Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

Nói cho con người (Thư Cần Giờ 1990-1993): Lm. Chân Tín (18)


LTCGVN (22.12.2012)
Sàigòn - Cần Giờ 8/10/1990

Anh Lan mến,
Cách đây 5, 6 ngày gì đó, anh có nghe tin dân chúng ở Leningrad muốn trở lại với tên cũ của thành phố đó, tức là Petrograd, St Petersbourg? Họ hết ham Lê nin rồi! Họ nghĩ thời Pierrele Grand đáng lưu luyến hơn thời Lê nin. 70 năm Cách mạng 1917 đã đem gì lại cho họ? Liên Xô đã sám hối về 70 năm đó.
Còn thành phố ta? Trước 75 là Thành phố Sài Gòn. Sau 75 là thành phố Hồ Chí Minh. Sài Gòn gợi lại thời kỳ anh dũng của nhân dân chống Pháp, chống Mỹ để giành độc lập. Sài Gòn gợi lại bao hy sinh, bao xương máu để đi đến độc lập, tự do, hạnh phúc. Còn sau 75, mấy chữ thành phố HCM gợi lại cho nhân dân 15 năm đen tối: nhân quyền bị vi phạm trầm trọng, người dân mất hết quyền công dân; cuộc sống ngày càng khó khăn, y tế, giáo dục xuống cấp thê thảm. Độc lập phải có tự do, hạnh phúc cho dân. Người dân chưa thấy mình tự do và hạnh phúc trong 15 năm của thành phố HCM.

Nhân dịp Tết Trung Thu, có một số bô lão đến thăm. Một bác đã 80, làm nghề cá, có làm bài thơ tặng anh em chúng tôi và họ đạo. Bác là người bên lương:
Chúc cầu Thánh đạo được an khang
Nam nữ bình đẳng được huy hoàng
Kiểng đổ chuông reo mừng Thánh Chúa
Thuận hòa vang dậy khắp lân bang
Thiên nhật nguyệt soi gương sáng
Bốn bể năm châu cùng hiệp đoàn
Đạo nâng xứ sở đừng xao lãng
Chúc cầu thánh đạo được an khang
Thấy bác làm thơ hay, tôi hỏi bác có bài thơ nào bác làm để nói lên cảnh nghèo đói ở Duyên Hải hiện nay không, bác đọc một bài thơ như sau:
Than hoài nói mãi chẳng ai cho
Gạo cước thuế dầu càng tăng giá
Sông cầu đáy rạo mặt buồn so
Cá đối lưới hai trơ mỏ ngó
Sản lượng đè đầu chỗi dậy lo
Tôm cá càng ngày càng kiệt quệ
Cào Te thối chí hết phương mò
Cá ít dầu hao đi lỗ vốn
Thôi đành chịu đói, đậu nằm co.
Bác ngư phủ này thật dễ thương. Sẽ tìm dịp gặp lại để hỏi thêm về những tích như tích “Nghinh ông” ở đây.
Chắc anh đã đọc bài “Lại nghĩ về những người mẹ” trong Tuổi Trẻ, ngày 14/10. Đúng là vắt chanh bỏ vỏ. Một người mẹ mù lòa, sống với đứa con mù, đã hy sinh chồng và ba người con trai thời chống Pháp, chống Mỹ. Bà đã hy sinh tất cả cho kháng chiến: cơ nghiệp, người thân. Bà đã từng đội bom, lướt đạn để làm giao liên. Giải phóng, bà bị bỏ rơi, nghèo đói, kiệt lực. những cán bộ cao cấp bà nuôi dưỡng không đoái hoài. 80 tuổi, mắt mù, những vẫn thấy nỗi đắng cay phũ phàng.
Thăm chị và bé Chi.

                                                                                                Lm. Chân Tín
                                                                        (NKNNL 1990-1991, trang 129-130)
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét