LTCGVN (15.08.2014)
Năm 2004, sau
khi nói chuyện ở Đại Hội Giáo Lý tại Los Angeles ,
chúng tôi được các bạn cũ trong Nhóm Mai Khôi lái xe từ San
Jose , ngang qua Santa Clara , hướng
lên phía Bắc thăm thủ phủ San Francisco của bang
California .
Cái gì cũng lạ, cũng đẹp. Japanese
Garden xanh mát cỏ cây. Golden Gate đỏ chói trong sương mù. Các phố xá dốc cao
vời vợi, cứ lên rồi lại xuống. Các gian nhà trồng từng bồn hoa rực rỡ ngay mặt
tiền. Các cửa tiệm bán hàng lưu niệm tấp nập khách du lịch...
Thế
nhưng để lại ấn tượng độc đáo và sâu sắc nhất đối với chúng tôi lại là pho
tượng Đức Bà, Nữ Vương Hòa Bình ( Our Lady, Queen of Peace ) tại thành phố
Santa Clara.
Hôm
nay, ngồi viết bài này, chúng tôi gỡ khung ảnh trên tường xuống, scan lại bức
ảnh Đức Bà, Nữ Vương Hòa Bình tuyệt vời ấy. Một anh bạn ở San Jose đã chụp bức ảnh này, tự in ở nhà,
tặng chúng tôi làm quà kỷ niệm chuyến đi. Chắc anh không ngờ đối với tôi, bức
ảnh này còn quý hơn là một kỷ niệm. Bức ảnh đã cho chúng tôi một cảm thức thấm
thía đến bồi hồi mỗi khi nhớ lại, nhìn lại và sống lại kỷ niệm ấy !
Nhìn bức ảnh,
ít ai có thể hình dung pho tượng đã được ghép bởi hàng chục vạn mảnh thép trắng
bạc nho nhỏ, không bao giờ hoen rỉ ( stainless steel ) cắt ra từ các máy bay Mỹ
từng tham chiến tại Việt Nam trong suốt thời gian 10 năm từ 1965 đến 1975.
Đó
là những Skyhawk, F-100 Thunderbird, F-105 Thunderchief, F-4 Phantom, F-111
Aardvark... một thời ngang dọc trên bầu trời Việt Nam ,
bom đạn cày xới tang thương mọi nẻo đường quê ngoài Bắc trong Nam . Thế mà khi tàn cuộc chiến,
cũng vừa hết hạn sử dụng, chúng được đưa về đậu đầy những nhà kho khổng lồ,
hoặc phơi xác ngoài trời với mưa với nắng, y như một bãi tha ma các chiến đấu cơ.
Đây
là sáng kiến độc đáo và là tác phẩm tuyệt hảo của điêu khắc gia lừng danh thế
giới Charles C. Parks. Cao hơn 11m, nặng gần 3,3 tấn, pho tượng vươn lên giữa
bầu trời xanh, với vòng tay mở ra ân cần, ánh mắt buồn da diết và một trái tim
lộ ra bên ngoài đầy những vết thương xót xa. Vâng, Mẹ đang muốn nói với mọi
người, nói với từng người một lời mời gọi bao dung, tha thứ, quên đi quá khứ
chiến tranh để sống chung một tương lai hòa bình. ( Tác giả bài viết mặc áo xanh da trời đứng dưới chân tượng Mẹ )
Tìm
tài liệu trên Google, tôi còn biết thêm rằng, từ khởi sự cho đến khi hoàn
thành, Hội Thánh ở Santa Clara đã đón nhận được lời cầu nguyện từ 500.000 tràng
chuỗi Mai Khôi của mọi người hiệp thông gửi đến. Ắt hẳn, nửa triệu lời cầu
nguyện ấy, 2 triệu rưởi Kinh Lạy Cha và Kinh Sáng Danh, 25 triệu Kinh Kính Mừng
ấy không được dùng để cắt, để hàn, để gò, để dựng nên pho tượng tuyệt tác ấy,
nhưng là để nhờ Mẹ mà bay cao lên, bắn tung đi khắp nơi thành triệu triệu bức
thông điệp cho hòa bình.
Cách
đây vừa tròn 6 năm, cũng dịp Lễ Đức Mẹ Hồn Xác về Trời, tôi và mấy anh em DCCT
trong Nam ra Hà Nội, chuẩn bị lên Bắc Ninh giúp một khóa bồi dưỡng hè cho Giáo
Lý Viên thì đúng lúc nổ ra biến cố Thái Hà. Thật ra sự tình âm ỉ đã lâu, sau
mỗi Thánh Lễ ở Nhà Thờ, anh chị em Giáo Dân vẫn lũ lượt cùng với các cha đồng
tế, Thánh Giá nến cao mở đường, đi bộ ra cầu nguyện tại nơi nhà cầm quyền đã
định chia năm xẻ bảy miếng đất lớn lấy của DCCT Thái Hà hơn 50 năm trước. Nhưng
đến đúng ngày 15.8.2008, sau Thánh Lễ giữa trưa thì bức tường gạch ngăn cách bị
xô đổ, người ta ùa vào bên trong, nồng nhiệt lần chuỗi và hát Kinh Hòa Bình
trước tượng Đức Mẹ.
Tình
hình căng thẳng quá, không biết ai hiến kế, người ta lại chuyển luôn khu đất ấy
thành công viên y như đã làm với khu đất Tòa Khâm Sứ cũ. Của đáng tội, mấy cái
công viên này được thi công "chữa cháy" quá vội vàng nên đâm ra luộm
thuộm lem nhem, nhếch nhác quá thể. Có lẽ đây chỉ là bước đệm chăng, chờ cho
người dân mất cảnh giác, quên cầu nguyện là lại đâu vào đấy. Cái mùi tiền và vị
bạc tham nhũng vẫn quyến rũ ghê gớm, nên nếu có cần phải dối trá, lập lờ đánh
lận con đen thì người đời cũng đều dám làm chẳng gớm tay !
Thế
nhưng, đâu phải cứ thế là tắt lịm đi những tràng chuỗi Mai Khôi với Đức Mẹ,
những lời hát Kinh Hòa Bình với Thần Linh Thánh Ái ? Không cầu nguyện được ở
Tòa Khâm Sứ thì bà con Giáo Dân tập họp ngay quảng trường trước mặt Nhà Thờ Lớn
Hà Nội. Không hát Thánh Ca được ở Linh Địa Đức Bà thì anh chị em Thái Hà kéo
nhau về Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Mà chẳng phải
chỉ ở thủ đô, bây giờ người ta cầu nguyện ở mọi nơi, mọi chỗ trên quê hương
Việt Nam đã hết chiến tranh từ lâu mà vẫn chưa có hòa bình; cầu nguyện cả ở bên
ngoài quê hương, nơi người dân Việt ly hương đang sống trong hòa bình mà ruột
gan vẫn cứ cồn cào như mấy mươi năm trước phải sống trong loạn lạc binh đao....
Mới
đây, qua Internet, chúng tôi xem được một bức ảnh thật cảm động: một đoàn dân
oan từ đâu dưới Miền Tây, dắt díu nhau toàn đàn bà, trẻ con và cụ già, cơm đùm
cơm nắm, đeo biểu ngữ đi biểu tình khiếu kiện các quan chức tham nhũng. Không
rõ có ai trong đoàn là người Công Giáo hay không mà khi ngang qua quảng trường
trước Bưu Điện Trung Tâm và Nhà Thờ Chính Tòa Sàigòn, họ đứng lại, chẳng ai bảo
ai, thành kính quỳ xuống ngay trên vệ đường trước con mắt xăm xoi hằn học của
những anh cảnh vệ, họ đã cầu nguyện khá lâu dưới chân tượng Đức Bà Nữ Vương Hòa
Bình, một “Our Lady Queen of Peace” của Việt Nam.
Mẹ
ơi, biết đâu đấy, sẽ có ngày một nhà điêu khắc Việt Nam nào đó làm nên một pho
tượng Mẹ rất đặc biệt, đặc biệt ở chỗ hình dáng Mẹ được kết, được bó lại từ
những dây kẽm gai, những hàng rào chông sắt nhọn hoắt, những bình xịt hơi cay
và dùi cui, roi điện, và pho tượng sẽ được đặt tên là... Đức Bà Nữ Vương Công
Lý ( Our Lady Queen of Justice ).
Thật
là con đã khéo tưởng tượng phải không Mẹ ? Thực tế có lẽ chẳng cần cường điệu
đến thế, pho tượng ấy có vĩ đại sừng sững, có tuyệt tác bất hủ đến đâu thì cũng
vẫn chỉ là… pho tượng. Trong khi vẫn đang có, vẫn luôn có hàng triệu con người
thật, tâm hồn thật, hướng về Mẹ mà cầu nguyện...
Chuyện
dài Thái Hà ở Hà Nội và nhiều nơi khác trên quê hương Việt Nam coi như cũng tạm lắng xuống.
Những ngày tháng này chuyện Biển Đông đang bắt đầu sục sôi dậy sóng, có nguy cơ
nổ ra bất cứ lúc nào một cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược. Hòa bình thật sự
chưa được bao nhiêu, Công Lý đúng nghĩa vẫn mãi là niềm khao khát vời vợi…
Bài
Thánh Ca cổ xưa của nhạc sĩ Hải Linh có lúc đã được uyển chuyển sửa lời thành "Mẹ ơi, đoái thương xem nước Việt Nam,
trời u ám bất công lan tràn…" thì nay bà con cả lương lẫn giáo đều có
thể nghẹn ngào bật lên lời cầu nguyện đúng với nguyên bản gần ba phần tư thế kỷ
trước:
"Mẹ
ơi, đoái thương xem nước Việt Nam,
trời u ám chiến tranh điêu tàn.
Mẹ hãy giơ tay ban phúc Bình An,
đưa ViệtNam
qua phút nguy nan…"
trời u ám chiến tranh điêu tàn.
Mẹ hãy giơ tay ban phúc Bình An,
đưa Việt
Lm.
Giuse LÊ QUANG UY, DCCT
Từ một bài viết cũ trên báo Ephata 2008 – 2014
Từ một bài viết cũ trên báo Ephata 2008 – 2014
0 nhận xét:
Đăng nhận xét