LTCGVN (25.12.2012)
Saigòn
Nhận định về nhân quyền
- RFI: nhân dịp Hội nghị Liên Hiệp Quốc và Nhân quyền được tổ chức vào ngày mai (14/6/1993) tại Vienna thủ đô nước Áo, RFI chúng tôi hôm nay rất hân hạnh được tiếp chuyện với linh mục Chân Tín. Thưa linh mục, câu hỏi đầu tiên xin hỏi linh mục là linh mục quan niệm như thế nào về vấn đề nhân quyền, với tư cách một người trước 1975 đã chủ trương Ủy ban vận động cải thiện chế độ lao tù miền Nam Việt Nam, và sau 1975, linh mục trong ba năm qua với nhà trí thức Nguyễn Ngọc Lan đã được các tổ chức Quốc tế Nhân quyền công nhận là một người tù nhân vì lương tâm?
- Chân Tín: Với tư cách là một người đã từng tranh đấu trong mấy chục năm nay cho Nhân quyền dưới chế độ cũ cũng như dưới chế độ mới, tôi rất hân hoan khi thấy Liên Hiệp Quốc tổ chức một cuộc hội thảo lớn cho toàn thể thế giới về vấn đề Nhân quyền.
Trước kia, tôi đấu tranh cho Nhân quyền thì Đảng Cộng sản rất hoan nghênh và ủng hộ hết mình, vì hồi đó tôi cũng nghĩ rằng anh em đa số là những người thiết tha với dân tộc, thiết tha với con người, nên chi họ ủng hộ cuộc đấu tranh của chúng tôi ở trong thành. Nhưng sau 1975, khi chúng tôi đấu tranh cho Nhân quyền thì Đảng Cộng sản và Nhà nước xã hội chủ nghĩa lại chống việc đó, và như anh đã thấy là, đã quản chế anh Nguyễn Ngọc Lan tại nhà và còn đày tôi ra ngoài Duyên Hải tức là Cần Giờ hiện tại.
Vì sao lại có hai thái độ khác nhau như vậy? Tôi nghĩ: ĐCS, người cộng sản chỉ làm thế nào để cướp chính quyền và giữ chính quyền với bất cứ giá nào. Khi chúng tôi đấu tranh cho Nhân quyền, thì ĐCS lợi dụng cái đó của chúng tôi không là vì con người hay là vì dân tộc, mà chính vì họ muốn nhờ chúng tôi một cách gián tiếp để giành chính quyền. Sau 1975, bề ngoài họ cũng có vẻ như chấp nhận Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà họ đã ký và họ cũng đã cho vào Hiến pháp của họ, nhưng đó chỉ là vấn đề chiến thuật để cho thế giới biết họ cũng là người văn minh, cũng tôn trọng con người, tôn trọng quyền con người. Nhưng thực sự, theo tôi thấy, người cộng sản không đặt vấn đề Nhân quyền, họ luôn nhìn con người là một công cụ để họ thực hiện bá quyền của họ, họ chà đạp con người để giữ quyền bính với bất cứ giá nào. Cho nên, chúng ta không thể nói đến vấn đề Nhân quyền trong quan niệm của người cộng sản. Người cộng sản cho rằng Nhân quyền là một cái gì có tính cách giai đoạn, hoàn toàn là giai đoạn, không có nội dung gì cả… Ví dụ, tôi nói cách đơn giản thôi, vấn đề bình đẳng trước pháp luật chẳng hạn: một người thường như các người khác có tham ô chút xíu thì ở tù rục xương rồi, trong khi có cán bộ cao cấp nọ kia tham nhũng hay là buôn lậu thì chỉ có án treo. Có nhiều trường hợp, như trường hợp Bỉnh Họt, chính Chính quyền địa phương, Đảng bộ, Ủy ban Nhân dân chỉ thị đi buôn lậu. Sau đó anh này bị bắt, có khai đến các người có chức quyền thì tòa án nói: không, anh không có quyền nói đến các vị đó. Như thế rõ ràng, không có bình đẳng trước pháp luật.
Khi người cộng sản nói chuyện về Nhân quyền họ không có quan niệm như chúng ta, với họ con người chỉ là một công cụ để thực hiện chuyên chính vô sản của họ hay nói đúng hơn: chuyên chính trên người vô sản…
- Thưa linh mục Chân Tín như vậy đứng từ Việt Nam thì theo linh mục đâu là những ưu tiên phải cải thiện trên vấn đề Nhân quyền?
- Muốn cải thiện Nhân quyền, trước tiên phải có tự do, dân chủ. Phải có tự do dân chủ bởi vì, nếu chỉ có một Đảng độc quyền thì họ bao che cho nhau và họ lợi dụng con người mà không có thế lực nào để làm thay đổi cái nhìn đó. Muốn thay đổi thì phải có tự do dân chủ, tự do báo chí và có cái đó rồi, mới đổi được lối nhìn của họ về con người. Từ xưa đến nay, con người là con người. con người từ thời xa xưa cũng như con người bây giờ hay con người sau này, con người ở miền thượng du hay miền đồng bằng cũng là con người thôi. Có những khác biệt, nhưng cái khác biệt đó là phụ, cái cốt là bản thể con người có thể xác có linh hồn vv… có những quyền bất khả xâm phạm. Vì thế có bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà tất cả các nước đều ký, trừ ra các nước quá lạc hậu. CHXHCN Việt Nam, thật ra nếu không ký thì cũng lạc hậu lắm nên cứ ký, ký nhưng không tôn trọng…
- Nếu linh mục đã xác định là muốn cải thiện nhân quyền phải có tự do dân chủ, vậy thì chỗ đứng của linh mục cũng như các nhà trí thức khác, mà đặc biệt là của những người tù nhân vì lương tâm, những người đấu tranh cho Nhân quyền hiện nay ở Việt Nam như thế nào? Các người đấu tranh cho Nhân quyền ở Việt nam quan niệm vấn đề này như thế nào và phải tiếp tục như thế nào?
- Đây là vấn đề số một, vì trước khi mình là người Việt Nam, người Tàu, người Pháp… mình là con người có bản thể con người với đặc quyền bất khả xâm phạm và chung cho hết mọi người. Nếu chỗ này chỗ kia có giới hạn nào đó có thể hiểu được vì hoàn cảnh, thì không ai phủ nhận cái đó. Ví dụ như người trình độ văn hóa kém thì vấn đề như bầu cử chẳng hạn, tự nhiên cũng có thể có sự khác biệt nào nho nhỏ thôi. Nhưng căn bản nếu nói tự do bầu cử thì phải có tự do ứng cử và người ta có thể bỏ phiếu cho ai tùy ý. Chứ thứ bầu cử ở Việt Nam tôi gọi là xổ số.
Phảỉ có tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do bầu cử vv… con người phải được bảo vệ không bị bắt bớ một cách bừa bãi. Chính những cái đó là căn bản cho cuộc sống của người dân. Những người trí thức là những người thấy được cái gì là căn bản cho một dân tộc, bắt đầu từ con người. Dân tộc nếu không có con người thì đôi khi là một tai họa, như nhiều nơi mà dân tộc này chống lại dân tộc kia vì không tôn trọng cái quyền căn bản của người khác. Khi không tôn trọng người khác thì có chuyện xâm lăng, cướp phá nước này nước kia. Vì thế tôi thiết tưởng điều quan trọng là ý thức được quyền lợi kẻ khác. Nếu có những tổ chức chính trị, hoạt động trên bình diện chính trị để giúp cho người dân ý thức được vấn đề thì tốt thôi. Tôi là người công giáo, linh mục, tôi chỉ gây ý thức. Ngoài ra, mỗi người chúng tôi cũng như những người trí thức đấu tranh bằng mọi phương tiện mà Nhân quyền cho phép để giúp cho đất nước này ra khỏi tình trạng không biết gì là con người, không biết gì là nhân đạo, không biết gì là Nhân quyền. Khi mọi người đều ý thức, và nhất là cấp lãnh đạo ý thức điều đó, bấy giờ Đất nước mới ra khỏi cái tình trạng hỗn loạn này.
- Thưa linh mục Chân Tín, xin được hỏi linh mục thêm về lập trường không những của Nhà nước Việt Nam mà còn của rất nhiều Nhà nước phương Đông là nói chung các chính quyền Á Châu phủ nhận những tiêu chuẩn phổ biến cho Nhân quyền và họ thường đưa ra những lập luận là Nhân quyền theo nhãn quan của Á Châu là những vấn đề nhân sinh.
- Tôi thấy chế độ ở Đông Nam Á này, ở các nước Đông phương này, trước nhất là nước cộng sản, sau đó là những nước độc tài quân phiệt đều có một điểm giống nhau là họ không tôn trọng con người. Vì không tôn trọng con người, họ áp đặt một thể chế vừa ý họ. Họ nắn ra một thể chế có khả năng bảo vệ quyền lợi của họ. Tôi thấy đáng lo là ở phía Đông Nam Á chúng ta, các nước cộng sản đã vậy mà các nước như Miến Điện vv… cấp lãnh đạo chỉ nghĩ đến quyền lợi của giai cấp mình, của những người cai trị, họ muốn người dân chỉ là công cụ để thực hiện guồng máy của họ, sự làm giàu vô lương tâm, vô liêm sỉ của họ. Thật là bi đát. Vừa rồi tôi cũng có theo dõi hội nghị gì đó ở Bangkok: họ ùa nhau biện hộ cho một cái nhìn không tôn trọng nhân phẩm con người. Họ nói rằng nhân quyền ở mỗi nước khác nhau. Đâu có phải vậy. Như tôi đã nói lúc nãy, có khác nhau đấy nhưng căn bản là một. Thì họ đã ký vào Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền đó! Rõ ràng là họ đã thấy! Nhưng họ nhìn chung vậy thôi, còn trong lòng họ, vì cái tham vọng của họ, những đam mê của họ, vì cái chuyện họ muốn làm giàu trên xương máu người dân. Khi mà người dân có quyền tự do ăn nói, tự do hoạt động thí tất nhiên đụng đến quyền lợi của họ, nên họ muốn có một thứ nhân quyền địa phương, nhân quyền theo ý họ; họ bóp, họ nắn một thể chế nhân quyền trong đó chẳng còn Nhân quyền gì cả. Cái mà các nước phương Đông ủng hộ cũng giống như ở Đất nước Việt Nam chúng ta: đó là tham vọng của cấp lãnh đạo.
- Thưa linh mục Chân Tín xin được hỏi linh mục một câu khác. Vậy thì sau ba năm linh mục đã bị quản thúc và lưu đày tại Duyên Hải, nay linh mục đã trở về cùng với giáo dân, cùng với bằng hữu sống tại Tp. HCM, linh mục có cảm tưởng như thế nào? Có gì thay đổi hay không theo nhãn quan của linh mục qua ba năm vừa qua? Và xin hỏi một cau cũng nằm trong các phần đó là trước đây ba năm, linh mục đã kêu gọi Nhà cầm quyền Việt Nam hãy sám hối, vậy thì sau ba năm lời kêu gọi này còn thực sự là thiết thân hay không?
- Sau ba năm quản chế ở Cần Giờ tức là Duyên Hải cũ, tôi trở về Sài Gòn, khắp nơi và tất cả đều hân hoan gặp lại tôi, mừng là vì họ thấy tôi đã trải qua một cơn sóng gió mà vẫn vững được trong thái độ của tôi đối với Nhân quyền, đối với Đất nước, đối với Giáo hội. Tôi thấy rằng tất cả những người đã gặp – trừ những người gọi tôi là Đoàn kết Yêu nước tôi không gặp làm gì – những người trong họ đạo tôi chẳng hạn, hay là khắp nơi tôi đi từ Nha Trang vô đây, và thư từ các nơi gửi về là rất hân hoan, hân hoan một đàng vì họ cảm tình với mình, họ thấy mình cố vượt nọ kia, họ thấy mình được chấm dứt thời gian đó; đa số họ hân hoan vì mình đã vững tâm không có đầu hàng trong vấn đề này, và chấp nhận mọi gian khổ nếu còn nữa, nhất là khi người ta nghe đài RFI của các anh về những Hồ sơ của tôi và Nhật ký của anh Nguyễn Ngọc Lan với những điều nói còn nặng nề hơn những điều nói trước khi tôi bị đày. Họ thấy rõ ràng điều đó là một điều rất lạ và đồng thời họ có vẻ phấn khởi. Hay là Nhà nước đã sám hối chăng? Phần tôi, tôi không lạc quan đến mức độ đó đâu. Tôi nghĩ rằng có thể trong hoàn cảnh mà áp lực quốc tế rất lớn về số phận của anh Nguyễn Ngọc Lan và tôi, họ thấy quản chế hai ông này thì chỉ quản chế cái chân, chứ còn tư tưởng thì không thể quản chế nổi, vì tư tưởng thì nó bay khắp thế giới. Chính họ đã ý thức được họ hớ khi họ tưởng họ bịt miệng chúng tôi được bằng cách đày tách tôi ra khỏi anh Nguyễn Ngọc Lan và quản chế chúng tôi. Cả thế giới đã lên tiếng, trong đó có anh em đài RFI đã hưởng ứng, không phải vì cá nhân chúng tôi, nhưng vì cuộc đấu tranh của chúng tôi cho Nhân quyền.
Tôi nghĩ rằng Nhà nước Việt Nam chắc là chưa sám hối đâu! Vì sám hối còn phải ý thức. Còn cái chuyện thế này thế kia có vẻ cởi mở, chỉ là vấn đề tacique, vấn đề gọi là sống theo hoàn cảnh. Ta cứ xem các vấn đề Phật giáo bây giờ, vấn đề của những người bị bắt bớ hay bị làm khó dễ. Rõ ràng cái việc ở miền Trung xảy ra là những phản ứng của Giáo hội Phật giáo chính thống chống lại một tổ chức giáo hội của Nhà nước, một giáo hội quốc doanh. Việc đấu tranh của họ đứng đắn. cách thức thế nào là vấn đề khác. Nhưng tôi nghĩ, họ phải đấu tranh cũng như chúng tôi đã đấu tranh chống lại Đoàn kết, một cái tổ chức Nhà nước tạo ra để lũng đoạn Giáo hội. Chúng tôi đã làm. Chúng tôi đã làm cách khác, Phật giáo làm cách khác, tôi không có phán đoán cách họ làm, nhưng căn bản việc họ làm là đúng. Tôi mong rằng Nhà nước phải thấy rằng khi mà họ chống lại toàn thể nhân dân chân thành giữ đạo thì lúc đó Nhà nước chỉ có lợi một thời gian ngắn thôi, về lâu về dài, cái lối xử trí đó chỉ có hại cho Nhà nước và hại cho đoàn kết dân tộc. Khi mà họ dựng lên Đoàn kết Công giáo Yêu nước, thì lúc đó họ chia rẽ, trái lại khi mà biết làm việc với Giáo hội, trực tiếp với Giáo hội thì lúc đó Giáo hội Phật giáo hay Công giáo cũng vậy, các vị lãnh đạo chân chính sẽ cùng với người lãnh đạo đất nước xây dựng lại với tất cả lòng thành tín của họ và tất cả hy sinh của họ.
Trong chín năm qua, bên phía Công giáo chẳng hạn, đâu có phải nhờ mấy ông Đoàn kết mà người công giáo làm được những việc xã hội. Chính từ lòng tin của người tín hữu và vì lòng yêu Đất nước thúc dục mà các dòng tu nam nữ hay các họ đạo đã làm những việc tốt. Mấy ông Đoàn kết cố vơ về cho họ, nói là nhờ họ vận động, họ thế này, họ thế kia… Kể cũng trắng trợn và buồn cười. Nếu Nhà nước muốn cho Đất nước này được phát triển, tiến lên thì phải có dân chủ, phải tôn trọng Nhân quyền, nhất là quyền tự do tín ngưỡng của những người thực sự là tín hữu chân chính của các Giáo hội, chứ không lập nên một giáo hội quốc doanh để rồi khống chế những người có lòng tin chân thành. Đó là tôi nghĩ như vậy.
Trước khi dứt lời tôi xin nói lên lời cám ơn RFI trong ba năm qua đã ủng hộ hết mình cuộc đấu tranh của chúng tôi và, qua đó, cũng là như ủng hộ con người chúng tôi đã dấn thân vào cuộc đấu tranh đó. Nhất là hôm nay tôi cũng xin cám ơn anh và các bạn của đài RFI đã có nhã ý cho tôi được có dịp nói lên lòng khao khát nhân phẩm, nhân quyền cho đất nước này để cho đất nước này ngày càng phát triển trên mọi mặt; và như vậy không ai có thể nói rằng chúng tôi có những lời này để phá hạnh phúc của đất nước, trái lại chúng tôi muốn đoàn kết thực sự, chúng tôi muốn thực sự xây dựng cho Đất nước đời sống ấm no hạnh phúc.
Lm. Chân Tín
(Tin Nhà số 12/1993)
Nguồn: VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét