Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Theo bước chân Mẹ





“Như một vầng trăng, vầng trăng tuyệt vời.
Muôn ngàn tia sáng lung linh chốn thiên cung.
Muôn ngàn đóa hồng khoe mầu đẹp xinh.
Hương băng trinh say đắm trong tình người.
Maria ! Trinh Vương mến yêu, Mẹ ơi !
Xin giơ tay ban hồng ân tràn đầy…”
( Phạm Đức Huyến – Trinh Vương Maria )
Thời gian qua đi gần nửa thế kỷ đời người, nhưng tôi chẳng thể nào quên niềm hạnh phúc ấu thơ, ngồi lên lòng người cô ruột, mỗi thứ bẩy đầu tháng trên những chuyến xe lam chở các cô đoàn Con Đức Mẹ viếng Đền Đức Mẹ DCCT Kỳ Đồng, Sàigòn. Với tôi, tuổi vừa đủ trí khôn, lòng đạo đức yêu mến Mẹ còn non nớt, nao nức đợi chờ cả tháng chỉ mong được ngồi trên xe, ngắm nhìn những con đường đẹp, san sát nhà cửa nơi phố thị xe cộ ngược xuôi, người người quần áo thanh lịch, tấp nập đông vui, hơn là ở Xóm Đạo di cư chỉ thấy xe đạp, những dãy nhà vách đất đơn sơ, người bộ hành lao động chân lấm tay bùn. Như người quê ra tỉnh, tôi và vài đứa bạn đi theo thấy cái gì cũng lạ, cũng đẹp, chỉ muốn xe chạy thật chậm để được ngắm nhìn lâu hơn, khi bước xuống xe về nhà đứa nào cũng nuối tiếc, niềm hy vọng lại chờ đợi đến thứ bẩy đầu tháng sau.

Cô tôi sùng kính Đức Mẹ lắm, không có thứ bẩy đầu tháng nào mà cô không đến Kỳ Đồng. Tôi cũng không nhớ rõ năm nào, dạo còn bé, tôi đã khóc lóc mấy ngày, ăn vạ cả nhà vì không được theo cô đi dự Đại Hội Thánh Mẫu La Vang do Giáo Xứ tổ chức. Khi về nhà, quà cô cho tôi vài tấm ảnh Đức Mẹ. Tôi thích nhất ảnh Đức Mẹ Vô Nhiễm với khuôn mặt từ ái đứng trên những bông hồng, dưới chân Mẹ chị Bernadette chắp tay đơn sơ thánh thiện, nhìn tấm ảnh tôi chợt nghĩ một ngày nào lớn hơn, tôi còn đi xa hơn cô, đến viếng Mẹ Lộ Đức, hẳn Mẹ tài tình hơn Mẹ La Vang, vì làm rất nhiều phép lạ, lúc đó tôi sẽ xin nhiều ơn lành cho cả nhà.
Tuổi thơ đơn sơ ngày ấy, ước mơ, niềm tin tuyệt đối vào những bà tiên, ông thần, phép lạ… Cũng chẳng hiểu ra hoàn cảnh gia đình nghèo lấy tiền đâu mà đi, nước Pháp với tôi quá mơ hồ vì chưa vào lớp Một. Quà cho cả nhà là một chai nước phép, vài hộp nến, một bịch lá vằng, cô trực tiếp hái gần linh địa, hôm sau mang phơi khô, khi nào đau ốm lại sắc chút lá khô lên uống, mấy chị em tôi thấy cô tin tưởng như vậy, không cần uống thuốc có vẻ hoài nghi lẫn lo lắng cho cô.
Năm 1963, cô theo chồng về tận Rạch Giá, ba tôi đi làm xa, mẹ lúc nào cũng bận bịu buôn bán và quanh quẩn bầy con thơ nheo nhóc, chẳng còn ai cho tôi đi theo viếng Đức Mẹ Kỳ Đồng nữa. Ký ức về Kỳ Đồng vẫn mãi mãi theo tôi cho đến hôm nay, quỳ bên cô nơi hang đá, đọc những lời cầu xin theo cô dài dằng dặc, tháng nào như tháng đấy, dường như càng dài thêm theo thời gian, hạnh phúc nhất với tôi lúc ấy là được bưng bó hoa huệ đặt trước ghế quỳ của đền.
Khi đọc theo hết những lời cầu xin của cô, cô lại nhắc tôi muốn xin thêm ơn gì không, cô chỉ bảng Tạ Ơn và nói đó là những người đã được ơn của Đức Mẹ, giải thích cho tôi ngôi đền này phỏng dựa theo đền Lộ Đức, chân dung Mẹ Vô Nhiễm như tấm ảnh cô đã tặng cho tôi khi tham dự Đại Hội Thánh Mẫu La Vang. Hồi đó còn nhỏ, tôi đâu có nỗi buồn hay đau khổ gì để cầu xin Mẹ ngoài mơ ước sẽ được nhìn tận mắt chính ngôi đền mà Mẹ đã hiện ra với chị Bernadette. Thế mà Mẹ đã hoàn thành ước mơ của tôi như phép lạ, chính tôi cũng không thể ngờ suy nghĩ táo bạo non nớt pha lẫn ganh tỵ với cô ngày ấy đã thành hiện thực.
Ngày 12 tháng 10 năm 2003, tôi được đứng trước hang đá Đức Mẹ Lộ Đức miền Nam nước  Pháp, xếp hàng theo dòng người đông đảo, có nhiều người liệt, già cả kính viếng Mẹ, được chạm tay vào phiến đá nhẵn hơn đá mài, những dòng nước chảy xen giữa phiến đá ngọt mát trong veo, biết bao nhiêu khách hành hương đã sờ vào phiến đá dưới chân Mẹ để cầu xin, tạ ơn cho mình và những người thân yêu. Tôi cố đi thật chậm, muốn đứng thật lâu hơn dưới chân Mẹ nếu không nghĩ đến những người đang chờ đợi phía sau, như cõi thiên đường bình an chưa bao giờ cảm thấy, hồi tưởng về những ngày quỳ bên cô dưới chân Mẹ tại đền Đức Mẹ Kỳ Đồng, Sàigòn. Mẹ Kỳ Đồng ở Việt Nam đã mang ước mơ tôi đến Lộ Đức ( Lourdes ) bên Pháp, mơ ước cao vời xa xưa tưởng chừng chẳng bao giờ có được !
Kính viếng Mẹ Lộ Đức, một cơ duyên thật bất ngờ, đứa em gái út lấy chồng bên Vương Quốc Bỉ, chồng không về Việt Nam tổ chức lễ cưới được, thế là vợ chồng tôi, hai con nhỏ cùng cậu em rể ở Cali hẹn nhau đại diện cho họ nhà gái sang dự đám cưới em, vì mẹ già và các em đều ở Việt Nam. Chuyến đi Châu Âu lần này ngoài dự tính, mới qua Mỹ được vài năm còn chưa có điều kiện về Việt Nam vì con nhỏ, công việc bận rộn, nhưng đây là chuyến đi bắt buộc, dự đám cưới cầu nguyện cho em trên bước đường hôn nhân nơi xứ lạ quê người đầy khó khăn, nhân tiện cùng đến kính viếng Mẹ Lộ Đức cầu xin cho gia đình và bao người thân yêu khác.
Đám cưới vào tháng 10, đứa con gái lớn 7 tuổi đang đi học không thể đi lâu. Chuyến đi 10 ngày từ Boston sang Brussels hành trình đi về cũng mất gần hai ngày, tám ngày còn lại chia đều cho đám cưới và viếng Lộ Đức quá ngắn ngủi, chỉ vài ngày ở đám cưới gia đình chồng cô em cũng trách, đi Lộ Đức vội vã mà không biết trước lộ trình nên khó mua được vé tầu siêu tốc ( TGV – Train à Grande Vitesse ), đi tầu chậm mất nhiều giờ, lại mất thêm gần hai ngày ( đi và về ) đường từ Paris đến Lộ Đức ( 540 km ).
Chiều Chúa Nhật đám cưới tạm xong, chúng tôi lấy vé xe lửa TGV từ Brussels đến Paris mất khoảng 1 giờ 30 phút ( 262 km ), xe chạy vun vút khó nhìn cảnh vật hai bên đường dù buổi chiều thu rất đẹp, gần vào trung tâm Kinh Thành ánh sáng ngập tràn ánh điện, qua làn cửa kính xa xa là tháp Eiffel cao vút trên nền trời, dòng sông Seine lững lờ nước chảy lấp loáng phản chiếu tia nắng mặt trời lặn vàng rực.
Chúng tôi tiếc lắm vì không được nhìn ngắm thắng cảnh đặc biệt mà ngày đi học một thời ngưỡng vọng. Paris chớm thu nắng vàng bàng bạc, hoàng hôn xuống nhẹ ánh nắng lóng lánh chiếu xen kẽ qua những hàng cây lá vàng ối như những ngọn đèn nhấp nháy khi tỏ khi hiện, gợi nhớ về bài học Pháp văn ngày xưa với ông thầy khó tính trầm mặc như Âu Châu cổ kính.
Tôi vốn dốt Pháp văn nhưng mê môn học này vì những bài đọc thắng cảnh nổi tiếng trong cuốn Cours de Langues thật thú vị, hôm nay được nhìn tận mắt dù thoáng qua cũng thấy thỏa lòng. Nhớ những giờ tập đọc mỏi miệng vẫn bị thầy giáo mắng vì vài bạn nam sinh giọng Bắc, đã ngọng “Le La Les…” lại còn vỡ tiếng vào tuổi mới lớn, nhiều khi làm trò cười cho cả lớp khi bị thầy gọi đứng lên đọc đi đọc lại nhiều lần.
Xuống xe lửa khi nắng chiều tắt hẳn, nhà ga thủ đô nườm nượp du khách ra vào, tiếng tầu đêm hú vang liên tiếp giục giã nhịp bước chân mọi người, ai cũng đi như chạy, nơi đây đã nhiều lần đón người về đoàn tụ hạnh phúc cũng như chứng kiến bao cuộc phân ly đầy vấn vương. Còn chúng tôi, thật khó diễn tả tâm trạng lúc này, vừa nao nức chờ đợi, vừa lạ lẫm sợ sệt chỉ sợ trễ chuyến tầu, chồng tôi tuy theo ban Pháp văn trường Lasalle Taberd ngày xưa, nhưng hôm nay, sau mấy chục năm không thực hành, phải nói tiếng Pháp bằng cả hai tay: tay cầm từ điển, tay diễn kịch câm Charlot màn cử tạ, tay vung lên quơ xuống, mồ hôi toát ra như tắm, cứ thế mà hỏi đường người qua kẻ lại.
Phải mất gần bẩy tiếng đồng hồ ngồi ( và nằm ) trên chuyến xe lửa RER này mới tới Lộ Đức, mảnh đất gần biên giới Tây Ban Nha, phía Tây Nam nước Pháp. Con tầu lặng lẽ bỏ lại thành phố hoa lệ về khuya ra ngoại ô chạy suốt đêm, dù trước đó mấy ngày mệt nhọc, tôi thao thức vẫn không ngủ được, thỉnh thoảng lại ngồi dậy ngó qua vuông cửa nhỏ, thấp thoáng ánh điện, màn đêm buông xuống chìm trong tĩnh mịch, tầu chạy qua những cánh đồng nho thẳng tắp đang mùa thu hoạch, mái kho lẫm trữ nông phẩm vươn cao trên bầu trời, vài vì sao xa vắng như đuổi theo con tầu tỏa ánh sáng yếu ớt…
Tôi thiếp đi lúc nào không hay gần 5 giờ sáng, còi tầu hú vang, tiếng ken két đường ray, tầu đi chậm dần vào ga, người soát vé đánh thức cho biết phải xuống, chuyển sang một chuyến xe lửa ngắn nữa là đến Lộ Đức.
 Ánh bình minh bắt đầu ló dạng cùng tiếng chim hót sớm của miền núi, mùi sương mai trộn lẫn với mùi cỏ dại, cảnh đồng quê thật thanh bình tôi quên cả mệt nhọc hồi hộp khi biết sắp tới Lộ Đức, nơi trước đây với tôi chỉ thấy qua hình ảnh và ước mơ.
Chúng tôi đi bộ tìm khách sạn ngay, vì không giữ chỗ trước nên chọn được chỗ bèo giống như ở Nazareth cũng thật khó khăn, khách hành hương đến đông hơn vào tháng Mai Khôi Mẹ. Cất vội hành lý,  chúng tôi đi thẳng tới Vương Cung Thánh Đường và Hang Đá Đức Mẹ, cả ngày hôm đó dành trọn thời gian ngồi chiêm ngắm Mẹ, lần hạt rồi lại xếp hàng vào hang đá, chạm vào phiến đá ngày xưa Mẹ đã hiện ra với Bernadette 18 lần vào năm 1858 ( xem chú thích 1 ).
Ngày hôm sau chúng tôi đi thăm Vương Cung Thánh Đường với ba Nhà Thờ nguy nga dựng chồng lên nhau phủ trùm dốc đá dựng đứng nơi Mẹ hiện ra, dòng sông Pau trước hang đá xanh nước hồ thu êm đềm, thăm công trình nghệ thuật thánh tuyệt mỹ trong và ngoài khuôn viên nhà thờ, các đền thờ phụ, suối nước Bernadette dắt cừu đi uống nước, thăm nhà Bernadette… mọi nơi chốn đều vội vã vì không còn thời gian.
Tối 13 tháng 10, thời gian vắn vỏi cuối cùng phải chia tay Mẹ, chúng tôi tham dự cuộc rước kiệu, thật không thể tưởng tượng được có đến hàng chục ngàn người có mặt trong lễ rước, không biết họ từ đâu đến mà đông thế, người người với nến sáng, tay cầm tràng chuỗi vừa đi vừa lần hạt, vừa hát theo người điều khiển trên loa phóng thanh vòng quanh Vương Cung Thánh Đường tiến về lễ đài. Không thể tính được hàng ngang có bao nhiêu người chỉ biết rằng càng gần về lễ đài thì phải đứng yên tại chỗ không nhúc nhích được, tất cả trong trật tự sốt sắng, chung quanh tôi khuôn mặt ai cũng hiện lên nét thánh thiện, phó thác tâm hồn như chỉ có mình với Mẹ mến yêu. Biết bao người đến từ các nước, thầm thì bằng mọi ngôn ngữ, khác nhau về mầu da, hoàn cảnh tâm trạng nhưng đều có chung một tấm lòng cậy trông tin yêu bước theo Mẹ.
“Trọn đời con một bài hát kinh ca ngợi.
Tiếng hát con vang tận tới thiên thu.
Mẹ tình thương từ trời ngút cao vời vợi.
Xin yêu thương đón nhận cả hồn thơ.
Xin yêu thương dắt về chốn quê hằng mong”.
( Dao Kim và Thiên Tân – Tiếng Hát Thiên Thu )
Cả hai ngày ở Lộ Đức, tôi đã cầu xin Mẹ thật nhiều, chắc còn dài hơn những lời cầu xin ngày xưa đi theo cô nơi đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, nhưng lời cầu thành khẩn đặc biệt nhất cho bà Catherine, người phụ nữ đã gửi gấm chúng tôi cầu xin cho bà, hàng tuần sau Thánh Lễ Chúa Nhật bà thường ở lại lặng lẽ cầu nguyện. Lần cuối cùng trước khi đi Lộ Đức, nói chuyện với bà, được biết bà đang mắc bệnh ung thư, nhờ chúng tôi xin Mẹ phù hộ vâng theo Thánh Ý Chúa. Tôi đã thưa cùng Mẹ tâm tình của bà, muốn xin cho bà khỏi bệnh nhưng lời cầu xin đẹp lòng Chúa thì hay hơn cả, chắc chắn Chúa sẽ ban ơn và lo liệu cho bà trong lúc bệnh tật này. Vài tháng sau không gặp bà đi Nhà Thờ nữa, từ đó đến nay tôi vẫn mãi băn khoăn không biết bà đã qua khỏi bệnh tật ngặt nghèo hay đã chuyển đi chỗ khác ? Nghĩ về Mẹ Lộ Đức, về việc cầu xin, tôi đã học nơi bà niềm phó thác cậy trông vào Chúa Quan Phòng.
Sáng thứ tư, 14 tháng 10, chúng tôi phải tạm biệt Mẹ Lộ Đức về Brussels, chuẩn bị cho ngày thứ năm hôm sau sẽ trở lại Boston, thật hạnh phúc khi được hành hương kính viếng Mẹ, dâng hết cho Mẹ  những âu lo trĩu nặng đường đời, quá khứ và tương lai dưới bóng Mẹ từ nhân. Ai trong chúng ta cũng đều có lần mơ ước tới tận Lộ Đức để kính viếng cầu xin Mẹ, Mẹ cũng không hẳn làm phép lạ tỏ tường theo ý muốn của ta, nhưng Mẹ sẽ ban ơn đặc biệt tốt đẹp cho linh hồn, những ai đến với Mẹ, không chỉ được ơn về thể xác nhưng được bồi dưỡng về tâm hồn, lòng yêu mến Chúa hơn, điều quan trọng với mọi người không phải là đến được Đất Thánh lời cầu xin mới linh hiệu, nhưng chúng ta cần cảm nhận sứ điệp Mẹ muốn nhắn gửi chúng ta: sám hối, hy sinh, phục vụ và nhất là cầu nguyện.
Năm 1992, Chân Phước Gioan Phaolô đệ Nhị đã thiết lập Ngày Thế Giới Cầu cho các Bệnh Nhân vào Lễ Đức Mẹ Lộ Đức, ngày 11 tháng 2 hàng năm, ngài nói: 
“Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân là cơ hội để tái khám phá mối quan hệ sâu sắc giữa Đức Mẹ và những người đau yếu. Điều đáng nói là có một sự liên kết gần gũi giữa Đức Mẹ Lộ Đức và thế giới những người đau khổ và yếu đau. Trong đền thánh vươn lên bên cạnh hang đá Massabielle, những bệnh nhân luôn là những người được ưu tiên, và theo dòng thời gian, Lộ Đức đã trở nên một cứ điểm thực sự của đời sống và hy vọng”.
Ngày Thế Giới Bệnh Nhân năm nay được cử hành vào ngày 11 tháng 2 năm 2013 tại Đền Đức Mẹ Altotting ở Bavaria (2) nơi Đức Thánh Cha thường hay tới ngay từ khi còn thơ ấu. Đức Cha Zygmunt Zimowski, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Y Tế sẽ mang lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Benedict cho Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân lần thứ XXI:
“Tôi phó thác Ngày Thế Giới các bệnh nhân lần thứ 21 cho sự chuyển cầu của Đức Mẹ Maria Ân Phúc chí thánh được tôn kính tại Altotting, xin Mẹ luôn tháp tùng nhân loại đau khổ, đang tìm kiếm sự thoa dịu và niềm hy vọng vững chắc, xin Mẹ trợ giúp tất cả những người can dự vào công việc tông đồ từ bi để họ trở thành những người Samaritano Nhân Lành cho anh chị em mình đang chịu thử thách vì bệnh tật và đau khổ, đồng thời tôi vui lòng ban Phép Lành Tòa Thánh” ( Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế Giới các Bệnh Nhân 2013, bản dịch của Lm. Trần Đức Anh ).
Thông qua sứ điệp của mình, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 khuyến khích mọi người hãy trở thành những người Samaritanô nhân hậu, trong khi ngài nêu bật Chúa Giêsu như là gương mẫu tột đỉnh của việc cứu giúp những người hoàn toàn xa lạ mà không yêu cầu hồi đáp.
Có một sự trùng hợp đáng chú ý đi vào lịch sử Giáo Hội Công Giáo qua hai triều đại Giáo Hoàng gần đây, Chân Phước Gioan Phaolô II, vào 21 năm về trước đã chọn ngày Mẹ hiện ra ở Lộ Đức 11 tháng 2 là Ngày Quốc Tế cầu cho Bệnh Nhân và Những Người Đau Khổ. Vị Giáo Hoàng những năm tháng cuối đời cố gắng lèo lái con thuyền Giáo Hội trong tuổi già bệnh tật khó khăn chắc chắn cảm hiểu sự cầu bầu của Mẹ. Năm nay Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân 11 tháng 2 2013, không phải là sự tình cờ Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI lại chọn Đền Đức Mẹ Altotting ở Bavaria là Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân nơi quê hương của ngài, và cũng chính ngày 11 tháng 2 lịch sử năm nay, tuyên bố từ nhiệm của ngài đã làm rúng động thế giới, chắc chắn những khó khăn của Giáo Hội, của riêng ngài đã được kính dâng dưới bàn tay che chở của Đấng Từ Mẫu.
Trong những thời khắc khó khăn nhất đang diễn ra cho toàn Giáo Hội Công Giáo, chúng ta hãy chạy đến với Mẹ Maria, cùng cầu nguyện cho Đức Thánh Cha hôm nay và Đức Giáo Hoàng tương lai dưới sự dìu dắt của Chúa Thánh Thần.
Mẹ Lộ Đức đã gìn giữ, phù hộ biết bao người đau khổ, Mẹ Altotting ở Bavaria đã nâng bước chân Đức Thánh Cha từ thời thơ ấu đến cương vị cao nhất trong Giáo Hội, trong ngày từ nhiệm, ngài lại chọn ngày kỷ niệm Mẹ hiện ra Lộ Đức, gắn bó với Đức Mẹ Altotting ở Bavaria nơi quê hương của ngài.
Với lòng chân thành biết ơn tôi luôn nhớ về người cô đạo đức trong tuổi già đau yếu nơi quê Mẹ dấu yêu, cô đã nâng bước chân nhỏ bé cho tôi đến với Mẹ, hướng về Mẹ Kỳ Đồng, Sàigòn, chiếc nôi đầu tiên, che chở, ban muôn ơn lành tuổi ấu thơ và mãi hôm nay trên hành trình dương thế.
Cầu xin Mẹ ban ơn cả thể xác và linh hồn cho những người đau khổ bệnh tật thiếu may mắn, xin ban thêm sức mạnh, tình yêu đến những bàn tay rộng mở, con tim chan hòa lòng mến như người Samarita nhân hậu theo ý cầu nguyện năm nay trong ngày quốc tế bệnh nhân: “Anh em hãy đi và làm như vậy” ( Lc 10, 28 ).
Chú thích:
1. Lộ Đức ( Lourdes ) nằm dưới chân dẫy núi Pyrénées, miền Tây Nam nước Pháp, là một điểm hành hương nổi tiếng nhất thế giới dù rằng nơi đây chỉ là một ngôi làng nhỏ bé hẻo lánh thuộc địa phận Tarbes. Từ ngày 11 tháng 2 đến ngày 16 tháng 7 năm 1858, Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra với cô bé Bernadette tất cả 18 lần. Tại Lộ Đức, Mẹ với tấm lòng yêuthương dạt dào đã chữa lành biết bao bệnh nhân tật nguyền với biết bao loại bệnhkhác nhau và ban cho nhiều người ơn ăn năn sám hối.
Lộ Đức nổi tiếng như là một nơi cầu nguyện và hành hương, nhưng được biết đến nhiều nhất là những phép lạ. Mỗi năm có khoảng 6 triệu khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới tuôn đến Lộ Đức để cầu nguyện và xin ơn. Đến đó, dù tin hay không tin, mọi người đều cảm thấy có một sức mạnh lạ lùng lôi kéo để thắp lên một ngọn nến và quỳ gối cầu nguyện.
Trong Thánh Lễ Mẹ Đau Thương thứ hai 15.9.2008 cho các Bệnh Nhân trước tiền đường của Đền Thờ Đức Mẹ Mai Khôi Lộ Đức, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã nhắn nhủ: “Tôi thành khẩn nói cùng những ai đang đau khổ và những ai đang đối chọi với khuynh hướng chán chường trong cuộc sống là hãy quay về với Mẹ Maria ! Nơi nụ cười của Vị Trinh Nữ này chất chứa một cách kỳ diệu sức mạnh để chiến đấu với bệnh tật và chiến đấu cho cuộc sống. Cũng thế, nơi Mẹ, chúng ta tìm thấy ân sủng để can đảm hay vui lòng chấp nhận ra khỏi đời này vào thời giờ Chúa muốn” ( Maria Cao Tấn Tĩnh, dịch từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh )
2. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã sống thời thơ ấu, thiếu niên, và đã được đào tạo tại Bavaria, cũng tại đây ngài được chiụ chức Linh Mục tại Nhà Thờ Chánh Tòa Munich, vào ngày 29 tháng 6 cùng với anh ruột của ngài. Joseph Ratzinger đã là Linh Mục, Giáo sư Thần Học, Tổng Giám Mục vào ngày 24.3.1977 rồi lên Hồng Y, cho tới khi ngài đi Rôma ngày 15.2.1982.
HẠNH NGUYÊN
Theo EPHATA số 549

0 nhận xét:

Đăng nhận xét