Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Thư giáo dân: Những bất thường tại Giáo xứ Đông Yên – GP Vinh



Lời Tòa soạn:
Kính gửi quý vị độc giả
Ban Biên tập Nữ Vương Công Lý nhận được lá thư của Giáo dân thuộc Giáo xứ Đông Yên, Giáo phận Vinh, ở xã Kỳ Lợi, Huyện Kỳ Anh, Tỉnh Hà Tĩnh từ khá lâu. Trước những nội dung được đề cập trong bức thư với nhiều vấn đề nghiêm trọng, chúng tôi đã thận trọng nghiên cứu và tìm hiểu.
Chúng tôi cũng đã gửi đến BBT Website Giáo Phận Vinh bức thư này để xin được phúc đáp các vấn đề đã nêu trong bức thư, nhằm tìm kiếm một câu trả lời cho vấn đề này.
Song tiếc rằng, chúng tôi đã không nhận được hồi âm từ phía Giáo Phận Vinh.
Qua tìm hiểu, chúng tôi biết có một sự thật đáng buồn đang xảy ra ở Giáo xứ Đông Yên, một Giáo xứ đã có truyền thống kiên cường, bất khuất trước sự đàn áp bằng bạo lực của chế độ Cộng sản ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, thời chiến tranh khốc liệt và sự đàn áp của CSVN đối với người Công giáo còn khốc liệt hơn. Những năm tháng đó qua đi, giáo dân Đông Yên vẫn giữ vững được Giáo xứ, giáo dân và tinh thần đạo đức, đặc biệt là sự đoàn kết nhất trí bảo vệ Đức tin và các cơ sở giáo hội.
Vị trí Vũng Áng. Chiếm được Vũng Áng, Tàu - Đài Loan đã chiếm giữ yết hầu đất nước.
Thế nhưng, những năm gần đây, với việc nhà cầm quyền CSVN đã đang tâm chủ trương bán đất, bán biển cho Tàu Cộng, tỉnh Hà Tĩnh cũng hăng hái thực hiện sự nghiệp ô nhục đó bằng dự án “Bán đất, bán biển trọn gói cho Tàu – Đài Loan” bằng dự án cảng Vũng Áng – một vùng diện tích hơn 30 Km2 thời hạn 70 năm. Hiện nay, Đài Loan đã cho xây dựng các cơ sở, nhà máy, đưa người sang và đào hào xây lũy xung quanh hoàn toàn tách biệt với phần đất còn lại của Việt Nam tại vùng đất eo hẹp nhất của đất nước. Vũng Áng (Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh) là khu vực nước sâu nằm ở cửa phía Nam vịnh Bắc Bộ. Từ đây, có thể khống chế tàu thuyền ra vào cảng Hải Phòng cũng như giao thông đường biển với toàn miền Bắc, tiếp cận thuận lợi các mục tiêu phòng thủ chiến lược trên Biển Đông như đảo Cồn Cỏ, Hòn Mê, Hòn Khói… Vị trí này nằm ở chân núi Hoành Sơn dọc Quốc lộ 1, vị trí yết hầu của cả nước, có thể chia cắt giao thông Bắc – Nam.
Nhiều tiếng nói phản ứng đã cất lên kêu gọi nhà cầm quyền dừng tay trong việc bán nước, đồng thời chỉ rõ rằng Dự án này sai phạm và cách thực hiện dự án ở đây còn vi phạm hơn cả Tiên Lãng – Hải Phòng trong vụ Đoàn Văn Vươn. – Ls Trần Đình Triển, Văn phòng Luật sư Vì Dân đã khẳng định như vậy.

Về phía Giáo hội Công giáo, dự án này đã làm nhiều công trình tôn giáo, nhiều giáo xứ đã bị ảnh hưởng nặng nề và tan nát. Nữ Vương Công Lý đã có dịp phản ánh đến quý độc giả về những vụ việc xảy ra tại các Giáo xứ liên quan ở đây như Đông Yên, Dũ Lộc, Giáo họ Thiên Lý…
Lẽ ra, trước những dự án bán đất bán nước này, Giáo hội Công giáo phải thực hiện điều răn dạy của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI “Giáo dân tốt cũng là công dân tốt” để tìm cách ngăn chặn bàn tay tội ác của Cộng sản, thì nhiều hiện tượng và sự việc tại các Giáo xứ này đã đem đến cho người giáo dân nói riêng và nhân dân nơi đây nói chung một câu hỏi: Giáo hội đang đứng về phía người dân đau khổ, về đất nước đang có nguy cơ, hay đứng về phía nhà cầm quyền CSVN quyết tâm bán nước?
Khác với vị linh mục tại Giáo xứ Dũ Lộc và các giáo xứ khác, nhiều hành động khác thường của vị Linh mục tại Đông Yên, của Tòa Giám mục GP Vinh thời gian qua đối với dự án này, chúng tôi sẽ bạch hóa để độc giả thấy được những khó khăn và sự nguy hiểm đối với đời sống nhân dân tại đây nói chung cũng như người dân các Giáo xứ nơi này nói riêng.
Nữ Vương Công Lý xin đăng bức thư của Giáo dân Đông Yên dưới đây để chúng ta hiểu được phần nào hiện tình của Giáo xứ.
BAN BIÊN TẬP NỮ VƯƠNG CÔNG LÝ
Những bài viết liên quan:

·         GP Vinh: Giáo dân Dũ Lộc gửi đơn đề nghị về bãi thải nhiệt điện Vũng Áng

·         Phỏng vấn giáo dân Đông Yên, Kỳ Anh, Hà Tĩnh về tình hình ở đây

·         Gp Vinh: Ngôi nhà thờ đang bị phá và linh mục ứng cử Hội đồng nhân dân Tỉnh

·         ‘Phép biến hình’ của tổ chức mạo danh Giáo hội Công giáo

Thư của Giáo dân Đông Yên – Phần 1
Nhà thờ Giáo xứ Đông Yên
Chúng tôi sinh ra trong một làng quê nghèo, thuộc vùng cực Nam của tỉnh  Hà Tĩnh. Nơi đây có một xứ đạo Đông Yên thuộc hạt Kỳ Anh đã được thành lập đến nay gần được 200 năm. Quanh năm giáo dân sống bằng nghề chài lưới và cũng không mấy khá giả, một phần do ngư cụ đánh bắt thô sơ, một phần do giao thương buôn bán chưa được phát triển. Đa số giáo dân có trình độ học vấn thấp nên đời sống văn hóa còn hạn chế, chỉ có ngày hai bữa đến nhà thờ đọc kinh cầu nguyện. Tuy nhiên, nhìn chung giáo xứ có cuộc sống rất bình yên, đoàn kết và có tấm lòng  đóng góp xây dựng cho công việc chung của giáo xứ.
Rồi đến một ngày của năm 2010 giáo xứ có sự thay đổi lớn. Đó là dự án quy hoạch xây dựng khu công nghiệp Cảng Vũng Áng – khởi đầu cho mọi chuyện không mấy tốt đẹp xảy ra, bắt đầu từ việc “quy hoạch, đền bù giải tỏa, tái định cư”, cụ thể như sau:
Khi có chủ trương quy hoạch của nhà nước, các xã xung quanh giáo xứ đã thực hiện việc di dời dân và tái định cư. Riêng xã Kỳ Lợi là địa bàn của giáo xứ Đông Yên mặc dù nằm trong vùng quy hoạch, nhưng chưa có chủ trương di dời của nhà nước vì chưa có nhà đầu tư. Tuy nhiên, ở vùng biển nơi ngư trường đánh bắt chính của giáo dân, chính quyền đã cho phép các tàu công suất lớn tới khảo sát, hút cát để xây dựng cầu cảng, nhưng lại không thông báo cho dân biết. Do vậy, giáo dân đã chủ trương tổ chức đánh đuổi các tàu khảo sát này, để yêu cầu chính quyền làm rõ sự việc. Sự việc xảy ra, chính quyền đã chủ động tổ chức cuộc họp với giáo dân và cha chánh xứ Nguyễn Quang Tuấn, đồng thời đề nghị được hỗ trợ gạo hàng tháng cho giáo dân do việc xây dựng đã làm ảnh hưởng đến ngư trường, hiện nay việc hỗ trợ gạo đã được thực hiện, hai lần.
Một thời gian sau vào khoảng tháng 10/2010 lại có một sự kiện mới làm xáo trộn cuộc sống của giáo dân. Đó là việc chính quyền có ý định tổ chức một cuộc thăm dò ý kiến giáo dân về việc tái định cư, thông qua phát phiếu. Biết được thông tin như vậy nên cha xứ Nguyễn Quang Tuấn không đồng ý cho thăm dò, thay vào đó cha xứ tổ chức một cuộc thăm dò nội bộ bằng cách phát phiếu, trong phiếu thăm dò ghi: “1/ đi tái định cư; 2/ không đi tái định cư” người dân có quyền chọn một trong hai câu trên. Kết quả kiểm phiếu được thực hiện bởi cha xứ và hội đồng giáo xứ và kết quả là: 80% giáo dân đồng ý đi tái định cư, 20% giáo dân còn lại không đi tái định cư với lý do “chưa có chủ trương di dời của nhà nước”.
Thế là trong thánh lễ ngày thứ 7 và Chúa nhật sau đó cha xứ Nguyễn Quang Tuấn nói giữa nhà thờ rằng: Tôi đã phát phiếu thăm dò và kết quả là có 20% giáo dân không chịu đi, cha cho đọc tên những người không đi tái định cư này giữa nhà thờ. Sau đó cha phát biểu rằng: “những người này là những người phá giáo xứ, chống cha xứ, mà chống cha xứ là chống Đức cha, chống giáo hội, tôi làm phiếu thăm dò đi tái định cư này là theo chủ trương của Đức cha, cho nên sau này con cái của những người này muốn đi tu mà xin chứng giấy tôi sẽ không chứng”. Thử hỏi một linh mục mà xử sự như vậy có đúng tinh thần của một linh mục và của một mục tử không? Theo chúng tôi, đã là phiếu thăm dò ý kiến thì chắc chắn sẽ có những ý kiến trái ngược nhau và điều đó là rất bình thường, mục đích thăm dò lẽ ra là giúp để biết được tình hình mà có hướng giải quyết tốt hơn? Đằng này biết được thông tin để trù dập, mạt thị những người không thuận theo chủ trương của cha xứ? thử hỏi cha xứ có nuôi được gia đình của những người này không? Hay cha xứ vì lợi ích cá nhân?.
Một buổi lễ tại Đông Yên
Vì những phát biểu của cha xứ, với kết quả thăm dò ý kiến trên mà giáo dân xảy ra sự mất đoàn kết giữa những người đi và không đi tái định cư. Họ chống đối nhau vì cho rằng những người không đi tái định cư là những người phá giáo xứ, chống giáo hội. Hậu quả xảy ra là có một vụ ẩu đã đánh nhau gây thương tích mà người bị đánh phải nằm điều trị ở bệnh viện hơn 1 tuần lễ do việc tái định cư mà sau đó công an huyện phải vào cuộc để giải quyết và vụ việc được đưa ra tòa án, tuy nhiên trước ngày xét xử cha xứ đã nhanh chóng dàn xếp và đứng ra bảo lãnh việc bồi thường cho người bị hại, nên sự việc dừng lại; trong giáo dân có đồn đoán rằng cha xứ đứng đằng sau vụ đánh người này?
Khu đồi sỏi đá Kỳ Trinh, nơi nhà cầm quyền định đưa Giáo dân Đông Yên đến định cư: Chỉ có văn phòng UBND Xã to lớn
Gần đây vào những ngày đầu của tháng 12/2012, được sự đồng ý của cha xứ, hội đồng giáo xứ tổ chức một cuộc họp nội bộ, không có giáo dân tham gia, để biểu quyết cho việc kê khai nhà đất của giáo dân mà cha xứ và hội đồng đã cùng đề nghị. Cuộc họp này gần như tất cả hội đồng giáo xứ biểu quyết cho chính quyền kê khai nhà đất của dân, tuy nhiên trong đó có 3 người không đồng ý với lý do: chưa có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký về việc di dời, đền bù giải tỏa, chưa có mặt bằng nơi tái định cư, các lời hứa của chính quyền trước đây về việc sẽ di dời dân lên Khu Sinh Thái Đèo Con đến nay chưa thực hiện được gì và có dấu hiệu bội tín; và đây là quyền lợi của giáo dân nên phải để họ tham dự cuộc họp, để họ tự quyết định, vì lẽ đó cuộc họp không thành. Thế là, trong thánh lễ ngày sau đó, cha xứ phát biểu với bà con giáo dân rằng “nếu dân không đi tái định cư được, tôi sẽ treo cổ 3 thằng chống đối này lên”.
Với người dân bao đời sống bằng nghề chài lưới, khi đến đây họ sẽ làm gì để sống là điều mà nhà cầm quyền không cần tính đến
Do cuộc họp nội bộ của hội đồng giáo xứ không thành, nên cha xứ đã tổ chức một cuộc họp cho toàn thể giáo dân, do hội đồng giáo xứ chủ trì, có sự tham dự của cha xứ và chính quyền tại Hội trường giáo xứ. Khi cuộc họp diễn ra, có rất nhiều ý kiến của giáo dân hỏi chính quyền: tại sao trước đây chính quyền hứa sẽ đưa dân chúng tôi lên tái định cư tại khu sinh thái Đèo Con, và sẽ di dời Khu Du Lịch Sinh Thái đi mà đến nay lại thay đổi? khi nào thực hiện di dời mà đến nay mặt bằng nơi tái định cư chưa có? Quyền lợi của chúng tôi sẽ được giải quyết thế nào? Chính quyền trả lời: tháng 1/2013 sẽ đền bù đất ruộng, tháng 08/2013 sẽ có mặt bằng tái định cư, còn giá đền bù chúng tôi sẽ thông báo sau. Một số ý kiến khác của giáo dân rằng: chúng tôi bị mất quyền dân chủ, quyền công dân, vì tất cả các cuộc họp bàn về đền bù tái định cư chúng tôi không được tham dự? hoặc số ít được tham dự thì chúng tôi không được phát biểu hoặc ý kiến phát biểu của chúng tôi không được ghi nhận? Tất cả các quyền lợi của dân chúng tôi đều thông qua hội đồng giáo xứ và cha xứ quyết định là không thỏa đáng? Ý kiến này được đa số giáo dân ủng hộ và số người này họ cũng không đồng ý việc kê khai di dời của chính quyền.
Linh mục Nguyễn Quang Tuấn nói: “Nếu dân không đi tái định cư được, tôi sẽ treo cổ 3 thằng chống đối này lên”. – Giáo dân Đông Yên
Đến lượt cha xứ phát biểu ý kiến, cha nói: Theo việc đi tái định cư mà đến bây giờ tôi cũng đã mệt mỏi lắm rồi, làm linh mục là danh dự, mà tôi cũng đã bị mất danh dự do một số tin nhắn của bà con, trong đó có tin nhắn là “cha mê tiền…”!, cha nói tiếp: với những ý kiến phát biểu vừa rồi và ý kiến phát biểu của ông Châu (tên một giáo dân) tất cả đều là mất dạy, các ông cho rằng bị mất quyền dân chủ, quyền công dân, thử hỏi chúng tôi làm gì mà các ông mất quyền dân chủ? – Cha nói. Sau đó cha xứ hô hào và đề nghị giáo dân biểu quyết về việc kê khai di dời của chính quyền, ai đồng ý thì giơ tay lên (cha nói). Số giáo dân ngồi những dãy đầu tiên gần cha xứ đã giơ tay đồng ý và số người này chiếm khoảng 70%; số còn lại ngồi phía sau không giơ tay hoặc bỏ ra về để phản đối.
(Còn nữa)
Đông Yên, 20/12/2012
Giáo dân

0 nhận xét:

Đăng nhận xét