CHÚA NHẬT THỨ 19 THƯỜNG NIÊN
1VUA 19,9.11-13 ; RÔ-MA 9,1-5 ; MÁT-THÊU 14,22-33
Cánh Tay Chúa Ðưa Ra
Khi các Tông Ðồ khởi đầu cho chuyến hải trình ra khơi trên biển hồ Ti-bê-ri-a thi biển lặng, gió êm. Các ông tiên đoán rằng sẽ vượt qua bên kia biển hồ một cách êm thắm. Thế nhưng ở đời không ai học được chữ ngờ. Vì ở trên mặt nước biển, người ta khó có thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra cho mình. Thế đó, gió nỗi lên cuồng bạo, mặt nước biển gợn lên những cơn sóng mạnh đánh vào mạn thuyền mong manh, hăm dọa như muốn nhận chìm con thuyền nhỏ xuống đáy biển. Chuyện xảy ra như thế, mà chúng ta vừa nghe qua bài Tin Mừng tường thuật.
Ðoạn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay là một tầm quan trọng của biểu tượng. Ðoạn Tin Mừng này giúp chúng ta hiểu được cảnh huống của Giáo Hội thời sơ khai. Ðoạn Tin Mừng đó cũng làm sáng tỏ về tình cảnh của Giáo Hội ngày nay. Cũng vậy, người ta có thể đối chiếu đoạn Tin Mừng này để hiểu cùng làm sáng tỏ một vài trạng huống của con người chúng ta đang sống.
Quả cuộc đời không có bình lặng như chúng ta tưởng trong tất cả đời sống cá nhân, gia đình, cộng đoàn, quốc gia vv.. Chúng ta nhận thấy đời sống trần thế hay đời sống cộng đoàn tu sĩ, đời sống tôn giáo, đòi sống xã hội và quốc gia, sẽ không tránh khỏi được các bất ổn thường thấy xảy ra mà người ta không thể dự đoán trước được – làm chúng ta phải sợ hải và lo âu. Như lời Thánh Sử Mát-thêu tường thuật lại cảnh con thuyền của các Tông Ðồ bị gió sóng đánh vì đi ngược gió.
Trong khoảnh khắc các môn đệ Chúa gặp khó khăn cùng sợ hãi, vào lúc đó Chúa Giê-su xuất hiên với họ. Ở đây không có gì làm cho chúng ta ngạc nhiên do sự hiện diện của Ngài, bởi Chúa Giê-su đã hứa ở với các ông « Ta ở với các người mỗi ngày cho đến tận thế » (Mát-thêu 28,20). Tuy nhiên sự hiện diện của Ngài chưa lúc tỏ lộ. Vì thế các Tông Ðồ cần một cái nhìn đức tin là lý tất yếu để có thể xuyên thấu được sự hiên diện của Chúa Giê-su. Quả cần như thế các Tông Ðô và chúng ta mới thấy Chúa luôn ở cùng ta. Dù vậy, chúng ta thấy ngày Chúa phục sinh, ngày Chúa hiện ra, hay ngày Ngài cùng đồng hành, chuyện vãn với các Tông Ðồ và môn đệ, song các ông đã không nhận ra Chúa Giê-su ngay lập tức.
Thánh Phê-rô là người năng động, bạo miệng. Ðó chính lá cá tính đặc thù của thánh nhân. Do đó, thánh nhân đặt Chúa Giê-su vào vị thế chứng minh chính là Ngài, và Chúa Giê-su thật ở đó như lời thánh nhân khấn xin. Chúa Giê-su đã chấp thuận lời thỉnh cầu này của thánh Phê-rô, xin được bước đi trên mặt nước biển đến với Chúa. Chúa Giê-su bảo thánh nhân : « cứ đến ». Chúng ta thấy bước đầu, thánh Phê-rô rất tự tin để đặt chân đi trên mặt nước – Song chỉ trong chốc lát cái tính tự tin cùng táo bạo của thánh nhân mất đi, tức thi thánh Phê-rô bị nhận chìm thân mình xuống nuớc. Tuy nhiên vào lúc nguy cập và nỗi sợ hãi của mình, thì thánh nhân có phản ứng nhanh chóng của lòng tin tưởng tinh tuyền mà kêu cầu « lạy Chúa, xin cứư con! ». Chúa Giê-su đã đưa tay mình ra nắm lấy tay thánh nhân.
Thánh sử Mát-thêu tường thuật biến cố này giúp chúng ta nên lưu tầm trong mọi nghịch cảnh của đời mình, thánh nhân cho ta thấy được Chúa Giê-su không ở đâu xa, Ngài hằng ở bên cạnh chúng ta. Chúa Giê-su luôn hiện diện cho ta, một cách đặc biệt khi chúng ta đang chao đảo ở trong cơn biển động, bảo tố vv.. Lúc đó, Chúa Giê-su đưa tay ra cho ta nắm lấy. Tuy nhiên cử chỉ Ngài đưa tay ra cho ta nắm đó, đòi hỏi chúng ta phải thốt lên tiếng khẩn cầu : « lạy Chúa, xin cứu con! ».
Bởi bản thân ta không thể nào tự cứu lấy được mình. Hơn nữa, chúng ta không thể đối đầu với tất cả mọi sự thử thách. Nhưng với Chúa Giê-su, khi bàn tay chúng ta được đặt vào trong lòng bàn tay của Ngài, tất mọi sự thử thách nguy ngập đến đâu đều trở thành có thể như không có gì đáng sợ. Ðẹp thay chúng ta rút tỉa được bài học từ đoạn Tin Mừng này quả là trong sáng. Do đó, ai chỉ tin vào sức mạnh mình sẽ mất, còn ai cầu khẩn vào sự trợ giúp của Chúa Giê-su sẽ đưỡc nâng đỡ và cứu độ. Bởi « Chúa hạ bệ kẻ quyền thế khỏi địa vị của họ, và Ngài nâng cao kẻ khiêm nhường lên trên » (Luca 1,52).
Chúng ta chớ nghĩ rằng sự khiêm nhường và ở trong trình trạng khiêm nhường đó, là điều dễ dàng, rồi trở thành đức tin mạnh và niềm tin ấy luôn như thế. Khi cuộc sống ta bình lặng, êm ả, chúng ta có cảm nghĩ cuộc đời đơn giản, không có gì khó khăn nan giải. Nhưng khi sóng gió nỗi lên, bảo táp cùng biển động mạnh trong đời ta, thì lúc ấy ta thấy mọi sự trở nên khác. Thế đó, chúng ta là những người không hơn gì thánh Phê-rô cùng các bạn hữu của thánh nhân xưa kia. Vào lúc ấy, sự sợ hải sẽ bao trùm vây bọc lấy chúng ta. Quả như ta là người năng nổ, khoát lát, tất nhiên chúng ta sẽ giống như thánh Phê-rô vậy, Và đời chúng ta sẽ mất cả. Thế nhưng, chúng ta sẽ giống như thánh nhân, có phản ưng tự nhiên của lòng khiêm nhường cùng tin cậy, để trái tim mình ăn năn hối cải, rồi kêu lớn tiếng rằng « lạy Chúa, xin cứu con ! » chăng ?
Sau những giây phút phong ba, cảnh biển trở nên trong yên lặng. Mỗi người môn đệ ở trong thuyền đều tự động quỳ xuống bái lạy Chúa Giê-su và tuyên xưng đúc tin của mình vào Ngài « Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa » (Mát thêu 14, 33).
Còn chúng ta đây, cũng thế, chúng ta phải hùng hồn tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa Giê-su. Chúng ta nên nhện ra rằng : không có Chúa, thì chúng ta không có sức mạnh. Chính Chúa là sức mạnh cùng quyền năng khả thể của ta. Nhất là khi bàn tay ta ở trong bàn tay Ngài, lúc đó sức mạnh của Chúa thông truyền cho chúng ta. Chúng ta không nên định giá sức mạnh cùng ỷ lại sức mạnh của mình. Hãy trao trọn sự hèn kém của ta trong tay cho Chúa, một cách khiêm hạ, một cách tin cậy và đơn sơ. Chúa Giê-su đã ra tay giúp thánh Phê-rô khỏi chìm xuống nứớc. Lý thực Ngài cũng sẽ giúp đỡ chúng ta như thế, khi chúng ta gặp những cơn bảo táp, biển động, tai ương trong cuộc đời . Amen.
=====================
CHÚA NHẬT MƯỜI CHÍN THƯỜNG NIÊN – BÀI HAI
Niềm Tin
Chúng ta đọc và thấy trong sách Tin Mừng, chiếc thuyền thường được xem là biểu tượng của Giáo Hội. Còn các thánh Tông Ðồ, là những người chèo chống con thuyền trên biển, cũng là đại diện cho những tín tín hữu tiên khởi. Và những con sóng cùng bảo tố đánh vào con thuyền, chính gợi ra hình ảnh thế gian, trong đó Giáo Hội phải tự thân chiến đấu can cường cùng gian lao hầu khắc phục thế sự.
Quả thực ngay từ những buổi đầu của Ki-tô giáo, các giáo hữu ki-tô không dễ gì trung thành với Chúa Ki-tô. Lúc đó Ki-tô giáo là số ít ỏi, và các môn đệ Chúa Giê-su đã thường bị xã hột Do Thái thời đó, cũng như các dân nước thời đó có cái nhìn thành kiến và cho là lạc đạo. Ðọc sách Công Vụ Tông Ðồ, chúng ta thấy có nhiều đoạn tả các cuộc bách hại, ném đá cùng đánh đòn các môn đệ Chúa Ki-tô.
Còn chúng ta, chúng ta hiện nay cũng sống trong một thời đại khó khăn : nào vô thần, nào hưởng thụ vật chất, nhất là kể từ thời những cuộc cách mạng vô sản, rồi trào lưu đòi tự do cái quyền phá thai, trợ tử và chết êm dịu của thời đại ta, làm đảo lộn các giá trị đạo đức cùng luân lý. Ðể rồi từ đó, đức tin chúng ta dễ bị lung lay và thử thách nhiều. Ðể là tín hữu trung thành, tất đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực chiến đấu chống trả các xu hướng xấu chống phá Giáo Hội cùng đức tin đạo tinh tuyền của ta.
Trở lại tâm điểm của Tin Mừng, khi chúng ta thấy Chúa Giê-su bước đi thong thả trên sóng nước để đến với các tông đồ. Ðúng hơn, Ngài đang đến với nhửng người mà Chúa chọn cùng yêu thương. Chúa Giê-su là Thiên Chúa ở với chúng ta, như lời hứa của Ngài : « Ta ở với các con mọi ngày cho đến tận thế » (Mát-thêu 28,20). Lời Chúa nói đó không là lời nói mơ hồ.
Quả qua bài Tin Mừng, chúng ta thấy các tông đồ không nhận ra được Chúa Giê-su đi trên sóng nước đến với các ông. Họ nghĩ rằng đó là một bóng ma. Thế đó, qua lý do này của các ông, cho ta thấy các tông đồ tỏ lộ cái thái độ kém đức tin của mình. Cái nhìn của các tông đồ vào lúc đó, là cái nhìn sẽ được Chúa Giê-su biến đổi đức tin cho các ông sau này. Cũng thế, ngay cả lúc Chúa phục sinh – Chúa Giê-su hiện ra và sẽ ở với họ, thế mà các ông vẫn không nhận ra Ngài.
Chúng ta cần lưu ý một điểm ở đây : Chúa Giê-su luôn đến với chúng ta, ngay trước khi ta cần cầu xin sự đến của Ngài. Lý hơn, chúng ta phải có một niềm tin vững rằng mặc dầu bão tố, mặc dầu có những ngày tháng đau khổ, rồi bao quân thù bủa vây hăm dọa tứ phía đánh phá chúng ta. Thế nhưng chúng ta hằng tin rằng Chúa Giê-su luôn đến với ta và ở với ta. Cho dù có những lúc chúng ta xa lìa Chúa Giê-su, ngay cả lúc ta không nghĩ đến Ngài, thì Chúa Giê-su hằng hiện diện ở đó … một sự hiện diện kín đáo, không dễ gì chúng ta cảm thấy được Ngài. Quả nếu như chúng ta không xác tín niềm tin mình vào sự hiện diện của Chúa Giê-su là hiện thực, ta cũng giống như thánh Phê-rô xưa kia mang nỗi hồ nghi và hỏi Chúa rằng « quả chính là Thầy, xin Thầy truyền cho con bước đi trên sóng nước đến với Thấy ». Lời cầu xin đó được Chúa đáp ứng « cứ bước đi » (Mát-thêu 14,28-29).
Tất cả nhiệt huyết cùng ngọn lửa nóng hầu như luôn có trong con người thánh Phê-rô, thánh nhân hăng hái bước đi trên sóng nước đến với Ðấng đã mời gọi thánh nhân hãy bước. Ðẹp thay những bước đi đầu thánh nhân cảm thấy an tâm và bảo đảm. Tuy nhiên những bước chân đi đó không được dài lâu, chỉ một vài bước thôi, và rồi thánh Phê-rô ngần ngại… Từ đó thánh nhân chìm mình xuống biển sâu, cảm nhận sự chết gần kề, và muốn quay trở lại, song trong lúc nguy ngập như thế, thánh Phê-rô đã phản xạ tự nhiên kêu lên lời cấp cứu với Chúa Giê-su, là Người đã bước đi trên mặt nước đến với thánh nhân « lạy Chúa xin cứu con » (Mát-thêu 14,30).
Do thế, lịch sử đức tin trong đời của chúng ta, có thể so sánh với sự mạo hiểm và biến cố của thánh Phê-rô, đã có kinh nghiệm đi trên sóng nước biển. Những bước chân tiên khởi của ta, đó chính là thời tuổi trẻ của mình. Lúc đó chúng ta với lòng nhiệt thành, quảng đại cùng tràn đầy lý tưởng dấn thân. Vào lúc đó chúng ta sẵn sàng từ bỏ nhiều sự một cách dễ dàng để bước theo Chúa Ki-tô.
Thời đẹp đó đã qua đi… Giờ thì những ngọn gió cùng bão táp đã thổi vào đời ta : sự hoài nghi đã được cấy trồng vào trí não cùng vào trong tâm hồn trưởng thành của chúng ta. Vào lúc ấy chúng ta đưa ra nhiều câu hỏi : phải chăng tôi có lý do tin điều này, điều nọ là đúng ? Phải chăng những gì người ta dạy cho ta giáo lý đó là chân thật ? Ðể rồi từ đó sự thờ ơ, hững hờ có thế chiếm trọn trong đời ta. Bao lý tưởng của đời ta đã tan vỡ thành bọt. Tuy chúng ta nói tôi luôn luôn tin Chúa – Chúng ta vẫn tiếp tục có những cử chỉ cung kính theo nghi thức tôn giáo. Chúng ta ngày qua ngày vẫn cầu nguyện. Chúng ta vẫn còn đi tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật. Thế nhưng tâm hồn chúng ta cùng con tim chúng ta có thể không được như trước nữa, không còn sốt sắng như lúc ban đầu của tuổi thơ. Chúng ta đi Lễ đó, đi và giữ như một bổn phận, nhưng lòng nhiệt thành cùng yêu mến đã phôi phai nhiều theo tháng năm rồi.
Cũng thế, để đời chúng ta luôn ở trong sự sinh động với Chúa, song đức tin hiện thực của ta thiếu đi sự anh dũng : Thật thế chúng ta đã trờ thành những ki-tô hữu chỉ ru rú ở xó nhà. Chúng ta không có can đảm hơn để làm những chuyện lớn vi danh Chúa Ki-tô cùng cho Giáo Hội Ngài. Lý thực đức tin của ta không hơn gì một ngọn lữa cháy bùng ôm trọn ta, và sau đó thì tắt lịm. Lý ra đức tin đó, phải là một đức tin bắt rễ sâu đậm trong con tim, trong cỏi lòng ta, một đức tin sinh động mang lại cho chúng ta ý nghĩa của tất cả sự hiện hữu của ta. Quả những gì trong đời sống ta lo nghĩ, những điều ta phải quan tâm cho đời sống mình , và quan trọng hơn cả cho chính sự vĩnh cửu của mình, đó là đức tin của chúng ta phải vững chắc và bắt rễ sâu trong Chúa Ki-tô.
Nếu đức tin của chúng ta còn hồ nghi, còn gặp những tình thế khó khăn làm ta sợ hải, thì chỉ có một quyết định để dùng nó : đó là ta quy hướng về Chúa Ki-tô và khấn xin Ngài rằng : « lạy Chúa, xín cứu con ». Giống như thánh Phê-rô xưa kía nhanh chóng đưa tay cho Chúa Giê-su nắm lấy tay mình, và kéo thánh nhân lên khỏi mặt nước biển.
Tin Mừng nói với chúng ta một cách rõ ràng, và hơn một lần nhắc nhở chúng ta Chúa Giê-su luôn ở đó – Ngài hằng đưa bàn tay êm ái và thần ký của mình ra cho những người hứơng về Ngài với một lòng tin tưởng. Chúa Giê-su Ki-tô luôn ở đó, luôn mãi sẵn sàng cứu vớt những người chết đuối vì tội lỗi khi họ cầu khẩn với Ngài cứu giúp. Chúa Giê-su Ki-tô luôn mãi ở đó ! Cho dẫu chúng ta luôn không biết, không nhận ra rằng Chúa Giê-su hằng ở luôn bên cạnh chúng ta, nhưng chỉ cần chúng ta van xin là Ngài đến cứu giúp ta ngay tức thì. Amen !
Lm. Phêrô Lê Quang Dũng
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét