LTCGVN (27.12.2012)
Một lá thư của bà Tạ Minh Tú, em gái blogger Tạ Phong Tần gởi cho Nhà thờ Kỳ Đồng, Tp. Hồ Chí Minh nói rằng bà Tần có thể xin hoãn phiên toà do sức khỏe kém.
Lá thư được gởi trực tiếp cho Nhà thờ Kỳ Đồng chiều 24 tháng 12, sau khi bà Tạ Minh Tú thăm chị gái Tạ Phong Tần tại trại giam Chí Hòa. Do bận đi công tác xa, các linh mục nơi đây chỉ mới xem được thư chiều ngày 25 tháng 12, tức sau đó một ngày. LM Đinh Hữu Thoại trực tiếp đọc thư và cho đài RFA biết:
“Đó là một lá thư được viết tay một cách vội vàng trong một tờ giấy đôi để nói đại ý muốn nhắn gởi, trong đó nói sức khỏe bà Tần bị yếu”.
“Chị Tú nói rằng có khả năng chị Tần đề nghí hoãn phiên toà vì không đủ sức đối chất tại phiên toà”.
Theo gia đình bà Tạ Phong Tần, blogger này bị viêm họng nặng nhưng không được điều trị đúng mức làm tình trạng nghiêm trọng hơn. Trong thư gởi cho Nhà thờ Kỳ Đồng, bà Tú viết: “Chị Tần bị viêm họng mãn tính, ho nhiều, tối không ngủ được, rất đau họng, ăn không được”.
Chị Tần nói là sức khỏe chị không tốt, ăn không được, ngủ không được. Chị nói là sức khỏe chị yếu kém nên không thể ra tòa được.Bà Tạ Minh Tú
RFA liên lạc với bà Tạ Minh Tú và được bà cho biết bà Tần đang gặp khó khăn về tình trạng sức khỏe. Bà Tú xác nhận rằng bà Tần đưa ra ý định xin hoãn xử:
“Chị Tần nói là sức khỏe chị không tốt, ăn không được, ngủ không được. Khi chị yêu cầu được đổi thuốc thì bác sĩ không trả lời. Chị nói là sức khỏe chị yếu kém nên không thể ra tòa được. Chị nói có thể nhờ luật sư xin hoãn xử”.
Luật sư của bà Tạ Phong Tần, ông Nguyễn Thanh Lương nói rằng ông gặp bà Tần hôm thứ ba nhưng không nghe thân chủ của mình trình bày nguyện vọng xin hoãn phiên xử tới. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng khó có khả năng Hội đồng Xét xử chấp nhận hoãn phiên toà:
“Xin hoãn phiên tòa vì lý do sức khỏe là quyền của gia đình nhưng dưới khía cạnh một luật sư thì tôi cho rằng việc này sẽ khó được HĐXX chấp nhận. Bởi vì tạm hoãn phiên toà vì lý do sức khỏe phải thông qua thủ tục bao gồm hội đồng giám định y khoa. Sức khỏe thế nào mới là không đáp ứng phiên toà? Tôi chưa xác nhận được thông tin xin hoãn phiên toà nhưng nếu có thì khả năng hoãn hơi khó”.
Ông Lương cho biết trước đây bà Tần đã từng yêu cầu hoãn phiên tòa vì không được tiếp xúc luật sư. Tuy nhiên, ông đã gặp được bà hai lần và lần cuối cùng là lúc 10 giờ sáng hôm 25 tháng 12 tại trại giam Chí Hòa. Theo vị luật sư này, cuộc gặp diễn ra suôn sẻ trong đó blogger Tạ Phong Tần vẫn giữ lập trường là “không nhận tội”.
Chia sẻ về tình trạng sức khỏe của bà Tạ Phong Tần, LS Nguyễn Thanh Lương cho rằng bà Tần “có vấn đề về sức khỏe” nhưng từ chối đánh giá mức độ nặng nhẹ đối với tình hình sức khỏe của thân chủ.
Phiên tòa sơ thẩm xử ba blogger thuộc Câu lạc bộ Nhà báo Tự do bao gồm blogger Điếu Cày, blogger Tạ Phong Tần, và LS Phan Thanh Hải được dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 28 tháng này. Trong phiên sơ thẩm hôm cuối tháng 9 vừa qua, ba nhân vật này nhận mức án lần lượt là 12, 10 và 4 năm tù giam với tội danh vi phạm điều 88 BLHSVN – “Tuyên truyền chống Nhà nước”.
Phiên tòa bị quốc tế, bao gồm các cơ quan cổ võ cho quyền tự do bày tỏ chính kiến, chỉ trích là không công bằng và cho rằng ba nhân vật trên chỉ thể hiện suy nghĩ của mình trong ôn hòa.
Theo LS Nguyễn Thanh Lương, ông hy vọng rằng với những điểm khác biệt trong phiên tòa phúc thẩm lần này thì có thể có một bản án khác dành cho thân chủ của ông:
“Phiên toà sắp tới có hy vọng bởi theo tôi, phiên tòa sơ thẩm có nhiều sơ sót. Thứ hai, phiên toà phúc thẩm sắp tới là do Tòa án Nhân dân tối cao, cơ quan thường trực phía nam. Tôi đánh giá Hội đồng thẩm phán là những người có kinh nghiệm lâu năm, cho nên hy vọng là họ sẽ tạo điều kiện dân chủ cởi mở hơn cho LS và bị cáo trình bày. Nếu được giải bày đầy đủ thì hy vọng kết quả bản án có khác”.
Bà Tạ Phong Tần vốn dĩ là một trung úy công an nhưng không chấp nhận sai trái nên lập trang blog mang tên Công lý – Sự thật để nói lên suy nghĩ của mình. Bạn bè nhận xét bà là người khẳng khái và nóng tính. Bà nhiều lần khẳng định mình không có tội mà chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận được Hiến pháp công nhận.
Những nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam thường bị mang ra xử với cáo buộc vi phạm điều 88 và 79 BLHS VN - là hai điều mà một số dân biểu Hoa Kỳ hay các cơ quan bênh vực nhân quyền cho là “mơ hồ”.
Trong các phiên tòa xét xử những nhà bất đồng chính kiến, những trường hợp “không nhận tội” thường nhận bản án gắt gao như doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức (16 năm tù giam), blogger Điếu Cày (12 năm tù giam), blogger Tạ Phong Tần (10 năm tù giam).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét