Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Suy niệm CHÚA NHẬT THỨ 18 THƯỜNG NIÊN: "Bánh Cơm"


CHÚA NHẬT THỨ 18 THƯỜNG NIÊN

I-SAI-A 55,1-3 ; RÔ-MA 8,35.37-39 ; MÁT-THÊU 14,13-21





Hòang hôn đang buông dần, ánh duơng sắp lặn, trời sắp tối, và những người dân theo Chúa Giê-su để nghe Ngài giảng thuyết mấy ngay qua, giờ thì họ bắt đầu cảm thấy cồn cào trong bụng mình, thực cơn đói đang hoành hành trong cơ thể họ. Các môn đệ Chúa Giê-su đang lo sợ : biết làm sao đây với một số người đông như thế, nên các ông đề nghị với Thầy mình rằng : hãy để cho dân chúng ra đi xuống phố hoặc vào các làng mạc lân cận, hầu tìm mua của ăn. Thế nhưng phương pháp giải quyết này không thỏa đáng chút nào cho hoàn cảnh thế ấy. Bời vi Chúa Giê-su khước từ, và Ngài có phương thế giải quyết tuyệt diệu riêng của mình cho dân chúng.

Vâng, Chúa Giê-su lợi dụng tình thế đó, để ban cho mọi người một dấu chỉ, hầu từ đó giúp họ hiểu được Ngài có một lương thực đặc thù cống hiến cho họ. Nhất là, sau phép lạ bánh hóa ra nhiều, thì thực tình Chúa Giê-su mạc khải có thứ Bánh thần kỳ hơn đến cho họ. Bánh ấy khả thể nuôi sống dân chúng một đời sống vĩnh cửu, không còn lo sợ chuyện bánh cơm hằng ngày nữa. Tuy nhiên chúng ta cớ nghĩ Chúa làm giảm đi việc quan trọng của sự hiện thực này, nhưng cái lý trước hết, thi Chúa Giê-su đang chú tâm lo lắng cho những người dân ở trước mặt Ngài, đang trong cơn đói hoành hành thể xác. Chúa Giê-su nghĩ thực tế đến cơn đói này trước hết. Cơn đói có tính cách thể lý của con người. Không ngoài gì hơn là « có thực mới vực được đạo, hay dĩ thực vi tiên ». Miếng ăn trước hết, có no bụng mới nói lý đạo, và Chúa Giê-su ban cho dân chúng của ăn cụ thể của con người, là bánh cơm để nuôi thân xác họ đang đói trong lúc này đây.

Việc Chúa Giê-su thực hiện, đó chính la làm cho chúng ta cần phải suy tâm lại : bởi vô vàn, vô triệu người trong thế giới này đang kêu gào đói khổ - Như trong chung cư chúng ta ở, nơi khu xóm chúng ta cư ngụ, ngó ra trức nhà, ngó lui sau nhà, bước chân mình xuống đường phố, đảo mắt nhìn một vòng chung quanh, thì quả biết bao người ăn xin đau khổ, lê lết tấm thân gầy còm tàn tạ, nhan nhản trước đôi mắt ta! Chúng ta đã cho những anh chị em này được gì : một nắm xôi, một ổ bánh mì, hay một bát phở lót dạ chưa ? Chúng ta đã thấy những anh chị em mình nhãn tiền đó, thế nhưng đôi mắt chúng ta có lẽ như mù, đôi tai ta hầu như điếc. Phải chăng chúng ta đã sai lầm trong cách sống và cái nhìn của mình ? Thế đó, chúng ta phải trả giá cách sống của mình một ngày khi Chúa Trời gọi ta về tính sổ tình yêu của ta đối với anh chị em của Chúa đó. Quả thực, ngày đó những người đói khổ, khố rách áo ôm, sẽ kể tội chúng ta trước Ngai Tòa uy linh của Chúa Trời. Còn Chúa Giê-su, Ngài đã xem cơn đói của dân chúng là cụ thể, là cơn đói rã rời của thân xác sau nhiều ngày họ đã miệt mài lắng nghe lời Ngài dạy dỗ về Nước Trời.

Chúng ta thấy Chúa Giê-su không hành động đơn độc, một mình để nuôi ăn những người dân đói này. Ðúng hơn, Ngài bảo các môn đệ hãy phân phát cá cùng bánh cho dân chúng ăn « chính anh em hãy cho dân chúng ăn » (Mát-thêu 14,16). Chính nhờ sự hợp tác đắc lực của các môn đệ, Chúa Giê-su đã ra tay làm phép lạ cho 5 cái bánh và 2 con cá cứ thế mà tăng mãi . Việc làm đó của Chúa Giê-su đã làm thỏa lòng cho đám quần chúng, được xem là hơn năm ngàn người ăn, không tính phụ nữ cùng trẻ con.

Trong lúc chúng ta suy gẫm biến cố lich sử này, làm sao chúng ta không thể nghĩ đến ngày hôm nay. Quả tình Chúa Giê-su hằng luôn yêu cầu chúng ta hợp tác với Ngài, là phải cố gắng hoàn tất những phép lạ nhỏ nhỏ trong đời sống của ta, hầu có thể giúp cho nhiều người ở trên địa cầu này giảm bớt nạn đói cơm và nạn khát sữa hành hạ. Thực tế, nếu chúng ta muốn, nếu chúng ta biết hy sinh cùng biết tổ chức, biết chia cơm sẻ áo cho anh chị em mình đang thiếu thốn lương thực và vật chất, thì việc làm đó chúng ta làm được. Lý thực không phải là chuyện thiếu áo cơm, nhưng chính là thiếu lòng muốn, thiếu lòng nhân ái để chia sẻ một cách công bằng cho anh chị em minh.

Thế giới hôm nay nhất là các cường quốc, các nước kỷ nghệ giàu có như Mỹ, Nhật, Pháp, Anh, Ðức, Gia Na Ðại, Ý, Hòa Lan, Bỉ, Thụy Sĩ, Áo, Úc, Na Uy, Dan Mạch, Thụy Diển, Tây Ban Nha, Nga, Do Thái, Trung Cộng, Dài Loan, Nam Hàn, Ấn Ðộ vv.. Họ dã bỏ ra hàng ngàn tỷ Mỹ Kim để chế tạo các loại vũ khí tàn sát con người, hay họ mua bán các loại vũ khí này trên giá máu cùng xác chết của người đồng loại. Quả chỉ cần bỏ ra một phần ba trong các ngân sách chế tạo các loại vũ khí này và mua bán nó, để cống hiến cho những chương trình, những dự án chống lại các nạn đói của con người, các nạn khát sữa của các hài nhi do các Tổ Chức Nhân Ðạo cùa Liên Hiệp Quốc đề xướng, tất thế giới chúng ta sống này sẽ bớt dần nhừng người đói bánh cơm, những trẻ em khát sữa.

Khi nói đến chuyện người, ắt chúng ta cũng cấn xét lại lòng mình. Quả chúng ta đã lảm được gì cụ thể, để nói là chúng ta chia sẻ cơm áo cho những anh chị em thiếu thốn đó ? Ngày ngày, chúng ta ngửa mặt lên trời, chấp tay nguyện cấu, van xin Thiên Chúa ban cơm bánh nuôi sống những ai đói khát, ban áo quấn cho những người trấn trụi, ban nhà ở cho những người không nơi trú ngụ vv.. Thế đó, lời cầu xin đi vào thực tế, chúng ta, cá nhân cùng cộng đoàn đã chia sẻ được những gì cho những anh chị em đói khổ này ? Chúng ta thấy rồi đó, để giải quyết các vấn nạn đói khát này đang đối thực trước mắt mình, thì Chúa Giê-su đã thỉnh cầu đến sự hợp tác của các môn đệ mình. Ngài cần đến 5 cái bánh và hai con cá của các môn đệ mình, để thực thi một phép lạ vĩ đại cụ thể. Do đó, trước khi đi vào trong lòng bàn tay của Chúa Trời, thì việc giải quyết vấn nạn của nạn đói bánh cơm, khát sữa hay thuốc men chữa trị, thì phải chăng cũng nằm trong chính bàn tay của chúng ta ?

Qua tiếng kêu than đói khổ văng vẳng bên đôi tai chúng ta, trước mắt chúng ta, sau lưng chúng ta cùng chung quanh chúng ta : Họ than thở với ta rằng, chúng tôi cần cơm ăn, áo mặc, thuốc men để trị bệnh. Những lời kêu van ấy đánh động tim ta, và mời gọi mỗi người trong chúng ta sự liên đới, sự chia sẻ và công bình cũng như tình nhân loại. Chúng ta có thể nào ngồi ăn phủ phê, no say bên cạnh một em bé đói sữa, chết khát chăng ? Hãy mở lòng mình ra, mở rộng vòng tay của mình, nhất là chúng ta cần tiến bước ra đi… Chúng ta hãy dành một chút thời giờ, cần hy sinh dấn thân vào các phong trào hay hội đoàn thiện nguyện có các chương trình hoặc dự án chống lại các nạn đói nghèo, cơ cực. Cũng thế chúng ta hãy nghiệm xét lại các chính sách, đường lối chính trị cùng kinh tế của ta : có phù hợp cùng thiết thực với ý muốn chung của dân chúng chăng ? Chúng ta có cần ngốn hàng tỷ đô-la chế tạo, trang bị cho các loại vũ khí không hồn đó chăng ? Là con người tất nhiên phải được tôn trọng và sống xứng đáng một con người với nhân phẩm của minh. Chúng ta dám tốn hằng trăm tỷ Mỹ kim để bảo tồn, tu chỉnh các lọai máy bay, tàu chiền cùng vũ khí vô hồn ấy, trong lúc đó không dám bỏ ra một đồng để bảo tồn sinh mạng của anh chị em chúng ta ?

Ðau buồn thực! Trong thế giới này nạn đói khổ thể lý quả không biết bao nhiêu triệu mà chúng ta được biết, đã thấy tường tận. Thế nhưng, còn một nạn đói khác, một hình bóng đói cũng khủng khiếp không kém mà chúng ta dễ quên, đó là nạn đói khổ của con tim và tâm hồn. Có nghĩa đói khổ tình yêu, đói tình thân, đói sự tuyệt đối cùng đói khát Thiên Chúa. Do thế, nạn đói chúng ta nói đây không có gì là lạ với ý nghĩ của Chúa Giê-su khi Ngài mời dân chúng bằng thứ bánh mì vật chất.

Bấy lâu nay theo các nhà chú giải Thánh Kinh lưu ý đến việc Chúa Giê-su thực hiện phép lạ bánh cá hóa ra nhiều ấy, là giống như việc Ngài sẽ thực hiện vào buổi chiều Tiệc Ly. Ngài cầm lấy bành, ngước mắt lên trời khấn nài Chúa Cha, dâng lời chúc tụng rồi bẻ bánh và trao cho các môn đệ, để các ông phân phát cho dân chúng.

Ðể từ đó cứ mỗi lần chúng ta cử hành Bí Tích Thánh Thể, thì cùng một cử chỉ đó được làm mới lại, để nhớ lại Chúa Giê-su, nhờ lại bữa tiệc cuối cùng của Ngài, nhớ cái chết cùng sự sống lại vinh hiển của Ngài. Ðẹp thay Bánh Thánh trao ban cho chúng ta đó sẽ làm thỏa mãn cơn đói khát của chúng ta về Thiên Chúa. Vi Bánh đó là Thịt, là Máu của Chúa Ki-tô đem lại cho chúng ta sự sống vĩnh cửu với Ngài.

Một trong các nan giải của thời đại ngày nay của các nước kỷ nghệ cùng kỷ thuật tân kỳ, giáu có và phát triển hơn người mà xã hội họ gặp phải, đó chính là nạn đói khát tình thân và tình thương, nạn đói khát sự an ủi cùng chăm sóc người già và người bệnh tật, nạn đói khát tâm linh cùng tôn giáo, rồi đói Thiên Chúa cùng tình yêu của Ngài.

Chớ gi qua việc nhận lãnh Thánh Thể của Chúa Ki-tô hôm nay, giúp chúng ta ý thức được hơn cho những người vẫn còn thiếu cơm ăn, áo mặc, cho những người đói khát tâm linh, đói khát Ðấng Tuyệt Ðối, đói khát tình thương, sẽ được chúng ta mở lòng, rộng tay giúp đỡ. Cúi xin Chúa Trời cho chúng ta hằng biết luôn hợp tác với Ngài như các môn đệ xưa kia, để giải quyết các nan giải triền miên của sự nghèo đói trên trần gian này. Amen.

Lm. Phêrô Lê Quang Dũng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét