hồng y Giuseppe Siri thành Genoa. Thế nhưng kết quả cuối cùng của cuộc bầu sau 2 ngày được trao về cho Hồng y Thượng phụ Giáo chủ thành Venice là Hồng y Albino Luciani. Ngài lấy tên hiệu là Gioan Phaolô I. Cuộc bầu diễn ra trong không khí nóng nực của mùa hè. Thật khó chịu và khổ sở cho các hồng y phải sống ngay tại Nguyện đường Sistine chật chội và thiếu phương tiện! 

8. Triều đại của Đức Gioan Phaolô I chỉ kéo dài có 33 ngày. Có lẽ vì vậy mà lần này, các hồng y nghĩ đến một vị Giáo hoàng tương lai trẻ trung hơn, mạnh khoẻ hơn hầu đương đầu được với những đòi hỏi của thời đại mới. Tháng 10-1978, khi có cuộc bầu Giáo hoàng người ta lại cũng nhắc tới tên tuổi Hồng y Siri thành Genova và Hồng y Benelli của Florence. Thế nhưng sau 3 ngày Mật tuyển viện nhóm họp, kết quả thực bất ngờ khi tân Giáo hoàng là người Ba Lan, báo giới và dân chúng chưa từng nghe tên tuổi vị này. Đối với các vị hồng y khác thì vị Hồng y người Ba Lan có tên là Karol Wojtyla đã làm cho các vị có ấn tượng rất đặc biệt, vì trong thời gian họp Công đồng Vatican II, Hồng y Woytyla đã có những đóng góp đáng kể và nhất là ngài đã lãnh đạo Tổng Giáo phận Krakow của ngài rất thành công. Vị tân Giáo hoàng lấy tên là Gioan Phaolô II đến từ một nước xã hội nhủ nghĩa, trẻ trung, đầy nhiệt huyết, bình dân, đạo đức, thực sự đã làm thay đổi bộ mặt của Giáo hội trong thời điểm mà thế giới và xã hội khắp nơi có những thay đổi mạnh mẽ, phi thường về mọi mặt. Vị Giáo hoàng đầu tiên sau 455 không phải là người Ý này đã biến đưa Giáo hội nhập cuộc vào thế giới biến đổi hiện nay. 

Cuộc bầu vừa qua, các hồng y phải sống trong bầu khí nóng bức chật chội, nên khi lên ngôi, Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã cho xây nhà trọ Santa Martha tại nội địa cấm thành Vatican. Nhà này có cả hơn 100 phòng làm nơi cho các hồng y cư trú trong suốt thời gian các ngài họp bầu vị tân Giáo hoàng. Những hồng y thuộc Mật tuyển viện bầu Giáo hoàng ngày 18-4-2005 sẽ bắt đầu sống trong nhà trọ này trong thời gian Mật nghị.

H. Vinh (Tổng hợp) 
Nguồn: EMTY

0 nhận xét:

Đăng nhận xét