LTCGVN (01.08.2014)
Khai trừ Đảng ông Nguyễn Đăng Trừng
31/07/2014 18:53 (GMT + 7)
TTO – Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM vừa có thông báo kết luận về thi hành kỷ luật đảng viên Nguyễn Đăng Trừng (bí thư Đảng đoàn, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM).
Theo đó, Ban thường vụ Thành ủy TP quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Trừng bằng hình thức khai trừ.
Theo kết luận trên, từ năm 2012, trong lãnh đạo, điều hành hoạt động của Đảng đoàn, ông Trừng đã có khuyết điểm, vi phạm, trong đó có việc thực hiện công tác phân công, bổ nhiệm, đề bạt một số cán bộ tại Đoàn Luật sư TP vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ của Đảng, vi phạm qui chế làm việc của Đảng đoàn; chỉ đạo chuẩn bị nhân sự Đại hội Đoàn Luật sư TP nhiệm kỳ VI (2013 – 2018) không đúng qui trình, thiếu công khai, minh bạch; phong cách lãnh đạo thiếu dân chủ, độc đoán, gia trưởng…
Ban Thường vụ Thành ủy TP kết luận ông Trừng đã vi phạm qui chế làm việc của Đảng đoàn Đoàn Luật sư TP, vi phạm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của tổ chức Đảng do điều lệ Đảng qui định, vi phạm điều lệ Đoàn Luật sư TP và qui chế làm việc của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP, gây mất đoàn kết trong nội bộ Đảng đoàn.
Theo kết luận của Ban thường vụ Thành ủy TP, tháng 1-2014, ông Trừng đã kiểm điểm, nhận các khuyết điểm, vi phạm và xin tự phê bình, rút kinh nghiệm trước tập thể Đảng đoàn Đoàn Luật sư TP. Các khuyết điểm, vi phạm của ông Nguyễn Đăng Trừng đến mức phải thi hành kỷ luật Đảng. Tuy nhiên, căn cứ vào yêu cầu giáo dục và nâng cao tính tự giác trong thi hành kỷ luật Đảng, xét ông Nguyễn Đăng Trừng có quá trình tham gia cách mạng, có sự đóng góp nhất định trong hoạt động của Đoàn Luật sư TP nên Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đề nghị chưa xem xét thi hành kỷ luật Đảng, kiên trì tạo điều kiện để ông Trừng khắc phục khuyết điểm, vi phạm.
Kết luận của Ban thường vụ Thành ủy TP cho biết từ sau kiểm điểm và nhận trách nhiệm trước tập thể Đảng đoàn Đoàn Luật sư TP cho đến nay, dù đã được tổ chức đảng tạo điều kiện để khắc phục, sửa chữa khuyết điểm nhưng ông Trừng không những không khắc phục các khuyết điểm, vi phạm đã được kiểm điểm trước tập thể mà còn tiếp tục có những vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn. Một trong những vi phạm được chỉ ra là ông Trừng lợi dụng chức vụ Chủ nhiệm Đoàn Luật sư, không thông qua Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP, tự ý ký 4 văn bản để phản bác ý kiến chỉ đạo của UBND TP, của Liên Đoàn luật sư Việt Nam; đồng thời xuyên tạc, nói không đúng sự thật về ý kiến chỉ đạo công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Đoàn Luật sư TP nhiệm kỳ VI (2013 – 2018) đối với một số cán bộ lãnh đạo trong Ban Thường vụ Thành ủy TP và Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; chiếm giữ con dấu của Đoàn Luật sư TP, gây khó khăn cho hoạt động của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP trong quá trình chuẩn bị Đại hội Đại biểu Đoàn Luật sư TP nhiệm kỳ VI (đến nay vẫn chưa tiến hành được)…
Ban thường vụ Thành ủy TP kết luận thái độ và việc làm của ông Nguyễn Đăng Trừng thể hiện sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện cụ thể như: vô tổ chức, vô kỷ luật, không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, làm trái nghị quyết của tổ chức đảng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, độc đoán, gia trưởng, gây mất đoàn kết nội bộ, không còn đủ tư cách đảng viên.
Quốc Thanh
———-
Xung đột giữa Đoàn Luật sư TP.HCM và Liên Đoàn Luật sư Việt Nam
Trân Văn – Phóng viên RFA
14-04-2009
Vì sao luật sư giỏi từ chối tham gia lãnh đạo Liên đoàn luật sư? (phần 1)
Cách nay vài ngày, Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu Luật sư lần thứ nhất loan báo: Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ nhất, sẽ diễn ra trong các ngày từ 10 tháng 5 đến 12 tháng 5.
Trước thông tin này, Tạp chí Tuyên giáo của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng CSVN nhận định: “Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu sự phát triển của nghề luật sư ở Việt Nam.”
Nhận định vừa kể, có sát với các diễn biến trong thực tế và có đúng với cảm nhận của giới luật sư hay không?
Luật sư & Đoàn luật sư
Dù hệ thống Tòa án nhân dân xuất hiện tại miền Bắc từ giữa thập niên 1940, rồi hình thành vào giữa thập niên 1970 ở miền Nam nhưng mãi đến năm 1987, Việt Nam mới ban hành những quy phạm pháp luật có liên quan đến việc thành lập các Đòan Luật sư và việc hành nghề Luật sư.
Từ đó đến nay, các quy phạm pháp luật về luật sư liên tục được sửa đổi. Năm 2001, Pháp lệnh Luật sư đầu tiên, ban hành năm 1987 được thay thế bằng một Pháp lệnh Luật sư mới.
Đến năm 2006, Pháp lệnh Luật sư 2001 tiếp tục được thay thế bằng Luật Luật sư – lọai văn bản pháp quy có giá trị cao hơn pháp lệnh.
Điều đó cho thấy, vị trí, vai trò của luật sư trong sinh họat xã hội đã khác trước.
Tuy Pháp lệnh Luật sư năm 2001 và Luật Luật sư năm 2006 cùng đề cập đến việc cần có một “Tổ chức Luật sư Tòan quốc” làm đại diện cho giới luật sư ở Việt Nam nhưng đến nay, các Đòan Luật sư tại Việt Nam vẫn là những tổ chức độc lập với nhau.
Thành viên của các Đòan Luật sư trực tiếp bầu ra Ban Chủ nhiệm, Hội đồng Khen thưởng và Kỷ luật. Về phía nhà nước, UBND tỉnh, thành phố chỉ ban hành quyết định thành lập Đòan Luật sư trong địa phương của mình và Bộ Tư pháp chỉ giữ vai trò giám sát họat động của các Đòan Luật sư.
Trong Luật Luật sư hiện hành, dù “Tổ chức Luật sư tòan quốc” được xem là “cơ sở pháp lý quan trọng nhằm thực hiện các chủ trương của Đảng về đổi mới và phát triển hoạt động luật sư”, song kế họach thành lập “Tổ chức Luật sư tòan quốc” vẫn liên tục bị giới luật sư Việt Nam phản đối, vì việc sắp đặt nhân sự lãnh đạo tổ chức này bị cho là thiếu dân chủ, thậm chí vi phạm pháp luật.
Sự can thiệp của Nhà nước
Tháng 10 năm 2006, Bộ Tư pháp Việt Nam chính thức giới thiệu “Đề án thành lập Tổ chức Luật sư toàn quốc”. Theo đó, tên gọi chính thức của “Tổ chức luật sư Tòan quốc” sẽ là “Liên đòan Luật sư Việt Nam”.
Bộ Tư pháp cho biết sẽ thành lập “Hội đồng Luật sư lâm thời toàn quốc” để tổ chức “Đại hội đại biểu Luật sư lần thứ nhất”, qua đó lập ra “Liên đòan Luật sư Việt Nam”.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Luật sư Nguyễn Đăng Trừng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM đã thay mặt Đòan Luật sư TP.HCM, gửi “Kiến nghị khẩn cấp”, đề nghị Thủ tướng Việt Nam và Bộ trưởng Tư pháp không chỉ định bất kỳ cán bộ nào đại diện Bộ Tư pháp làm thành viên của “Hội đồng Luật sư lâm thời toàn quốc”.
Trong “Kiến nghị khẩn cấp” ký ngày 20 tháng 10 năm 2006, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng: Việc Bộ Tư pháp đưa hai đại diện của mình làm thành viên ‘Hội đồng Luật sư lâm thời’ và dự kiến cơ cấu một người làm Chủ tịch, một người làm Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Thư ký là “vi phạm nguyên tắc kết hợp quản lý Nhà nước với phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư, được quy định tại Luật Luật sư”.
Phản ứng của Đòan Luật sư TP.HCM và dư luận trong giới luật sư trên tòan quốc đã khiến việc thực hiện “Đề án thành lập Tổ chức Luật sư toàn quốc” bị khựng lại. Mãi 15 tháng sau, vào ngày 16 tháng 1 năm 2008, ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam mới phê duyệt “Đề án thành lập Tổ chức Luật sư toàn quốc”.
Khi phê duyệt đề án, Thủ tướng Việt Nam xác định: “Người đứng đầu tổ chức luật sư toàn quốc phải là người có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, am hiểu sâu sắc nghề luật sư và thực tiễn hoạt động luật sư ở Việt Nam, có khả năng lãnh đạo, dẫn dắt và thuyết phục đối với đội ngũ luật sư…”.
Cho dù Thủ tướng Việt Nam yêu cầu: Trong năm 2008, phải thực hiện xong “Đề án thành lập Tổ chức Luật sư toàn quốc” nhưng đến nay, tháng 4 năm 2009, Liên đòan Luật sư Việt Nam vẫn chưa ra đời.
Khi được báo điện tử VietnamNet hỏi, vì sao lại chậm trễ như vậy, ông Lê Thúc Anh, Chủ tịch Hội đồng lâm thời Luật sư toàn quốc, cho biết: “Đây là một tổ chức nghề nghiệp đặc thù nên công tác nhân sự tương đối phức tạp”.
Còn ông Nguyễn Văn Thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng lâm thời Luật sư toàn quốc thì tiết lộ “Dù đã động viên nhiều luật sư giỏi tham gia nhưng họ đều từ chối vì bận công việc”.
Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, Đòan Luật sư Hà Nội, thành viên Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu Luật sư lần thứ nhất, giải thích thêm lý do khiến “công tác nhân sự tương đối phức tạp”:
“Nói chung là có những ý kiến khá gay cấn, nhất là của một số anh em luật sư TP.HCM. Các anh chị em ấy muốn người lãnh đạo của Liên đòan Luật sư phải là luật sư lâu năm, phải có kinh nghiệm họat động luật sư thì mới sát với thực tế, sát với bảo vệ quyền lợi của luật sư, có hiệu quả hơn. Quan điểm chung là như vậy…”
Qúy vị vừa nghe tóm lược quá trình hình thành và phát triển đội ngũ luật sư ở Việt Nam, cũng như những trục trặc trong việc thành lập Liên đòan Luật sư Việt Nam.
Trong bài tới chúng tôi sẽ tường thuật chi tiết hơn về diễn biến của “công tác nhân sự” trong quá trình thành lập Liên đòan Luật sư Việt Nam và vì sao “nhiều luật sư giỏi từ chối tham gia Hội đồng Luật sư tòan quốc”
——–
Trân Văn, phóng viên RFA
0 nhận xét:
Đăng nhận xét