Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

Lm. Chân Tín: Luồng gió mới – Giáo hội của mọi người (16)



 Giáo hội của mọi người
cách riêng của người nghèo

 Sàigòn
Từ khi thế chiến thứ hai kết liễu, lịch sử thế giới bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn quật khởi của các nước chậm tiến, sau một hai thế kỷ bị kiềm tỏa trong vòng ngoại trị. Sự trỗi dậy vĩ đại của các dân tộc Á Phi, trỗi dậy chống sự đô hộ của đế quốc, chỗi dậy để yêu sách được hưởng một mức sống xứng đáng với tư cách làm người, là sự kiện lịch sử quan trọng bậc nhất ở hậu bán thế kỷ hai mươi.
Các cường quốc Tây phương dù không muốn, đều phải rút lui khỏi các xứ đã bị họ thống trị. Các xứ chậm tiến Á Phi đã lần lượt thu hồi được chủ quyền.

Nhưng muốn kiện toàn độc lập đã được thu hồi, các nước chậm tiến cần phải phát triển kinh tế, cải tiến xã hội, ngõ hầu nâng cao mức sống của nhân dân từ mấy trăm năm chìm đắm trong vòng cơ cực, nghèo nàn.
Trước tình trạng bất bình đẳng về kinh tế ngày càng trầm trọng giữa cường quốc và nhược tiểu, giữa một thiểu số người sung mãn và đại gia số đến 2/3 nhân loại ăn không đủ no mặc không đủ ấm, Giáo hội đã biết bao lần lên tiếng cảnh báo những quốc gia cũng như cá nhân giàu có phải tích cực góp phần vào việc chống nạn đói trên thế giới.
Hơn thế nữa nhân dịp Công đồng VaticanII, Giáo hội muốn toàn thể con cái mình tự kiểm thảo về điểm đó để Giáo hội thật sự là Giáo hội của mọi người, cách riêng của người nghèo khó. Chúng ta chỉ nhắc lại vài lời tuyên bố của những vị cao cấp trong Giáo hội cũng đủ để nhận định nỗi bận tâm của Giáo hội muốn đỡ đần những người nghèo khổ và trở về với tinh thần khó nghèo của Phúc Âm, vì chính Ngôi Con Thiên Chúa đã mặc lấy sự khó nghèo để đến giữa chúng ta và chết một cách nghèo nàn, tủi nhục, đau thương như một kẻ khốn nạn nhất trần gian này. Đức Gioan XXIII, một tháng trước lễ khai mạc Công đồng, đã long trọng tuyên bố qua làn song truyền thanh khắp thế giới:
“Trước mắt các quốc gia chậm tiến, Giáo hội tỏ mình và muốn tỏ mình là Giáo hội của hết mọi người và cach riêng của những người nghèo”
Chính ngày khai mạc Công đồng, Đức Thánh Cha đã nghiệm nghị cảnh cáo những tín hữu giàu có đừng nhắm mắt trước đau khổ của nhân loại:
“Bổn phận của con người, bổn phận cấp bách của người tín hữu Chúa Kitô là phải nhìn của cải dư thừa của mình trong nhãn giới các nhu cầu của an hem đồng loại và phải ra sức lo sao để công cuộc khai thác và phân phối các tài nguyên đã được dựng nên song đôi với quyền lợi của con người”.
Trức thông điệp biểu dương tinh thần liên đới huynh đệ nhằm phục vụ hết mọi người, cách riêng những người bần cùng cô thế:
“Chúng tôi xin hiến toàn thân phục vụ anh chị em, chúng tôi theo gương Thầy đáng tôn thờ là Đấng đã đến không phải để thống trị mà để phục vụ. chúng tôi muốn chú trọng đặc biệt đến những người hèn mọn nhất, bần cùng nhất, yếu đuối nhất. như Chúa Kitô, chúng tôi cảm thấy động lòng trắc ẩn trước đoàn lũ dân chúng phải chịu cảnh đói khổ, cùng quẫn, dốt nát. Chúng tôi tự thấy mình phải lien đới với tất cả những ai, vì thiếu sự giúp đỡ thỏa đáng, vẫn chưa có thể phát triển tới mức nhân phẩm của mình”.
Trong một phiên họp khoáng đại, toàn thể nghị phụ đã vỗ tay hoan nghênh đức hồng y Lercaro, sau khi Ngài phát biểu ý kiến về tinh thần nghèo khó của Giáo hội, Ngài nói:
“Bản chất và hành động của Giáo hội phải được thấm nhuần tinh thần nghèo khó. Nghèo khó là đặc tính của mầu nhiệm Thiên Chúa làm người: các vị tiên tri rao giảng mầu nhiệm đó, cả hang đá Bê Lem nơi xảy ra mầu nhiệm đó, tất cả đều mang ấn triệu sự nghèo khó. Mặc khác, thế giới ngày nay đang chà đạp thân phận khó nghèo của 2/3 nhân loại. công đồng không thể nào trốn tránh câu hỏi của hàng trăm triệu người nghèo đang đặt ra cho Giáo hội. Bởi thế, tôi mong rằng lược đồ về Giáo hội sẽ trình bày đạo lý sự khó nghèo trong Giáo hội, nhấn mạnh địa vị ưu tiên của người nghèo. Bởi vì chính hàng ngũ họ, Thiên Chúa đã che dấu vinh quang của Ngài. Trong các lược đồ khác, nên biểu dương mối gây liên hệ giữa sự hiện diện của Chúa Kitô trong kẻ nghèo và hành động của Ngài trong phép Thánh Thể cũng như trong giáo quyền. Lẽ dĩ nhiên, trong cuộc canh tân này, phải hành động thận trọng, nhưng đừng sợ sệt hoặc tìm cách sắp xếp mập mờ. Bởi thế cần phải hạn chế việc sử dụng của cải vật chất trong Giáo hội, làm sao cho Giáo hội có thể nói luôn được rằng: “Tôi không có vàng bạc gì hết, song tôi cho anh điều tôi có”. Các giám mục phần đông không giàu lắm, song ước mong các Ngài tỏ ra bề ngoài điều đó, để khỏi nên cớ vấp phạm cho người nghèo. Lại phải thực hiện một sự khó nghèo thực thụ trong hàng linh mục, một sự khó nghèo thiết thực trong các dòng tu đã khuyên khấn đức khó nghèo. Nếu Giáo hội biết trung thành với đức khó nghèo, Giáo hội sẽ tìm thấy trong đó ánh sáng và phương pháp công hiệu nhất để rao giảng Tin Mừng toàn diện, Tin Mừng của một vị Thiên Chúa thương ta đến nỗi trở nên nghèo khó, tuy dù Ngài vốn giàu sang”.
Một nghị phụ khác, đức hồng y Gerlier, cũng muốn Cộng đồng cải tân giáo hội trong tinh thần nghèo khó, Ngài nói:
“Trong thời đại chúng ta, Giáo hội có bổn phận thích ứng một cách hết sức cụ thể với tình trạng mới: tình trạng tạo nên do sự khổ cực của bao nhiêu con người và do một vài yếu tố bề ngoài làm cho người ta càng ngày càng lầm tưởng rằng Giáo hội không đặc biệt chú trọng đến những người đau khổ đó. Vấn đề này xuất hiện dưới nhiều khía cạnh, nhưng tựu trung chỉ là một vấn đề: tình trạng thê thảm của bao nhiêu con người nguyên chỉ vì tài sản không được phân phối điều hòa. Tại sao Giáo hội lại không cảm thấy trách nhiệm phải chỉnh đốn tình trạng ấy, trong tư tưởng cũng như trong hành động?… Giáo hội không muốn giàu có nên cần phải giải tỏa giáo hội khỏi những bề mặt gợi sự giàu có”.
Những lời cảnh báo nghiêm trọng trên của Đức Gioan XXIII và những mối lo âu của các nghị phụ tại Công đồng trước cảnh đói khổ của 2/3 nhân loại, thúc giục chúng ta kiểm thảo lại đời sống của chúng ta, giáo sĩ cũng như giáo dân, trong phương diện cá nhân cũng như tập thể:
Trên phương diện tập thể, Giáo hội cần phải từ bỏ những gì là hào nhoáng bên ngoài gợi sự giàu có hầu trở về với tinh thần khó nghèo của Phúc Âm.
Trên phương diện cá nhân, mỗi một tín hữu phải quan tâm đến kẻ nghèo đói và thực hiện công bằng xã hội và bác ái, hầu chống nạn đói khổ trên thế giới và tạo nên một mức sống xứng đáng với phẩm giá con người và con Chúa.
Công đồng là cơ hội thuận tiện để người Công giáo nói chung, và người Công giáo Việt Nam nói riêng:
- Duyệt lại lối sống – Duyệt lại lối phát biểu – Duyệt lại lối hành động, duyệt lại tất cả sinh hoạt công giáo cá nhân và tập thể trên quan điểm đức khó nghèo của Tin Mừng.

                                                                        Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu giúp
                                                                                                            Số 168-5/1963
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét