Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Lm. Chân Tín: Luồng gió mới – Đời sống tu trì (21)



 Đời sống tu trì


Sàigòn
Ngày 21 tháng này, Giáo hội sẽ mừng lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh: Giáo hội tưởng niệm và nêu cao gương mẫu cuộc đời tận hiến của Trinh nữ Maria cho Thiên Chúa. Từ giây phút đầu tiên cho đến hơi thở cuối cùng của đời Người, Đức Mẹ luôn luôn thuộc trọn về Chúa, sống cho Thiên Chúa và việc làm của Người đều hướng về Chúa. Người đón nhận tất cả nỗi thống khổ, thử thách, để sáng danh Chúa trên trời. Người đã hiến dâng dạ trinh khiết trong con đường khó nghèo và vâng phục để phụng sự Thiên Chúa và nhân loại. Lòng tin, lòng cậy và lòng mến chiếu rạng trong cả cuộc đời Người.

Mẹ Maria đã để lại tấm gương tận hiến cho tất cả những ai dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì. Vì thế, nhân dịp lễ Mẹ về, chúng tôi muốn dành Nguyệt san tháng này, để nêu lên một vài khía cạnh của đời sống tu trì, ngõ hầu gây một mối thông cảm giữa anh chị em sống ngoài đời và những người sống trong tu viện.
Nói đến vấn đề tu trì, con người thế kỷ 20 chúng ta vẫn còn nhiều quan niệm lỗi thời. Có kẻ giàu trí tưởng tượng cho rằng tu viện là nơi nương nấu của những tâm hồn tan vỡ: Đi tu là tìm cái u tịch của chốn thánh để thoa dịu các vết thương lòng khi ai có ý muốn đi tu, họ liền nghĩ đến một khối tình nào đã đổ vỡ.
Có người cho rằng đi tu chỉ vì số phận hẩm hiu, hết tương lai, bị đời từ chối. Họ tưởng rằng đau khổ thất bại là một yếu tố cần thiết của một ơn kêu gọi tu Dòng và chỉ cần đời đóng cửa là tu viện sẽ mở cửa.
Vẫn biết đôi khi nhờ thất bại con người sẽ mở mắt nhìn thấy những giá trị siêu nhiên và Thiên Chúa đại lượng sẽ lãnh nhận tất cả những gì người ta dâng với lòng thành, kể cả một cuộc đời tàn phế, nhưng nếu đi tu chỉ vì tàn phế, chắc rằng họ sẽ không ở lâu trong tu viện.
Cũng không thiếu người nghĩ rằng đi tu là một lối thoát nợ đời, cũng êm đẹp: Ở đời, nhiều lo âu về tinh thần cũng như vật chất. Đã có gia đình, phải lo cho gia đình, phải thức khuya dậy sớm, phải đổ mồ hôi trán để nuôi vợ con. Còn người đi tu, chỉ một thân một mình cơm áo mặc đã có nhà dòng lo, thoát khỏi mọi bận rộn, sống một cuộc đời nhàn hạ, tâm hồn được bình an thoải mái.
Tất cả những quan niệm trên đều sai lạc: Đi tu không phải vì tâm hồn đã quá đau khổ, quá chán đời không thiết gì với cuộc sống, muốn chôn mình vào nơi thanh vắng để dễ than vắn thở dài. Đi tu cũng không phải vì số phận quá hẩm hiu, bị đời từ chối, không làm ăn nên nỗi, phải nhờ chốn tu viện an thân lúc về già. Đi tu cũng không vì hèn nhát, chỉ vì thoát nợ đời, khỏi bận rộn âu lo, khỏi phải chiến đấu.
Vậy thế nào là tu? Tu tức là sống cuộc đời tận hiến cho Chúa, bằng ba lời khấn khó nghèo, trinh khiết và vâng lời, để hoàn toàn tin yêu và phụng sự Chúa. Trên phương diện ba lời khấn khó nghèo, tinh khiết và vâng lời sẽ phân biệt đời sống tu trì với đời sống ngoài đời. Trên phương diện nội tâm, đời sống tu trì cốt ở chỗ tận hiến cho Chúa. Thiên Chúa là một bản vị mời gọi người ta đi đến chỗ sống thân mật với một tình yêu độc nhất vô nhị là Người. trước tiếng gọi tha thiết, thầm kín, huyền diệu của Thiên Chúa, con người đại độ trút bỏ lòng ham muốn của cải, khoái lạc và tự do để bước vào con đường tu của ba lời khấn. Tiếng mời gọi ấy, trong hết mọi chặng đường tu hành về sau, lại còn vang lên mãi, thúc giục từ bỏ mỗi ngày một thêm, biến đời sống mình làm một của lễ cho Chúa.
Nhưng người tu sĩ chưa phải là thánh. Họ cũng còn là người với những tính xấu của họ, với những yếu đuối, những trượt ngã trên con đường tu thân. Bao lâu họ còn là người bấy lâu họ còn bị tiền tài danh vọng, khoái lạc, tự do tấn công họ. Và trong cuộc chiến đấu gay go ấy, người tu sĩ có lúc thắng có lúc bại. nhưng với ơn Chúa, họ chiến đấu mãi và mong một ngày kia cởi bỏ hẳn con người cũ, con người tội lỗi để luôn mặc lấy con người mới là chính Chúa Giêsu. Lúc ấy con người và Thiên Chúa sẽ hợp nhất hoàn toàn trong tình yêu bất diệt, cùng đích của đời sống tu trì.

                                                                        Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
                                                                                                            Số 174-11/1963
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét