LTCGVN (20.01.2013)
Sàigòn
Cứ mỗi năm, vào cuối tháng Giêng, tất cả những tín hữu của Chúa Kitô đều sung sướng đón TUẦN LỄ HỢP NHẤT. Anh em Công giáo cũng như anh em Tin lành và Chính thống đều tha thiết cầu in Chúa ban ơn hợp nhất cho tất cả những ai tin vào ơn Cứu rỗi Chúa Kitô đem lại cho nhân loại.
Nhưng năm nay, năm Công đồng Vatiacn đang tiếp diễn, Tuần Lễ Hợp Nhất sẽ đem lại cho Giáo hội Chúa Kitô nhiều nguồn an ủi. Hơn mọi năm, niềm hy vọng hợp nhất toàn diện, tuy vẫn còn xa xăm, nhưng đang thực hiện những bước tiến quan trọng và tốt đẹp.
Như chúng ta đã biết, tuy Công đồng Vatican II không có mục đích thực hiện ngay sự hợp nhất giữa anh em Cộng đồng và anh em cách biệt, nhưng chính ý chí hợp nhất đã thúc đẩy Đức Gioan XXIII triệu tập Công đồng Vatican II, cũng như đã chi phối tất cả hoạt động và lời nói của các nghị phụ.
Chúng ta còn nhớ, cách đây 4 năm, lúc tuyên bố họp Công đồng, đức Thánh Cha đã nhấn mạnh vấn đề hợp nhất đến đỗi người ta lầm tưởng Công đồng này được triệu tập để thực hiện ngay sự hợp nhất như hai Công đồng Lyon vào thế kỷ 13 và Flo-rence vào thế kỷ 15. Nhưng thực ra Đức Gioan XXIII triệu tập Công đồng này với mục đích cải tân Giáo hội, để đời sống mới của Giáo hội trở nên như ngài nói, “một tiếng gọi thân ái những anh em cách biệt tìm về hợp nhất” (Thông điệp Ad Petri Cathedram). Thế nghĩa là sự hợp nhất là chính mục đích cuối của Công đồng.
Ý chí hợp nhất cũng đang chi phối các nghị phụ trong mấy tháng vừa qua trong lược đồ Phụng vụ. Nếu các nghị phụ đã đặt vấn đề Phụng Vụ vào chỗ ưu tiên, đó cũng chỉ vì Phụng vụ là một điểm then chốt của hợp nhất; nếu các nghị phụ đã thảo luận ráo riết lược đồ phụng vụ trong một tháng trời để tìm một đường lối cải tân, đó cũng chỉ vì các ngài muốn đem lại sự hợp nhất giữa các tín hữu Chúa Kitô.
Trong ý chí hợp nhất, lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội vấn đề Phụng vụ đã được đưa ra thảo luận cách sâu rộng tại Công đồng. Các nghị phụ đã muốn trở về trung tâm Phụng vụ và tìm những cải cách thích hợp, ngõ hầu tất cả mọi dân tộc đi sâu vào mầu nhiệm của Phụng vụ với những đặc tính riêng của mình.
Các nghị phụ đã đồng tâm nhận định rằng: Trung tâm của Phụng vụ là đem Chúa lại cho loài người và đưa loài người về với Chúa. Nhờ Phụng vụ, Giáo hội thực hiện qua các thời đại công việc giải phóng đã được loan báo trong Cựu Ước và hoàn thành trong Cựu Ước. Trong Phụng vụ, có những yếu tố do Thiên Chúa lập ra bất di bất dịch không ai có quyền sửa đổi, vì là cốt tủy.
Nhưng cò những yếu tố do chính Giáo hội nghĩ ra để thực hiện trong thực tế cái cốt tủy của Phụng vụ. Chính những yếu tố sau đây cần phải được sửa đổi, thích nghi cho hợp với mỗi thời đại và mỗi dâ tộc.
Trước đây, để diễn tả sự duy nhất của Phụng vụ, Giáo hội Công giáo đã dùng một nghi lễ và một chuyển ngữ, khắp nơi trên thế giới đều dùng nghi lễ La Mã và hành lễ bằng La ngữ. Nếu trong Giáo hội còn nhiều nghi lễ Đông Phương, người ta vẫn nhìn những nghi lễ ấy với con mắt ít thiện cảm và chịu đựng như một việc bất đắc dĩ.
Nhưng ngày nay, Công đồng Vatican II, đa số các nghị phụ nhận thấy cần phải đổi thái độ quá câu nệ sự nhất biểu La Mã, biểu tượng của một thời đại và một nền văn hóa riêng biệt. Chính đức Benedictô XV đã mạnh dạn nói: “Giáo hội không làm cho người ta trở nên La Mã, nhưng trở nên Công giáo”. Nếu đức tin phải duy nhất, nếu những yếu tố cốt tủy Chúa Kitô đã đặt ra trong Phụng vụ phải được duy trì trọn vẹn, thì sự duy nhất kiểu La Mã có thể thay thế bằng nhiều kiểu khác, nhiều ngôn ngữ khác để mầu nhiệm giải phóng của Chúa Giêsu dễ đến trong tâm trí con người thời đại. Với người Do Thái, Chúa Giêsu đã dùng tiếng Do Thái bình dân và Người đã theo kiểu bữa ăn Do Thái mà làm thánh lễ đầu tiên. Và trong thời kỳ sơ khai của Kitô giáo, Phụng vụ được áp dụng dưới những hình thức khác nhau, tùy mỗi dân tộc, mỗi văn hóa. Mãi về sau, nhiều hoàn cảnh lịch sử đặc biệt đã đưa nghi lễ la mã cho toàn thể Giáo hội. Nhờ đó mà trong mấy thế kỷ qua, sự duy nhất đức tin đã được ý thức hơn.
Nhưng ngày nay, Giáo hội cảm thấy sự duy nhất kiểu La Mã không còn đem lại cho con người của thế kỷ những ích lợi của thời trước. Nghi lễ La Mã với chuyển ngữ la tinh không thể nói lên tất cả sự dồi dào của Phụng vụ cho tất cả mọi người, với những phong tục riêng, văn hóa riêng, ngôn ngữ riêng. Vì thế Công đồng đã đề nghị cải cách nghi lễ, chấp nhận nhiều hình thức cho hợp mỗi dân tộc và dùng sinh ngữ một phần lớn trong Phụng vụ. Những cải tổ về Phụng vụ này nhằm tăng cường đức tin của anh em Công giáo, đồng thời thủ ý mở đường để anh em cách biệt trở về với Giáo hội mà không sợ phải từ bỏ những kho tàng phong phú thiêng liêng của mình.
Chúng ta hãy vui mừng với tất cả những ai tha thiết đến đức tin Công giáo, đến sự hợp nhất giữa tín đồ Chúa Kitô, Chúa Thánh Thần đang dẫn đưa Giáo hội trên con đường cải tân và HỢP NHẤT.
Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Số 164-1/1963
Nguồn: VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét