LTCGVN (24.12.2012)
Sàigòn - Sau ba năm quản thúc cha Têphanô Chân Tín tại huyện Cần Giờ, chính quyền đã phải trả tự do cho ngài cách vô điều kiện. Từ đây, cha Chân Tín tiếp tục con đường mà ngài vẫn luôn kiên định lựa chọn là lên tiếng bảo vệ quyền con người lúc nghịch cũng như lúc thuận. Bắt đầu từ hôm nay, VRNs xin giới thiệu với các bạn một số trang viết, cũng như một số cuộc trả lời phỏng vấn của ngài với các hãng tin sau khi ngài được thả tự do.
Lời nói đầu
Linh mục Chân Tín
Được trả tự do vô điều kiện
Ngày 12/5/1993 tức bốn ngày trước khi mãn hạn 3 năm lưu đày và quản thúc tại Cần Giờ, linh mục Chân Tín đã trở về nhà Dòng Chúa Cứu Thế, đường Kỳ Đồng tại Tp HCM, nơi thường trú của ông.
Ngày 11/5/1993 nghe tin anh ruột là linh mục Nguyễn Văn Cơ ở Nha Trang đau nặng, linh mục Chân Tín yêu cầu Công an huyện cho phép đi thăm anh. Sáng ngày 12/5, hồi 10 giờ, linh mục Nguyễn Văn Cơ từ trần.
Trưa ngày 12/5, khoảng 14 giờ, Công an Thành phố Sài Gòn xuống Cần Giờ. Chân Tín được mời tới trụ sở Ủy ban Nhanh6 dân huyện. trước sự có mặt đầy đủ của cơ quan hữu trách địa phương, Công an Thành phố đã đọc quyết định trả tự do vô điều kiện cho linh mục Chân Tín.
Cùng lúc đó đại diện Mặt trận Tp HCM tới nhà Dòng Chúa Cứu Thế đường Kỳ Đồng thông báo cho cha Giám tỉnh biết linh mục Chân Tín sắp trở lại tu viện tiếp tục hành đạo như cũ.
Chân Tín hỏi về Nguyễn Ngọc Lan, Công an trả lời: Nguyễn Ngọc Lan rồi cũng thế thôi.
Ngay chiều 12/5 linh mục Chân Tín về Sài Gòn để sửa soạn đi đám tang linh mục Nguyễn Văn Cơ.
Việc trả tự do cho linh mục Chân Tín và nay mai cho Giáo sư Nguyễn Ngọc Lan là điều tất yếu, nhưng trả tự do vô điều kiện là điều đáng chú ý.
Trong ba năm qua rất nhiều cơ quan quốc tế, nhiều nhà văn hóa, nhân vật chính trị, cơ quan truyền thông đã lên tiếng về vụ Chân Tín/Nguyễn Ngọc Lan. Hai ông đã tuân hành pháp luật như người ta tuân hành đèn xanh đèn đỏ theo kiểu nói của Nguyễn Ngọc Lan. Nghĩa là khi bị dí súng vào gáy thì giơ hai tay. Nhưng điều mình nghĩ cứ nghĩ, điều phải nói cứ nói. Hai cuốn Nhật ký của Nguyễn Ngọc Lan là Hồ sơ Chân Tín đã được xuất bản tại ngoại quốc chứng tỏ không quyền lực nào xích nổi tự do khi con người dứt khoát sống tự do. Chỉ riêng hai lá thư của Chân Tín viết vào cuối nam9 1992 và in trong Hồ sơ Chân Tín lên án chính quyền độc tài cách nặng nề, cũng đã đủ để người ta gia hạn quản thúc lưu đày cho hai ông, hoặc cùng lắm, trả tự do với đủ mọi thứ hạn chế, cấm cố, đe dọa (Các linh mục đi học tập cải tạo về thường không được thi hành chức vụ linh mục).
Nhưng chính quyền thừa biết có làm tới cũng chẳng đi tới đâu. Đứng về quan điểm của chính quyền độc tài, biện pháp xử lý hành chánh với hai ông ngày 16/5/1990 đã là một sai lầm tai hại cho chính họ. Người trực tiếp trách nhiệm sai lầm đó là ông Mai Chí Thọ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Mai Chí Thọ muốn bịt miệng hai ông bằng cách lớn tiếng thị oai. Mấy chục công an cùng một lúc ập vào phòng Chân Tín đường Kỳ Đồng và nhà Giáo sư Nguyễn Ngọc Lan, đường Tân Phước, lục soát, tịch thu tài liệu, đọc lệnh quản chế Nguyễn Ngọc Lan, trục xuất Chân Tín, vì những tội như “xâm phạm an ninh quốc gia… đi ngược lại lợi ích của Giáo hội, của Đất nước và Nhân dân, gây chia rẽ giữa Tôn giáo và Nhà nước, gây chia rẽ trong nội bộ Giáo hội, kích động chống đối chế độ xã hội chủ nghĩa và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam” (SGGP, 17/5/1990); “tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt… đả kích đường lối Giáo hội Việt Nam, đả kích Đức Tổng giám mục, đả kích Ủy ban Đoàn kết Công giáo Yêu nước… gây chia rẽ trong Giáo hội, chia rẽ tín đồ, giáo sĩ với Nhân dân và Chính quyền” (báo Công an 23/5/1990); “chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa, gây chia rẽ trong nội bộ tôn giáo, phá hoại đoàn kết giữa đạo và đời, biên cấp tài liệu cho nước ngoài để sử dụng với mục đích chống phá chính quyền nhân dân”, “tựu trung là tội chống độc tài và kích động giáo dân đòi nhân quyền và dân quyền.” (Tuổi trẻ, 17/5/1990).
Thay vì lén lút và bí mật như thường lệ, Nhà nước xã hội chủ nghĩa lại loan tin rộng rãi trên báo, trên đài, tổ chức học tập cho giới công giáo, giới báo chí. Cả một chiến địch khủng bố và đe dọa.
Nhưng không may cho Đảng và Nhà nước, hai ông chẳng hề thay đổi thái độ. Trước 1975, qua nguyệt san Đối Diện, với Ủy ban đòi cải thiện chế độ lao tù, hai ông đã tranh đấu cho tự do, cho phẩm giá con người. Sau 1975, cũng vẫn tiếp tục con đường đó. Ngay báo Công an (23/5/1990) cũng công nhận: “Ông Chân Tín (tức linh mục Chân Tín) đã bắt đầu có những hoạt động sai trái, chống chính quyền cách mạng từ lâu”. Vì từ rất lâu, cái gọi là chính quyền cách mạng đã chống lại quyền lợi dân tộc và quyền lợi con người. Ngày nay không ai chối cãi điều đó. Nếu từ ba năm nay, qua 150 lần trình diện Công an, ông Nguyễn Ngọc Lan luôn luôn từ chối trả lời, từ chối làm bản báo cáo, từ chối xin phép, kể cả xin phép đi lễ, nếu linh mục Chân Tín cứ từ khước hết mọi thứ khoan hồng mà chính quyền kín đáo đề nghị; nếu hai ông tiếp tục gửi tài liệu ra nước ngoài, không phải vì hai ông quá khích, nhưng vì nhân quyền không thể là đồ bố thí, cũng không chỉ là một đòi hỏi của người dân đối với chính quyền mà còn là bổn phận mỗi người phải thực hiện nơi chính bản thân mình.
Thiết tưởng nếu Chính quyền trả tự do vô điều kiện cho hai ông, có thể vì lúc này thế cô đường cùng, lại đương bối rối với vụ đấu tranh Phật giáo, với những Nguyễn Đan Quế, những Đoàn Viết Hoạt, cũng muốn yên với hai ông ấy cho xong. Cũng có thể vì nạt nộ kiểu Mai Chí Thọ quá lố bịch và lỗi thời, nên ra mặt xử huề để rồi nay mai tìm biện pháp khác hòng vô hiệu hóa tiếng nói của hai ông. Cũng có thể lạc quan nghĩ rằng một cách nào đó Chính quyền gián tiếp chấp nhận quyền ăn nói của hai ông vì hai ông không thể không sử dụng quyền công dân của mình, trước hết là quyền tự do ngôn luận mà hai ông ngang nhiên sử dụng ngay khi bị quản thúc.
Có thể lạc quan hơn nữa không? Có thể suy diễn rằng đây là một dấu chỉ của thái độ mà Chân Tín gọi là sám hối: Chính quyền đã hé mắt và bắt đầu một bước nhỏ trên con đường dẫn tới dân chủ. Thường nghe: Đã là người Việt Nam ai không yêu nước! Ba năm qua có rất nhiều cán bộ, đảng viên tới thăm hỏi và tiếp tế cho Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan. Sự kiện ấy gợi lên một hướng đi cho dân tộc. những người thiên tâm cần đối diện và nhận diện, cố gắng vượt qua khoảng cách giữa người và mình, cùng nhau loại trừ chủ nghĩa khai trừ, thiết lập những điều kiện căn bản cho đối thoại. Hãy cứ lạc quan và mơ rằng những kẻ đương dùng quyền lực đè nén dân tộc vẫn chưa mất hết thiện tâm, họ cũng đương tìm cách trả tự do vô điều kiện cho những người như Đoàn Viết Hoạt, Nguyễn Đan Quế, Ngô Văn Ân, Thích Trí Siêu, Thích Tuệ Sĩ, Trần Đình Thủ, Đoàn Thanh Liêm..., những người con yêu quý của quê hương đang bị tước đoạt tự do vì tranh đấu cho tự do. Và muốn cho mơ ước đó không hảo huyền chỉ còn một cách là tranh đấu cho nó trở thành hiện thực.
Chân TÍn được trả tự do bốn ngày trước khi mãn hạn để đi đám tang người anh độc nhất của ông năm nay đã 78 tuổi và tuy sức yếu, trong ba năm qua, vẫn lần mò từ Nha Trang tới xứ Cần Thạnh thăm ông em. Ba năm tù đày quản thúc, để bước đầu của con người tự do, ngoài xứ Cần Thạnh, lại dẫn thẳng tới thi hài người quá cố.
Trong khi theo quan tài tiễn đưa anh về Nước Trời, Chân Tín sẽ nghĩ gì trước cuộc đời phù phiếm, trước những mất mát khổ đau của dân tộc này? Một nấm mồ nữa bên cạnh bao nhiêu nấm mồ cá nhân, tập thể? Những dòng nước mắt nào cho bao nhiêu hy vọng chôn vùi? Một tấm lòng nào cho ngày hôm nay tan rã? Một tia sáng này cho tương lai đang thai nghén trong xô bồ, bất trắc, bất công và áp bức?
Có những lúc nên quên đi chính trị, quên đi quốc gia, quên đi dân tộc, quên mình, quên người cho lòng lắng xuống, lắng xuống, tận nơi sâu thẳm của tâm hồn, của lòng đất, của đáy trời để tìm về cội nguồn và, trong lời nguyện cầu im lặng, thắp lên một niềm TIN.
Tin Nhà
Paris, 13/5/1993
Nguồn: VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét