LTCGVN (29.12.2012)
Khi Suri, bé nhà anh chị mới 3 tháng tuổi, chị lại thấy những “triệu chứng” khi biết có bầu Suri trở lại với mình: buồn nôn, chóng mắt, hoa mắt, mệt mỏi, stress… Không tin vào mắt mình khi 2 vạch hồng chói lọi xuất hiện trên chiếc que chị đang cầm trên tay. Anh M. chồng chị sấp ngửa mua thêm 2 que nữa để kiểm tra lại cho chính xác. 2 kết quả đều như lần đầu. Ngay hôm sau, chị vào bệnh viện siêu âm. Em bé đã được 4 tuần.
Sau vài hôm tính toán, cân nhắc, anh chị thống nhất là nạo thai vì, cơ địa chị T. chưa khỏe mạnh hoàn toàn để chuẩn bị cho 2 lần sinh sát nhau như vậy, nhất là chị lại vừa sinh mổ. Hôm sau, chị đi vào viện làm thủ tục. Dù được bác sĩ khuyên nên để lại mà sinh nếu biết cách giữ gìn, chăm sóc tốt thì sinh liền cũng không có vấn đề gì nhưng anh chị vẫn quyết “để lần khác cho chắc”.
Bé Suri có hệ hô hấp không tốt. Từ ngày bé sinh tới thời điểm hiện tại, anh chị đã mất bao nhiêu tiền của và công sức để chăm sóc chiếc mũi của con. Thời tiết cứ thay đổi là bé lại ho hắng, sụt sịt. Chị hiểu, anh sẽ quá mệt mỏi và khó khăn nếu có đứa con tiếp theo nhanh đến vậy. Cầm tay chồng, chị T. nghẹn ngào...
Theo lịch hẹn chị đến sớm, sau một loạt quy trình thử máu, đo huyết áp, cô y tá cho chị 2 viên thuốc màu trắng ngậm dưới lưỡi và dặn khi nào đau bụng thì báo. Chị nghĩ thầm, cũng vài tháng trước mình có mặt ở bệnh viện để đón Suri chào đời, lúc đó vui mừng, hạnh phúc biết bao vậy mà giờ đây lại buồn đến thế này. Chồng chị chờ ở ngoài hành lang, chị đi vào phòng chờ. Khi thay chiếc váy trắng để chuẩn bị vào phòng thủ thuật chị liên tục nhìn điện thoại, chị mong anh sẽ gọi giật chị lại và bảo “hay bọn mình cố”…
Sởn gai ốc trong phòng thủ thuật
2 viên ngậm nhanh chóng tan ra là cảm giác bụng đau dữ dội ập đến. Một lát sau, y tá gọi chị vào phòng thủ thuật. Vào phòng, đưa mắt nhìn, chị thấy “người trước” vừa trải qua đợt thủ thuật đang nằm rên hừ hừ, nước mắt ngắn nước mắt dài. Giọng bác sĩ còn lanh lảnh: “Kêu gì, lúc sướng, ai sướng cho. Lần sau phải cẩn thận nghe chưa ?” Chị bước lên giường sắt trắng lạnh toát và làm theo những hướng dẫn của bác sĩ. Chiếc kim tiêm chứa chất gây tê được bơm mạnh vào bắp tay chị. Cảm giác đó đau hơn nhiều so với lần lấy máu trước. Trong phòng lúc này có 3 người, một vị bác sĩ và 2 cô y tá.
Tiếng kim loại va lách tách của các dụng cụ, mùi thuốc sát trùng cùng những thứ tạp mùi khó gọi tên ở căn phòng ấy sộc lên mũi chị. Nằm trên chiếc giường và chờ đợi bác sĩ chuẩn bị là khoảng thời gian dài và nặng nề nhất mà chị từng trải qua. Tiếng máy chạy rò rò, tiếng bác sĩ nói với nhau “thai bé nhỉ”, “vẫn còn sót đấy, chưa hết đâu”, tiếng chị nằm ở giường kế bên rên hừ hừ khiến chị T. lạnh toát người. Chị cảm nhận sự vỡ vụn, tan nát của sinh linh bé nhỏ trong bụng chị, từng chút một, từng chút một được gắp ra.
Từng dụng cụ lạnh ngắt lại được đưa tiếp vào người chị. Chị còn nghe thấy bác sĩ nói chuyện với chị giường kế bên là: “Thấy chưa, cô này có kêu đau chút nào đâu”. Chị kia thều thào: “Cô ấy khỏe thật, không biết đau là gì ?” Chị đau đớn nghĩ: “Nếu ai từng đau khi sinh con thì cái cảm giác này là quá thường. Thêm vào đó, con không đau thì mẹ kêu đau nỗi gì ?” Chị biết cảm giác của mình lúc đó chứ, đau chứ, những dụng cụ được đưa vào người như ăn mòn những bộ phận trong đó, như rút ruột chị ra thành nhiều mảnh nhưng làm sau đau bằng nỗi đau quyết định bỏ con mình…
Và nỗi đau tột cùng của sự mất mát
Chỉ sau 5 phút, quá trình thủ thuật được tiến hành xong. Chị được đỡ xuống giường nằm cạnh chị gái kia. Người phụ nữ đó nhìn chị với ánh mắt khâm phục lắm: “Sao chị không kêu, chị không đau chút nào ư ?” Chị T. chỉ lắc đầu rồi ngả lưng xuống đó. Có người từng bảo “một lần sa bằng ba lần đẻ”, cảm giác này cũng đúng thật. Lúc sinh con xong, chị có mệt có đau nhưng thực sự nhẹ nhõm, hạnh phúc, hồi hộp còn lần này là đau, đau không khóc được và sự mất mát gặm nhấm từng miếng một trong cơ thể, trong tâm can chị.
Vậy là chị đã từ chối một sinh linh bé nhỏ, từ chối... làm mẹ của sinh linh ấy. Đứa con tội nghiệp của chị không có cơ hội nhìn thấy ánh sáng cũng như không thể thấy được nụ cười mãn nguyện của mẹ như Suri. Chị day dứt, dằn vặt, tiếng khóc không thể bật ra ngoài thành những tiếng nấc nghẹn nhưng ở hai bên khóe mắt của chị, thứ nước mặn chát chứa đầy cảm giác ân hận, tội lỗi, xót xa cứ thế thi nhau rớt xuống.
Cơn đau thể xác dường như không là gì với sự mất mát tột cùng trong tâm can chị. Chị xoay mình dứt khoát vào phía tường, từ từ co gối... Cứ thế, người ta thấy bờ vai chị rung lên... 30 phút sau, cô y tá dìu chị về phòng, chồng chị đã méo mó ngồi chờ ở đó. Nhìn thấy anh, cơn tủi thân, nỗi oán giận mình dường như tăng lên. Chị mếu máo, giọng yếu ớt: “Con... con...”
Theo TTVN
Giáo hội nên cân nhắc trong việc cho phép ngừa thai để mọi người không còn phải phá thai nữa.
Trả lờiXóa