Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Nói cho con người: Lm. Chân Tín (26)



LTCGVN (30.12.2012)– Sàigòn -

 

 

Đôi điều ghi nhận xung quanh chuyện


Đài Chân lý Á Châu xin lỗi


Đài Chân lý Á Châu vừa xin lỗi là trong chương trình tiếng Việt phát thanh ngày 20/9/1994 vừa qua đã đưa tin không đúng về kỳ họp thường niên của Hội đồng Giám mục Việt Nam (từ ngày 5 đến 12/9). Trong thư gửi ông Vũ Quang, Trưởng Ban Tôn giáo của Chính phủ Việt Nam, linh mục Nguyễn Văn Tài, giám đốc chương trình tiếng Việt của Đài Chân lý Á Châu, viết: “Tôi xin chịu trách nhiệm và chân thành xin lỗi (…)” Đồng thời linh mục Nguyễn Văn Tài cũng có thư cho giám mục Nguyễn Minh Nhật “xin lỗi quý Đức cha và hy vọng là những lời bình luận trên không còn gây những hậu quả tiêu cực làm hư chương trình mục vụ và gây thiệt hại cho những sinh hoạt tốt đẹp của Giáo hội Công giáo Việt Nam” (Sài Gòn Giải Phóng, 5/11).

Về cuộc họp của Hội đồng Giám mục Việt Nam tại Hà Nội thì trong nước đã chỉ vỏn vẹn có hai mẫu tin đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng, hai mẩu tin trước sau như một, trước là “Tổng Bí thư Đỗ Mười gặp mặt thân mật các vị trong Hội đồng Giám mục Việt Nam” chiều 9/9 (SGGP, 10/9) và sau là “Thủ tướng Võ Văn Kiệt gặp mặt” lại cũng cứ nhất định và đương nhiên là “thân mật các vị trong Hội đồng Giám mục Việt Nam” chiều 10/9 (SGGP, 11/9). Có thể kể thêm một tập 16 trang sao ảnh gọi là “Tài liệu tham khảo” của Ban Tôn giáo của Chính phủ: Tập ‘Tài liệu’ mở đầu bằng mươi dòng ghi lại lời bình luận của Đài Chân lý Á Châu (Veritas) về cuộc họp nói trên. Sau đó là những tài liệu liên hệ đã được chính Đài Veritas đọc trong buổi phát thanh ngày 20/9 gồm thư Đức cha Lê Phong Thuận, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi ông Trưởng ban Tôn giáo để tường trình ‘nội dung, diễn tiến của Hội nghị’, thư Đức cha Nguyễn Minh Nhật, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam thay mặt Hội đồng gửi Thủ tướng Chính phủ để trình bày những tâm tư nguyện vọng (…) để sinh hoạt tôn giáo được bình thường, lời phát biểu của Đức cha Nguyễn Minh Nhật tại cuộc gặp tổng Bí thư Đỗ Mười ngày 9/9 và lời phát biểu khi gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngày hôm sau. Tập ‘Tài liệu’ còn có bản tin của đài Vatican ngày 19/9 vẫn đề Hội nghị thường niên 1994 của Hội đồng Giám mục Việt Nam và bài trình bày ‘Nội dung bản Tuyên ngôn của Ủy ban Giám mục Hoa Kỳ về chính sách quốc tế về tự do tôn giáo ở Việt Nam’ được đọc trên đài Vatican ngày 28/9. Cuối cùng là ‘cái đinh’ của tập ‘Tài liệu’: thư của Ban Tôn giáo của Chính phủ gửi ‘cụ Chủ tịch’ và ‘cụ Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam’, “đề nghị các cụ xem xét và có ý kiến về lời bình luận ngày 20/9 của Đài Chân lý Á Châu về cuộc họp của Hội đồng Giám mục với lời lẽ rất thô bạo, hằn học, với nội dung xuyên tạc trắng trợn không những đối với Nhà nước Việt Nam mà còn đối với Giáo hội công giáo Việt Nam…” Thư còn dọa dẫm “Phải chăng đài phát thanh Chân lý Á Châu muốn phá hoại và đặt trở ngại  trên con đường tiến đến quan hệ bình thường giữa Nhà nước và Tòa thánh Vatican, phá hoại mối quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa nhà nước Việt Nam và cộng đồng công giáo Việt Nam?…”
Lời bình luận của đài Veritas như được cẩn thận ghi lại trong tập “Tài liệu” thì đúng là chỉ mươi dòng:
“Qua những thủ tục của những ngày nhóm họp, chúng ta thấy chính quyền cộng sản nhúng cả hai tay một cách trắng trợn và dã man vào những sinh hoạt nội bộ của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Bọn chúng kiểm soát, kìm kẹp, lèo lái chặt chẽ những sinh hoạt ngay chính trong nội bộ của Giáo hội. Bằng chứng là trước khi nhóm họp chính thức, các Đức giám mục phải dâng sớ chúc sức khỏe và chúc thọ các vị thánh thượng, cụ Tổng bí thư và cụ Thủ tướng. Sau mấy ngày họp, Hội đồng giám mục phải dâng bản điều trần để tường trình chi tiết những việc đã bàn thảo. Như thế bằng một cách trắng trợn, cộng sản đã biến Giáo hội Việt Nam thành một Giáo hội quốc doanh, dù trên lý thuyết không có bản văn nhưng trên thực hành đó là một thực tế, và thực hành bao giờ cũng quan trọng hơn lý thuyết. Tiện đây chúng tôi xin được hầu quý vị bản điều trần” vv…
Nếu lời bình luận của đài Veritas có dao to búa lớn thì xem ra lời lẽ bức thư kia đâu chịu thua kém gì. Lời bình luận ít nữa đã không giả nhân giả nghĩa. ‘Cụ Chủ Tịch’ và ‘cụ Tổng thư ký’ hẳn đã không sốt sắng ‘xem xét và có ý kiến’ cho lắm nên mới gửi lại cho linh mục Giám đốc chương trình tiếng Việt của đài Chân lý Á Châu thay vì trực tiếp trả lời Ban Tôn giáo. Linh mục Nguyễn Văn Tài vốn sẵn tinh thần sám hối Kitô giáo bèn viết thư xin lỗi mà xin lỗi cả Ban Tôn giáo của Chính phủ lẫn Hội đồng Giám mục cho trọn nghĩa tốt đời đẹp đạo.
Dầu sao thú vị hơn vẫn là bản tin của đài Veritas về Hội nghị Hội đồng Giám mục Việt Nam. Ban tôn giáo không phản đối bản tin này, xem ra đã muốn trưng cả bản tin này ra để thiên hạ tiện bề so sánh với bản tin kia của đài Veritas mà thấy tính ưu việt của bản tin đài Veritas! Nhưng đọc kỹ lại bản tin này hơn, Ban Tôn giáo hẳn chỉ còn biết ngậm bồ hòn làm ngọt. Bản tin đài Veritas quả là… ưu việt; vừa cho tin chính xác và đầy đủ hơn, vừa mang tính chất phê phán đích đáng hơn tuy chỉ một cách gián tiếp bằng các sự việc. Thâm và thấm hơn!
Phải nhờ bản tin này, người ta mới được biết “Ban Tôn giáo đã yêu cầu các giám mục đừng bàn gì về vấn đề giám mục kế vị ở Tp. HCM, cứ để Nhà nước và Tòa thánh bàn về vấn đề này”.
Từ lời phát biểu của Đức cha Nguyễn Minh Nhật khi đến thăm Tổng bí thư Đỗ Mười, đài Veritas chỉ ghi nhận chỗ duy nhất đáng ghi nhận. Nhân dịp này Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam nhắc lại một câu đầy ý nghĩa của ông Tổng bí thư phát biểu ngày 17/8 năm nay (1994) tại Hội trường Ba Đình: “Tín ngưỡng là một nhu cầu tinh thần của nhân dân… Không can thiệp vào công việc nội bộ các tôn giáo…”.
Về buổi đến thăm Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng vậy: “Nhân dịp này, Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đã khẳng định rằng: ‘Chúng tôi tin vào thiện chí sáng suốt và chân tình của vị lãnh đạo Nhà nước. Là người dân Đất Việt, ai cũng tự hào về dòng máu bất khuất, khẳng khái lưu chuyển từ cha ông đến con cháu. Là người Việt Nam công giáo, ai cũng muốn niềm tin phải được sống và được biểu lộ trong cuộc sống bất khuất, tự do, thoải mái không bị hạn hẹp’.”
Thế đấy, “Ban Tôn giáo (chứ không phải Tòa Thánh) đã yêu cầu các giám mục đừng bàn gì…”, nguyên sự việc này là gì nếu không phải là “nhúng cả hai tay vào sinh hoạt nội bộ của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam”? Còn các giám mục lại khẳng định niềm “tự hào về dòng máu bất khuất, khẳng khái chuyển từ cha ông” thì đặc biệt đối người công giáo Việt Nam còn có ý nghĩa là từ… các thánh tử đạo Việt Nam!
Bản tin của đài Veritas về Tuyên ngôn của Ủy ban Giám mục Hoa Kỳ về chính sách quốc tế là một quả bồ hòn khác.
“Ngày 15/9 vừa qua, các giám mục Hoa Kỳ đã công bố Tuyên ngôn kêu gọi chính quyền Việt Nam nới rộng tự do thực hành tôn giáo cho các tín hữu thuộc tất cả mọi tôn giáo trong nước, đồng thời khẳng định rằng tự do tôn giáo phải tiếp tục là tiêu chuẩn chủ yếu trong việc cải thiện các mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Tuyên ngôn mang chữ ký của Đức cha Daniel Branly, giám mục giáo phận Novia, bang Connecticut, kiêm chủ tịch Ủy ban Giám mục Hoa Kỳ về chính sách quốc tế và được công bố nhân danh Hội đồng Công giáo Hoa Kỳ. Qua đó Đức cha Branly nhìn nhận có một số tiến bộ trong tự do tôn giáo ở Việt Nam sau những hạn chế ngặt nghèo. Tuy nhiên cho đến nay Giáo hội Công giáo Việt Nam vẫn còn thiếu tự do hoạt động. Nhà nước xen mình vào nội bộ nhất là trong việc chiêu sinh tại các chủng viện, việc thuyên chuyển các linh mục và việc bổ nhiệm giám mục vào các hoạt động mục vụ khác”.
Đài Veritas đọc nguyên văn bản Tuyên ngôn. Ở đây chỉ ghi lại một số đoạn tiêu biểu:
“Ngày 3/2 năm nay, Tổng thống Bill Clinton đã chấm dứt lệnh cấm vận của Hoa Kỳ đối với Việt Nam (…) Trong lúc chúng tôi chào mừng sự thay đổi chính sác trên đây thì từ phía Chính phủ chúng tôi, chúng tôi cũng muốn nhận xét về những lãnh vực mà chúng tôi đặc biệt quan tâm đối với Việt Nam, nhất là vấn đề tự do tôn giáo tại nước này và số phận của hàng ngàn người tị nạn chưa được giải quyết (…)”.
“Tuyên ngôn của giám mục Hoa Kỳ (Tuyên ngôn mục vụ công bố năm 1989) ghi nhận rằng người ta ít lưu ý đến vấn đề quyền tự do tôn giáo của dân tộc Việt Nam và đặc biệt vấn đề Giáo hội Công giáo không được tự do hoạt động (…) ví dụ như thái độ thù nghịch của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với tín ngưỡng tôn giáo và việc hành đạo đã trở nên ngặt nghèo hết sức ngay những năm sau khi chiến tranh kết thúc. Theo nhận định chung thì tình trạng hiện nay tuy không được khả quan nhưng có thể cho thấy về việc cải thiện so với trước đây.” Phái đoàn Hồng y Etchegaray năm 1991. 21 giám mục Việt Nam đi viếng ‘ad limina’ cuối năm 1990. Phái đoàn Đức ông Claudio Celli năm 1992 và năm 1993. Tổng giám mục Hà Nội và vài giám mục khác được bổ nhiệm. Nhưng “Chính phủ Việt Nam vẫn còn xen vào nội bộ Giáo hội ở một mức độ không thể chấp nhận được. Như Đức ông Celli đã tuyên bố, mặc dù Tòa thánh chấp nhận đòi hỏi của Nhà nước, nhưng Tòa thánh tiếp tục lặp lại ước muốn được tự do bổ nhiệm giám mục. vả lại các văn kiện quốc tế về tự do tôn giáo khẳng định rằng các tôn giáo  đều có quyền tự do bổ nhiệm các chức sắc của mình. (…) Việc hành đạo vẫn bị giới hạn nghiêm ngặt. Các mối quan tâm về tự do tôn giáo bắt đầu từ chính tại gia đình đức tin của chúng tôi. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó. Các vụ đàn áp tôn giáo mới đây đánh thẳng vào các thành phần của Giáo hội Phật giáo Thống nhất và phong trào Giáo hội tại gia của Tin lành. Những vụ đàn áp trên đáng bị phản đối giống như những hạn chế và Nhà nước Việt Nam áp đặt cho Giáo hội Công giáo. Sự việc Chính quyền Việt nam tìm cách can thiệp vào đời sống nội bộ của các tôn giáo đều không thể chấp nhận được. Đối với Giáo hội Công giáo, Chính phủ không có chức năng để chấp thuận hay không chấp thuận các ứng viên tiến lên chức linh mục. Nhà nước cũng không có nhiệm vụ hạn chế quyền tự do của các giám mục trong việc bổ nhiệm các cha sở hoặc thuyên chuyển các linh mục. Chính phủ cũng không được hạn chế quyền tự do đi lại trong các giáo phận liên hệ của các giáo sĩ để thi hành nhiệm vụ. Chỉ có Giáo hội mới có quyền điều hành công việc của mình, bổ nhiệm các giám mục, truyền chức linh mục mà không bị chính quyền xen mình vào. Đây là các vấn đề được các giám mục Việt Nam trình bày trong kiến nghị gởi chính phủ Việt Nam hồi tháng 10 năm 1993. Các giám mục (cũng) yêu cầu chính quyền (…) cho những người công giáo được tự do góp phần vào công tác giáo dục thanh thiếu niên qua việc mở trường, cho Giáo hội được tự do duy trì công việc xuất bản” vv…
Trước một bản tin của đài Vatican như trên, Ban Tôn giáo của chính phủ Việt Nam đã không có thư phản đối, phàn nàn gì cả đài Vatican lẫn Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ. Không thể bảo bản tin và Tuyên ngôn trên là thô bạo, hằn học, thiếu văn hóa thì cũng khó bề kêu lên là “bị xuyên tạc” chăng? Bèn lại ngậm bồ hòn làm ngọt?
Nhưng vấn đề không ở chỗ ngậm hay không ngậm bồ hòn. Vấn đề là cái gốc sinh ra bồ hòn, là một thực trạng – tệ nạn về tự do dân chủ nói chung và tự do tôn giáo nói riêng. Không vì người ta có một lời xin lỗi mà lại cứ mãi lờ đi việc “ta” cần sửa lỗi, sửa sai.
Sám hối và đổi mới thực sự!

                                                                                    Chân Tín & Nguyễn Ngọc Lan
                                                                                                (Tin Nhà số 17 – 1994)
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét