Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Kiến thức tâm linh trong đô thị hiện đại: Bản Giao Hưởng và nốt lặng

LTCGVN (28.12.2012)

KIẾN THỨC TÂM LINH TRONG ĐÔ THỊ HIỆN ĐẠI:
BẢN GIAO HƯỞNG VÀ NỐT LẶNG

Có người không tin vào những điều thuộc về tâm linh, nhưng khi đứng trước bàn thờ cha mẹ, ông bà, họ vẫn khấn vái rất thành kính: “Con xin cha mẹ, ông bà phù hộ cho con…” Dù tin hay không tin, họ vẫn có một điều cầu mong nào đó, một điều gởi gắm nào đó vào thế giới tâm linh. Có thể nói tâm linh cũng là một nhu cầu đích thực của con người từ xưa đến nay. Cuộc sống dù có sung túc, đầy đủ và hạnh phúc đến đâu chăng nữa thì cũng có lúc con người cảm thấy chơi vơi ở chốn trần gian. Những lúc đó, người ta cần một điểm tựa, một niềm tin, cần gửi gắm một điều gì đó vào cõi thiêng liêng.
 Thế giới dù có văn minh, tiến bộ đến đâu chăng nữa vẫn có những điều không thể giải thích được bằng trí tuệ thì chỉ có thể lý giải bằng trực cảm hay niềm tin. Nhân loại dù có hiền hòa và tiến tiến bộ mấy đi nữa thì cái thiện và cái ác vẫn tồn tại. Lòng người thường hướng về cái thiện. Phật, Chúa, Thánh Thần sẽ giúp cho con người xua đi cái Ác từ trong chính mình để tìm đến cái Thiện. Đó là lý do người ta tìm đến thế giới tâm linh.
Trong ngôi nhà của người Việt bao giờ cũng có một góc trang trọng để đặt bàn thờ quanh năm hương khói cho những người đã khuất hay một bàn thờ có đặt một tượng Phật Bà Quan Âm, một tượng Chúa, một cây Thánh Giá hay một ảnh một vị Thánh Thần nào đó. Góc tâm linh ấy rất là thiêng liêng. Ngôi nhà đã như vậy thì dĩ nhiên trong một cộng đồng cũng phải có một chốn hay một nơi để người đời hướng về cõi tâm linh. Những ngôi Đền, ngôi Chùa, Nhà Thờ… chính là nơi đáp ứng nhu cầu tâm linh đó của con người. Đấy chính là những kiến trúc tâm linh.

Với những lý do như vậy, vì sao không thể coi kiến trúc tâm linh như một yếu tố cấu thành của một quần thể kiến trúc phục vụ con người ? Làng xã truyền thống Việt Nam bao giờ cũng có nhà, chợ, đình và Chùa. Nhà là nơi cú trú và làm ăn sinh sống; chợ là nơi giao thương; đình là nơi sinh hoạt cộng đồng, Chùa hay Nhà Thờ là nơi hướng về cõi tâm linh.
Khi người Pháp sang cai trị nước ta và mở mang các đô thị, những kiến trúc đầu tiên đầu tiên họ xây dựng tòa thị chính, tòa án, sở thuế và Nhà Thờ. Nhà Thờ bao giờ cũng được đặt ở một vị trí đắc địa nhất và có khi còn được xây dựng sớm hơn những công trình khác. Có ý kiến cho rằng họ làm như vậy là để ru ngủ lòng dân, tiện bề cho việc cai trị. Trong lịch sử tôn giáo luôn bị chính trị lợi dụng, gây ra biết bao nhiễu nhương, thậm chí hiện nay người ta còn “thị trường hóa” tôn giáo để có lợi nhuận. Đó là mặt trái, còn mặt tích cực của nó chính là lòng tin, tín ngưỡng khát vọng rất chính đáng của con người. Con người không thể thiếu đời sống tâm linh cũng như nông thôn hay các đô thị không thể thiếu những công trình kiến trúc tâm linh.
Ấy thế mà trong các quy hoạch xây dựng đô thị hay nông thôn, chẳng mấy ai đề cập đến vấn đề này. Chỉ khi các Giáo Hội xin xây dựng một ngôi Chùa hay một Nhà Thờ thì người ta mới quan tâm đến vấn đề và khi ấy, những ngôi Chùa hay Nhà Thờ rất có thể sẽ được xây cất ở những vị trí không thật sự phù hợp với quy hoạch chung.
Nhà Nuớc tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và số lượng Chùa Chiền, Nhà Thờ cũng ngày càng nhiều, chiếm một diện tích đất đai không nhỏ, đặt ra những vấn đề về quy hoạch và kiến trúc. Tôi có đến một ngôi Nhà Thờ nhỏ nằm trong ngóc ngách ở Quận 3, Thành phố Sàigòn. Giáo Dân đông quá, phải ngồi ra cả trước cái sân xi măng chật hẹp khi hành Lễ. Cha Chánh Xứ phải xin mở rộng Nhà Thờ. Nhà thì có thể rộng ra đôi chút, nhưng lỡ có cháy nổ thì làm sao hàng trăm con người có thể thoát ra khỏi con hẻm ngoằn ngoèo, ngóc ngách ấy !
Tôi có gặp một nhà sư, ông bảo Giáo Hội có mua một miếng đất gần 1ha và xin xây Chùa thì cơ quan quản lý quy hoạch trả lời: “Khu vực thuộc quy hoạch khu dân cư, không thể xây Chùa”. Không biết bây giờ các cơ quan chức năng mới coi kiến trúc tâm linh cũng là một phần trong quy hoạch khu dân cư ?
Chính vì cơ quan chức năng không quan tâm trong khi nhu cầu xã hội vẫn luôn phát triển nên giờ đây chúng ta xây rất nhiều Chùa Chiền, Nhà Thờ được cơi nới, mở rộng hoặc xây dựng lại và lên tầng. Công trình kiến trúc tôn giáo trước đây bao giờ cũng có một khuôn viên rộng lớn, có sân vườn, cây xanh, hồ nước… nhưng giờ đây đã bị xây lấn hết. Khái niệm “cảnh chùa” ngày xưa đã dần phôi phai. Bây giờ có “Chùa mặt tiền”, “Nhà Thờ mặt tiền”. “Nhà mặt tiền” thì còn có giá, chứ “Nhà Thờ mặt tiền”, “Chùa mặt tiền” mỗi khi tan lễ, Giáo Dân hay Phật Tử tràn ra đường thì điều gì sẽ xảy ra ? Rồi Nhà Thờ lên tầng chẳng khác nào cao ốc văn phòng cũng là điều rất mới mẻ.
Tâm linh và lễ hội thường đi kèm với nhau. Rằm tháng giêng, lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, lễ Giáng Sinh… đã trở thành những ngày lễ hội của cộng đồng. Cơ quan chức năng có tính đến tắc nghẽn giao thông và những sự cố có thể xảy ra như vụ sập cầu ở Campuchia ? Những công trình kiến trúc tôn giáo thường được xây dựng với tất cả tâm huyết và tài lực nên bao giờ cũng là những công trình kiến trúc đẹp nhất, kiên cố nhất, góp phần quan trọng vào bộ mặt cảnh quan đô thị, trong đó không ít công trình đã trở thành di sản vật thể của quốc gia và là niềm tự hào của các dân tộc.
Những Chùa Chiền, Nhà Thờ thường được xây dựng rất đồ sộ, rất bề thế bởi vì người đời cho rằng chỉ có những công trình đồ sộ như thế mới xứng với những đấng thiêng liêng như Chúa, Phật, Thánh Thần. Vào những nơi ấy, con người cảm thấy mình nhỏ bé đi rất nhiều. Tôi đã vào Nhà Thờ Family ở Barcelona ( Tây Ban Nha ) và có cảm giác ấy. Ở Ấn Độ, Trung Quốc, Myanmar, Campuchia, Đền Chùa đều rất đồ sộ. Có lẽ người ta xây Chùa Bái Đính lớn nhất Đông Nam Á cũng với ý tưởng đó.
Nhưng tôi nghĩ người Việt có quan niệm hơi khác: Phật hay Thánh Thần rất gần gũi với người đời; dường như các đấng thiêng liêng đang ở đâu đấy quanh ta và họ đâu cần ở trong những ngôi Đền hay Chùa quá đồ sộ và quá xa lạ. Những ngôi Chùa ở Việt Nam nhỏ bé và gần gũi với con người, gần gũi với thiên nhiên hơn, nhưng vẫn được người đời hết sức trân trọng, được xây dựng với tất cả tâm huyết và được chăm chút từ những hình khối, những đường nét rất tinh tế như Chùa Một Cột, Chùa Keo và bao giờ cũng ở những vị trí đắc địa nhất như trên đỉnh đồi, giữa hồ nước mênh mang hay giữa một vườn cây xanh thẳm.
Giờ đây, công trình kiến trúc tôn giáo mọc lên khắp nơi. Nếu thờ Phật hay thờ một người có công với nước thì người ta thường nhại lại kiến trúc của một ngôi Chùa cổ. Điều n  ày có thể hợp lý nếu nó tạo được sự tương phản thích hợp giữa cổ kính với hiện đại, còn nếu không thì chỉ là một sự mô phỏng khập khiễng, lạc lõng. Nhà Thờ vẫn còn giữ dáng dấp của Nhà Thờ xưa, nhưng giờ đây người ta cũng cải tiến đôi chút, không còn mái cong vút, không còn hàng cột gỗ dày như xưa, bề mặt cũng đưa vào những lớp kính bóng loáng cũng giống như xung quanh tượng Phật Bà Quan Âm là ánh hào quang điện rực rỡ.
Thời đại mới có công nghệ mới, vật liệu mới, lối sống của con người cũng đã có nhiều thay đổi và dĩ nhiên kiến trúc tôn giáo cũng sẽ có những đổi thay, từ đầu thế kỷ 20 trở về trước, nhà thờ ở phương Tây về cơ bản vẫn theo phong cách kiến trúc Gothic, nhưng hình như từ khi Le Corbusier cho ra đời Nhà Thờ Ronchamp, kiến trúc Nhà Thờ đã đa dạng và phong phú hơn rất nhiều.
Suy cho cùng, Chùa hay Nhà Thờ là nơi con người đến để tĩnh tâm, để tâm hồn lắng đọng và cầu mong điều gì đó, nên dù có hình thức kiến trúc nào, miễn là đạt được các yêu cầu trên vẫn được coi là kiến trúc tâm linh thật sự. Kiến trúc sư Tado Andao chỉ để một cây Thánh Giá trên một mặt nước yên tĩnh mà người ngoại đạo cũng thấy đây là một chốn rất linh thiêng. Kiến trúc tâm linh là như thế và chỉ cần như thế.
Công trình kiến trúc tâm linh tốt nhất không phải chỉ là một công trình kiến trúc hoàn chỉnh, mà phải là một không gian kiến trúc – cảnh quan hoàn chỉnh. Ngoài công trình chính, còn phải có sân vườn, cây xanh, mặt nước, các tác phẩm điêu khắc và các kiến trúc phụ khác. Một cổng chùa đẹp và uy nghi, một ngôi nhà trống nhẹ nhàng, thanh thoát để vọng cảnh, một ao sen với những hoa sen bập bềnh ngát hương… sẽ làm cho không gian tâm linh sâu lắng hơn, bay bổng hơn. Đây là một tổ hợp kiến trúc cảnh quan hài hòa được tạo nên từ cái nền thiên nhiên, kết hợp vời sự cảm nhận cái đẹp và sự tôn kính của con người.
Chính vì thế, không có ngôi Chùa nào giống ngôi Chùa nào, nghĩa là kiến trúc tâm linh không có một khuôn mẫu nhất định. Chùa ở Ấn Độ khác với Chùa ở Trung Quốc, Chùa ở Việt Nam khác với Chùa ở Thái Lan. Chùa ở Nhật Bản thường là ngôi Chùa nhỏ, nhưng không gian Chùa rất rộng lớn. Nhà Thờ có vẻ khuôn mẫu hơn, nhưng Nhà Thờ Phát Diệm của Giáo Dân Công Giáo cũng đã có rất nhiều khác biệt.
Sự khác biệt ấy có thể được tạo nên từ những hình khối, đường nét kiến trúc khác nhau, nhưng có lẽ chỉ có cảnh quan bên ngoài mới tạo nên sự khác biệt rõ nét nhất. Không gian cảnh quan Chùa, Nhà Thờ cũng giống như một không gian tĩnh. Đến công viên tĩnh, người ta có thể thư giãn, hít thở không khí trong lành, tìm lại được sự thanh thản và cân bằng lại sống. Đến không gian Chùa hay Nhà Thờ, người ta cũng có được những điều đó và hơn thế nữa, sẽ được tĩnh tâm, tâm hồn sẽ lắng đọng và tìm thấy sự bình yên giống như bản giao hưởng sau khi lên đến cao trào là những nốt lặng làm cho người nghe cảm nhận tất cả những gì nó thể hiện. Công viên tĩnh và nhất là không gian Chùa, không gian Nhà Thờ chính là những nốt lặng trong bản giao hưởng đô thị. Đô thị càng hiện đại càng rất cần những nốt lặng đó.
Kts. LƯU TRỌNG HẢI, từ tạp chí Kiến Thức Ngày Nay
 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét