Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

Tang thương Ngọc Lâm, ấm áp tình thương yêu của cộng đồng


Ngày 17/1/2013, Nhà thờ Giáo xứ Ngọc Lâm, thuộc Giáo phận Bắc Ninh ở xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, Tỉnh Thái Nguyên bị sập mái khi đang thi công, một số người chết và bị thương. Chúng tôi lên đường về Ngọc Lâm chiều nay dự lễ an táng những người đã ra đi.

Con đường dẫn chúng tôi từ Hà Nội lên Thái Nguyên chìm trong màu sương ảm đạm, lạnh lùng của một chiều cuối đông. Qua Thành phố Thái Nguyên không xa, con đường ngoằn ngoèo dẫn chúng tôi vào Giáo xứ Ngọc Lâm. Dọc đường đi, hỏi tên Ngọc Lâm, lập tức có người chỉ đường đến nơi ngôi nhà thờ sập mái. Chỉ cần nhìn sự nhiệt tình và ánh mắt thảng thốt của những người dân chỉ đường, chúng tôi hiểu sự nghiêm trọng của tai nạn ở đây như thế nào.

Một ngôi nhà thờ họ gần Ngọc Lâm mới được xây dựng


Khi chúng tôi đến, Thánh lễ an táng cho ba nạn nhân đang được cử hành. Thánh lễ đồng tế cho Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt chủ tế cùng với đông đảo các linh mục trong và ngoài giáo phận. Cả ngàn giáo dân lặng lẽ đứng xem lễ nghiêm trang trước ba cỗ quan tài đặt song song trước bàn thờ. Chìm trong màu áo tím và hương khói dâng lên, những tiếng khóc được nén lại để tất cả dâng lên Thiên Chúa lời nguyện cầu cho những người anh em đã hi sinh cả thân xác mình cho mơ ước của toàn cộng đoàn nơi đây công trình ngôi nhà Chúa sớm thành hiện thực. Vậy nhưng, thỉnh thoảng những bàn tay vẫn lén chùi những giọt nước mắt lăn trên má các giáo dân khi nhìn thấy những đứa con của các nạn nhân còn quá bé bỏng và thơ dại. Trong số ba nạn nhân nằm đây hôm nay, có những người còn quá trẻ, một ngời mới cưới vợ được một đứa con 2 tuổi và đứa thứ hai còn trong bụng mẹ.

Thánh lễ nhiều khi như nghẹn lại bởi lời chia sẻ, lời nguyện cầu cũng như những nghi thức diễn ra trước ba cỗ quan tài cùng đặt song song nhau.










Bên cạnh là ngôi nhà thờ đang xây dựng vừa có sự cố tai nạn. Ngôi nhà thờ nằm ngay bên bờ sông Cầu, trên đỉnh đồi cao nhất của khu vực giáo xứ, nhìn từ đó ra xa, ba phía đều thấy những bóng Thánh đường khác của các giáo họ cách không xa lắm. Một cảm giác yên tĩnh, thanh bình vốn có trên một vùng quê đã bị xé tan bởi tai họa ập đến mới ngày hôm qua.

Đáng tang của cả ba nạn nhân hôm nay, có lẽ là đám tang đông đúc, đầy đủ mọi yếu tố đau đớn, tang thương và yêu thương nhất từ trước đến nay tại đây. Sau Thánh lễ an táng do Đức Giám mục và các linh mục trong ngoài giáo phận đồng tế, linh mục phụ trách xứ F.x Nguyễn Đức Đại đã có lời tiễn biệt với những người đã nằm xuống, ngài nghẹn ngào tiễn biệt những giáo dân nhiệt thành, yêu thương, những người đã từng là cánh tay phải của ngài trong nhiệm vụ nặng nề trong giáo xứ và xây dựng công trình nhà Chúa hôm nay đã bỏ ngài ra đi. Rồi ngài cũng tất cả giáo dân tiễn những người anh em, con cái mình về nơi an nghỉ cuối cùng.

Mỗi linh mục dẫn đầu một linh cữu đến tận nghĩa trang. Mỗi chiếc xe tang được dẫn đầu bởi một đội kèn đồng của giáo xứ Ngọc Lâm và các giáo xứ bạn. Con đường dẫn từ ngôi nhà thờ ra nghĩa trang khá dài, đám tang trở thành một dòng người đi mãi không dứt trong tiếng nhạc tiễn biệt, hùng tráng và bi thương.









Dòng người đưa các nạn nhân đến nơi an nghỉ cuối cùng là một huyệt mộ khổng lồ mới được xây khẩn cấp đặt chung cho cả ba nạn nhân nằm bên nhau. Các linh mục, tu sĩ, giáo dân đến tận nơi tiễn biệt các anh, những người đã bỏ mình vì công trình làm vinh quang Thiên Chúa. Họ đã ra đi trong sự tiếc nuối, đau đớn của tất cả cộng đồng từ Giám mục, linh mục đến từng giáo dân và không chỉ có người công giáo, hàng đoàn những người dân không công giáo đến từ nhiều nơi, đặc biệt là các làng mạc khu vực xung quanh.

















Sau lễ tang, chúng tôi gặp linh mục phụ trách xứ Ngọc Lâm F.x Nguyễn Đức Đại để chia buồn với nỗi đau của Giáo xứ và cũng là của ngài. Trong cơn thảng thốt đớn đau, ngài cho chúng tôi biết về quá trình xây dựng ngôi Thánh đường cũng như sự cố ngày hôm qua đã diễn ra. Qua đó, nổi lên là sự hi sinh, đồng lòng và quyết tâm thực hiện ước mơ của cộng đồng dân Chúa nơi đây muốn có một chỗ thờ phượng Thiên Chúa thật đàng hoàng, xứng với niềm tin mến của mình. Mấy năm qua, Giáo xứ đã gom góp tiền của, công sức cũng như tinh thần để bắt đầu xây dựng ngôi Thánh đường này. Ngày hôm qua, cả ngàn người đã tưng bừng hân hoan đến cùng nhau đổ những mẻ bê tông cuối cùng cho mái nhà thờ. Trời bổng đổ mưa nặng hạt khi đang dở dang công việc. Hơn một trăm người cả linh mục, giáo dân, đang trên mái nhà sắp kết thúc, cả ngàn người phục vụ phía dưới. Và sự cố đau thương đã xảy ra.

Tai nạn là điều không hề có ai mong muốn, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng lại là điều rất dễ xảy ra. Ngay tại Thái Nguyên, trong hai ngày 16 và 17/1/2013 đã có hai vụ sập đổ các công trình xây dựng. Ở vụ việc này, chỉ đơn giản là một cơn mưa nhỏ sáng hôm đó đã dẫn nước của cả mái bằng nhỏ giọt vào chân cọc chống làm mềm đất và xói lở một góc chống mái, từ đó dẫn đến sụp đổ dây chuyền cả mái bê tông với trọng lượng phải đến vài trăm tấn trên đó vừa mới đổ gần xong. Cũng bởi hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo của nhiều vùng quê, không thể có điều kiện để làm một cách có bài bản, chuyên nghiệp mà chủ yếu là tất cả người dân tự nguyện đóng góp công sức và tiền của. Bởi vậy dù cố gắng đến đâu cũng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sự an toàn ngoài dự định. (Vấn đề về xây dựng các công trình tôn giáo, chúng tôi đã có lần đề cập đến trong một bài viết cách đây 7 năm. Đến nay có lẽ là lúc cần được đặt lại vấn đề một cách nghiêm túc).

Tang thương đã xảy ra, nỗi đau vẫn còn đó, nhưng như câu ví dặm ngày xưa “rằng qua cơn hoạn nạn, ta hiểu tận lòng nhau”. Không nói xa xôi từ ngày khởi công xây dựng Thánh đường, chỉ qua cơn hoạn nạn này, tình người, tình cộng đồng và tình yêu thương được thể hiện mạnh mẽ nhất, sống động nhất và xúc động nhất.

Linh mục F.x Nguyễn Đức Đại kể lại:

Khi tôi vừa chui vào trong nhà thờ kiểm tra một lượt, thì có người gọi ra để giải quyết việc, được mấy phút bỗng nhiên nghe mấy tiếng như tiếng vỗ tay và một tiếng động lớn. Sau đó, cả ngàn con người lặng phắc chừng một hai phút. Tôi không biết chuyện gì, chỉ kịp chạy ra thấy mái nhà thờ đã không còn nữa, tôi lê đến dưới chân Thánh giá thì quỳ xuống với một lời nguyện “Lạy Chúa, việc đã xảy ra, xin Ngài phó thác tất cả trong tay Ngài và cứu giúp chúng con”. Sau một phút lặng như tờ, cả ngàn con người bắt đầu cơn hoảng sợ và tiếng la hét, tiếng kêu cứu cũng như lời gọi nhau vợ tìm chồng, con tìm bố vang lên. Trên mái có khoảng 150 người, thì chiếc mái đổ ập xuống. Tôi vội vàng chạy ra và việc đầu tiên có thể làm là gọi cấp cứu 115 báo cho họ địa điểm, số người rất lớn và bắt đầu việc cứu người.

Tôi quỳ xuống và nói to: “Cha xin lỗi tất cả bà con, tất cả bà con chú ý nghe cha nói, giờ đây tập trung tất cả mọi khả năng để cứu anh em chúng ta. Cha đã gọi xe cấp cứu bên kia cầu phao, bà con đưa anh em ra đó, tất cả mọi việc cần thiết để cứu người đều phải tận dụng. Mọi chi phí và những thứ cần thiết, cha chịu trách nhiệm. Bây giờ phải tháohết tất cả những cánh cửa, ghế ngồi, giường ngủ… tất cả những thứ có thể được để làm cáng cứu thương”. Giữa hàng ngàn tiếng kêu la hét hoảng loạn đang xảy ra, nhưng tất cả giáo dân đã im nghe và tôi nói, tất cả đã vào cuộc răm rắp với một sức mạnh hết sức lạ kỳ và hết sức ngạc nhiên. Tôi chỉ còn biết đến làm phép giải tội cho tất cả những ai tôi gặp, đứng ngay đầu cửa ra xức dầu cho tất cả nạn nhân. Thậm chí khi đó tôi làm việc như vô thức chẳng hiểu mình đang ở trạng thái nào.

Việc đầu tiên là đưa tất cả những người bị thương, người chết ra khỏi khu vực đổ nát để đi cấp cứu. Tôi đề nghị bà con dỡ tất cả mọi thứ trong đống đổ nát để tìm bằng hết tất cả những ai còn có thể bị vùi lấp trong đó. Lạ kỳ thay, hàng ngàn con người đã im lặng trật tự để cùng nhau dỡ đống sắt thép, bê tông và cốp pha mà chỉ riêng cọc chống đã khoảng vài chục xe ô tô chở về, tất cả được dỡ hết ra ngoài chỉ trong vòng khoảng một tiếng đồng hồ. Họ làm như cái máy, bằng tất cả sự cẩn thận, trân trọng và ý thức thôi thúc vì những anh em mình có thể đang ở trong đó. Khoảng một giờ sau khi tai nạn xảy ra thì việc giải phóng đống đổ nát đã xong và tất cả những ai bị nạn đã được tìm kiếm và đưa đi bệnh viện hết.

Sau đó, các đoàn thể, công an 113, cứu thương với các loại ô tô của các cơ quan đã đổ về đây để giúp đỡ bà con giáo dân trong hoạn nạn. Trong vụ việc này, sự huy động và vận động của các cơ quan chính quyền của Thái Nguyên là tích cực và đáng ghi nhận. Ngay sau khi nhận được thông tin về tai nạn xảy ra, trong ngày 17/1/2013, Chủ tịch UBND Tỉnh Thái Nguyên đã có công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương giúp đỡ các nạn nhân trong vụ việc này. Các cơ quan truyền thông đã kịp thời thông tin nhanh chóng đến cộng đồng trong và ngoài nước về sự kiện tai nạn đau thương mà giáo dân nơi đây đang vấp phải. Các bệnh viện đã khẩn trương cứu giúp người bị nạn hoặc cấp cứu để chuyển lên tuyến trên, cơ quan pháp y, y tế đã tích cực cứu chữa và làm nhiều thứ để cứu giúp các nạn nhân.

Đến dự lễ tang các nạn nhân tại đây, được chứng kiến tận mắt và nghe tận tai những gì đã xảy ra nơi đây, chúng tôi thật sự xúc động trước tình yêu thương, sự đùm bọc và tinh thần của những người dân cũng như những tình cảm mà cả cộng đồng đã dành cho họ. Nghe những câu chuyện đó, chúng tôi càng ngậm ngùi cho số phận những người dân nơi Cồn Sẻ, Cồn Nâm bị tai nạn chìm thuyền mới đây ở Quảng Bình. Ngược lại ở Thái Nguyên hôm qua và hôm nay, trong vụ việc ở Quảng Bình, người ta chứng kiến sự vô cảm đến mức đáng sợ của các cơ quan chức năng của dân và sự tráo trở của một số cơ quan truyền thông đã bóp méo sự thật để giành lấy những ‘thành tích” mà họ đã không thấy xấu hổ khi người khác lâm nạn lại còn lợi dụng tang thương của họ để trục lợi.

Những giáo dân ở đây hôm nay kể cho chúng tôi nghe về vụ tai nạn trong sự đau thương, tiếc nuối và những cảm kích trước sự yêu thương, chia sẻ của cộng đồng không chỉ của dân Chúa mà tất cả những ai đã biết, đã thể hiện với họ. Ngay khi nghe tin, cả chợ Thái Nguyên bỏ cả hàng hóa, chạy đến cứu giúp nạn nhân, các làng xóm xung quanh, dù không phải là người công giáo khi nghe tin đã đổ về cứu giúp họ. Nhiều chuyến xe taxi chở người đến với Ngọc Lâm, chở nạn nhân đến bệnh viện mà không hề lấy tiền. Nhiều phương tiện được đưa ra cứu chữa bất kể là của ai, tất cả nhằm cứu các nạn nhân và để họ được cứu chữa kịp thời. Nhiều người phóng xe máy chạy đến nơi thì vứt xe tại đó để vào cứu chữa. Thậm chí sau khi xong việc còn không thấy xe mình đâu, hôm sau mới biết là các gia đình giáo dân đã cất hộ những chiếc xe vô chủ dọc đường.

Ngay tối hôm đó, các linh mục đã liên tục đến dâng thánh lễ tại gia đình các nạn nhân đã qua đời cầu nguyện cho linh hồn được nghỉ ngơi bên Chúa sau khi họ đã hi sinh quãng đời còn lại của mình cho việc công đức, thánh thiện. Đại diện Tòa Giám mục đã đến ngay với anh em bị nạn, các giáo xứ, giáo phận và Đại diện Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI – Đức TGM Leonardo Girelli ngay lập tức đã gửi điện thăm hỏi, chia sẻ nỗi đau của Giáo phận, giáo xứ và thân nhân các nạn nhân. Tất cả những ai đã gặp chúng tôi đều rưng rưng về những tình yêu thương, tình cảm của cộng đồng đã dành cho họ qua cơn hoạn nạn này.

Ba linh hồn Đaminh đã an nghỉ trong sự tiếc thương của cộng đồng, trong sự trân trọng của giáo dân, giáo sĩ và nhân dân nơi đây. Nỗi đau vẫn còn đó trong các em bé mồ côi, những người mẹ già, những người vợ trẻ của họ. Những người bị thương vẫn còn trong các bênh viện, họ cần sự giúp đỡ của tất cả cộng đồng khắp nơi.

Rời Ngọc Lâm trở về trong buổi hoàng hôn mịt mù lạnh lẽo, chúng tôi nghĩ nhiều đến những con người đã hi sinh cả cuộc đời mình vì Giáo hội, vì cộng đồng. Và nhất là ở đó, có sự chia sẻ, yêu thương và cảm thông những lúc hoạn nạn.

Xin hãy chung tay để giảm bớt nỗi đau của họ qua hoạn nạn này.

Hà Nội 18/1/2013
J.B Nguyễn Hữu Vinh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét