LTCGVN (23.12.2012)
Sàigòn - Cần Giờ 16/10/1990
Anh Lan mến,
Chúng ta mừng đầy tháng bị quản chế và lưu đày. Tôi nhớ ngày “lên xe hoa” có 5 công an làm “phù rể” đưa về Duyên Hải “hưởng tuần trăng mật với Nhà nước” trong 3 năm. Mình chào mọi người, nụ cười trên môi và lòng đầy hân hoan, như các tông đồ bị tên vua bù nhìn Hêrôđê tống giam vì danh Chúa Kitô.
Nhân dịp này, tôi đọc lại lời thú nhận của mục sư Martin Niemoller mà lòng mình vừa vui vừa buồn. vì các vị lãnh đạo tôn giáo đã thiếu can đảm như mục sư. Nhưng mục sư đã sám hối, đã thú nhận sự hèn nhát của mình. Còn các vị của ta trong Giáo hội của ta thì chưa! Mục sư nói:
“Lúc bọn đức Quốc xã bắt đầu bỏ tù những người cộng sản, tôi đã im lặng, vì tôi không phải là người cộng sản. Tôi tiếp tục giữ im lặng, khi người ta bắt giam những người xã hội dân chủ, vì tôi không phải là người xã hội dân chủ. Khi người ta bắt bớ người công giáo, tôi cũng không phản đối, vì tôi không phải là người công giáo. Và lúc họ giam tôi, thì ở nước Đức, không còn tự do và nhạy cảm để phản đối” (Temps nouveaux, 10/9/1990)
Khi người cộng sản bị bắt giam và bị tra tấn, anh em ta đã lớn tiếng phản đối bằng những cuộc xuống đường, thăm nuôi tù chính trị, viết bài trên tạp chí Đối Diện, bị đưa ra tòa biết bao lần và tôi với tư cách chủ nhiệm, bị lên án năm năm cấm cố và báo Đối Diện bị đóng cửa vĩnh viễn.
Sau ngày chế độ xã hội chủ nghĩa được thiết lập ở miền Nam, anh em ta cũng đã phản đối những vi phạm nhân quyền mà vì thế, anh bị quản chế tại gia, còn tôi bị đày ra Duyên Hải và quản chế tại xã Cần Thạnh.
Như vậy là chúng ta đã thực thi chức năng ngôn sứ của người Kitô hữu và đã không im lặng trước bất công của bất cứ chế độ nào. Đó là niềm vui và hãnh diện của anh em ta. Hãnh diện chứ không tự kiêu, tự mãn, ví đó cũng là ân huệ của Chúa, đó là sức mạnh của Thánh Linh. Nhưng đồng thời cũng là nỗi buồn của chúng ta, buồn trước “sự im lặng đáng sợ” của những vị lãnh đạo trong Giáo Hội. Chúng ta cầu nguyện cho Giáo Hội, cầu nguyện cho các vị lãnh đạo Giáo Hội được sức mạnh của Thánh Linh, hầu đủ can đảm phá “sự im lặng đáng sợ” kia.
Thái độ của nhà văn Soljnitsyne cũng trong ý hướng trên. Khi Gorbatchev trả lại quốc tịch lại cho nhiều nhân vật đã bị lên án một cách bất công bằng cách phao vu cho họ những tội như phản quốc, vợ nhà văn đã nói: “Bao lâu Viện Kiểm sát LX chưa từ bỏ điểm chính để buộc tội ông là phản quốc và bao lâu Đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao chưa nói lên rõ ràng thái độ của họ với sắc lệnh ngày 13/2/1974 về việc trục xuất ông Soljnitsyne, thì không có vấn đề trả lại quốc tịch cho ông”.
Hôm công an thành phố xuống Duyên Hải làm việc với tôi và đọc nghị quyết lần thứ hai của ủy ban Nhân dân Thành phố, tôi đã có nói với họ, cũng như anh đã nói trên Sài Gòn với CA ngày 16/5/1990, là tôi không chấp nhận lý do đưa ra và để đày và quản chế tôi: họ vu cáo tôi vi phạm an ninh quốc gia, chia rẽ tôn giáo... Soljnitsyne đã không chấp nhận sự khoan hồng, khi người ta trả quốc tịch cho ông mà chưa nhìn nhận ông ấy vô tội. Khi trả lời cho công an như trên, chúng ta cũng có một lập trường như Soljnitsyne.
Gửi lời thăm chị Thanh Vân và hôn bé Lan Chi, bé Châu. Hôm chị xuống cùng bạn bè thật vui, nhất là đối với “Incident Nguyễn Viết Khai”. Chắc chị đã kể cho anh nghe. Lại một kích thích tố! Anh em cầu nguyện cho nhau.
Lm. Chân Tín
(NKNNL 1990-1991, trang 134-135)
Nguồn: VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét