Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

LÀM THẾ NÀO THÂU HOẠCH NỀN VĂN HOÁ NHÂN BẢN ? (Kỳ 3)



LTCGVN (25.12.2012)



LÀM THẾ NÀO THÂU HOẠCH NỀN VĂN HOÁ NHÂN BẢN ? (Kỳ 3)


Kính Tặng Nhà Báo Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Luật Sư Lê Công Dịnh, Nguyễn Văn Đài, Nhạc Sĩ Việt Khang Và Anh Đoàn Văn Vượn Cùng Chị Bùi Thị Minh Hằng, Tạ Phong Tần, Phạm Thanh Nghiêm Và Cháu Trịnh Kim Tiến, Huỳnh Thục Vi Cùng Nguyễn Phương Uyên : Những Người Can Đảm Nói Và Hành Động Cùng Đứng Lên Chống Quân Xâm Lược, Chống Những Kẻ Hèn Nhát Bán Nước Diệt Dân 



B. VĂN HÓA LÀ GIA TÀI ĐẶC THÙ CỦA CON NGƯỜI 

Qủa sự truyền đạt văn hóa và lưu tồn văn hóa là một dấu chỉ biểu hiện của con người. Ngược lại, chúng ta thấy các con vật không bao giờ biểu lộ được dấu chỉ chân thật của văn hóa. Tại sao văn hóa là đặc biệt cho con người ? Cũng như tại sao nhà nhân chủng học thời danh Kroeber người Mỹ, định nghĩa khái niệm về văn hóa là « chỉ có giống người, và là điều thiếu không có ở các loài giống khác ? » Câu trả lời thật đơn giản : những loài vật không có văn hóa, vì chúng nó không thể học được và truyền thụ lại được. Hơn nữa, những con vật không có bản năng thông mình cho ta thấy những thái độ, dạng thái, biểu hiện, để giả thiết cho chúng ta thấy rằng chúng được đào luyện văn hóa. Do thế, chúng tôi nghĩ rằng những con vật không thể học được những gì như chúng ta.

Thế nhưng, nếu chúng ta thấy có những con vật như con nhồng, con két có thể nói được tiếng người một số câu nào đó như đứa bé, hay một số con vật như cá heo, ngưa, voi, cọp vv…, mà chúng nó nhờ con người đào luyện và dạy dỗ có thể làm xiệc được. Tuy nhiên, chúng ta rõ rằng vẫn có cái bản thể khác biệt giữa sự biết của loài vật và sự biết của con người. Đây là một khác biệt không chỉ về trình độ, thứ cấp, song cả về loài giống, là giống người và giống vật. 

Có người tin rằng sự thấy đầu tiên về những loài vật giống người hơn cả là loài khỉ. Những con khỉ đột có khả năng học được như người. Họ nghĩ rằng cái kém của con khỉ khác nhau trong sự biết là một khác nhau về trình độ, hơn là loại giống. Cũng thế nhiều người cộng sản còn nghĩ và tin loại khỉ hay loại vượn là thủy tổ của loài người. Chúng tôi thiết nghĩ là một điều ngộ nhận lớn về khoa học của nhân chủng học, và nhân loại học khi đi tìm nguồn gốc văn hóa cùng con người. Vì theo những nhà nhân chủng và nhân loại học cùng các nhà phân tâm của Mỹ, Đức, như Hooton, Kohler và Yerker vv…, thì các vị ấy đã có nhiều kinh nghiệm học hỏi, khảo sát, nghiên cứu, thực nghiệm về sự sống và đời sống của con người, về các loại động vật, nhất là loài khỉ. Do đó, sau những năm học hỏi, tìm tòi, khảo cứu, thì các vị ấy nghĩ rằng loài khỉ không có năng lực học hỏi cùng hiểu biết như con người. 

Ví dụ nếu quả có những con tinh tinh (chimpazé), con khỉ hay khỉ đột (anthropoide) mà chúng ta thấy trong những gánh xiệc, chúng có thể đạp được chiếc xe đạp vòng quanh sân khấu, hay biết ném những viên đá, biết hái dừa, quăng viên sỏi để tự vệ khi có ngưòi ném đà vào chúng, hay nhiều người còn cho rằng phi hành gia đầu tiên của người Mỹ là một con khỉ đột, không vì thế rồi kết luận loài khỉ là thủy tổ của loài người. Bởi chúng tôi biết qua những khám phá của các nhà nhân chủng, nhân loại học và phân tâm lý sinh vật học như Koler, R., Yerkers và A. Yerker, W.Kellog và L. Kellog, Titiev vv…, cho phép chúng tôi có một giả thiết rằng : nếu con khỉ đột tạo được sự hiểu biết mới, thì nó hoàn toàn bắt chước con người. Vì tự bản chất của khỉ không thể học hỏi được như con người. 

C. YẾU TỐ CĂN BẢN CỦA VĂN HÓA LÀ TRUYỀN ĐẠT VÀ GIÁO DỤC 

Tất cả những dẫn chứng chúng tôi tường thuật ở trên, thì yếu tố quan trọng là phương pháp giáo dục và hấp thụ, cũng là yếu tố quan trọng trong sự truyền đạt và thụ nhận văn hóa. Và sự giáo dục cùng truyền đạt này chỉ có con người là hấp thụ được văn hóa. Do đó, chúng ta xác định rằng loài vật hay loài khỉ không thể nào truyền đạt văn hóa. Cũng thế, chúng không thể giáo dục cho nhau về văn hóa, hay thấy dấu chỉ chúng sáng tạo, phát minh để đạt đến được sự văn mình như con người. Chúng ta dám quả quyết rằng dẫu có một tỳ năm hơn nữa, thì loài khỉ vẫn là loài khỉ. Đấng Tạo Hoá tạo dựng nó là loài khỉ thì nó muôn đời sinh ra là loài khỉ. Do thế, chúng ta không thể chấp nhận được cái thuyết quái dị « thủy tồ con người là lòai khỉ », hay con người theo thuyết tiến hóa, thì được biến dạng từ loài khỉ. Chúng tôi xin xác minh với những người tin thủy tổ con người là loài khỉ, là các vị không hiểu rõ gì về văn hóa và con người. Sự tin đó là tin « mù quáng và một cách hồ đồ », thiếu hẳn luận cứ khoa học về con người và loài động vật. 

Giờ đây chúng tôi xin mạn phép được chứng minh cụ thể : chúng ta thấy tất cả những dấu chỉ bên ngoài như thông minh và khả năng đồng hóa (faculté d’assimilation) của loài khỉ, thì chúng vốn tại bắt chước những việc thấy, lắng nghe, lập lại, hay cảm thấy được hiện tại để nhắc nhở cho chúng các cảm giác về hình ảnh, rồi đến hợp lại một cảm giác kích thích mới, giống như gợi đến cái cảm nghiệm của buổi đầu mà chúng thấy để bắt chước. Vì thế cái có thể học thông minh của loài khỉ chỉ giới hạn ở điểm là bắt chước của cảm nghiệm, có tính cách cảm giác hiện tại « hic et nunc ; ở đây và bây giờ ». Nó có nghĩa là loài khỉ chỉ học bằng cách lập lại những cử động thấy qua người, việc này có tính cách chỉ hữu hạn của thời gian hiện tại, nó không thể vượt qúa hơn được. 

Trái lại, với con người, thì họ có thể thực hiện ý trừu tượng (abstraction), tư tưởng của ý trừu tượng (idée abstraitea ; abstract idea) của điều « hic et nunc ; bây giờ và ở đây). Vả nữa con ngưòi có thể có ý trừu tượng của cái yếu tính (quiddité) hay bản thể, bản tính cuả các sự vật và của những sự việc xảy ra. Con người có thể trừu tượng tất cả những yếu tố, trừu tượng của cái nguyên nhân đặc biệt như viên đá, cỏ cây, loài vật hay vũ trụ và ngay cả chính mình. Thật con người có thể khảo cứu, tìm tòi, học hỏi những yếu tố, các nguyên nhân tạo nên vũ trụ và con người. Các điểm đó chúng ta không thể chối cải. Hơn nữa, con người cũng có đủ khả năng để học hỏi, và cũng có khả năng để thụ nhận, để hồi tưởng tất cả những gì mình đã học hỏi và quan sát, khảo nghiệm. Sau đó, con người có thể ghi chép qua sách vở, hay sáng tạo nên những đồ dùng hữu ích cho đồng loại, và để lừu tồn cho hậu thế (các thế hệ kế tiếp). Nói một cách khác dễ hiểu, con người có khả năng suy tưởng cùng suy nghĩ, đây là sự kiện đặc thù của con ngưòi, là sự thông minh của con người. Và nhờ tư tưởng nên con người có sáng tạo, có phát minh luôn mới, vì thế có văn hóa và văn minh lưu tồn mãi mãi. 

Chúng ta nhận thấy con người nghĩ ra việc giữ gìn những tư tưởng, và thực hiện những công việc bảo tồn các giá trị sáng tạo về văn học và nghệ thuật, cũng như bảo tồn các phát minh về khoa học cùng kỷ thuật của mình. Hơn thế nữa, con người có bản năng chia sẻ những tư tưởng, ý niệm, sự hiểu biết của mình, cũng như chia sẻ nhũng gì mình học hỏi được cho người khác. 

Chúng tôi xin đưa ra một đơn cử cụ thể : anh A có thể miêu tả một trò chơi mà anh không cần đến phải diễn tả những bộ điệu bên ngoài bằng tay hay đôi chân, trong lúc đó những người khác nghe anh A kể thì hiểu được cốt yếu của trò chơi, và họ có thể lập lại được trò chơi theo ý anh A miêu tả, không cần anh A phải diễn tả cung cách trò chơi bằng tay chân của anh. Ở dây chúng ta thấy sự nhận thức khả năng học hỏi của con người rất nhạy bén. Do đó, để kết luận, chúng ta thấy rõ được cái bản tính khác biệt giữa khả năng học hỏi của con người và khả năng học hỏi của loài động vật là đây. 

D. TRUYỀN ĐẠT VĂN HÓA LÀ TRUYỀN ĐẠT TƯ TƯỞNG 

Qủa thực sự truyền đạt giáo dục-văn hóa đòi hỏi một sự truyền đạt những tư tưỏng. Những tư tưởng này là sự truyền đạt cá nhân bởi nhóm người qua những phương tiện biểu tượng, ký hiệu để hiểu biết cả nhóm. Con ngưòi sáng tạo nên biểu hiệu, ký hiệu. Con người có thể nối kết những tư tưởng, biểu tượng trừu tượng của mình bằng màu sắc, bằng ký hiệu, bằng âm thanh, bằng hành động và bằng cả những đối tượng và nhiều sự kiện khác nhau của mình. Những biểu tượng và ký hiệu này là được sử dụng để giới thiệu lại những tư tưởng của con người, trong chiều hướng mà những biểu tượng này đã tạo nên một ý nghĩa đặc biệt. 

Thế đó chỉ có con người là có khả năng sử dụng những biểu tượng, sử dụng những trừu tượng này. Nhất là, con ngưòi biết sử dụng những âm thanh phát âm, hay ngôn ngữ để giới thiệu lại tư tưởng của mình đã nghĩ ra. Các hành động, tác động và những cử điệu biểu tượng này, là hoàn toàn đặc thù của con người. Con nguời tạo nên có các điều này là để trao lại, truyền đạt những lý do, những phưong tiện, những sáng tạo, các phát minh của mình cho người đời sau ; nhất là các giá trị của chúng thành như là một triết lý của sự sống. Thực vậy, chúng ta hay rằng những cử chỉ, những biểu hiệu dạy dỗ và thụ giáo này, là mỗi thế hệ đều góp phần tăng thêm kinh nghiệm sự sống cho xã hội trong việc giữ gìn, bảo tồn dưới cái dạng thức là văn hóa. Chúng ta có thể nói tóm lại, văn hóa là khả năng của trừu tưọng (the power of abstraction ; la faculté d’abstraction), và những dạng thái của biểu tượng. 

Do đó nhờ việc học hỏi, đào luyện văn hóa nhân bản và đạo lý mà con người chúng ta khám phá vũ trụ, khám phá và hiểu được những gía trị lớn lao của văn hóa và văn mình cùng tiến bộ của con người, hầu tạo nên nhân vị xứng đáng cho chính mình : như cái đẹp, điều lành, điều đúng, lẻ phải, công bình, công lý, quyền lợi, nhân phẩm, nhân quyền, bổn phận và trách nhiệm vv… Và cũng nhờ văn hóa nhân bản và đạo lý con người, mà chúng ta có thể hiểu biết các môn khoa học nhân văn, khoa sinh vật học và tự nhiên học, khoa học chính trị-kinh tế, khoa luật học và khoa y khoa học cùng khoa học nghệ thuật cùng mỹ thuật vvv… Cũng như chúng ta nhờ văn hóa nhân bản và đạo lý, thì có thể hiểu biết những sự việc siêu việt của lãnh vực tâm linh như tôn giáo cùng Thượng Đế. 

Đẹp thay chính nhờ văn hóa nhân bản và đạo lý trao lại cho chúng ta sự tự do. Bởi qua văn hóa nhân bản và đạo lý truyền thống giúp chúng ta gặp gỡ và giao thiệp. Vả nữa, mỗi một con người trong ngẫu nhiên, trong tự nhiên của mình, trong khu vực minh sống qua người hàng xóm, qua bạn bè và ngưòi thân thích, qua môi trường chúng ta sống, chính là nhờ văn hóa nhân bản và đạo lý truyền thống mà chúng ta gặp gỡ, trao đổi, đối thoại, học hỏi lẫn nhau. Để kết luận, chúng tôi nghĩ văn hóa nhân bản và đạo lý truyền thống là cái gíá trị vô cùng, tạo nên nhân vị, nhân phẩm cho chúng ta, tạo nên nhân cách cùng sự hiểu biết của ta, nhờ đó càng tăng phẩm giá cho chúng ta và cộng đồng dân tộc ta thêm tự hào và tự tin trên con đường thăng tiến, để giải thể chế độ cộng sản Hà Nội và loại bỏ nền văn hoá xã hội chủ nghĩa, là văn hoá của hận thù, đói khổ và sự chết. 

(hết)

Nam Giao Lê Thiện Bình
Tác giả gửi trực tiếp cho Lương Tâm Công Giáo Việt Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét